Nhiều tuyến đường giao thông được nâng cấp mở rộng góp phần xây dựng nông thôn
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương tầm quốc gia với mục đích thay đổi diện mạo nông thôn, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu lao động.
Tuy vậy, vấn đề lạm thu kinh phí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương còn khá phổ biến và gây rất nhiều khó khăn cho người nông dân, đặc biệt là những hộ nghèo.
Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới
Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2010 - 2020, theo đó việc xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa bàn các xã trong phạm vi cả nước, nhằm phát triển nông thôn toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...
Mục tiêu XDNTM không chỉ nhằm thay đổi bộ mặt của nông thôn về cơ sở hạ tầng, mà chủ yếu là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thông qua việc chuyển đổi cơ cấu lao động để tăng thu nhập cho người nông dân.
Nói về mục tiêu của trương trình XDNTM, ông Hồ Xuân Hùng, Phó Ban chỉ đảo quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho biết:
“Xây dựng nông thôn mới phải đặt được 5 nội dung cơ bản: Một là nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; hai là sản xuất phát triển, bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; ba là đời sống vật chất và tinh thần ngày một được nâng cao; bốn là bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển; năm là xã hội nông thôn an ninh tốt và có dân chủ.”
Sau một số năm triển khai thực hiện, bước đầu chương trình XDNTM đã thu được một số kết quả ban đầu, trước hết là về cơ sở hạ tầng như đường xá, điện chiếu sáng, trạm y tế… đã được cải thiện và nâng cấp, làm cho cuộc sống ngày càng dễ dàng hơn. Bà Thịnh ở huyện Tân Yên, Bắc giang bày tỏ:
“Trước kia nói chung đường nó gập gềnh, ổ gà đi lại khó khăn lắm, nhưng bây giờ nhờ đảng đã có đường giao thông liên thôn, từ xóm này sang xóm khác nên rất thuận lợi cho người nông dân, làm ăn rất thuận tiện và dễ dàng”
Theo quy định, nguồn vốn phục vụ cho chương trình XDNTM trên cơ sở nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, nhà nước sẽ hỗ trợ 70% kinh phí, kể cả cho phép địa phương sử dụng một số quỹ đất để bán đấu giá thu tiền; còn người dân sẽ đóng góp 30%.
XDNT mới phải đặt được 5 nội dung cơ bản: Một là nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; hai là sản xuất phát triển, bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; ba là đời sống vật chất và tinh thần ngày một được nâng cao; bốn là bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển; năm là XHNT an ninh tốt và có dân chủông Hồ Xuân Hùng
Theo Cổng thông tin Chính phủ cho biết, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu chính quyền địa phương các cấp chỉ được huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới ở mức hợp lý, tùy thuộc vào điều kiện của người dân. Không được huy động đóng góp nông thôn mới của hộ nghèo, vì “dân đã nghèo thì huy động được gì nữa”. Và nhà nước sẽ hỗ trợ cho các xã nghèo vùng cao tới 90-100% kinh phí XDNTM.
Tuy vậy trong việc tổ chức thực hiện thì kinh phí của nhà nước thường là thiếu hụt, không đủ nên hầu hết các xã phải thu thêm của dân. Ông Thoại, thành viên ban kiểm tra thôn Việt Lập, Tân Yên khẳng định:
“Bây giờ dân phải đóng góp quá nhiều, vì xây dựng nông thôn mới thì phải làm lại đường, làm lại toàn bộ thủy lợi. Trong khi nhà nước cho mỗi ha chỉ khoảng 1 triệu thôi. Còn lại tất cả là dân phải đóng góp, nếu bây giờ chia ra cho các sào thì rất lớn, dân không thể đóng góp được.”
