Sunday, October 25, 2015

Cuộc biến thể thoái hóa của ĐCS:

Từ đảng trị sang nhóm trị và nay đang trở thành gia đình trị
Pic
Âu Dương Thệ (Danlambao) - "...Rõ ràng tầng lớp thống trị của chế độ toàn trị đang phân hóa và tìm cách thanh toán lẫn nhau. Đế quốc Bắc Kinh - bệ đỡ cho nhiều Ủy viên Bộ chính trị CSVN - đang rơi vào kình chống mãnh liệt giữa các phe và khủng hoảng kinh tế, tài chánh trầm trọng đang diễn ra. Vì thế đất nước đang chuyển vào giai đoạn mới với những vận hội mới. Toàn dân ta, đi đầu là trí thức, chuyên viên, thanh niên và cả những đảng viên tiến bộ hãy xiết chặt tay nhau đồng lòng mở ra những cuộc vận động mới bằng phương pháp phi bạo lực, với mục tiêu là chuyển đất nước sang dân chủ, chấm dứt độc tài đảng trị lẫn độc tài cá nhân và bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền trước sự bành trướng của tân đế quốc Bắc Kinh!"

- HNTU 12 hoàn toàn bế tắc trong giải pháp "trường hợp đặc biệt" của "tứ trụ"!

- Tại sao dẫn tới bế tắc trong HNTU 12?

- Sự biến thể của ĐCS: Từ đảng trị thành nhóm trị và đang chuyển sang độc tài cá nhân gia đình trị: Cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Nguyễn Tấn Dũng không là giải pháp nhưng chính là nguyên nhân của thất bại.

- Những người dân chủ và đảng viên tiến bộ cần tích cực và chủ động mở những cuộc vận động mới!

*

Khi theo dõi cách nói, cách trình bày của người cầm đầu chế độ toàn trị Nguyễn Phú Trọng trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương (HNTU) 12 chiều Chủ nhật 11.10 và dáng điệu nghe, bộ mặt phản ứng của 200 Ủy viên trung ương cho thấy nhiều tín hiệu rất không bình thường: Suốt trong 19 phút đọc, giọng trầm xuống, khuôn mặt lạnh lẽo không hồn, không một lần nào ông Trọng cười. Trong khi ấy nhiều khuôn mặt toát ra từ buồn thiu, rất lo âu tới căng thẳng bất mãn của hầu hết 200 Ủy viên trung ương, ngay cả những nhân vật ngồi hàng ghế đầu. Không khí buồn và căng thẳng như trong một đám tang(1). Tại sao các phong thái và cử chỉ hứng khởi, hồ hởi và tin tưởng lại hoàn toàn vắng bóng trong HNTU 12 khi thảo luận về chủ đề nhân sự tương lai ở các cấp cao nhất là Bộ chính trị và Ban bí thư, nhất là "xem xét trường hợp "đặc biệt"" đối với của một số Ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư Khóa 11 muốn đòi giữ ghế tiếp trong Khóa 12?

Giữa khi ấy Nguyễn Tấn Dũng ngồi nghe ở hàng ghế đầu lại cười, cái cười ruồi bĩu môi nửa miệng của người cầm đầu chính phủ tỏ vẻ vừa khinh miệt vừa diễu cợt khi nghe Nguyễn Phú Trọng nói về kết quả HNTU 12 - như thầm nói, xem anh này nói phép, đóng kịch nghiêm nghị giả dối đến đâu! Suốt 19 phút nghe diễn văn, nhưng chỉ có một lần vỗ tay duy nhất vào vài giây chót giành cho người đứng đầu đảng. Như vậy làm sao có thể tin lời ông Trọng là, "Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ nội dung chương trình đề ra." Mặc dầu trong diễn văn khai mạc sáng Thứ hai 5.10 ông Trọng đã yêu cầu các Ủy viên trung ương: "Thống nhất cao về vấn đề này [tức đề án nhân sự cấp cao nhất] sẽ là cơ sở rất quan trọng để Trung ương bàn và quyết định nhân sự cụ thể ở các hội nghị Trung ương tiếp theo." Tình hình tại HNTU 12 tồi tệ như thế làm sao ông Trọng lại bảo là, "củng cố niềm tin của nhân dân, tạo không khí phấn khởi tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng" như Tạp chí CS đã dùng câu nói trên của Nguyễn Phú Trọng làm tựa bài cho diễn văn bế mạc của ông?(2) 

Hội nghị đã diễn biến như thế nào khi bàn về các "trường hợp đặc biệt" trong đề án nhân sự ở cấp cao khiến phải ngưng họp suốt ngày 10.10?

