Monday, October 3, 2016

Họa sĩ Trần Duy, cựu Thư ký toà soạn báo Nhân Văn nói về Nhân Văn Giai Phẩm – (phần 4)

pic
Thụy Khuê
Sau Nhân Văn

– Thụy Khuê: Thưa bác, sau khi Nhân Văn bị đóng cửa thì tình hình sinh hoạt của bác như thế nào? Bác đã làm gì để sinh sống và có nhận được trợ cấp gì không?

– Trần Duy: Sau thời kỳ Nhân Văn thì tôi cũng khổ sở vì con cái, vợ con, cũng có những mâu thuẫn trong gia đình và khi đó tôi thấy trước mắt tôi, ví dụ anh Văn Cao thì buồn đi uống rượu, anh Đặng Đình Hưng buồn, uống rượu, Trần Dần buồn, đi uống rượu, Phùng Quán, trẻ con như thế mà cũng uống rượu, thì tôi cũng sợ. Bây giờ mình không tìm ra được một lối đi, thì phải có một cái dung hòa, vì thế tôi viết thư cho anh Đồng, tôi bảo tình hình như thế, tôi không được vẽ mà không biết vẽ như thế nào. Ông Đồng có viết vào đơn của tôi, gửi về cho ban Tuyên Giáo. Một hôm, tôi được ông Võ Hồng Cương, trưởng ban Tuyên Giáo của Bộ hay gì đó, anh ấy ở Lý Thường Kiệt, gọi tôi đến. Tôi đến, thì anh ấy nằm trên võng, biết tôi đến cũng không ngồi dậy chào, vẫn nằm, hỏi tôi rằng: “Ai cho cậu viết đơn lên Phủ Thủ Tướng?” Tôi bảo: “Chẳng ai cho phép tôi cả, đấy là vấn đề tôi kêu, vì tôi không được làm việc, không được sinh hoạt, hiện nay tôi không có một trợ cấp gì cả thì tôi viết thư hỏi thủ tướng rằng tình hình của tôi là gì, chứ tôi không có tư tình gì với Thủ tướng cả, tôi có viết thư nói là tình hình hiện nay của tôi rất khổ cực, tôi là họa sĩ, tôi theo đảng như thế, tôi đánh trường bay Gia Lâm như thế… mà hiện nay tình hình không ra sao cả.”

Thì ông Đồng viết thư cho ban Tuyên Giáo là nên giải quyết, ban Tuyên Giáo giới thiệu tôi với anh, thì tôi đến anh thôi. Ông ấy hỏi: “Bây giờ cậu còn vẽ được không? Cần vẽ thì có vẽ được không?” Tôi bảo: “Từ xưa đến giờ có bao giờ tôi bỏ vẽ đâu mà tôi không vẽ được”. – “Thế cho cậu về với Nguyễn Bắc ở Sở Văn Hóa được không?” – “Tôi bây giờ cần làm việc chứ chẳng cần biết ở đâu cả.” – “Thế bây giờ lương cậu thế nào?” – “Tôi không có lương. Hiện nay, tôi, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Tử Phác, bốn anh em có lĩnh một trợ cấp gọi là trợ cấp đặc biệt của ban Tuyên Giáo, mỗi tháng lúc bấy giờ độ 5 đồng mấy, 6 đồng gì đó. Đấy là khoản chi tiêu đặc biệt không nằm trong ngân quỹ nào cả. Sổ đó hàng tháng, hàng năm, bốn năm người như chúng tôi đến ký nhận, cái đó gọi là tài khoản đặc biệt của ban Tuyên Giáo Trung Uơng chứ tôi không có lương, không có gì cả”. Ông ấy bảo: “Được rồi, cậu về đây có lương tử tế”. Khi đó họ cho tôi lương như cán sự 3, cán sự 4 gì đó, cái thứ cán bộ xã. Tôi bảo thôi được rồi, miễn là tôi có lương là được rồi.

– Thụy Khuê: Thưa bác, như vậy công việc Sở Văn Hóa giao cho bác là phải làm gì? Bác có được vẽ hay phải làm việc khác?

