Người dân nghèo hành nghề cửu vạn tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Chính quyền Việt Nam nói mỗi năm đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Tuy vậy con số các hộ tái nghèo vẫn liên tục gia tăng. Thực tế ra sao và cần phải có giải pháp gì để công tác xóa đói, giảm nghèo được bền vững?
Tỷ lệ giảm nghèo không phản ánh đúng thực chất
Theo thống kê của Bộ Lao động TB & XH, trong 15 năm qua, ở Việt Nam đã có khoảng 43 triệu người dân thoát khỏi nghèo đói. Tỷ lệ các hộ nghèo giảm từ mức 29% năm 2002, xuống chỉ còn 8,4% năm 2014.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ giảm nghèo này không phản ánh đúng thực chất vì thực tế số người nghèo trong xã hội không giảm, thậm chí còn tăng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới cập nhật theo chuẩn nghèo mới, thì tỷ lệ người nghèo cả nước năm 2013 lên đến 20,7%.
Đánh giá về công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam trong thời gian qua, Thạc sĩ Đinh Văn Tuyền, trường Đại học Lao động và Xã hội nhận xét:
Trong thời gian qua công tác xóa đói giảm nghèo cũng đạt được các kết quả nhất định, song tôi nghĩ rằng vẫn mang nặng tính hình thức nên chưa thực chất và chưa đạt hiệu quả cần thiết.-Thạc sĩ Đinh Văn Tuyền
“Trong thời gian qua công tác xóa đói giảm nghèo cũng đạt được các kết quả nhất định, song tôi nghĩ rằng vẫn mang nặng tính hình thức nên chưa thực chất và chưa đạt hiệu quả cần thiết. Tình trạng các hộ tái nghèo tăng lên đã cho thấy, khi nhà nước ngừng hỗ trợ về tiền bạc hay vật chất thì là lúc người dân lại nghèo trở lại. Theo tôi công tác xóa đói giảm nghèo hiện nay thiếu tính bền vững.”
Có ý kiến cho rằng sự thay đổi các tiêu chí về chuẩn nghèo là nguyên nhân khiến số đối tượng nghèo tăng lên. Trong khi đó người nghèo tại khu vực đô thị gia tăng do tốc độ đô thị hóa nhanh, các biến động về tự nhiên như lụt bão… đã làm cho nguy cơ tái nghèo trở nên phổ biến.
Còn ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo giải thích:
“Bất cứ quốc gia nào cũng thế thôi, thì kể cả xã hội phát triển đến đâu thì cũng đều có từ 15-20% dân số sống dưới mức trung bình của xã hội. Đây là nhóm đối tượng mà chúng ta đang quan tâm. Tuy vậy cách làm của chúng ta cũng hết sức thận trọng, quy mô và tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của cả nước theo tính toán của chúng tôi thì cũng không tăng lên so với trước. Trước đây nếu chỉ tính thu nhập thì có thể hộ này chưa thuộc diện nghèo, khi tiếp cận theo hướng này thì chúng ta sẽ mở rộng đối tượng, song số hộ nghèo và cận nghèo sẽ không tăng quá 20%.”
Ông Đinh Văn Tuyến cho rằng tư duy đối với công tác xóa đói giảm nghèo cần được thay đổi, thay vì cho người nghèo những gì họ thiếu thì nhà nước cần ràng buộc trách nhiệm của họ đối với các chi phí được nhà nước cấp, để buộc họ phải có trách nhiệm hơn. Ông nói:
“Chính sách xóa đói giảm nghèo luôn được coi như một chính sách hành chính chứ chưa hẳn là một chính sách xã hội. Các chính sách luôn hướng từ trên xuống theo cách rót vốn cho người nghèo để họ có thêm tiền để thoát nghèo, còn việc người nghèo sử dụng đồng vốn đó như thế nào thì nhà nước không quan tâm. Do đó người nghèo chỉ được xóa nghèo trên giấy, trong khi thực tế cuộc sống nghèo của họ không một chút thay đổi dù có thêm những khoản hỗ trợ. Một khi có những tác động từ biến động tình hình kinh tế - xã hội, thiên tai thì người nghèo sẽ rơi vào tình hình khó khăn hơn.”
