Saturday, November 30, 2013

• Ông Ngô Trọng Hiếu với đề án cải tiến hoạt động cải lương


8685255748_81e3bfaf4e-305.jpg
Ông Ngô Trọng Hiếu Bộ Trưởng Công Dân Vụ gặp gỡ các đoàn viên Thanh Nữ Cộng Hòa, ảnh chụp năm 1963.
Courtesy ManhHaiBlog
Ngành Mai, thông tín viên RFA

Chú trọng văn hóa, văn nghệ

Sau cái ngày giải quyết xong một cách êm đẹp chuyện của ông Trần Tấn Quốc, và vấn đề khủng hoảng giải Thanh Tâm, thì đến tháng 6 -1961 ông Ngô Trọng Hiếu tiếp xúc thân mật với văn nghệ sĩ Thủ Đô tại nhà hàng Đồng Khánh, Chợ Lớn. Trong số văn nghệ sĩ có các nghệ sĩ ca kịch và tân nhạc, mà các báo thời đó đăng ảnh ở trang nhứt, có đăng hình các nữ nghệ sĩ Phùng Há, Bích Thuận, Kim Cương...
Hai tuần sau cũng tại nhà hàng Đồng Khánh, ông Bộ Trưởng Công Dân Vụ lại vui tiệc liên hoan với anh em ký giả Thủ Đô, mà trong số có một số ký giả kịch trường quen tên như Nguyễn Kiên Giang, Tô Yến Châu, Nguyễn Ang Ca, Thanh Đạm…
Trong tổng quát, ông Hiếu rất chú trọng đến văn hóa và văn nghệ, và đặc biệt ngành nghệ thuật sân khấu lại được ông chú ý với tinh thần thông cảm sâu đậm. Sau đó thì ông Ngô Trọng Hiếu bắt đầu hoạch định đường hướng cho cải lương, với những đề án lớn lao, thiết thực để phát triển bộ môn nghệ thuật này. Cũng đồng thời đưa nghệ thuật cải lương làm lợi khí trong chiến lược tâm lý chiến, biến các đoàn cải lương thành các đơn vị văn nghệ tuyên truyền một cách tinh vi.
Điều mà thời bấy giờ người ta nhận thấy tầm quan trọng của Phủ Tổng Ủy Công Dân Vụ, là khi ông Ngô Trọng Hiếu về nhận chức Tổng Ủy Trưởng chẳng bao lâu thì cơ quan này được nâng cấp lên thành một bộ trong nội các: Bộ Công Dân Vụ, và ông Ngô Trọng Hiếu làm bộ trưởng.
Người ta không biết ông Ngô Trọng Hiếu có phải là người yêu thích cổ nhạc cải lương, hay là do cái nhìn chiến lược của một nhà hoạch định chính sách dân vận, mà ông đã chú trọng nhiều đến cải lương, và chủ trương cải tiến toàn diện bộ môn nghệ thuật này.
Theo như lời của nghệ sĩ Năm Châu khi tâm sự với các ký giả kịch trường, thì ông Hiếu chẳng thích cải lương bao nhiêu, nhưng ông lại biết rõ bộ môn nghệ thuật này được đại đa số người miền Nam ưa thích, nên đã đề ra chính sách thu phục số người dân đông đảo này.
Việc đầu tiên người ta thấy những cán bộ Công Dân Vụ đến từng đoàn hát đang hoạt động ở Đô Thành Sài Gòn và phụ cận để nắm vững hiện trạng nghề nghiệp, cũng như đời sống của giới này. Ông Hiếu còn cho người đi khắp các tỉnh đang có gánh hát trình diễn, cũng với mục tiêu trên.
Sau 3 tháng công tác, người chỉ huy các cán bộ Công Dân Vụ trình lên ông Hiếu bản báo cáo đầy dẫy những tác tệ trong làng cải lương, nêu rõ từng thành phần như sau:
- Bầu gánh: Đa số, lệ thuộc vào chủ nợ, chủ rạp. Vì vậy, trong tâm của họ chỉ nhắm vào khía cạnh thương mãi, họ dễ sợ chánh quyền và cũng sợ Cộng Sản.
- Nghệ sĩ: Không hề biết chủ trương văn hóa là gì? Học tập là gì? Nhiều tự ái, thiếu tự tin v.v...
- Soạn giả: Không thấy chủ trương Chính phủ, mà lại lạc ngõ, sa đọa, dễ bị mua chuộc, viết tuồng ham chỉ trích chánh quyền, gây giai cấp đấu tranh, gieo tinh thần lãng mạn, hạ cấp, mị dân. Làm khán giả khi đi coi hát ra về, có cảm tưởng ê chề, chán chường.
- Diễn xuất: Không nêu các vai trò diễn xuất mà chỉ chú trọng đến hình thức phát triển tiểu xảo. Không tìm thấy nghệ thuật ca diễn bình dân, bị ảnh hưởng nhiều của sự xâm nhập diễn xuất của phim ảnh xi nê.
- Ký giả kịch trường: Vô trách nhiệm trong việc phê bình. Định kiến thay đổi luôn, đưa đến tình trạng chán nản, bất mãn, chia rẽ.
Thật ra thì bản báo cáo trên đây nếu có sai, hoặc quá đáng thì cũng chẳng bao nhiêu, bởi cải lương thời này nó gần như vậy đó.