– Trần Duy: Thì khi đó là đang mở một cái công ty mỹ thuật, nó cũng là hoàn cảnh cho tôi để tôi làm affiche, làm đồ họa. Làm đồ họa thì có cái nguy hiểm là anh vẽ quảng cáo cho một công ty, như thế là hội họa phải chạy theo khách hàng, hôm nay yêu cầu vẽ cái này, mai cái kia, một ngày phải làm bao nhiêu affiche theo số nhận của ban chủ nhiệm. Tôi phản đối, tôi bảo nếu hội họa mà bắt tôi sản xuất như máy thì tôi không vẽ được. Tôi có thể vẽ phục vụ chính trị nhưng phục vụ theo chiều hướng đặt đâu vẽ đấy thì tôi không vẽ nổi. Đại khái như thế rồi cuối cùng tôi cũng thôi. Còn một chuyện này nữa: Khi tôi vẽ, thì một hôm tôi cũng nghịch thôi, vẽ một affiche rồi dưới tôi ký TZ, thì khi đưa lên tất cả mọi người xôn xao rằng có thể Trần Duy vẽ cái này chăng? Mấy hôm sau, Hội cử người lên gặp ban chủ nhiệm, đề nghị xóa chữ TZ đi; thì anh Thân Trọng Sự, phụ trách, anh ấy bảo rằng người ta vẽ ký ở một góc như thế… Vẽ affiche quảng cáo không cần tên người ký. Anh Sự nói với tôi: “Thôi đừng ký nó lôi thôi ra cho cậu, cho công ty”. Từ ngày đó tôi biết là tôi không thể làm được việc gì cả rồi và khi tôi về thì cũng không có lương gì nữa.

– Thụy Khuê: Vậy làm sao bác xoay sở để sinh sống được, bác phải làm nghề gì để sống?

– Trần Duy: Thế thì, một hôm bên công an gọi tôi: “Theo ý anh thì bây giờ anh cần gì?” Người hỏi là ông Dương Thông. Tôi bảo: “Tôi không cần gì cả, cho tôi vẽ thôi”. Ông Dương Thông bảo: “Tưởng yêu cầu cái gì chứ việc ấy thì dễ. Anh cần vẽ thì anh cần như thế nào?” – “Tôi chỉ cần được vẽ và người ta sử dụng cái vẽ của tôi”.

Khi đó có Trần Việt Châu, nguyên là công an nhưng bị huyền chức gì đó, cũng mở phòng bán tranh, tôi dựa vào tay này. Tay này bảo tôi rằng: “Anh ký tên khác đi, đừng ký tên đó nữa”. Tôi mới lấy tên con gái tôi là Nhị Hà ký tất cả các tranh lụa nho nhỏ để bán, nhờ tên đó mà tôi sống được đến 5, 6 năm, bán cho những người ở Đông Âu, Nga, Tiệp Khắc, Bulgarie, Hongrie, Nam Tư, v.v… Bán được và người ta cũng mua nhiều tranh. Trong thời gian đó tôi sống nhờ cửa hàng tranh đó. Khi tôi bước vào học nghệ thuật, tôi không nghĩ rằng sau này tôi làm cái nghề, nó là divertissement (giải trí) muốn có cái gì cho vui, agrémenter (điểm trang) cuộc đời mình bằng nghệ thuật chứ không định kiếm ăn bằng nghề này. Cho nên điều đó với tôi vẫn thanh thản lắm cô Thụy Khuê ạ. Với tôi không có gì là ghê lắm, vì tôi không cho đấy là một nghề để sinh sống, nhưng đến bây giờ qua 40, 50 năm rồi, nhờ đó mà tôi sinh sống, tôi hiểu rằng chính nó là nồi cơm của tôi thật. Suốt trong thời kỳ đó, tôi đi triển lãm, vẽ bưu thiếp… tất cả là sinh sống bằng tranh thôi, ngoài ra không sinh sống được bằng cái gì khác. Nhưng tôi biết, tôi không làm giống các anh kia.

– Thụy Khuê: Bác không làm giống các anh kia có nghĩa làm sao ạ? Các anh kia làm gì và tình bạn của bác với họ còn nữa hay đã tan nát hết cả sau vụ Nhân Văn?

