Thứ Tư ngày 20.02.2013
Nợ xấu của Ngân hàng là bao nhiêu ? Số căn hộ tồn kho là bao nhiêu ? Không ai đưa ra được số liệu chính xác, ngay cả bản thân Ngân hàng và Bộ Xây dựng . Quản lý kiểu này là do yếu kém hay còn do vì nguyên nhân khác ?! Kính mời quý thính giả theo dõi bài chuyện này chỉ có ở nước nam mình qua giọng đọc của Hoàng Ân.
Ngày 20/8/2012, bầu Kiên bị bắt đã làm vỡ tung cái ung nhọt của ngành Ngân hàng . Sau bầu Kiên đến Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám Đốc Ngân Hàng ACB bị bắt vào 23/8 . Kế đến Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị ACB bị khởi tố cùng Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang là hai phó chủ tịch của ACB. Sau đó là Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch Ngân Hàng Sacombank từ chức, và nhiều vị khác ở nhiều ngân hàng khác cứ đổ như quân cờ "đôminô".
Từ đó những thủ đoạn gây lũng loạn hệ thống Ngân hàng đã được phơi bày; nào là sở hữu chéo, đảo nợ cho nhau, cho nhau vay để thâu tóm thị trường chứng khoán, thị trường vàng, rút tiền ngân hàng ra để cá nhân đứng tên gửi vào Ngân Hàng khác lấy lãi, định giá tài sản thế chấp cao để cho vay, tất nhiên là cán bộ Ngân Hàng được boa lại phí lót tay, nhất là trong lĩnh vực cho vay kinh doanh bất động sản . Điển hình như trường hợp ông Phạm Thanh Tân nguyên Tổng Giám Đốc ngân hàng Agribank ở Hà nội vừa bị bắt do không định giá đúng tài sản thế chấp, cho vay làm thiệt hại 3900 tỷ đồng .
Năm 2012, khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra sâu rộng . Việt nam cũng không tránh khỏi . Hàng tồn kho không tiêu thụ được ngày một nhiều lên, kéo theo một loạt hệ luỵ xấu : Tiền vay ngân hàng không trả được, tiền mua nguyên vật liệu không trả được, lương công nhân không có, doanh nghiệp này nợ doanh nghiệp kia cứ chồng chéo lên nhau . Than nợ ngân hàng, Điện nợ Than . Xi măng , Sắt thép nợ Điện . Xây dựng nợ Xi măng sắt thép ... tất cả đều liên quan đến vốn vay Ngân hàng . Bởi thế tình trạng nợ xấu của Ngân hàng xuất hiện , làm cho Ngân hàng đã bị lũng loạn lại càng thêm điêu đứng . Mấy trăm nghìn doanh nghiệp chết một cách tức tưởi , chưa kể đến những doanh nghiệp chết "lâm sàng" chưa được khai tử, hàng triệu lao động mất việc làm .
Song có một điều làm cho nhiều người , nhiều tổ chức quan tâm là tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng là bao nhiêu thì chẳng ai biết . Theo trung tâm nghiên cứu kinh tế của trường Đại Học Kinh Tế Hà nội thì tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng từ 8,25 đến 14,01% (không bao gồm nợ củaVinasin và các doanh nghiệp nhà nước khác) . Còn theo Fitch Ratings thì cho rằng tỷ lệ đó vào khoảng 13% . Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương thì nợ xấu của Ngân Hàng là gần 400 ngàn tỷ. Còn theo báo cáo của chính Ngân Hàng Nhà Nước thì nợ xấu của Ngân Hàng khoảng 250 ngàn tỷ, tức bằng 8,6% tổng nợ . Điều đáng chú ý là số nợ xấu tập trung vào ngành xây dựng kinh doanh bất động sản . Nhìn thấy lợi nhuận khổng lồ trong bất động sản, lợi dụng chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhà nước, hoạt động kinh doanh bất động sản phát triển tự phát theo kiểu "trăm hoa đua nở". Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đua nhau vay tiền đổ vào các dự án đô thị, các khu công nghiệp. Kết quả là cung vượt quá cầu. Giá bất động sản bị thổi phồng quá giá trị thực của hàng hóa và quá sức mua của người dân. Bong bóng bất động sản vỡ. Hàng tồn kho bất động sản tăng mạnh khiến cho nợ xấu của khu vực này tăng cao .
Việc công bố số liệu hàng tồn kho bất động sản không thống nhất . Theo số liệu của Sở Xây dựng Sài gòn, số lượng căn hộ tồn kho khoảng 20.000 căn. Cùng thời điểm này, bộ phận nghiên cứu thuộc Dragon Capital lại công bố một con số khác, 35.000 căn hộ. Còn số liệu khảo sát mới đây nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường là 18.000 căn . Trước đó, một báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, tính đến cuối quý II/2012, Hà Nội tồn kho trên 100.000 căn hộ, Sài gòn tồn kho hơn 47.000 căn hộ. Công ty Địa ốc Đất Lành với con số 60.000 - 70.000 căn hộ tồn kho mới đưa ra gần đây khiến nhiều người bàng hoàng, song vẫn còn quá ít , có số liệu còn công bố thị trường có đến trên 100.000 căn hộ hàng tồn, dù có đại hạ giá cũng không bán được .
Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp và ngân hàng đang sử dụng mánh khoé "đảo nợ" để thay đổi con số nợ xấu tại mỗi ngân hàng. Ngân hàng có thể cho doanh nghiệp này vay để trả cho doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp được trả khoản tiền này lúc đó sẽ có đủ khả năng để trả nợ cho ngân hàng. Như vậy có nghĩa là dòng tiền chỉ đi quay vòng, cuối cùng vẫn quay lại ngân hàng. Điều quan trọng của lượng tiền này là sẽ không đi vào sản xuất, kinh doanh, không thực sự hỗ trợ nhiều cho các đơn vị. Các công ty quản lý nợ của các ngân hàng cũng mua nợ lẫn nhau theo nguyên tắc có đi, có lại .
Một câu hỏi đặt ra là quản lý Nhà nước kiểu gì mà chỉ ở hai lĩnh vực Ngân hàng và Xây dựng đều không đưa ra được số liệu chính xác , nợ xấu của Ngân hàng là bao nhiêu ? số căn hộ tồn kho là bao nhiêu ? chẳng ai biết . Nếu suy rộng ra với các ngành khác thì thấy rằng sự hỗn loạn trong công tác điều hành quản lý Nhà nước như một cái chợ trời . Năng lực quản lý của cán bộ như thế này mà lại không có văn hoá từ chức mới là lạ.
Chuyện ấy cũng chỉ có ở nước Nam mình mà thôi !
Thương Dân
Đài phát thanh ĐÁP LỜI SÔNG NÚI
Chán cho cái xã hội tư bản không ra tư bản, cộng sản cũng không là cộng sản. Dở dở ương ương mới như thế.
ReplyDelete