Trà Mi-VOA - Ngoại trưởng Trung Quốc tại hội nghị cấp bộ trưởng khu vực hôm 5/8 tuyên bố Bắc Kinh đã ngưng hoạt động cải tạo-bồi đắp đất ở Biển Đông, nhưng những lời đảm bảo của Trung Quốc dường như không có sức thuyết phục.
Vấn đề quan trọng là Bắc Kinh có dừng hay vẫn đang tiếp tục mọi các hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo đã bồi đắp. Đó là quan ngại mà Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ nêu lên trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi VOA Việt ngữ hôm nay.
Người đứng đầu AMTI nơi thường xuyên công bố hình ảnh vệ tinh về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông, Tiến sĩ Mira Rapp Hooper, nói trước những cách biệt giữa tuyên bố và hành động của Bắc Kinh, các nước trong khu vực mong cấp bách đạt một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc cho dù Trung Quốc có đồng ý ký kết hay không và Hoa Kỳ nên ủng hộ điều đó.
Theo tôi, ông Vương không hề khẳng định rằng Bắc Kinh đã ngưng tất cả các hoạt động xây dựng. Điều quan trọng là liệu Trung Quốc dừng hay vẫn đang tiếp tục mọi hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp.
TS Mira Rapp Hooper, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS.
VOA: Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc hôm qua tuyên bố Bắc Kinh đã ngưng hoạt động cải tạo-bồi đắp đất ở Biển Đông. Tiến sĩ có bình luận gì về lời tuyên bố này?
Tiến sĩ Rapp Hooper: Phát biểu này nhất quán với những tuyên bố gần đây của Trung Quốc rằng hoạt động bồi đắp đất đai ở Biển Đông đang được hoàn tất, nhưng theo tôi, ông Vương không hề khẳng định rằng Bắc Kinh đã ngưng tất cả các hoạt động xây dựng. Điều quan trọng là liệu Trung Quốc dừng hay vẫn đang tiếp tục mọi hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp.
VOA: Tin cho hay Trung Quốc có thể đang chuẩn bị xây dựng đường băng thứ nhì dài 3.000 mét tại Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa mà họ kiểm soát từ 1988 tới nay và là nơi có tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Bà đánh giá khả năng này thế nào? Những hình ảnh vệ tinh cho thấy những gì?
Tiến sĩ Rapp Hooper: Tại thời điểm này chưa thấy bất kỳ hoạt động mới đáng kể nào của Trung Quốc trên đá Subi chứng tỏ một đường băng đang được xây. Trung Quốc xem ra đã khởi sự công tác chuẩn bị bằng cách đánh dấu mốc trên bãi cát và tiến hành các hoạt động xây dựng tại đây nhưng chưa có bằng chứng cho thấy họ đang xây một đường băng lúc này.
VOA: Sau giai đoạn 1 là bồi đắp đất và giai đoạn 2 là xây dựng trên các khu vực đã bồi đắp, theo bà, bước kế tiếp của Trung Quốc là gì?
Tiến sĩ Rapp Hooper: Giai đoạn thứ hai là xây dựng có thể sẽ kéo dài. Không có lý do để tin rằng bước này sẽ hoàn tất trong năm nay. Hoạt động xây dựng dĩ nhiên sẽ bao gồm các cơ sở đặt để các thiết bị dân sự cũng như các thiết bị liên quan đến quân sự. Có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục công tác xây dựng với những giai đoạn khác nhau trong vài tháng hay vài năm.
VOA: Những điều gì có thể trông thấy trong tương lai gần sắp tới?
Tiến sĩ Rapp Hooper: Trong tương lai gần, từ nay tới thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình săng thăm Hoa Kỳ, có thể Trung Quốc sẽ không tiến hành các hoạt động xây cất khẩn trương. Tôi sẽ ngạc nhiên khi thấy họ xây đường băng trên Đá Subi hay đặt bất kỳ thiết bị quân sự quan trọng nào từ nay tới tháng 9 khi ông Tập sang Mỹ. Trung Quốc có thể sẽ tạm ngưng bất kỳ dự án xây mới nào gây tranh cãi cho tới khi một số thượng đỉnh quan trọng ở khu vực như Thượng đỉnh Đông Á hay APEC kết thúc cuối năm nay, Tuy nhiên, những tháng tiếp sau đó, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy họ cho tái tục các hoạt động xây dựng và các hoạt động bán quân sự hóa các đảo đó.