– Trần Duy: Nghiã là tôi không tự hủy mình bằng cách uống rượu, bê tha mà tôi phải cố gắng hết sức để tránh vì tôi biết những điều đó có thể đưa đến chỗ không hay. Ví dụ như các anh Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Phùng Quán,… các anh ấy buồn, uống rượu. Tôi không. Không làm việc đó. Tôi cũng không chơi với các anh ấy nữa, sau rồi thôi, việc ai người ấy làm, góc tôi tôi sống, không quan hệ gì nữa. Cho nên người ta cho rằng tôi rút lui trong một cái hũ hay trong hốc hang như con chuột nhưng mà sự thật ra thì tôi cũng không muốn cái gì trong cuộc đời tôi nữa. Khi đó -đối với tất cả- le traîte (kẻ phản bội) là tôi. Vì thế cho nên mọi người có thể là rất xa tôi, cũng không ai muốn gần tôi, ngay cả lãnh đạo cũng vậy, đến bây giờ người ta vẫn chưa hiểu tôi là cái gì và người ta cho tôi là một cái thằng bất khả, không chơi được. Mà tôi cũng thấy là không làm sao cả. Năm nay tôi cũng 90 tuổi rồi, không cần chứng minh, giải thích điều gì nữa cả.

– Thụy Khuê: Thưa bác, trong số những người bạn đồng hành của bác, có hai người mà bác còn giữ một cảm tình rất đặc biệt cho đến bây giờ, đó là Phan Khôi và Nguyễn Hữu Đang. Tại sao vậy?

– Trần Duy: Tôi có nói rằng: có hai người làm báo mà tôi phục nhất là Nguyễn Hữu Đang và Phan Khôi. Ông Phan Khôi khi tôi viết Tiếng Sáo Tiền Kiếp, thật ra là để chống cái chỉnh huấn, chống chuyện bắt mọi người từ bỏ dĩ vãng của mình, thì Tiếng Sáo Tiền Kiếp không khác hơn là cái reminiscence của con người, bây giờ muốn bỏ quá khứ đi thì bỏ như thế nào? Muốn đeo nó lên thì đeo thế nào? Ông Phan Khôi bảo tôi rằng cái đó thì được nhưng tôi hỏi anh nếu ôm cái quá khứ đó thì anh phải giải quyết nó như thế nào? Anh không giải quyết mà chỉ đưa vấn đề ra thì không được. Ông ấy bàn với tôi, tôi bảo: “Chính cháu viết thế thôi chứ cháu không hiểu phải giải quyết thế nào đâu bác ạ.” Ông Phan Khôi cười bảo: “Thế bỏ lửng à!” Đại khái như thế, thì thôi bỏ lửng chứ tôi không giải quyết. Thật ra, vì ông Tố Hữu ông ấy cứ nói đi nói lại mãi câu của Mao Trạch Đông: “Trí thức không bằng cục cứt, vì cục cứt nó còn có ích, người ta bón ruộng. Trí thức các anh ngồi mát ăn bát vàng không bằng cục cứt.” Vậy thì, ông Phan Khôi ông ấy cho rằng: nếu trí thức như cục cứt thì trí thức nó đi đến đâu? Giải quyết như thế thì anh giải quyết cái gì? Ích lợi của trí thức nó thế nào? Vậy lớp học này toàn là cục cứt cả à? Vì thế vai trò của Phan Khôi trong đời tôi cũng có điều làm tôi suy nghĩ.

– Thụy Khuê: Nguyễn Hữu Đang cũng là một người mà bác rất kính trọng phải không ạ?