Theo chương trình làm việc từ 5-11.10.15, ngoài việc kiểm điểm tình hình kinh tế-xã hội năm 2015, kế hoạch cho 2016 và bầu Quốc hội khóa 14; HNTU 12 có tầm rất quan trọng là bàn về đề án nhân sự trong Trung ương đảng, Bộ chính trị và Ban bí thư Khóa 12 và nhất là về đề nghị của Bộ chính trị "xem xét trường hợp "đặc biệt"" đối với của một số Ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư Khóa 11 đòi giữ ghế tiếp trong Khóa 12 để chuẩn bị cho Đại hội 12 chỉ còn vài ba tháng. Vì sao chủ đề quan trọng nhất này lại bị bế tắc và phải dời tới các Hội nghị tiếp theo? Chuyện gì đã xẩy ra?

Tốt nghiệp Tiến sĩ về ngữ văn, lại nhiều năm từng làm Chủ tịch Hội đồng lí luận trung ương nên ông Trọng nổi tiếng là người khéo chọn chữ và dùng cử chỉ để bày tỏ thái độ. Khi bực mình thì chửi toáng lên và ra lệnh cho cấp dưới phải thi hành, như khi ông căm tức các trí thức và chuyên viên công khai lên tiếng chống lại cách sửa Hiến pháp giả dối 2013 của Tổng bí thư; khi ấy ông đã ngạo mạn kết án thẳng thừng là "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống"(3) Nhưng khi buồn bực hay thất vọng thì ông Trọng biết cách để nước mắt chẩy trước đám đông, như khi ông nói tới việc đa số Ủy viên trung ương đã từ chối lời của Bộ chính trị yêu cầu ra biện pháp kỉ luật với Nguyễn Tấn Dũng tại HNTU 6, 10.12.(4) Hoặc khi thấy cần phải lấy lòng những ủy viên Trung ương không còn tin vào con đường XHCN –vì phe của ông đang thất thế trong Trung ương đảng- thì ông xuống giọng và chọn ngôn ngữ từ tốn, như trong HNTU 12 vừa qua trong diễn văn khai mạc ông Trọng tránh dùng các từ ngữ CS và tỏ vẻ là người biết lắng nghe. 

Vì vậy khi phân tích quan điểm và tâm tư của Nguyễn Phú Trọng cũng như những người cầm đầu chế độ toàn trị cần phải để ý tới các từ ngữ họ dùng, cử chỉ khi họ phát biểu để có thể thẩm định vị thế chính trị của họ trong Trung ương đảng còn vững hay đang lung lay và hiểu được động cơ các tuyên bố của họ, từ ý đồ tự đề cao hay các mánh khóe tránh né không để dư luận thấy cái xấu, chia rẽ của thành phần chóp bu. Lối hành xử nói vậy nhưng không phải là vậy và thắng 1 thì nói 10, nhưng xấu xa đậy lại như mèo giấu cứt vẫn là tác phong đóng kịch của hầu hết những người cầm đầu chế độ toàn trị.

