Trong lịch sử nước Việt, có một phụ nữ vừa đẹp vừa có học vấn uyên thâm và cũng là một nhà Phật học nổi tiếng. Bà rất có quyền lực trong triều đình và được xem là một người đóng góp rất nhiều trong việc mang lại sự thịnh trị của triều Lý. Tên tuổi và cuộc đời bà gắn chặt với sự nghiệp của hai vị minh quân Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt", chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Nguyên phi Ỷ Lan" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình tối hôm nay.
*****
Sắc thị không, không tức sắc,Không thị sắc, sắc tức không.
Sắc không quân bất quản,
Phương đắc khế chân không.
Tạm dịch:
Sắc là không, không tức sắc,
Không là sắc, sắc tức không.
Sắc không đều chẳng quản,
Mới được hợp chân tông.
Đó là bài kệ "Sắc Không" do Nguyên phi Ỷ Lan viết sau khi bàn luận về Thiền đạo với đại sư Thông Biện.
Theo truyền thuyết, Ỷ Lan tên là Lê Thị Yến Loan, sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) tại hương Thổ Lỗi, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội), cha là ông Lê Công Thiết và mẹ là bà Vũ Thị Tình.
Ba năm sau khi tiến cung, Thứ phi Ỷ Lan hạ sinh cho vua Lý Thánh Tông một thái tử và đặt tên là Càn Đức. Nhờ đó, Thứ phi Ỷ Lan được phong lên Thần Phi. Vào năm 1068, Ỷ Lan Thần Phi hạ sinh thêm một hoàng tử nữa và được phong là Nguyên Phi.
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, Thái tử Càn Đức lên ngôi lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Vì vua Nhân Tông mới 6 tuổi nên Thái hậu Ỷ Lan phải buông rèm nhiếp chính.
Có lần, vua Lý Thánh Tông hỏi về kế sách trị nước, Thái hậu Ỷ Lan nói:
"Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh... Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì hay hơn mệnh lệnh. Muốn nước mạnh thì vua phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ giàu mạnh".
Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), Thái hậu Ỷ Lan mất, thọ trên 70 tuổi, được vua Nhân Tông phong thụy hiệu là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu. Đền thờ chính tưởng niệm Bà hiện ở Gia Lâm, Hà Nội.
Theo sách sử, Nguyên phi Ỷ Lan luôn chăm lo đến việc học hành thi cử để mở mang dân trí. Bà ban hành nhiều chính sách như cho chuộc nô tỳ, tha cung nữ, giảm thuế, cấm giết trâu bò... Bà cũng có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa. Chính nhờ các câu chuyện kể giữa Bà và các vị sư thời nhà Lý, dân gian mới biết được gốc tích về sự truyền bá đạo Phật vào Việt Nam. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu văn học đã xếp Nguyên phi Ỷ Lan vào hàng tác giả văn học nổi tiếng thời Lý - Trần.
Vì lợi ích chung, Bà đã biết gác lại hiềm khích cá nhân để huy động mọi lực lượng nhằm chống kẻ thù xâm lược. Khi giặc Tống xâm lăng, vua Nhân Tông chỉ mới 10 tuổi, Nguyên phi Ỷ Lan phải thay vua lãnh đạo quân dân chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Bà đã gác lại tư thù để dùng người có tài như Lý Đạo Thành làm Bình Chương Quân Quốc lo chuyện nội chính. Có thể nói là triều Lý sẽ không có được những chiến công hiển hách của Lý Thường Kiệt trên chiến trường, nếu như không có một hậu phương vững chắc nhờ sự điều hành đất nước của Bà và Bình Chương Lý Đạo Thành.
Tài năng và đức độ của Bà đã góp phần khẳng định bản lãnh của phụ nữ Việt Nam và đã đưa Nguyên phi Ỷ Lan vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất trong thời phong kiến. Đặc biệt, Bà đã để lại cho hậu thế một bài học quý giá về việc biết xử dụng hiền tài, biết bỏ hiềm khích riêng tư để chống quân xâm lược và phục vụ cho lợi ích chung của đất nước.
* * *
Khi nghiên cứu về triều đại nhà Lý, rất nhiều sử gia đã công nhận đây là thời kỳ vàng son và rực rỡ của nước Đại Việt, với hơn 200 năm được độc lập và thịnh trị. Có thể nói là triều Lý đã may mắn có được các vị minh quân nhân từ và bác ái như đức Thái Tổ, Thánh Tông và Nhân Tôn. Nhưng may mắn hơn nữa là các vị vua này có được một hoàng hậu và thái hậu tài ba, thấm nhuần giáo lý bao dung của Phật giáo, như Nguyên phi Ỷ Lan.
Chính vì thế nhắc đến triều Lý mà không nhắc đến công trạng của người phụ nữ có tấm lòng vĩ đại này là một điều khó thể tha thứ. Lý do là nếu không có quyết tâm và tài điều hành đất nước của Ỷ Lan, thì không có cuộc trường chinh oai hùng của quân Đại Việt khi dám tấn công sang nước Tàu để bẻ gẫy ý đồ xâm lăng của quân nhà Tống. Không có sự đồng lòng của triều đình nhà Lý, dưới sự nhiếp chính của Thái hậu Ỷ Lan, thì không có chiến thắng quân Tống ở lũy Như Nguyệt và 4 câu thơ ngạo nghễ "Nam quốc sơn hà nam đế cư" của danh tướng Lý Thường Kiệt.
Nhưng điều đáng nói nhất, là trong khi lịch sử nước Tàu có những hoàng hậu hay thái hậu nổi tiếng tàn ác như Võ Tắc Thiên, Từ Hi Thái Hậu thì dân tộc Việt rất hãnh diện có được một Nguyên phi Ỷ Lan một lòng vì nước vì dân.
Điều đáng buồn là giới trẻ Việt Nam hiện nay không biết nhiều về sử Việt, về Nguyên phi Ỷ Lan, nhưng lại biết rõ về Võ Tắc Thiên hay Từ Hi Thái Hậu qua những bộ phim Tàu được chiếu tràn lan trên đất nước, dưới âm mưu đồng hóa một cách thâm độc của Tàu Cộng và sự tiếp tay của tập đoàn lãnh đạo CSVN
Việt Thái
No comments :
Post a Comment