– Trần Duy: Vâng, Đang là một người rất đáng trọng. Đang là một người, nói cách khác là c’est un penseur qui se respecte Đang không phải là người vớ vẩn. Đang là một người có tư tưởng. Đang là một người có tư cách. Cho nên khi Nhân Văn làm thì đúng là tất cả cái mouvement đó là của Đang chứ không phải của Lê Đạt. Tôi đã nói là có hai người làm báo mà tôi phục nhất là Nguyễn Hữu Đang và Phan Khôi. Vì Nguyễn Hữu Đang viết giỏi lắm, chữ chặt chẽ, không lọt một sơ xuất nào trong hành văn của Đang. Cho nên bài trả lời Nguyễn Chương ấy, cô đọc kỹ lại mà xem, bài viết giỏi vô cùng, nó rành mạch, nó rõ ràng từng khu, từng khúc, không xô bồ. Đang là người giỏi. Tôi chụp rất nhiều ảnh Đang, bây giờ tôi vẫn còn giữ những ảnh trước khi Đang chết. Đối với tôi, Đang là một người tôi trọng, tôi rất trọng. Cô có biết thời kỳ Đang bị quản thúc, chưa bao giờ ai sống mà lại có cái dignité (sự tự trọng) như thế bao giờ. Cô cứ thử tưởng tượng mà xem, không có cái gì ăn, anh ấy gửi tất cả những cái chậu cho các hộ ăn tập thể khi người ta vo gạo, anh chắt lấy nước ấy anh quấy anh ăn. Thứ hai là anh ấy lên Hà Nội xin tất cả các họa báo của Liên Xô về anh đổi cho trẻ con, để lấy cóc, lấy dế ăn cải thiện. Thán phục anh ấy vô cùng. Tội ghê lắm. Chị có biết không, anh ấy đi nhặt tất, tất cả các thứ tất rách rưới của tất cả mọi người, về đưa cho vợ Phùng Cung, anh ấy bảo: “Cô hấp rồi cô giặt cho tôi, cái nào rách cô vá lại cho tôi, tôi đi”. Tất cả cuộc đời anh ấy chỉ có một cái xe đạp, tàn tạ đến độ không thể ai nghĩ đấy là cái xe có thể đạp được, vậy mà anh vẫn viết, dán ở xe đạp: Tôi chỉ có cái xe đạp này làm vốn, nếu tôi chết thì cái xe đạp này tôi tặng cho thằng cháu tôi. Đại khái như thế. Nguyễn Hữu Đang là người có nhân cách. Vì thế cho nên Nguyễn Hữu Đang là con người, cô phải nhớ là khi Nguyễn Hữu Đang đến, Tố Hữu làm như kẻ cả, ban ơn, vỗ vai Đang, Đang nó lấy tay nó hất đi. Đang nó có dignité lắm cô ạ.

– Thụy Khuê: Thưa bác, bây giờ nhìn lại hoạt động của Nhân Văn Giai Phẩm, có điều gì bác muốn nói thêm nữa không?

– Trần Duy: Đứng về xã hội, về con người thì trách nhiệm rất lớn vì nó đẩy một số trí thức vào cuộc. Ví dụ Đặng Văn Ngữ, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường… là những người trí thức, thực tâm không có ý đồ xấu. Anh Nguyễn Mạnh Tường không có gì xấu cả. Anh Đào Duy Anh, nhất là anh Đặng Văn Ngữ là một nhà bác học, không có gì xấu. Tôi rất ân hận là đã đưa họ vào Nhân Văn vì họ quen với tôi. Ông Đào Duy Anh quen với tôi, Đặng Văn Ngữ quen với tôi, Nguyễn Mạnh Tường quen với tôi mà tôi đưa họ vào. Một lần anh Đặng Văn Ngữ hỏi tôi: “Thực ra các ông là cái gì? Nhân Văn là cái gì? Anh nói thật với tôi đi, giữa tôi và anh, anh nói thật đi, có gì quan hệ với ngoại quốc không?” Tôi trả lời: “Nó chẳng có gì cả anh ạ, nó là cuộc Cải Cách Ruộng Đất lần thứ hai trong giới văn nghệ thôi, vì tôi không biết Tây, Tàu và cũng không định đưa các anh vào chỗ chết đâu, chính bản thân chúng tôi đang chết”. Đại khái như thế.

– Thụy Khuê: Nếu bây giờ làm lại tờ Nhân Văn thì bác có làm nữa không?

