Diễn đàn Bạn trẻ có mục đích nối kết tất cả những người Việt Nam trẻ tuổi khắp nơi trên thế giới để cùng nhau bàn luận về những vấn đề liên quan đến đất nước Việt Nam trong hiện tại, nêu lên ý kiến của những người trẻ tuổi về tương lai của một nước Việt Nam mà mọi người đều mong muốn rằng phát triển trong dân chủ và thịnh vượng.
Chủ đề mà Kính Hòa cùng các bạn trẻ thảo luận hôm nay là Lễ hội Đền Hùng được cho là rất đông người tham dự trong những ngày vừa qua.
Làm giảm ý nghĩa thiêng liêng
Kính Hòa: Chương trình diễn đàn bạn trẻ hôm nay xin được mời hay bạn, Suri từ Philippines và Thế từ Tuy Hòa. Chúng ta sẽ nói về một sự kiện vừa diễn ra, đó là lễ Hội đền Hùng, một lễ hội được tổ chức theo ngày mùng 10 tháng ba âm lịch, là ngày Giỗ tổ Hùng Vương, một ngày lễ có đã lâu trong lịch sử Việt Nam. Mà hình như là gần đây là ngày lễ quốc gia mà mọi người được nghỉ?
Suri, Thế: Dạ đúng rồi.
Kính Hòa: Năm nay được tổ chức đặc biệt lớn vì hình như có đến 5 triệu người tham gia. Nhưng cũng có nhiều người phê bình là quá tốn kém, rồi có những hoạt động mà người ta gọi là lố lăng như nhảy lắc vòng gì đó trên một sân khấu trong khu vực đền Hùng, rồi cũng có 1 ý kiến cho là nên trả lại lễ hội cho người dân…
Thế: Em thấy là các lễ hội, đặc biệt là lễ hội Hùng Vương cũng là một phần văn hóa. Cho nên là một việc chúng ta cần giữ gìn và phát huy. Nhưng mà chúng ta chỉ nên phát huy cái văn hóa tinh túy của dân tộc chứ không nên khuếch trương một cách tốn kém.
Cái thứ hai em thấy là các lễ hội văn hóa hiện nay ở Việt Nam rất là nhiều, không những lễ hội Hùng Vương mà còn các lễ hội khác nữa. Có hàng ngàn cái hàng năm như vậy, đây là một điều không nên.
Tổ chức làm sao cho nó nổi lên truyền thống uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên của người VN chứ đừng tổ chức tốn kém, khuếch trương, vì nó làm giảm đi cái nghĩa thiêng liêng của dân tộc đi.
-Bạn Suri
Suri: Theo em thì việc tổ chức đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt Nam thì nên duy trì. Nhưng mà ở Việt Nam thì người ta hay khuếch trương, tốn kém.
Riêng cái ý cho nhân dân tổ chức thì em nghĩ là nhà nước cũng phải có một cơ quan đứng ra làm, rồi nhân dân tham gia vào. Nhưng mà tổ chức làm sao cho nó nổi lên truyền thống uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam chứ đừng tổ chức tốn kém, khuếch trương, vì nó làm giảm đi cái nghĩa thiêng liêng của dân tộc đi.
Thế: Em xin bổ sung về cái ý hỏi rằng để người dân hay một cơ quan tổ chức thì theo em là nên có cả hai. Vì lễ hội là mang tính tâm linh văn hóa của người dân nên em nghĩ là chủ thể của lễ hội này phải là người dân. Và việc một cơ quan đứng ra tổ chức là chỉ để điều hành làm sao cho nó đi đúng hướng.
Kính Hòa: Xin trở lại ý của bạn Thế lúc nãy là hiện có rất nhiều lễ hội. Nhưng cũng rất mê tín dị đoan. Ngay trong lễ hội đền Hùng này, người ta ném tiền vào cái giếng cổ, rồi gắn tiền vào tượng mặc dù đã bị cấm…
Thế: Mặc dù nhà nước quản lý, nhưng cái cơ quan văn hóa lại không quản lý được mà để cho sự mê tín dị đoan diễn ra. Cái sự mê tín này cũng là cái nhận thức của người Việt. Em thấy đa số các lễ hội như đền Trần, rồi chùa Hương, thì người ta đến đó không phải vì nhu cầu tâm linh mà lại đến để cầu xin cái gì đó.
Suri: Em thì em thấy chuyện mê tín dị đoan như anh Kính Hòa nói nó ăn sâu vào tâm thức của người Việt mình quá rồi.
Cái thứ hai là em nghĩ rằng đó là hậu quả của việc giáo dục.
Quản lý của các cơ quan chức năng Việt Nam mình rất yếu kém, rồi giáo dục của nước nhà nữa. Tức là khi mình lồng ghép vô vấn đề văn hóa thì bao giờ cũng có yếu tố giáo dục. Khi có giáo dục thì mình sẽ nhìn vấn đề tâm linh nó khác. Và vì sự yếu kém về quản lý của nhà nữa mà người ta lẫn lộn giữa tâm linh và mê tín dị đoan.