***

Phần quan trọng nhất trong diễn văn khai mạc của Nguyễn Phú Trọng là đoạn sau đây:

"Đề nghị Trung ương tập trung nghiên cứu kỹ Báo cáo của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung này, nhất là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt" đối với Uỷ viên Trung ương và Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI tái cử khoá XII; trên cơ sở tiêu chuẩn chung của 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt đã nêu tại Phương hướng công tác nhân sự, Báo cáo đã đề xuất tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), về các phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Thống nhất cao về vấn đề này sẽ là cơ sở rất quan trọng để Trung ương bàn và quyết định nhân sự cụ thể ở các hội nghị Trung ương tiếp theo."(5) 

Điều làm dư luận cả trong đảng lẫn nhân dân rất chú ý là, cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Nguyễn Tấn Dũng đòi Trung ương đảng "xem xét trường hợp "đặc biệt""; nhưng họ lại không dám công khai nêu tên những người nào trong Ủy viên trung ương, Bộ chính trị và Ban bí thư đương nhiệm (Khóa 11) vẫn nằng nặc đòi giữ ghế tiếp tục trong khóa 12, mặc dầu đã quá tuổi qui định theo Điều lệ đảng. Chính sự cố tình bưng bít vấn đề rất quan trọng này đã tự tố cáo sự lúng túng, phản dân chủ và sự cố tình lũng đoạn thao túng của hai nhóm này, chỉ dùng đảng làm bình phong để thỏa mãn lợi ích cá nhân và phe nhóm! 

Những câu hỏi nóng bỏng và rất chính đáng được nêu lên là: Họ tự vỗ ngực là "đầy tớ" của dân và để "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra", nhưng vì lí do nào và từ động cơ gì họ không cho nhân dân và đảng viên biết tên những ai được xếp vào "trường hợp đặc biệt" và Điều lệ đảng có cho phép chỉ vài Ủy viên Bộ chính trị có quyền qua mặt Đại hội đảng, chọn sẵn những người đứng đầu các cơ quan của đảng và nhà nước không? Điều này cực kì quan trọng, vì trong chế độ toàn trị những người trở thành "tứ trụ" sẽ nắm vận mệnh đất nước và sinh mệnh của 90 triệu người. Bốn người này không chỉ cầm đầu đảng (Tổng bí thư) mà còn giữ các chức Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội! 

Nếu vài nhân vật thuộc "trường hợp đặc biệt" có uy tín cao, đạo đức tốt và thành tích thực sự muốn ở lại thì làm sao lại sợ đảng viên và nhân dân đến nỗi không công khai nêu tên họ ra?! Cách làm thậm thụt và thái độ lươn lẹo của họ đã chứng minh, họ đang biến việc hệ trọng của đảng, của nước, của nhân dân thành chuyện riêng của một vài người để độc quyền nắn bóp theo ý đồ riêng và lợi ích vị kỉ! Trong dư luận đã nêu ra vài nhân vật được coi thuộc vào "Trường hợp đặc biệt". Nhưng ở đây người viết không tham gia vào việc phỏng đoán. Quan trọng ở đây là cách làm việc có minh bạch, dân chủ không của vài người có trách nhiệm trong Bộ chính trị hiện nay. 

***

Trong diễn văn bế mạc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm Trưởng tiểu ban nhân sự đã tự khen, bảo là "Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị, đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng các báo cáo về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Báo cáo về công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt".(6) Tuy nhiên trong Thông báo kết thúc HNTU 12 đã không thấy những lời khen trên. 

Nhưng ông Trọng đã bộc lộ gì về kết quả thảo luận tại HNTU 12 đối với các đề nghị quan trọng trên của Bộ chính trị và Tiểu ban nhân sự? Nói cách khác, Trung ương đảng đồng ý hay đã đưa ra những đề nghị khác với yêu cầu của Bộ chính trị và Tiểu ban nhân sự "xem xét trường hợp đặc biệt"? Việc này Nguyễn Phú Trọng đã cho biết:

"Ban Chấp hành Trung ương… đề xuất nhiều ý kiến về tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt" đối với Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII, tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội)."(8)

Quan sát viên chính trị về VN tinh ý sẽ thấy, nếu đối chiếu đoạn này với đoạn trong diễn văn khai mạc ngày 5.10 của ông Trọng khi yêu cầu Trung ương đảng (hay Ban chấp hành Trung ương) "tập trung nghiên cứu kỹ Báo cáo của Bộ Chính trị""xem xét trường hợp "đặc biệt" đối với Uỷ viên Trung ương và Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI tái cử khoá XII"(9) thì thấy rất rõ: Những yêu cầu của Bộ chính trị và Tiểu ban nhân sự đã bị Trung ương bác bỏ phần chính, nếu không muốn nói là toàn bộ! Thật vậy, sau một tuần lễ họp trong diễn văn bế mạc Nguyễn Phú Trọng phải nhìn nhận là:

1. Ban chấp hành Trung ương đã "đề xuất nhiều ý kiến về tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"" đối với Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII.