– Trần Duy: Cười – Một là bây giờ không còn, không còn sức lực để làm nữa. Hai là bây giờ báo chí cũng không nên làm cái gì cả, tôi hiểu báo như thế nào rồi. Báo là một thứ tiếng nói của đảng, báo là tiếng nói của chính trị, báo là tiếng nói của cách mạng. Anh ra một tờ báo để anh nói thật cái gì thì khó lắm. Thì khó lắm. Đến những người to lớn như những ông Kiệt v.v… đứng ra làm một tờ báo chưa chắc đã được, huống gì bọn mình. Ra để làm cái gì? Ra nói cái gì? Nếu bây giờ có ra lại được một tờ báo, bản thân tôi không bao giờ làm lại một tờ báo như thế cả. Ngay bây giờ tôi có viết một số bài vở, sắp ra một quyển sách, nhưng tôi cũng không nghĩ là quyển sách ấy có thể xuôi lọt được, huống chi là tờ báo. Tờ báo bây giờ phải là báo cách mạng. Báo bây giờ là báo tiếng nói của đảng, báo tiếng nói của nhân dân v.v… Mình ra tờ báo thì mình nói cái gì bây giờ? Có đúng như thế không? Cho nên nói rằng vui thì có cái vui, buồn cũng có cái buồn. Cái gì trong cuộc đời cũng dở dang, con người mình cũng dở dang, năm nay 90 tuổi rồi, không biết mình đi đúng hay mình đi sai, mình đi đúng thì mình sống đến 90 tuổi, mà mình đi sai thì đã chết từ năm 50 tuổi rồi. Bây giờ đi đến 90 tuổi rồi thì cũng không biết con đường đã đi là con đường nào. Ai ghét mình? Ai yêu mình? Mình nên yêu ai, nên ghét ai? Thực tế ra sống đến chừng này tuổi tôi không nghĩ là tôi ghét ai cả, nhưng yêu ai thì cũng rất khó.

– Thụy Khuê: Thưa bác, trước khi chia tay, bác có điều gì muốn gửi gấm đến thính giả, đến giới trẻ không, xin bác nói ra.

– Trần Duy: Nhiều thứ nói lắm. Bây giờ trong đầu tôi có nhiều thứ để nói lắm. Mà nói thì có nói được hay không? Nói lúc nào? Nói thời nào? Nói vấn đề gì? Nhiều vấn đề lắm. Có những cái mình cũng phải tự hạn chế mình trong những điều mình nói. Không phải mình sợ, nhưng mình có nói được không? Nói có tác động hay có ích lợi gì không? Và nên nói như thế nào? Cái buồn của tôi là cái buồn đó. Vì thế cho nên cái vẽ của tôi là vẽ để quên đi cái gì đó, cũng để cho có việc làm. Việc làm đẹp, không xúc phạm đến ai cả. Ví dụ tôi vẽ người thiểu số, vẽ cây, vẽ cành, vẽ đền chùa… Bây giờ thì vẽ đền chùa cũng không được rồi, tại vì bây giờ người ta cải tạo lại, người ta làm lăng nhăng không thể vẽ được. Ngày xưa có những chùa đẹp, còn những gì cổ kính, bây giờ chỗ nào cũng sơn son thếp vàng, ngay những ông tượng trong chùa bây giờ cũng vàng chóe ra, cho nên bây giờ cái khủng hoảng của anh em là người ta vẽ đủ các thứ, người ta xếp đặt, … nhưng thực ra, vẽ thì không biết vẽ cái gì, phố cổ thì không còn nữa, nhà cửa mọc lên dở dở dang dang, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu. Những nhà cổ, chùa cổ, bây giờ sơn son thếp vàng, người ta làm mới hết cả rồi, cũng không vẽ được. Cái khủng hoảng của họa sĩ bây giờ là vẽ cái gì? Vẽ như thế nào?

– Thụy Khuê: Xin thành thật cảm ơn họa sĩ Trần Duy.

Chương trình văn học nghệ thuật RFI

ngày 28/6 và 12, 19, 26/7/2008

No comments :

Post a Comment


"Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời"

Trong tuần qua nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong cuộc chiến trước đây lại tập trung để tham gia chương trình ‘Tri ân Thương Phế Binh’ với chủ đề “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.
Lần Gặp "Bác Hồ" Tôi Bị Mất Trinh
• Để bác cấy hạt giống đỏ cho cháu, cháu mang về miền Nam cho bác nhé.
Bác bồng tôi lên giường, hai tay bác đè tôi ra và lột áo quần tôi.Bác như một con cọp đói mồi, sau một hồì kháng cự tôi biết mình không thể nào làm gì hơn nên đành nằm xuôi tay... Hai hàng lệ một cô gái miền Nam vừa tròn 15 tuổi đã bị bác cướp đi mất cái trong trắng.
=>Đọc thêm=>