Ông là một nhân vật nổi tiếng trước đây, từng cùng phi công Phạm Phú Quốc ném bom Dinh Độc Lập với mục đích giết chết cố tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 27 tháng 2 năm 1962.
Cali Today News – Trên trang báo Cáo Phó của nhật báo Cali Today số ra ngày 11 tháng 10, 2013, chúng tôi đọc được tin “Ông Augustino Nguyễn Văn Cử, cựu thiếu tá Không Quân, nguyên dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, đã về với Chúa vào lúc 11 giờ 10 phút sáng ngày 8 tháng 10, năm 2013, tại San Jose, California, hưởng thọ 79 tuổi... Lễ di quan và hỏa táng sẽ diễn ra vào lúc 11:30 trưa ngày 19 tháng 10, 2013.”
Ông bị ung thư phổi một thời gian dài trước khi mất.
Dinh Độc Lập bị tấn công. Photo courtesy: Life
Ông là một nhân vật nổi tiếng trước đây, từng cùng phi công Phạm Phú Quốc ném bom Dinh Độc Lập với mục đích giết chết cố tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 27 tháng 2 năm 1962.
Theo từ điển Bách Khoa Mở – Wikipedia, thì ông sinh năm 1934, là con trai thứ hai của ông Nguyễn Văn Lục, lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng, một đảng quốc gia đối kháng chế độ Ngô Đình Diệm. Ông Cử được huấn luyện phi công tại Mỹ, nhưng không được thăng chức trong 6 năm, vì theo ông là do sự chống đối của cha ông đối với chế độ Ngô Đình Diệm. Ông cũng từng bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt bỏ tù ngắn hạn vì những hoạt động chống chính quyền.
Cũng theo từ điển Bách Khoa Mở – Wikipedia, ông Cử cảm thấy rằng ông Diệm không chú ý đủ vào việc chống Cộng mà bị ám ảnh bởi việc nắm giữ quyền lực.
Hai máy bay của hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc trên bầu trời Sài Gòn chuẩn bị tấn công Dinh Độc Lập. Photo courtesy: Life
Dinh Độc Lập bị cháy. Photo courtesy: Life
Ông Cử cũng phê phán sự ủng hộ của Mỹ đối với chế độ Ngô Đình Diệm.
Sáng ngày 27 tháng 2, 1962, hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc được cử lái máy bay chiến đấu xuống đồng bằng sông Cửu Long để tấn công Việt Cộng, nhưng hai ông đã quay đầu máy bay về tấn công Dinh Độc Lập. Hai ông lái máy bay AD-6s, kiểu thời Đệ Nhị Thế Chiến, do Hoa Kỳ cung cấp. Hai ông tấn công Dinh Độc Lập bằng bom và bom Napalm, cùng với rốc-kết và súng máy.
Máy bay của Nguyễn Văn Cử hạ cánh xuống Cam Bốt. Photo courtesy: Life
Máy bay của Phạm Phú Quốc được trục vớt sau khi bị bắn rơi xuống sông Sài Gòn. Photo courtesy: Life
Cuộc tấn công kéo dài cả tiếng đồng hồ, nhưng hai phi công đã không trút hết toàn bộ bom đạn xuống dinh Độc Lập mà số bom đạn này nếu trút xuống hết có thể san bằng Dinh Độc Lập.
Gia đình cố TT Diệm và TT Diệm thoát nạn, 3 người giúp việc bị chết và 30 người bị thương.
Bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông Ngô Đình Nhu, bị thương do chạy trốn, tìm nơi trú ẩn.
Cũng theo Wikipedia, phi cơ của Phạm Phú Quốc bị cháy và rớt xuống Nhà Bè, còn ông Cử thì bay đến Cam Bốt an toàn, và nghĩ rằng cuôäc tấn công thành công. Ông mở cuộc họp báo, nói với ký giả là quân đội ghét TT Diệm và chế độ của ông ta.
Sau đó ông Cử sống lưu vong tại Cam Bốt và làm thầy giáo ngoại ngữ. Sau khi TT Ngô Đình Diệm bị ám sát, ông Cử trở về nước từ nơi lưu vong và tái gia nhập vào Không Quân.
Tháng 6, 1975, sau khi Cộng quân cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, ông Cử bị bắt và bị đưa đi cải tạo 10 năm, đến năm 1985. Sau đó, ông được sang Mỹ theo chương trình HO vào năm 1991.
Đứa cháu ngoại của ông Cử, cô Betty, nói với báo Cali Today là ông ngoại của cô (tức ông Nguyễn Văn Cử) sống với con cái và cháu, chắt tại San Jose trước khi qua đời.
Ông Mạc Đìa, một cựu phi công, hiện là thầy thuốc tại San Jose, thì cho biết rằng từ khi đến Mỹ ông Cử sống âm thầm và an hưởng tuổi già cùng với đồng đội, cho đến lúc lìa trần.
Nguyễn Dương
Nghĩa tử, nghĩa tận xin cho linh hồn Augustino được nghỉ yên muôn đời.
ReplyDelete