Hình vây cá mập được phơi trên nóc nhà đại sứ quán Việt Nam ở Chile do báo elmostrador đăng tải Hình chụp màn hình từ trang báo elmoStrador
RFA - Ngày 19 tháng Giêng vừa qua, mạng báo www.elmostrador.cl của Chile đăng tải những hình ảnh cho thấy hàng trăm vây cá mập đang được phơi khô trên mái nhà của Đại sứ quán Việt Nam vào chiều thứ Năm, ngày 18 tháng Giêng. Dân chúng địa phương, ở xung quanh khu vực gần Đại sứ quán Việt Nam phản ánh mùi hôi từ trên mái nhà cơ quan ngoại giao này. Báo mạng này còn cho biết đây là lần đầu tiên xảy ra tại Chile một số lượng lớn vây cá mập của các loài trưởng thành còn tươi được phơi ngay trong thành phố.
Đài RFA có cuộc phỏng vấn với ông Đặng Xương Hùng, một cựu viên chức Bộ ngoại giao Việt Nam từng làm việc trong các cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sĩ, xung quanh sự việc này.
Ông Đặng Xương Hùng: Tôi cũng rất quan tâm đến câu chuyện vây cá mập được phơi trên nóc nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Chile và nói rõ hơn là Thương vụ Việt Nam tại Chile. Câu chuyện này không làm cho tôi ngạc nhiên lắm bởi vì tôi cũng từng ở trong ngành và những câu chuyện những nhân viên ngoại giao Việt Nam làm những việc để thu thêm thu nhập, kiếm thêm ít tiền làm giàu tận dụng thời gian đi ra nước ngoài làm công tác ngoại giao.
Các bạn cũng biết là ở mỗi nước lại có một lợi thế nhất định mà các nhân viên ngoại giao Việt Nam thường tìm hiểu rất kỹ tình hình của nước đó và các cơ hội để họ có thể kiếm thêm tiền. Thí dụ ở châu Phi họ đã từng buôn sừng tê giác. Mua hàng như thuốc lá hay rượu miễn thuế của các nước sở tại rồi mang ra bán lại cho người tiêu dùng để tìm giá chênh lệch. Đây là việc lợi dụng vị trí ngoại giao và những ưu đãi ngoại giao tại nước sở tại để kiếm thêm tiền. Ở Thụy Sĩ thời tôi làm cũng có sự việc như buôn bán đồng hồ rồi gửi về Việt Nam bán lại. Tức là khi đi làm ngoại giao họ đã hỏi nhỏ nhau về cơ hội họ có thể kiếm thêm đồng tiền nào đó.
RFA: Theo ông sự việc này ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ Việt Nam – Chile?
Ông Đặng Xương Hùng: Việc này tất nhiên ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Chile. Tuy nhiên cũng phải nói là trong quan hệ hai nước thì người ta cũng cân nhắc và thái độ của Chile đối với sự việc như thế nào tức là họ coi mức độ trầm trọng của vấn đề đến đâu thì nó sẽ ảnh hưởng tới quan hệ hai nước tới mức đó. Thí dụ như vụ ông Bàng đi bắt sò ở New York thì người ta cũng chỉ phạt và đưa tin một thời lượng nhất định nào đó và sau rồi câu chuyện cũng chìm đi. Chuyện bắt sò của ông Bàng không nghiêm trọng bằng chuyện buôn bán sừng tê giác và phơi vây cá mập bởi vì nó liên quan đến môi trường và bảo vệ sinh vật quý hiếm. Cho nên Chile cũng phải nghĩ đến vấn đề quan hệ hai nước và tính đến vấn đề bảo vệ môi trường. Không những họ đã vi phạm quy chế ngoại giao, lợi dụng văn phòng bất khả xâm phạm để làm những việc vi phạm pháp luật. Rồi còn lợi dụng công việc để làm chuyện gây hại với môi trường và vi phạm luật bảo vệ động vật quý hiếm. Phải nói rằng đây là một sự việc tương đối nghiêm trọng cho ngành ngoại giao Việt Nam.
Trước đây ít mạng thông tin nên những sự việc như thế này ngay lập tức bị bưng bít bởi phía Việt Nam. Tuy nhiên ngày nay với sự phát triển của mạng thông tin những vụ việc như thế này được công chúng biết đến nhiều hơn. Chẳng hạn như vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Đức cũng vậy. Tức là Việt Nam hiện nay ít có cơ hội bưng bít những thông tin rất xấu cho hình ảnh đất nước.
RFA: Và vụ việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hình ảnh Việt Nam?
