Thứ Ba ngày 05.02.2013
Mậu Thân 68, một biến cố không bao
giờ phai mờ trong tâm trí dân Việt nhất là những người đã và đang sống
tại Huế. Vẫn lẩn khuất đâu đó những oan hồn tức tuởi, vương quyện trong
tâm trí người còn sống. Những câu chuyện bi thảm dần dần được các nhân
chứng hé lộ. Mục Góc Khuất cuộc đời do Thiên Linh thực hiện, qua giọng
đọc Hướng Dương.
Tết về, những vườn hoa bên thành cổ bắt đầu nhen nhóm sắc, những dòng
người ngược xuôi bên thềm năm mới như thể đang tạm biệt những chiếc
bóng năm cũ trên từng góc phố, từng con đường, từng mái ngói rêu xanh.
Và, Tết về, cũng là khoảnh khắc mà người dân Huế, tâm thức Huế trầm
lắng, ưu tư về những bóng ma thời cuộc, về những oan hồn vất vưởng đâu
đó trong từng hố chôn tập thể, dưới những góc tường, trong sân bệnh
viện, dưới móng công viên hay dưới nền trường học... Với người dân Huế,
mỗi khi Tết về cũng là lúc họ trầm mình tưởng nhớ, chiêm bái những oan
hồn, mùi hương khói như một lời nhắc nhở sử lịch mang mang...
Chúng tôi đến Huế vào ngày 23 tháng Chạp, lúc này, nhà cầm quyền Cộng
sản ở Huế vừa tổ chức xong một chương trình khá huy hoàng để gọi là
"tưởng nhớ và kỉ niệm 45 năm tổng tiến công Mậu Thân – 1968". Thành phần
tham dự trong chương trình này là những cán bộ và lính lác Cộng sản
từng tham gia nã súng , giết chóc và thảm sát đồng bào Huế trong Tết Mậu
Thân. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết gần như 100% thành phần tham
gia, tham dự chương trình đều có đời sống bất ổn, tính cách bất thường,
sức khỏe không ra gì. Theo nhận định của những người chứng kiến chương
trình thì do vấn đề tâm linh chi phối, vì bọn này trước đây giết chóc
đồng bào, sát hại đồng loại, bây giờ sống chung trong thành phố với
những oan hồn không nơi nương tựa, chết oan uổng, chắc chắn họ sẽ tìm ra
chúng và báo thù.
Thiết tưởng, cũng nên nhắc đến câu chuyện về một người từng trồng hoa
hồng suốt hai mươi năm liền, chịu nhiều tai tiếng thị phi và ép uổng từ
phía nhà cầm quyền Cộng sản ở Quảng Trị ,cũng vì tưởng niệm đến Huế và
đại lộ kinh hoàng Mậu Thân 1968 ở Quảng Trị. Sau 1975, người này không
làm gì ngoài việc bỏ tất cả vốn liếng để đầu tư trồng hoa hồng trên tất
cả diện tích đất có được. Và mỗi Mồng Một hằng tháng, ông cắt hoa hồng,
mang ra đặt hai bên đại lộ kinh hoàng để tưởng niệm những người đã tử
nạn trong chiến cuộc Mậu Thân. Bọn Cộng sản địa phương đã nhiều lần đe
dọa nếu ông không lo cống hiến cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa mà còn
tiếp tục làm như thế, chúng sẽ trừng phạt. Nhưng ông vẫn thản nhiên làm.
Sau này, nhà cầm quyền tổ chức các chương trình lễ lạc, đến mua hoa của
ông, ông trả lời rằng hoa ông trồng để tặng cho những người tốt đã
chết, ông không bán cho phường vô đạo. Chính câu trả lời này đã làm phần
cuối cuộc đời ông sống trong giông tố, vật vờ vì bị trả thù, ông mất
trắng toàn bộ tài sản, đất đai, và chết đi trong im lặng.
Nhưng câu chuyện về những hố chôn tập thể, về những chiếc xe GMC chở
đầy người tản cư từ Huế vào Quảng Trị bị pháo kích của Cộng sản đã nổ
tung, xác người tung tóe lên trời, mà ông kể lại cho người con thì không
bao giờ mất đi, nó khảm vào lịch sử một vết nhơ tội ác của bè lũ Cộng
sản ác ôn, nó làm cho con người phải kinh tởm, lắc đầu, chua xót.
