Trà Mi-VOA - Hai nữ tù nhân lương tâm đang bị Việt Nam cầm tù được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh trong chiến dịch kêu gọi phóng thích 20 phụ nữ trên thế giới can đảm dấn thân vì nhân quyền.
Nhà hoạt động Tạ Phong Tần là một trong hai nữ tù nhân lương tâm được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh.
Hai nhà hoạt động Tạ Phong Tần và Bùi Thị Minh Hằng có tên trong chiến dịch được phát động suốt tháng này. Qua đó, từ nay đến trước Hội nghị Bắc Kinh +20 ở New York vào hôm 27/9, mỗi ngày Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ lần lượt vinh danh từng người trong danh sách để đánh đi một thông điệp tới các chính phủ độc tài rằng nếu muốn tăng cường sức mạnh cho phụ nữ như những gì đã cam kết với quốc tế, hãy thôi giam cầm những phụ nữ đi đầu cho nhân quyền.
Trong lời tuyên bố phát động chiến dịch, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Samantha Power, nhấn mạnh:
“Mỗi ngày từ nay đến trước hội nghị Bắc Kinh +20, chúng tôi sẽ chia sẻ câu chuyện về từng người trong số 20 phụ nữ này với chi tiết đầy đủ. Chúng tôi sẽ nêu rõ tên tuổi, lai lịch, lý do họ bị bắt giam một cách bất công, cùng tên các chính phủ đã tước bỏ tự do của họ, các chính phủ cử đại biểu tới dự hội nghị Bắc Kinh +20 ở New York”.
Bà Tạ Phong Tần là người số 12 và bà Bùi Thị Minh Hằng số 19 trong danh sách bao gồm 20 nhà hoạt động nữ nổi bật của nhiều nước từ châu Á tới châu Phi.
Riêng tại Châu Á, ngoài Việt Nam, những nước có các nhà hoạt động nữ được vinh danh đến từ Miến Điện, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Mỗi ngày từ nay đến trước hội nghị Bắc Kinh +20, chúng tôi sẽ chia sẻ câu chuyện về từng người trong số 20 phụ nữ này với chi tiết đầy đủ. Chúng tôi sẽ nêu rõ tên tuổi, lai lịch, lý do họ bị bắt giam một cách bất công, cùng tên các chính phủ đã tước bỏ tự do của họ, các chính phủ cử đại biểu tới dự hội nghị Bắc Kinh +20 ở New York.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power.
Nhà hoạt động Phong Tần, nguyên là một nữ công an, bị tuyên án 10 năm tù vào năm 2012 về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Bà là một trong những sáng lập viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do vào năm 2007 cổ súy cho quyền tự do bày tỏ quan điểm. Bà được biết đến qua trang blog Công lý Sự thật, với các bài viết phơi bày bất công xã hội, phản ánh vi phạm nhân quyền và vấn đề chủ quyền dân tộc trước họa xâm lăng của Trung Quốc.
Bà Bùi Thị Minh Hằng là nhà hoạt động được nhiều người biết đến từ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa - Trường Sa. Kể từ đó, bà trở thành mục tiêu thường xuyên bị hành hung, bắt bớ và giam cầm. Năm 2014, bà bị Tòa án Nhân dân Đồng Tháp kết án 3 năm tù với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ sau loạt các hoạt động của bà cổ súy cho tự do tôn giáo và nhân quyền trong nước.
Cô Quỳnh Anh, con gái bà Hằng, chia sẻ cảm nghĩ khi nghe tin mẹ mình được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh:
“Bọn em cảm thấy rất lớn lao, rất vinh dự khi mẹ em là một trong hai nữ tù nhân lương tâm được nhắc tới. Đối với gia đình em, như thế là đủ. Nhưng đối với đất nước Việt Nam, em nghĩ điều này còn cần nhiều hơn nữa vì hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều tù nhân lương tâm. Không chỉ mẹ em và cô Tạ Phong Tần là nữ tù nhân lương tâm, còn rất nhiều người nữa cũng cần được nhắc đến”.