2. Không những thế, Ban chấp hành Trung ương còn đưa ra cả những "tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội)" 

Dù ông Trọng cố tình dấu nhẹm qua những từ ngữ khó hiểu, nhưng khi phân tích kĩ thì các ngôn từ trên đã tự bộc lộ các diễn tiến hoàn toàn bất lợi trong các buổi thảo luận về đề án nhân sự cấp cao nhất tại HNTU 12. Ai am hiểu nội tình các phe nhóm trong Trung ương ĐCS có thể mường tượng diễn biến các cuộc tranh luận rất gay gắt sau khi nghe Tiểu ban nhân sự trình bày về đề án nhân sự ở cấp cao nhất.(10). Có thể ước chừng là trong hai ngày 8 và 9.10 nhiều lúc đã nổ ra những cuộc đấu khẩu rất căng thẳng và kịch liệt nên không thể đi tới thống nhất được với nhau. Mặc dầu đề án nhân sự ở cấp cao nhất do Bộ chính trị chuẩn bị đã thi hành theo Quyết định số 244 –QĐ/TW ngày 9.6.14 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kí, được sự thỏa thuận của hai phe chính là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng theo kiểu "ông ăn chả bà ăn nem", nhưng nhiều Ủy viên trung ương đã chống lại sự thỏa hiệp lười biếng và vô trách nhiệm này. Vì nó không chỉ vi phạm Điều lệ đảng, theo đó chỉ Đại hội Đảng mới có quyền quyết định về thành phần nhân sự của Ban chấp hành Trung ương 12 và từ đó bầu ra Bộ chính trị và Ban bí thư. Chẳng những thế, nhiều Ủy viên trung ương còn đưa ra những phản đề nghị, được gói ghém trong cụm từ Ban chấp hành Trung ương "đề xuất nhiều ý kiến về tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt"" và còn đưa ra những điều kiện mới nữa chống lại ý đồ đòi chiếu cố các "trường hợp đặc biệt" của vài Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm, dù quá tuổi vẫn nằng nặc đòi nắm quyền tiếp, chính sự tham quyền và đánh mất tự trọng của họ trở thành kì đà cản mũi các ủy viên trẻ tuổi và có khả năng hơn.(11) 

***

Không chỉ chống đối nhau trong việc xem xét các "trường hợp đặc biệt" cho vài Ủy viên Bộ chính trị muốn giữ ghế cao tiếp tục. Ở một đoạn khác trong diễn văn bế mạc ông Trọng còn để lộ ra cả sự khác biệt lớn giữa Trung ương đảng với Bộ chính trị và Tiểu ban nhân sự ngay cả trong tiêu chuẩn tái cử cho các Ủy viên trung ương đương nhiệm (khóa 11) được tiếp tục vào Trung ương khóa 12 và tiêu chuẩn cho các Ủy viên trung ương được cử vào Bộ chính trị và Ban bí thư Khóa 12:

"Trung ương ghi phiếu đề xuất danh sách các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và ghi phiếu đề xuất, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII."(12)

Ở đây người ta cũng thấy, mặc dù ông Trọng đã cố tình dùng ngôn ngữ lắt léo khó hiểu, nhưng nếu phân tích dưới ngôn ngữ của khoa học chính trị thì cụm từ "Trung ương ghi phiếu đề xuất danh sách" các ứng cử viên cho cả ba cơ quan quan trọng này chẳng qua là thừa nhận, trong các buổi họp tại HNTU 12 nhiều Ủy viên trung ương đã công khai đề nghị và giới thiệu những ứng cử viên mới cho ba thành phần trên rất khác biệt so với những đề nghị của Bộ chính trị và Tiểu ban Nhân sự.