Huế trong những ngày này, trời oi ả, nóng nực, việc đi tìm những nhân
chứng vụ thảm sát Mậu Thân còn sống là việc không dễ và cũng không biết
bắt đầu từ đâu. Những địa điểm như Đập Đá, Cồn Hến, Mả Vôi, Bãi Dâu,
Xuân Đợi, Xuân Ổ, Vỹ Dạ, đường Nguyễn Chí Thanh là nơi có nhiều hố chôn
tập thể, đặc biệt, Xuân Đợi và Xuân Hội có hố lên đến cả hơn một ngàn bộ
hài cốt. Nhưng cho đến thời điểm bây giờ, mọi tin tức đều bưng bít như
không hề có. Sở dĩ chúng tôi có được tin này là nhờ vào ba nhân chứng
sau khi đã gặp mặt, trò chuyện với hơn hai mươi nhân chứng. Người đầu
tiên chúng tôi muốn nói đến là cụ ông Đỗ Toản, 86 tuổi, cư dân Huế ba
đời, trước 1975, ông làm nghề hớt tóc. Trong trận Mậu Thân, cụ Toản có
hai người bạn thân và nhiều người bà con bị bắt đi, bị buộc dây thép gai
vào khuỷu tay, bị đập đai cuốc vào sau gáy cho đến gục xuống và bị chôn
sống cùng hàng ngàn người khác.
Cụ Đỗ Toản vẫn còn run rẩy khi nhắc đến chuyện buồn cách đây 45 năm:
Câu chuyện vẫn còn dài, xin mời quí thính giả lắng nghe vào chương trình phát thanh tối mai!
Thiên Linh
Huế của Mậu Thân và những vong hồn cô quạnh (kỳ 2)
Thứ Tư ngày 06.02.2013
Với vụ thảm sát Mậu Thân năm 1968,
không chỉ có bạn bè thân nhân của nạn nhân kể chuyện mà còn có nhân
chứng của phe bên kia, những con người man rợ cuồng sát mà tới giờ này
vẫn vô liêm sỉ khăng khăng chối tội, cái tội tày trời là đã nhúng tay
vào máu đồng bào vô tội. Chuyên mục Góc Khuất Cuộc Đời do Thiên Linh
thực hiện, với (phần 2) bài viết: “Huế Của Mậu Thân Và Những Vong Hồn Cô
Quạnh” qua giọng đọc Hướng Dương sẽ tiếp nối chương trình phát thanh
tối nay.
Nhắc đến chuyện cũ, ông Toản ngồi nhìn sang Cồn Hến, mắt rươm rướm, im
lặng không nói gì, ở cái tuổi cập kề chín mươi, đôi tay đã hơi run, da
nhăn nheo, mắt tuy vẫn còn tinh anh nhưng tai đã nghễnh ngãng, ôn lại ký
ức buồn với ông cũng là cái tội. Nhưng nếu không gợi nhắc để ông kể,
chúng tôi cũng chẳng biết tìm ai có thể biết rõ từng địa điểm, từng con
phố xảy ra trận đánh và nơi thảm sát tập thể cũng như mồ chôn tập thể.
Cũng theo lời kể của ông Toản, trong khoảnh khắc Giao Thừa Mậu Thân –
1968, thay vì nghe tiếng pháo nổ, ông nghe tiếng pháo kích đan xen, ông
lấy làm lạ, nói với những người trong gia đình là hình như có đánh
nhau. Mọi người lắc đầu, bảo rằng đang giờ phút thiêng liêng, làm chi có
chuyện đánh nhau, dù là lính chiến, thù nhau cỡ nào thì cũng là người
trong một đất nước, ai cũng có cha mẹ, ông bà, phải biết giữ giờ phút
thiêng liêng của dân tộc, giữ bình yên trong lúc con người đang kết nối
với đấng thiêng liêng chứ! Nhưng rất tiếc, ông đã đoán đúng, người cộng
sản vô thần đã không thèm nghĩ đến chuyện thiêng liêng, bỏ mặc giờ phút
Giao Thừa, nổ súng thẳng tay. Kể đến đây, ông trầm ngâm: "Đúng rồi, tui
quên mất rằng Cộng sản họ vô thần, và có lẽ vì thế mà có cuộc thảm sát
Mậu Thân, có cái Tết lạ nhất thế giới, vì tui nghĩ rằng trên thế giới
này không có nước nào có cuộc giết chóc giống như Việt Nam, Tết Mậu Thân
này đâu!". Và cũng chính trong cuộc thảm sát Mậu Thân, ông đã mất ba
người bà con, hai người bạn thân, họ không hề đi lính bên nào, họ là
thường dân, họ bị bắt, bị trói gô rồi mang ra bãi đất trống, ở đó đã có
đến hàng ngàn người cũng bị trói như họ, sau đó một vài lính CS dùng đai
cuốc đập vào sau ót của họ cho đến vỡ sọ, ngã xuống, hết người này đến
người khác. Cuối cùng, bọn lính này dùng cái cuốc vừa đập hộp sọ đồng
bào để đào hố, chôn tập thể những nạn nhân. Kể đến đây, ông Toản bật
khóc. Hai bàn tay già nua của ông run rẩy.