Ông Đặng Xương Hùng: Hình ảnh đã xấu rồi và bây giờ xấu thêm thôi. Những câu chuyện người Việt Nam mình gây ra ở nước ngoài phải nói là rất nhiều. Tất nhiên đối với phía ngoại giao thì nặng nề hơn nhiều bởi vì anh có quyền ưu đãi nhưng anh lại lợi dụng quyền ưu đãi đó. Chứ còn những hình ảnh như lấy cắp ở Thụy Điển hay ở Nhật Bản hay sinh viên đi làm thuê bị trục xuất ở một số nước như Canada, Úc. Ở Thái và Nhật người ta viết những biển cảnh báo bằng cả tiếng Việt, đó là những điều rất xấu với hình ảnh đất nước.
Vụ vây cá mập này phải nói là rất xấu cho hình ảnh Việt Nam và trách nhiệm thuộc về ngành ngoại giao Việt Nam. Tuy nhiên với hình ảnh của đất nước Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài thì đó không chỉ là trách nhiệm của ngành ngoại giao Việt Nam mà còn là cả trách nhiệm của những người còn nhân danh người Việt ra nước ngoài cần giữ uy tín cá nhân và giữ cả uy tín cộng đồng và của đất nước.
RFA: Theo ông, Nhà nước Việt Nam nên xử lý những trường hợp này như thế nào để không tái diễn trong tương lai?
Ông Đặng Xương Hùng: Đây là một câu hỏi rất hay bởi vì chính những người từng làm trong ngành ngoại giao như chúng tôi và có một chút nghĩ về tự trọng cho đất nước thì đều nghĩ rằng đất nước phải minh bạch trong những vấn đề như thế này. Tôi cho rằng đây là một hiện tượng khi người làm ngoại giao Việt Nam không được trả lương cao như những nhà ngoại giao ở nước ngoài. Bởi vì những đồng lương rất hạn hẹp nên người ta thường nghĩ đến câu chuyện buôn bán, làm ăn nhiều khi là phi pháp. Đôi khi họ lợi dụng cả visa, hộ chiếu, chứng thực,… Có thời người ta đã đặt câu hỏi tại sao Nhà nước Việt Nam không tăng lương cho nhân viên ngoại giao để giảm bớt tình trạng này, tuy nhiên đây là một bài toán luẩn quẩn. Đây có thể nói là sự tham lam, bỏ qua lòng tự trọng của mình để làm những việc vi pháp. Một khía cạnh khác nữa, đó là thường thì Việt Nam không đủ sức để bao bọc tất cả con dân của mình mà phải tạo cho họ những kẽ hở để họ tự làm. Thí dụ như công an đứng đường bắt người tham gia giao thông, rồi họ cũng bỏ qua dù họ biết thừa, như vậy để mua lại sự trung thành của ngành công an với chế độ. Cũng như bỏ visa cho ngành ngoại giao để họ trung thành hơn với chế độ hiện thời.
Cho nên rất khó để họ xử lý để những câu chuyện tương tự không lặp lại mà họ chỉ làm đến mức độ nào đó gọi là “ném bùn qua ao”. Câu chuyện này có khi cũng chỉ giải quyết nội bộ, một vài bản kiểm điểm cá nhân rồi thuyên chuyển những người đó đến nơi khác và câu chuyện rồi cũng qua đi. Sẽ không có một biện pháp xử lý nghiêm minh để răn đe người khác, mà chỉ là hình thức gỡ rối khi lỡ có sự vi phạm xảy ra.
RFA: Xin cám ơn những chia sẻ của ông.
Và thưa quý khán thính giả, ở Chile, cá mập là một tài nguyên trên bờ vực tuyệt chủng và việc đánh bắt loài này đã bị Chính phủ Chile cấm từ năm 2012. Đây là lần đầu tiên vây cá mập được phát hiện trong quá trình phơi khô tại quốc gia này. Vụ việc bị phát giác ngay trong khi một hội nghị khoa học về hiểm họa tuyệt chủng của cá mập đang diễn ra tại Nam Mỹ.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng báo cáo và giải trình vụ việc trụ sở Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam, ở Chile bị phát hiện phơi vây cá mập. Bộ Công Thương còn gửi văn bản đến Bộ Ngoại Giao đề nghị phối hợp để xác minh thông tin liên quan, đồng thời làm việc với cơ quan chức năng của nước sở tại để xử lý theo pháp luật của Chile và báo cáo cho Bộ Công Thương trước ngày 25 tháng Giêng.
No comments :
Post a Comment