***
Nói tóm lại, tại HNTU 12 Bộ chính trị và Tiểu ban nhân sự đã đưa ra 3 đề án nhân sự chính:

1. Cho các "trường hợp đặc biệt" đối với vài Ủy viên Bộ chính trị khóa 11 muốn ở lại.

2. Các Ủy viên trung ương được cử vào Bộ chính trị và Ban bí thư Khóa 12.

3. Các Ủy viên trung ương Khóa 11 muốn tái cử Khóa 12. Như các dẫn chứng trên đây, cả ba đề án nhân sự này đã bị Trung ương đảng bác một phần quan trọng hay toàn bộ, đồng thời đưa ra những phản đề nghị mới.

Trong Thông báo HNTU 12 ngày 11.10 Trung ương đảng chỉ viết rất vắn tắt, nhưng dùng ngôn ngữ như cách ra lệnh cho Bộ chính trị phải triển khai đúng các đề nghị của Bộ chính trịTrung ương:

"Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự Đại hội XII, căn cứ ý kiến của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, để tiếp tục xem xét, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã được Ban Chấp hành Trung ương thông qua [tại HNTU 11, 5.15] và Quy trình công tác nhân sự để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại các hội nghị Trung ương khóa XI tiếp theo."(13) 

Nội dung đoạn kết luận trên của Trung ương đảng không nhắc trực tiếp tới ba yêu cầu chính trong đề án nhân sự của Bộ chính trị và Tiểu ban nhân sự. Điều này làm nhớ tới sự từ chối của Trung ương đảng đối với yêu cầu của Bộ chính trị khiển trách Nguyễn Tấn Dũng tại HNTU 6, 10.12!

Các dẫn chứng trên chứng minh, mặc dù cách trình bày tối nghĩa và lòng vòng của ông Trọng nhưng các quan sát viên chính trị có thể dự đoán là, các cuộc đấu khẩu rất căng thẳng, chống đối nhau rất kịch liệt và thái độ giành giựt phần thắng giữa các phe nhóm đã đến mức cùng cực trong các buổi họp bàn về đề án nhân sự tại HNTU 12. Vì thế nếu tiếp tục để thảo luận thì có thể đi đến đổ vỡ công khai ngay tại Hội nghị. Trước nguy cơ khó lường này nên họ đã không dám cho thảo luận tiếp tục mặc dù còn thì giờ. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến các bên đã phải đồng ý tạm ngưng lại việc thảo luận đề án nhân sự quan trọng này. Chính vì thế ngày Thứ bẩy 10.10 HNTU đã phải ngưng họp. Trong thông báo với bên ngoài không cho biết lí do. Chỉ nói vắn tắt, "ngày 10/10/2015, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng không họp".(14) 

Giả thuyết nói rằng, đề tài nhân sự cấp cao đã mau chóng đạt được đồng thuận ngay trong hai ngày 8-9.10, do đó HNTU 12 đã thừa thì giờ nên mới để nghỉ họp suốt ngày 10.10 không có cơ sở đứng vững, nếu căn cứ trên cách diễn đạt lòng vòng của Nguyễn Phú Trọng và cách trình bày ngắn gọn như ra lệnh trong Thông báo HNTU 12 trên đây, cũng như không khí ngột ngạt, căng thẳng và buồn thiu khi Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc. Sự kiện phải nghỉ họp suốt một ngày để "hạ nhiệt" giữa các phe dường như chưa có một tiền lệ trong các HNTU của đảng này từ trước tới nay.