Tạm biệt ông chúng tôi tiếp tục đến nhà của một nhà thơ từng là bộ
đội Cộng sản nằm vùng, từng tham gia chiến cuộc Mậu Thân, khi chúng tôi
đến, ông tiếp chuyện một lúc rồi khoe rằng ông vừa đi dự buổi gặp mặt
tưởng niệm "tổng tiến công Mậu Thân" về, nhà nước tổ chức lộng lẫy lắm.
Chúng tôi hỏi ông nhà thơ này về chuyện số lượng người chết ở Huế năm
Mậu Thân mà ông ước đoán, ông trả lời là chừng ba ngàn người. Nhưng khi
chúng tôi hỏi có thảm sát hay không, ông trả lời lúng túng rằng không có
thảm sát, phần đông bị chết do máy bay Mỹ ném bom. Đương nhiên là nghe
đến đây thì chúng tôi biết vì sao ông trả lời như thế, vì trong thực tế,
trong cuộc chiến Mậu Thân, không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ ném bom ở
thành phố Huế, và nếu Mỹ ném bom thì chết mất xác hoặc chết cách gì đó
chứ không có trái bom nào lại thông minh đến mức dùng dây thép gai, dùng
dây điện thoại để buộc tay người vào nhau rồi đào lỗ và chôn họ vào
từng hố. Và nếu thật sự Mỹ chế được quả bom như thế, chắc chắn họ không
cần đánh thì Cộng sản quốc tế cũng tự tan rã từ trước 1968 chứ đừng nói
gì đến Cộng sản Bắc Việt.
Và, khi chúng tôi hỏi rằng ông nhà thơ lúc đó tham gia đánh ở khu vực
nào thì ông trả lời là ông không hề có mặt ở Huế vào Tết Mậu Thân mà
ông đang ở trên rừng. Nhưng, ông nhà thơ này quên mất là lúc đầu, ông đã
lỡ miệng, nói rằng cuộc họp mặt này dành riêng cho cán bộ Cộng sản nằm
vùng ở Huế trong chiến dịch Mậu Thân. Đến đây, có thể suy luận vì sao
ông này chối, không dám nhận mình từng tham gia trận Mậu Thân ở Huế. Vì
theo như ông Toản nói lúc ban đầu, tất cả những người bị chết trong cuộc
thảm sát Tết Mậu Thân đều là lính Nghĩa Quân, dân thường và bà con xóm
đạo. Và kẻ giết người không có ai khác ngoài những cán bộ Cộng sản hoạt
động nằm vùng. Sự giết chóc này xảy ra một phần do tư thù, một phần do
sự bùng nổ cơn cuồng sát tập thể bởi tính man rợ đã tới cực điểm...
Tạm biệt ông nhà thơ từng nổi tiếng trên văn đàn bởi những bài thơ
yêu nước và gây không ít hiểu nhầm về nỗi khổ của ông. Chúng tôi hơi
thất vọng khi nhận ra rằng ông nhà thơ này vẫn còn mang đầy máu Cộng sản
trong người, ông vẫn còn chờ đợi ơn mưa móc của chế độ và sẵn sàng bưng
bít mọi thứ, bởi nhiều nguyên do dây mơ rễ má. Chúng tôi tiếp tục tìm
kiếm những nhân chứng khác, và, trong lần đi này, chúng tôi được chứng
nghiệm một câu chuyện tâm linh của người đàn bà bán thuốc lá bên đường.
Xin mời quí thính giả nghe câu chuyện ở phần cuối phóng sự, phát thanh tối mai!
Thiên Linh
Uất ức, nghẹn ngào... bác Từ ạ :(
ReplyDeleteAi cũng thế! khi nghe lại chuyện đau lòng này đều uất ức, nghẹn ngào bác già ạ. Nó sẽ mãi trong tâm tưởng cho đến khi mình nằm xuống đó bác già...
DeleteNghe xong thấy lòng đắng ngắt.
ReplyDelete