Khó khăn của các hộ nghèo
Việc thu phí phục vụ cho viêc XDNTM đã gây không ít khó khăn cho các hộ nông dân, nhất là các hộ nghèo, chưa kể đến việc một số nơi còn lạm thu, thu chồng phí. Ông Danh một nông dân ở thôn Việt Lập bày tỏ:
“Như nhà chúng tôi thu hoạch một vụ sau khi trừ chi phí chỉ còn khoảng độ 2,6-2,7 triệu đồng, thế mà còn đi cấy thuê cho họ nữa thì không đủ ăn, chứ chưa nói đến chuyện cho con cái đi học. Cho nên tổng số bỏ ra đóng góp cho con đường này khoảng là 12 triệu, chủ yếu là phải đi vay của anh em.”
Trong một tâm trạng lo lắng, bà Đôi ở thôn Cao thượng tiếp lời:
“Bây giờ mỗi người chỉ có 2 sào ruộng, nhưng phải đóng góp rất nhiều vấn đề, trong khi dân thì rất nghèo mà bây giờ làm đường ngõ xóm đóng góp quá nhiều như thế thì nông dân chúng tôi không có sức để đóng góp.”
Những khoản chi phí hay sản phẩm khi người dân người ta cảm thấy chưa thoải mái, họ chưa nộp thì khi lên xã để xin cái dấu hay một cái giấy gì, như cho con đi học hành… Thì theo quy định của xã, phải đóng đủ thì họ mới cho dấuChị Huệ ở thôn Liên Chung
Khi người dân không nộp các khoản thu cho việc XDNTM, thì chính quyền xã đã gây khó khăn không chứng thực các giấy tờ cần thiết cho họ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Chị Huệ ở thôn Liên Chung chia sẻ:
“Những khoản chi phí hay sản phẩm khi người dân người ta cảm thấy chưa thoải mái, họ chưa nộp thì khi lên xã để xin cái dấu hay một cái giấy gì, như cho con đi học hành… Thì theo quy định của xã, phải đóng đủ thì họ mới cho dấu.”
Vấn đề nói trên được chúng tôi hỏi ông Nguyễn Tiến Khương, Chủ tịch xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc giang và được ông giải thích như sau:
“Là do những người ấy và một số hộ đã không hiểu rõ về cái nông thôn mới và cái giấy xác nhận việc thực hiện của đảng và nhà nước về chính sách thuế và nghĩa vụ thôi.”
Đánh giá về việc thu phí XDNTM đối với các hộ nông dân hiện nay, một cán bộ thuộc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, thuộc Trung ương Hội nông dân VN đề nghị dấu danh tính nhận định:
“Tình trạng thu phí hay tình trạng các khoản nộp khác nhau hiện vẫn đang tồn tại ở nhiều địa phương, một số nơi vẫn yêu cầu nông dân phải đóng góp để xây dựng các công trình. Đối với những khu vực có khó khăn thì những khoản đóng góp này đã gây không ít khó khăn cho bà con.”
Nhìn chung, các địa phương đã hiểu sai mục đích của vấn đề XDNTM và quan trọng nhất là phải bảo vệ được quyền lợi và tăng thu nhập của người nông dân. Ông Hồ Xuân Hùng khẳng định:
“Phải bảo đảm quyền lợi của nông dân tập trung vào đầu tư sản xuất hay sửa chữa nhà cửa của họ hay việc hiến đất đai hay nhân công thôi. Phải hạn chế việc thu tiền mặt của dân theo hộ hoặc thu theo đầu người. Vừa qua đã có một số địa phương vi phạm các thiếu sót này, cần phải khắc phục ngay.”
Một trong những thách thức trong công tác XDNTM hiện nay là vấn đề thu phí của các hộ nông dân, việc này đã làm cho các hộ nông dân nghèo càng nghèo hơn, là lý do làm cho người nông dân cảm thấy không hài lòng về cuộc sống của mình. Theo báo cáo "Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam" của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương gần đây về kinh tế nông thôn, thực trạng đời sống của nông dân, cho biết, hiện nay có đến 52% nông dân không hài lòng với cuộc sống của mình.
No comments :
Post a Comment