Nỗi buồn của chiên tranh và sự lãng quên
Giữa tháng tư năm nay, trên một tờ báo lớn tại TP HCM chạy dòng tin rằng các tour đi biển nhân dịp lễ 30/4 đã kín chổ. Những câu hỏi như 30/4 đi đâu, xuất hiện nhiều trên các báo.
Ngày 30/4 thực sự trong hơn chục năm qua đã trở thành một ngày mà cư dân đô thị lên đường đi du lịch trong và ngoài nước, rồi các tụ điểm vui chơi giải trí cũng được bàn đến là liệu họ có tăng giá hay không,… Và thế là đôi khi người ta quên mất ngày 30/4 là một ngày lịch sử lớn nhất trong lịch sử Việt nam hiện đại.
Nhà văn Thùy Linh từ Hà nội cho chúng tôi biết về cảm tưởng của chị trong tháng tư năm nay:
“Mọi người chẳng nhắc rằng ngày đó là ngày gì mà chỉ biết đó là ngày nghỉ, rủ nhau đi chơi ăn nhậu, chứ không ai nhắc sự kiện ngày 30/4 là ngày gì. Dần dần nó nhạt nhòa trong ký ức mọi người.”
Nhưng bên cạnh sự lãng quên đó, cũng trong thời gian hơn 10 năm trở lại đây, nhiều tiếng nói từ trong nước cất lên về ngày 30 tháng tư như là một nỗi buồn. Có lẽ đó là một Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh như ông mô tả trong quyển tiểu thuyết xuất bản hồi năm 1990, hay như câu nói nổi tiếng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt vài năm trước khi ông mất rằng ngày 30/4 có hàng triệu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn. Nhà văn Thùy Linh nói tiếp:
“Người ta không còn nhớ ngày 30 tháng tư là một ngày chiến thắng hay đại thắng mùa xuân gì đó. Người ta chỉ nhìn vào cái hiện trạng đất nước thôi, rồi người ta liên hệ, liên tưởng… mà những liên tưởng như thế rất nhiều nỗi buồn.”
Niềm hy vọng
Biến cố 30/4/1975 đã bắt đầu sự hình thành nên một cộng đồng Việt nam tại hải ngoại mà nay đã lên đến hơn hai triệu người. Cứ đến ngày 30/4 là nỗi buồn lại kéo về, đến nay đã 39 năm. Và cứ đến ngày này người ta lại nghe đến những từ hòa hợp hòa giải.
Cụm từ này lại được nhắc đến rất sớm từ đầu năm nay bởi ông Thứ trưởng bộ ngoại giao Việt nam Nguyễn Thanh Sơn, khi ông tổ chức một nhóm lớn những người Việt hải ngoại về nước đi thăm quần đảo Trường sa. Chuyến đi được cho là một cố gắng chứng tỏ ý muốn hòa giải của chính phủ đương quyền tại Việt nam với cộng đồng Việt nam tại hải ngoại. Tuy nhiên lời phát biểu của ông Sơn về những người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do sau năm 1975 rằng họ bị tuyên truyền một chiều, đã làm dấy lên sự phản đối của nhiều người Việt hải ngoại.
Ông Trần Giao Thủy làm trong ngành truyền thông tại Canada nói rằng những người ra đi sau 1975 chẳng phải bị tuyên truyền gì cả mà chẳng qua là họ không muốn sống với cộng sản mà thôi.
Ông Quốc Việt, người từng là nhân viên thiện nguyện tại các trại người Việt tị nạn ở Đông nam Á thì nói rằng sự hòa giải là nằm ở giữa nhà cầm quyền Việt nam với 90 triệu dân, chứ giữa những người Việt hải ngoại và người Việt trong nước không có gì phải hòa giải cả.
Trong một lần trao đổi với chúng tôi, một bạn trẻ lớn lên và học tập trong nước nói rằng chuyện hòa giải đó là của chính quyền vì chính họ là người đầu tiên nêu lên cụm từ ấy.
Trở lại sự kiện ông Nguyễn Thanh Sơn tổ chức chuyến tham quan-cầu siêu mà ông gọi là hòa giải, tiến sĩ Nguyễn Quang A, người từng đưa nhiều ý kiến phản biện lại chính phủ Việt nam nói:
“Tôi nghĩ rằng có một chuyển biến gì đấy không lớn lắm về nhận thức cái ngày này. Động thái của bộ ngoại giao mời những đại diện của bà con ở nước ngoài thăm Trường sa cũng là một dấu hiệu nho nhỏ về một sự cải thiện gì đó mà đáng lẽ phải được xúc tiến từ lâu rồi.”
Có lẽ là từ sự chậm chạp ấy mà nhiều người cũng nói rằng không rõ chính quyền Việt nam có thật lòng làm cái điều mình nói hay không, mặc dù là sự giao thương qua lại giữa người Việt trong nước và hải ngoại đã bắt đầu từ lâu. Một lượng ngoại tệ từ cộng đồng hải ngoại gửi về Việt nam cũng được chính những giới chức có thẩm quyền ở Việt nam đánh giá cao.
Phát biểu về cộng đồng người Việt tại hải ngoại ngày càng lớn mạnh, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói:
“Tôi nghĩ rằng trong cái bất hạnh cũng có cái may của nó. Rất là đau khổ rằng nhiều triệu người Việt nam đã phải ra đi trong mấy chục năm qua. Nhưng mặt khác đã tạo nên một cộng đồng đến 3 triệu người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Và đó là một phần rất đáng kể của dân tộc Việt nam và rất là quan trọng đối với việc phát triển của dân tộc này. Từ việc giữ gìn truyền thống, những giá trị cốt lõi của dân tộc, cho đến những sự hiểu biết mới mà bà con ở nước ngoài tích tụ được. Đó là chưa nói đến tiềm lực kinh tế mà tôi chỉ nói đến mặt trí tuệ, mặt hiểu biết. Đó là một tài sản vô giá sẽ giúp cho việc phát triển đất nước trong tương lai.”
39 năm đã trôi qua và sự chia cắt dường như vẫn chưa kết thúc vì người ta vẫn còn nói đến hòa hợp và hòa giải. Bên cạnh đó lại bắt đầu có sự lãng quên qua những dòng chữ quảng cáo du lịch lạnh lùng trên báo chí. Nhưng đâu đó vẫn là những nỗi buồn của những người như nhà văn Thùy Linh, và niềm hy vọng của những người như tiến sĩ Nguyễn Quang A.
No comments :
Post a Comment