Nâng cao đời sống nghệ sĩ

phungha04-305.jpg
Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng Hoa Vương.
Rồi đến tháng 11 của năm đó, ông Hiếu lại mời trên 100 người gồm bầu gánh, nghệ sĩ và ký giả kịch trường họp mặt tại Bộ Công Dân Vụ ở đường Hiền Vương để trao đổi ý kiến, và cũng để thông báo đề án phát triển bộ môn cải lương.
Có lẽ vào mùa nắng nóng nực này mà trong phòng họp có trên cả trăm người, nên trước tiên ông Bộ Trưởng Ngô Trọng Hiếu mời các anh em văn nghệ sĩ cùng ông cởi áo ngoài ra cho mát mẽ, khiến cho những người có mặt hôm bữa đó đã có cảm tưởng như đại gia đình văn nghệ vậy.
Trong bầu không khí thân mật, ông Ngô Trọng Hiếu nói rằng chính quyền chú trọng việc nâng cao đời sống nghệ sĩ, và sẽ thực hiện:
- Quán cơm nghệ sĩ.
- Ký nhi viện cho con em nghệ sĩ, nhân viên và chuyên viên.
- Giúp đỡ các gánh nghèo.
- Tổ chức một phái đoàn nghệ sĩ đi ngoại quốc trình diễn.
- Gởi nghệ sĩ và chuyên viên đi ngoại quốc học hỏi.Tuy nhiên một phần lớn cũng còn tùy thiện chí đóng góp và sự giúp đỡ của anh chị em nghệ sĩ, bầu gánh v.v...
Ngoài ra, ông Bộ trưởng còn cho biết, ông có nguyện vọng thành lập một “làng văn nghệ” và một rạp hát giao anh chị em nghệ sĩ khai thác và quản trị. Ông đề nghị anh chị em nghệ sĩ tham gia để lập một quy chế kiểm duyệt mới, và tham gia bộ phận nghiên cứu cải tiến trên sân khấu như tổ chức đoàn hát, nội dung kịch bản, hình thức văn nghệ, phê bình tuồng tích. Ông mong mỏi trong hàng ngũ văn nghệ sĩ sẽ tránh nạn bè phái, cá lớn nuốt cá bé.
Và ông cũng nói thêm Bộ Công Dân Vụ sẽ tận tình giúp đỡ cho đại gia đình văn nghệ, hội thảo liên tục và sinh hoạt. Riêng các đoàn hát, bộ sẽ phái cán bộ xuống đi theo đoàn để giúp đỡ nếu cần.
Với các đề án trên nghe qua thì ai lại không nghĩ rằng thời Đệ Nhứt Cộng Hòa đã lưu tâm giúp đỡ nghệ thuật cải lương một cách thiết thực. Cũng như ông Ngô Trọng Hiếu là người mà lịch sử sân khấu cải lương sau này sẽ ghi công ông.
Nếu như thời các Chúa Nguyễn có những bậc tiền bối Đào Duy Từ, Đào Tấn, đã có công lớn với nền âm nhạc, nghệ thuật sân khấu nước nhà, thì lịch sử nền ca kịch hiện đại cũng có ông Ngô Trọng Hiếu đề ra chính sách làm cho nghệ thuật cải lương có điều kiện phát triển mạnh.
Thế nhưng, bên cạnh của sự đề cao khen tặng, thì cũng có những dư luận cho rằng ông Ngô Trọng Hiếu muốn gồm thâu nghệ thuật cải lương, để cho giới này phục vụ, củng cố chế độ thời đó.
NamChauPhungHa-250.jpg
Từ trái sang: Từ Anh, Năm Châu, Tư Út, Phùng Há, Ba Liên trong Tuồng Khúc Oan Vô Lượng, gánh Trần Đắc ở Cần Thơ diễn trên sân khấu khoảng năm 1931. Hình: Ngành Mai sưu tầm.
Bởi nếu như nhận xét một cách thấu đáo đề án “quy chế kiểm duyệt mới”, có nghĩa là một bộ phận kiểm duyệt sẽ được hình thành gồm các nghệ sĩ có trình độ như Năm Châu, Duy Lân... cùng làm việc với cán bộ Công Dân Vụ, để kiểm duyệt tuồng tích trước khi nó được trình diễn trước khán giả. Trong trường hợp nếu có vở tuồng nào mà người cán bộ Công Dân Vụ xét thấy bất lợi cho chế độ, thì dĩ nhiên các nghệ sĩ trong thành phần kiểm duyệt có dám chống lại không?
Cũng như đề án mỗi một đoàn hát dù lớn dù nhỏ cũng được một cán bộ Công Dân Vụ theo sát để giúp đỡ khi cần, thì lại chính là người kiểm soát sân khấu trong lúc trình diễn, cùng những vấn đề khác.