Cô Tạ Minh Tú, em gái nhà hoạt động Tạ Phong Tần, cho biết tình trạng của bà Tần hiện nay:
“Hiện giờ chị Tần bị nhốt chung phòng với 2 tù nhân hình sự. Trong phòng rất kín, không có chỗ thông gió nên chị không ngủ được, cũng không được ra ngoài. Một tuần được mở cửa phòng ra 1 lần để ra trước sân thôi chứ không được ra ngoài lao động”.
Cả hai nhà hoạt động Phong Tần và Minh Hằng từng tuyệt thực nhiều lần trong trại giam để phản đối các điều kiện đối xử khắc nghiệt và ngược đãi.
Con gái bà Minh Hằng chia sẻ thêm về những khó khăn này:
“Đối với tù nhân lương tâm, rất khó khăn, nói chung khó khăn trong tất cả mọi điều. Tù nhân thường, người nhà họ có thể dùng tiền hay các mối quan hệ để lo lót để có thể có được những điều tốt nhất cho người thân của họ trong tù. Còn những tù nhân lương tâm, hoàn toàn không thể làm những điều đó. Họ khắt khe và tìm mọi cách o ép vì luật nằm trong tay họ. Có những điều luật rất mập mờ. Ví dụ về quy chế thăm nuôi, luật quy định được thăm gặp ‘đến 1 giờ’, có nghĩa là cũng có thể là 5, 10 phút hay 1 tiếng cũng là ‘đến một giờ’. Như gia đình em, thường chừng 15 - 20 phút là họ bắt em phải đi ra”.
Với tư cách con của một tù nhân lương tâm, em hy vọng duy nhất một điều là Việt Nam không còn tù nhân lương tâm nữa. Tù nhân lương tâm là những người xứng đáng được ghi nhớ, được biết ơn. Họ là những người đi đầu khởi xướng đòi tự do dân chủ cho đất nước.
Cô Quỳnh Anh - con gái bà Minh Hằng.
Khi được hỏi nguyện vọng của gia đình hiện nay, cô Quỳnh Anh cho biết:
“Với tư cách con của một tù nhân lương tâm, em hy vọng duy nhất một điều là Việt Nam không còn tù nhân lương tâm nữa. Tù nhân lương tâm là những người xứng đáng được ghi nhớ, được biết ơn. Họ là những người đi đầu khởi xướng đòi tự do dân chủ cho đất nước”.
Thân nhân của nhà hoạt động Tạ Phong Tần cho rằng kêu gọi ngoại giao không thôi chưa đủ, cần các áp lực mạnh mẽ hơn để buộc Việt Nam phải thực hiện cam kết về quyền con người.
Cô Tạ Minh Tú:
“Nguyện vọng của gia đình là chị Tần được ra ngoài để trị bệnh vì hiện giờ chị ấy bị 4 thứ bệnh. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi tự do cho chị, nhà cầm quyền Việt Nam có nghe hay không thì không biết được. Còn phía Hoa Kỳ cần kêu gọi và xử trí thế nào vì Việt Nam đã ký với Liên Hiệp Quốc về Công ước nhân quyền, Hoa Kỳ phải có áp lực buộc họ phải thi hành”.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power cho biết vinh danh 20 nữ tù nhân này là một thông điệp mà Hoa Kỳ muốn gửi tới bản thân các nhà hoạt động và gia đình của họ rằng thế giới không quên những đóng góp hy sinh của họ thăng tiến cho quyền con người và rằng Mỹ sẽ tiếp tục áp lực các chính phủ phải phóng thích họ vô điều kiện.
Hà Nội phủ nhận có tù nhân lương tâm và gọi đó là những người phạm pháp bị xử lý theo pháp luật Việt Nam, khơi dậy những lời kêu gọi yêu cầu Việt Nam cải thiện luật nội địa phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền căn bản chung của quốc tế.
No comments :
Post a Comment