VOA: Tiến sĩ nhìn thấy viễn ảnh nào sau khi kế hoạch của Trung Quốc hoàn thành: một cuộc xung đột hay một Biển Đông bị Trung Quốc chiếm ngự?
Tiến sĩ Rapp Hooper: Tôi vẫn tin rằng không có khả năng xảy ra xung đột. Tôi không nghĩ Bắc Kinh hoặc các nước khác, dù có hay không có tuyên bố chủ quyền trong khu vực, muốn có một mâu thuẫn xung đột sâu xa hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta có thể sẽ nhìn thấy một môi trường căng thẳng dâng cao. Các nước trong vùng vẫn quan ngại về khả năng Bắc Kinh uy hiếp để tăng áp lực đối với các vị trí tiền đồn của mình. Hoa Kỳ và các nước bên ngoài cũng vẫn quan ngại và theo dõi mức độ Bắc Kinh dùng các tiền đồn của họ can thiệp vào quyền tự do hàng hải-hàng không. Đó là những điều chúng ta sẽ thấy trong vài tháng tới.
VOA: Ý nghĩa thực thụ và mục tiêu các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là gì?
Tiến sĩ Rapp Hooper: Theo tôi, mục tiêu của Trung Quốc là cải thiện sự hiện diện của họ ở Biển Đông và chứng tỏ sức mạnh, củng cố các tuyên bố chủ quyền trải rộng của họ theo bản đồ đường lưỡi bò, chứ họ không có ý khiêu khích xung đột. Không có các đảo nhân tạo này, trước đây Trung Quốc không thể có các hoạt động tiếp tế để cho phép duy trì công tác tuần tra thường xuyên trong khu vực. Với các đảo nhân tạo họ vừa bồi đắp, mục tiêu đó càng dễ dàng thực hiện hơn rất nhiều.
VOA: Bà dự đoán kết quả vụ Philippines kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc sẽ ra sao? Hành động pháp lý này liệu có mang lại thay đổi tích cực nào cho tình hình?
Tiến sĩ Rapp Hooper: Tôi dự đoán rằng tòa trọng tài quốc tế sẽ ủng hộ Philippines nhưng sẽ không mang lại một phần thưởng cho Manila trên mọi mặt trận. Trung Quốc nhất định sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa như họ đã từng tuyên bố. Có khả năng tòa sẽ tuyên bố đường 9 đoạn của Bắc kinh không phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển. Nhưng sẽ không có chuyện Trung Quốc sẽ tức thì thay đổi cách diễn giải đường 9 đoạn, các khu vực mà họ đã chiếm đóng hay xây dựng các đảo nhân tạo.
VOA: Cam kết của Trung Quốc không đi đôi với hành động. Vậy các nước nhỏ có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam và các nước không có tuyên bố chủ quyền nhưng quan tâm đến an ninh khu vực như Hoa Kỳ có thể làm gì để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc?
Tiến sĩ Rapp Hooper: Tôi nghĩ có rất nhiều điều cần phải làm. Quan trọng đầu tiên là cần phải xúc tiến các hành động đa phương. Các nước đang mong muốn xúc tiến các cuộc thương lượng để đạt một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông cho dù Trung Quốc có tham gia hay không. Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ nên ủng hộ điều đó. Mỹ cũng muốn tham gia các nỗ lực xây dựng khả năng đối tác với hải quân và lực lượng tuần duyên của các nước ASEAN. Gần đây Mỹ cũng đề nghị luật thành lập quỹ bảo đảm cho Đông Nam Á. Tôi nghĩ Hoa Kỳ có thể cùng với các nước khác trong vùng cũng quan tâm đến nỗ lực xây dựng khả năng đối tác như Nhật hay Australia để điều phối nguồn quỹ viện trợ này một cách đa phương để bảo đảm rằng các luồng quỹ viện trợ được củng cố qua lại lẫn nhau.
VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Mira Rapp Hooper, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
No comments :
Post a Comment