Tóm lại là đề án của ông Ngô Trọng Hiếu nếu thực hiện, sẽ là một cuộc cải tiến toàn bộ cải lương, đưa nghệ thuật sân khấu vào khuôn khổ. Được giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần nhưng không thể tự tung tự tác được. Và mỗi gánh hát là một đơn vị tâm lý chiến mà chính quyền không phải trả lương.
Thế nhưng, “mưu sự do Nhân thành sự do Thiên” hoặc “mưu sự do ông Hiếu mà thành sự do Trời”. Sang năm 1962 thì chiến tranh diễn ra ở nông thôn, ngân sách của chính phủ dành cho nhiều vấn đề cấp thiết quan trọng hơn. Chuyện cải lương quá nhỏ so với quốc sách Ấp Chiến Lược, với tăng cường quân đội, cảnh sát... Đề án cải lương của ông Hiếu chỉ mới thi hành được cái chuyện đưa nghệ sĩ đi nước ngoài trình diễn, học hỏi. Ngay cả quán cơm nghệ sĩ và rạp hát cho nghệ sĩ khai thác cũng chưa có thì nói gì cái “làng văn nghệ” lại quá xa vời.
Đề án phát triển cải tiến toàn bộ cải lương bị dặm chân tại chỗ cho đến ngày Phật Đản 1963 thì xảy ra vụ Phật Giáo ở Huế, tình trạng bất ổn lan tràn khắp các tỉnh kéo dài cho đến 1- 11- 63 thì Ngô Triều sụp đổ. Ông Hiếu chạy lánh nạn ở Tòa Đại Sứ Phi Luật Tân. Rồi thì cũng bị bắt giao cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, để đưa ông vào khám Chí Hòa.
Về sau được tự do, ông Hiếu đi dạy học, và khi có bầu cử Hạ Nghị Viện, ông ra tranh cử ở Hố Nai, Biên Hòa và đắc cử. Lúc ấy có người nói: “Cận thần trung thành của ông Diệm mà tranh cử ở Hố Nai, nơi đồng bào miền Bắc di cư đông đảo thì không cần tranh cử, nằm ngủ cũng đắc cử”.
Về tiểu sử thì khi xưa ông Ngô Trọng Hiếu là công chức Bộ Tài Chánh của chính quyền thuộc địa, với chức vụ Tổng Giám Đốc Ngân Khố. Chức vụ này nếu không là người Pháp thì phải có quốc tịch Pháp mới được bổ nhiệm (ông Hiếu là dân Tây có tên Paul Hiếu).
Năm đầu tiên của nền Đệ Nhứt Cộng Hòa, ông Đốc Phủ Sứ Nguyễn Ngọc Thơ giới thiệu ông Hiếu với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và ông Hiếu được bổ nhiệm làm Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Nam Vang, trước khi về nước làm Bộ Trưởng Công Dân Vụ.
Sau 1975 ông Ngô Trọng Hiếu ra hải ngoại định cư ở San Jose, Miền Bắc California. Năm 2000 trên trang cổ nhạc kịch trường Nhật Báo Người Việt, tôi có viết bài báo nói về việc khi xưa ông Hiếu hỗ trợ cho đoàn cải lương diễn tại hội chợ quốc tế Nam Vang. Lúc ấy bà Hiếu có điện thoại cho tôi, và gởi bức hình ông Hiếu cho tôi đăng báo. Và bà cũng cho biết ông Hiếu mất trước đó mấy năm.
Năm Mậu Thân 1968 cải lương oằn oại, ngất ngư, đào kép người nào cũng than trời như bộng. Có người nói nếu như không có đảo chánh 1 - 11 - 1963, ông Hiếu còn làm Bộ Trưởng Công Dân Vụ thì cải lương sẽ mạnh biết dường nào, chớ đâu đến đổi te tua “áo vũ cơ hàn” như thế ni. Cái đó chỉ có Trời mới biết!

No comments :

Post a Comment


"Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời"

Trong tuần qua nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong cuộc chiến trước đây lại tập trung để tham gia chương trình ‘Tri ân Thương Phế Binh’ với chủ đề “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.
Lần Gặp "Bác Hồ" Tôi Bị Mất Trinh
• Để bác cấy hạt giống đỏ cho cháu, cháu mang về miền Nam cho bác nhé.
Bác bồng tôi lên giường, hai tay bác đè tôi ra và lột áo quần tôi.Bác như một con cọp đói mồi, sau một hồì kháng cự tôi biết mình không thể nào làm gì hơn nên đành nằm xuôi tay... Hai hàng lệ một cô gái miền Nam vừa tròn 15 tuổi đã bị bác cướp đi mất cái trong trắng.
=>Đọc thêm=>