Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Photo Nhan Sang/TTXVN
RFA - Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam hôm qua đã nghe và cho ý kiến về dự thảo luật Trưng cầu dân ý do Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết việc ban hành luật trưng cầu dân ý sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người dân trực tiếp tham gia vào các công việc của nhà nước, trực tiếp thể hiện ý chí và thực hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước.
Các ý kiến đưa ra tại cuộc thảo luận nhìn chung đều cho thấy sự cần thiết phải ban hành luật trưng cầu dân ý, dự án luật được soạn thảo công phu. Tuy nhiên vẫn có một số ý kiến nhận xét liên quan đến việc cụ thể hóa một số nội dung bao gồm điều kiện để đưa ra nội dung trưng cầu dân ý.
Theo dự kiến, luật trưng cầu dân ý sẽ trình quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 năm nay và thông qua tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10 năm 2015, quốc hội khóa 13.
Ngoài ra cũng trong phiên họp thứ 35 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 13 vào sáng hôm qua, dự án về luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân đã được đưa ra thảo luận.
Liên quan đến đề nghị mở rộng hình thức tuyên truyền, vận động bầu cử như vận động theo giới hay người ứng cử tự vận động, dự thảo luật giới hạn hai hình thức là gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại hội nghị do mặt trận tổ quốc các cấp tổ chức và thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Thường vụ quốc hội cho rằng đây là cách đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa những người ứng cử và tính công khai, minh bạch cuộc bầu cử.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị cấm sử dụng lợi ích như tiền, tài sản để lôi kéo, mua chuộc cử tri, cấm hành vi hứa hẹn ủng hộ tiền nếu trúng cử, hay sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin để vận động, sử dụng kinh phí sai trong quá trình bầu cử.
No comments :
Post a Comment