ĐGH Phanxicô đọc diễn văn trước Quốc Hội Hoa Kỳ.
Khánh An-VOA, William Gallo - Nhiều người dự kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gây ‘bão dư luận’ khi đến Mỹ vì những chỉ trích chủ nghĩa tư bản mạnh mẽ của ông trước đây khiến một số người phản đối, thậm chí gán ghép ngài là ‘cộng sản’. Thế nhưng kết quả thực tế là ngài không những không gây xung đột, mà còn khiến giới nhà lập pháp Mỹ ở cả hai đảng xúc động mạnh mẽ. Giám mục Nguyễn Thái Hợp nói Đức Giáo Hoàng đã không dùng ngôn ngữ của các chính trị gia mà là ngôn ngữ của Tin Mừng. Khánh An và thông tín viên William Gallo có bài tường thuật chi tiết sau đây.
Trước khi Đức Giáo Hoàng đến Mỹ, một số nhà phân tích dự liệu sẽ có một sự ‘bùng nổ’ trong chính trường và dư luận Mỹ vì sự kết hợp hoàn hảo của hai yếu tố: Một, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nổi tiếng với phát biểu cho rằng chủ nghĩa tư bản là trung tâm mọi vấn đề bất bình đẳng, cội rễ của các căn bệnh xã hội. Hai, nước Mỹ là cường quốc thống lĩnh về kinh tế thị trường. Việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Mỹ sẽ là cơ hội hội tụ đủ hai yếu tố gây ra xung đột.
Tuy nhiên, những bài phát biểu của vị đứng đầu Giáo hội Công Giáo, trong đó có bài phát biểu ở Quốc hội Mỹ, không những không gây ra xung đột mà còn đem lại kết quả ngược lại.
Một số nhà phân tích nói ngôn ngữ ‘mềm mỏng’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có tác dụng cân bằng giữa vấn đề tôn trọng nước Mỹ chủ nhà và điều mà Ngài xem là mối nguy của chủ nghĩa tiêu thụ quá đáng.
Ông Marian Tupy, nhà phân tích chính sách cấp cao của Viện CATO, nói: “Ngài chắc chắn sẽ phát biểu chống chủ nghĩa tư bản nhiều hơn trong những chuyến đi khác đến Châu Mỹ Latinh và các nơi khác. Nhưng ở đây tại Hoa Kỳ, Ngài rõ ràng là đã dịu giọng xuống, đặc biệt là tại Quốc hội. Đó giống như là một vị giáo hoàng khác vậy”.
Nhưng Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý Hòa bình, thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết: “Mỗi lần thì Đức Giáo Hoàng có những đề tài riêng, như lần này Ngài nói về môi sinh, về gia đình. Thành thử đâu phải bài nào cũng nói về chủ nghĩa tư bản, trước đây Ngài đã nói nhiều rồi”.
Mặc dù được cho là ‘dịu giọng’ hơn, nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không hoàn toàn bỏ quên những vấn đề kinh tế trong chuyến thăm Mỹ của Ngài.
Trong bài phát biểu ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo Hoàng đã chỉ trích ‘sự ích kỷ và ham muốn quyền lực và của cải vật chất vô hạn dẫn đến việc lạm dụng tài nguyên thiên nhiên và loại trừ người nghèo và người yếu thế’.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ một ngày trước đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên tục lặp lại từ ‘công ích’ và nhắc các nhà lập pháp Mỹ về trách nhiệm không chỉ là bảo vệ quyền tự do cá nhân, mà còn phải để ý đến những người bị thiệt thòi.
Đức Giáo Hoàng nói: “Ngay trong thế giới phát triển, những ảnh hưởng của các hành động và cơ cấu bất công là quá rõ ràng. Những nỗ lực của chúng ta phải nhằm mục đích khôi phục lại hy vọng, sửa chữa sai lầm, duy trì các cam kết và rồi thúc đẩy phúc lợi của cá nhân và của dân tộc. Chúng ta phải tiến lên cùng nhau, làm một, trong thần khí canh tân của tình huynh đệ và đoàn kết, hợp tác quảng đại vì lợi ích chung”.
Có một chi tiết thú vị, đó là có một phần trong bài phát biểu đã soạn không được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói tới khi Ngài đứng trước Quốc hội Mỹ. Đoạn này nhắc một chút về lịch sử chính trị của Mỹ và vai trò của tiền bạc trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Một trong những câu gây tranh cãi là: “Chính trị thực sự là để phục vụ con người, như thế nó không thể là nô lệ của kinh tế và tài chính”.
Không ai biết tại sao Đức Giáo Hoàng lại bỏ qua đoạn này khi nói trước Quốc hội Mỹ, nhưng nhà phân tích Tupy nói ông ‘ngạc nhiên một cách phấn khởi’ vì sự thiếu vắng những lời lẽ chỉ trích chủ nghĩa tư bản mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng.
“Điều này không có nghĩa là Ngài thay đổi thông điệp. Nó chỉ có nghĩa là Ngài quyết định nhấn mạnh những khía cạnh đức tin khác. Tôi nghi rằng là để không gây khó chịu cho chủ nhà và để hòa điệu tốt hơn với nhiều Mỹ nói chung”.
Giám mục Nguyễn Thái Hợp cho biết không phải lúc nào Đức Giáo Hoàng cũng nói nguyên văn bài phát biểu đã soạn.
“Khá nhiều lần Đức Giáo Hoàng không đọc hết mà lại nói thêm, chẳng hạn như nói với các giám mục hay nói ở những nơi khác, Ngài nói thêm nhiều điều mà không có trong bản văn chính thức”.
Với lối nói từ tốn, nhẹ nhàng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khiến cho nhiều dân biểu Mỹ xúc động. Người ta thấy Chủ tịch Hạ viện John Boehner liên tục lấy khăn lau nước mắt. Những nhà lập pháp ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đưa ra những phản ứng tích cực về bài phát biểu của người đứng đầu Vatican.
Nhận xét về lối nói cũng như những phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong chuyến thăm Mỹ, Gíam mục Nguyễn Thái Hợp nói:
“Có thể nói và nói rất rõ là quan điểm của Đức Giáo Hoàng là lấy Tin Mừng làm chính, thành ra ngôn ngữ, cách ứng xử, xử lý cũng dựa trên nền tảng của Tin Mừng. Thành thử ra là nói mà nói khéo, chứ không phải dùng ngôn ngữ của các chính trị gia, nhất là khi đang trong cuộc tranh luận. Chuyện đó thì ta thấy rõ. Chính vì vậy, nhiều người thấy đồng thuận và nhìn thấy nơi Đức Giáo Hoàng vai trò của một vị mục tử, một sứ giả của Tin Mừng, chứ không phải là người đến để gây chia rẽ.”
Hoa Kỳ là quốc gia thứ 15 mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm trong hơn hai năm trở thành giáo hoàng. Những điểm đến ưu tiên đã thể hiện rõ quan điểm đến gần những người bị gạt ra ngoài lề xã hội trong khẩu hiệu ‘Cảm thương và lựa chọn’ của Ngài.
No comments :
Post a Comment