Chuẩn nghèo không còn phù hợp
Việc sử dụng chuẩn nghèo dựa vào thu nhập, chi tiêu được áp dụng từ năm 1993 đến nay đã không còn phù hợp và bộc lộ nhiều hạn chế cần được sửa đổi cho phù hợp. Nói về chuẩn mức sống tối thiểu mới được áp dụng thay cho các tiêu chí về chuẩn nghèo cũ, ông Ngô Trường Thi giải thích:
“Chuẩn mức sống tối thiểu phải dựa trên cơ sở nhu cầu lương thực, thực phẩm để đảm bảo mức sống tối thiểu của con người mà nhu cầu tính bằng calo, và cộng với các chi phí để đáp ứng các nhu cầu về phi thực phẩm. Hai mức nhu cầu đó cộng lại sẽ là chuẩn mức sống tối thiểu và chuẩn này hết sức khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của nhà nước.”
Theo báo Lao động online cho biết, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá, tỷ lệ giảm nghèo ở Việt Nam nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn; nhiều vùng còn nhiều khó khăn, có vùng còn trên 50% hộ nghèo, cá biệt có vùng còn 60% -70% hộ nghèo.
Chuẩn mức sống tối thiểu phải dựa trên cơ sở nhu cầu lương thực, thực phẩm để đảm bảo mức sống tối thiểu của con người mà nhu cầu tính bằng calo, và cộng với các chi phí để đáp ứng các nhu cầu về phi thực phẩm.-Ông Ngô Trường Thi
Nói về các tồn tại trong công tác xóa đói giảm nghèo hiện nay, ông Ngô Trường Thi nhận định:
“Do chính sách về xóa đói giảm nghèo quá nhiều, nên dẫn đến việc phân tán nguồn lực rồi chồng chéo trong quá trình thực hiện. Tôi xin lấy ví dụ như cùng là công tác dạy nghề, nhưng một đối tượng có thể thụ hưởng theo chính sách 156, hoặc dạy nghề cho đối tượng phụ nữ, dạy nghề cho nông dân hay dạy nghề cho người thiểu số. Song quan trọng nhất theo tôi là hiệu quả của công tác đó chúng ta đã không đánh giá được.”
Công tác xóa đói giảm nghèo đang đi dần vào các vấn đề mang tính thực chất hơn, kể từ năm 2016, Bộ Lao động TB&XH sẽ tiến hành áp dụng chuẩn nghèo đa chiều toàn diện, tức là chuẩn nghèo sẽ không chỉ lo cơm ăn, lo áo mặc mà nó còn các yếu tố khác như thông tin, được đi học và chăm sóc sức khỏe... sẽ được đề cập tới. Một cán bộ thuộc Viện Khoa học Lao động và Xã hội không muốn nêu danh tính khẳng định:
“Khi chúng ta đã xác định chuẩn nghèo đa chiều được rồi thì chắc chắn là số đối tượng cần tác động sẽ rất lớn. Chứ không phải chỉ như hiện nay chỉ có 7-8% hộ nghèo có thu nhập thấp như bây giờ đâu.”
Đề xuất các giải pháp để việc xóa đói giảm nghèo trở nên bền vững và hiệu quả, ông Đinh Văn Tuyền khuyến nghị:
“Nhà nước không thể xóa đói giảm nghèo bằng cách hỗ trợ bằng tiền và vật chất như hiện nay, theo kiểu, thiếu gì thì hỗ trợ cái đó. Về lâu dài tôi nghĩ phải thay thế bằng hình thức cho vay có điều kiện và buộc các hộ nghèo phải hoàn trả, hướng vào những chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, không tiếp tục tạo ra sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Trước hết, là những hộ mới thoát nghèo, những hộ cận nghèo để họ không tái nghèo và không rơi xuống diện nghèo. Đồng thơi cần có các chính sách đồng bộ để tạo việc làm để tăng thu nhập cho người nghèo.”
Nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thoả mãn những nhu cầu cơ bản của con người như ăn, mặc, học hành, khám chữa bệnh… so với chuẩn đã được xã hội thừa nhận tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế xã hội, phong tục tập quán của mỗi quốc gia. Trách nhiệm đồng thời cũng là nghĩa vụ của mọi nhà nước đối với dân chúng là giảm thiểu tối đa tình trạng đó.
No comments :
Post a Comment