Thế: Em thấy thế này, đây là chủ quen của em thôi, là những người làm văn hóa mà lại không không có văn hóa.
Kính Hòa: (cười) Là thế nào?
Thế: Tức là khi họ tổ chức lễ hội thì họ phải hiểu về cái lễ hội đó. Vì họ không hiểu nên họ chỉ làm mang tính đối phó, mang tính phong trào thôi. Ví dụ như ở chùa Hương, người ta cứ bán thịt thú rừng trong một nơi linh thiêng của Phật giáo như vậy. Vậy mà năm nào cũng thế, cơ quan chức năng chẳng làm gì cả.
Quan chức cũng mê tín?
Kính Hòa: Xin lặp lại ý của hai bạn, thứ nhất là chuyện mê tín dị đoan ăn sâu trong tâm thức của dân ta. Thứ hai là những người phụ trách văn hóa mà không có văn hóa. Tôi thấy là chuyện mê tín cũng có trong quan chức nữa, vì người ta nói đến nhiều xe cộ mang biển số nhà nước, rồi họ cũng xì xụp lễ bái, xin xăm cầu may cầu rủi…
Suri: Cái này đúng đó.
Báo chí nói rằng trong lễ hội đền Trần, biển số xe nhà nước rất nhiều. Rồi người ta giành giật nhau các tờ ấn, mà theo dân gian thì mang lại tài lộc cho cả năm.
-Bạn Thế
Thế: Báo chí nói rằng trong lễ hội đền Trần, biển số xe nhà nước rất nhiều. Rồi người ta giành giật nhau các tờ ấn, mà theo dân gian thì mang lại tài lộc cho cả năm.
Kính Hòa: Vậy làm sao đây?
Thế: Chuyện này rất là dài. Nó nằm sâu trong giáo dục của mình nữa. Giáo dục của mình rất là yếu kém. Nên nó mới nảy sinh mê tín dị đoan.
Suri: Theo em để giải quyết chuyện này thì đúng như Thế nói rằng đó là một câu chuyện rất là dài. Đầu tiên là chuyện nhận thức của người dân với một dân trí kém. Cái thứ hai nữa là em thấy nó liên quan đến nhận thức về tôn giáo.
Ý thức hệ hiện có Việt Nam là chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa này được cho là mang tính vô thần, nhưng mà người dân càng ngày càng có xu hướng mê tín dị đoan, thậm chí quan chức lãnh đạo.
Đường lối chính sách sai lầm dẫn đến ý thức của người dân sụp xuống rất là nhiều. Cái thứ hai là chuyện văn hóa. Khi tổ chức một lễ hội thì mình phải biết cội nguồn văn hóa gốc rễ nó như thế nào để giáo dục cho người dân nhận ra cái giá trị cốt lõi của vấn đề chứ không phải chuyện bề nổi. Người ta đổ xô tới đó không phải để tìm hiểu cội nguồn lễ hội đó như thế nào mà đi như phong trào rằng mình cũng đi tới đó.
Chuyện này em nghĩ là chuyện lớn của người Việt Nam. Nó đòi hỏi phải có sự thay đổi chính sách, thay đổi chính sách trong tất cả mọi vấn đề: giáo dục, văn hóa, thậm chí cả chính trị nữa.
Thế: Đồng ý đó. Em cũng thấy là giáo dục của chúng ta nó méo mó và lệch lạc. Đa phần học sinh chỉ chú tâm vào các môn toán, lý, hóa, và chán ghét bỏ bê các môn xã hội. Chính vì vậy mà họ không có kiến thức đúng đắn về lịch sử, văn hóa, văn học. Cho nên thay đổi đầu tiên em nghĩ phải là giáo dục.
Kính Hòa: Xin đặt cho các bạn câu hỏi ngắn cuối cùng là những năm vừa qua các bạn có hài lòng về một lễ hội nào không?
Suri: Cho tới nay em chưa thấy có một lễ hội nào được tổ chức đúng và có ý nghĩa. Chưa có lễ hội nào mang ý nghĩa…không biết nói thế nào…
Kính Hòa: Tâm linh, hội hè?
Suri: Tức là tất cả các lễ hội cho tới giờ đối với em đều mang tính hình thức, giáo điều, sáo rỗng.
Thế: Các lễ hội bây giờ khi tổ chức người ta cứ sân khấu hóa nó. Nó phải được trả về lại cho nhân dân.
Kính Hòa: Rất cám ơn hai bạn Suri và Thế đã tham gia chương trình diễn đàn bạn trẻ hôm nay.
Kính Hòa rất vui mừng đón nhận mọi bạn trẻ Việt Nam từ khắp năm châu tham gia Diễn đàn bạn trẻ. Các bạn có thể gửi yêu cầu tham gia Diễn đàn cùng với địa chỉ email, số điện thoại liên lạc đến kinhhoa@rfa.org hoặcvietweb@rfa.org hay có thể gọi vào hộp thư thoại tại số: 202-530-7775, hoặc liên lạc đếnhttps://www.facebook.com/kinhhoa.rfa Kính Hòa sẽ liên lạc ngay với các bạn.
No comments :
Post a Comment