Tuy hai phe Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng kình chống nhau mãnh liệt, nhưng họ đều hiểu rằng, thất bại trong vấn đề quan trọng này sẽ làm họ mất uy tín lớn trong đảng và nhân dân và sẽ trở thành đề tài chính phê bình và chế diễu của dư luận cả trong đảng lẫn nhân dân. Nên chỉ nội một ngày sau khi HNTU 12 kết thúc bộ máy tuyền truyền và công an đã tung lên ngay các báo của đảng bài "Cần tỉnh táo trước các chiêu trò ‘gây nhiễu’ về công tác nhân sự"(15), nhằm mục tiêu tìm cách chặn họng và xuyên tạc các nhận định của các giới về sự thất bại của HNTU 12.
Nói tóm lại, từ cách cố tình dùng ngôn ngữ để tô hồng hay che đậy những chống đối kịch liệt của nhiều phía ngay trong HNTU 12, tới việc tìm cách chặn họng và đe dọa đảng viên và nhân dân muốn biết sự thật về kết quả của HNTU 12, nhưng cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Nguyễn Tấn Dũng không thể phủ nhận được sự thực là, thỏa hiệp lười biếng chia phần giữ ghế theo cách "anh ở lại thì tôi cũng ở lại""ông ăn chả bà ăn nem" của cả hai phe Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã bị thất bại. Vì thế đề án nhân sự ở cấp cao nhất, cho cả các trường hợp "đặc biệt" chia nhau các ghế "tứ trụ" đã bị hoàn toàn bế tắc trong HNTU 12. Vấn đề rất quan trọng này lại phải dời tới các HNTU 13 và 14, như lời xác nhận của Hội nghị Ban Tuyên giáo trung ương "thông báo nhanh" kết quả HNTU 12(16). Theo thông báo trước đây Đại hội 12 sẽ được triệu tập chậm nhất là vào quí 1 năm 2016 (tức cuối tháng 3.16), nhưng nay chỉ còn vài tháng. Vì thế trong các tuần lễ tới sự đấu đá từ ngấm ngầm tới công khai trong việc giành giật ghế cao giữa các phe sẽ quyết liệt và tàn bạo hơn!

Tại sao dẫn tới bế tắc trong HNTU 12?

Bế tắc tại HNTU 12 chỉ là cao điểm mới của một chuỗi những tranh chấp quyền lực gay gắt giữa các phe trong Bộ chính trị và Trung ương đảng, đặc biệt giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, trong nhiều năm qua xuyên qua các HNTU mà người viết đã phân tích rõ trong nhiều bài. Hiện nay trước mùa Đại hội 12 mức độ giữ ghế tranh phần ở trung ương lẫn địa phương từ trong đảng tới các cơ quan chính phủ giữa các phe đang bùng nổ, vì nhà dột từ nóc, kinh tế-tài chánh bấp bênh, ngoại giao chao đảo…

1. Nhà dột từ nóc: Đảng đang bị thao túng thành nhóm trị và gia đình trị

Trong những ngày qua từ trong đảng tới ngoài xã hội và cả dư luận quốc tế đều chứng kiến thấy tốc độ nhanh đến chóng mặt qua một loạt nhiều thái tử đảng còn rất trẻ nắm các bí thư tỉnh ủy hay vào các Ban chấp hành tỉnh ủy và thành ủy ở nhiều nơi. Như Nguyễn Thanh Nghị, con trai của Nguyễn Tấn Dũng, trở thành Bí thư trẻ tuổi nhất nước (39t) tại tỉnh Kiên giang, nơi phất cờ của ông Dũng trước đây. Người con trai khác của ông Dũng, Nguyễn Minh Triết mới 25t cũng vừa nhẩy vào Ban chấp hành tỉnh Bình định. Nguyễn Xuân Anh mới 39 tuổi, con trai của cựu Ủy viên Bộ chính trị kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi, cũng vừa nắm Bí thư tỉnh ủy Đà Nẵng. Cũng tại đây Nguyễn Bá Cảnh mới 32, con của cố Trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh, đã được bầu vào Ban chấp hành Đà Nẵng.(17) Danh sách các con cái của nhiều Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên trung ương đảng trên chỉ là một phần rất nhỏ bị lộ ra, như phần nổi của tảng băng. Trong khi HNTU 12 đang diễn ra, chính cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nhiều cán bộ cao cấp đã về hưu cũng lại báo động về tệ trạng các quan lớn lợi dụng quyền lực để tham nhũng và gia đình trị theo khẩu lệnh "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ". Chính nó là nguyên nhân đưa tới tha hóa và tham nhũng càng bất trị:

"Trong 20 năm trở lại đây, phải nhìn nhận trong lịch sử phát triển kinh tế đất nước, chưa bao giờ có nhiều vụ tham nhũng lớn xảy ra như giai đoạn vừa qua, những Vinashin, Vinalines và các vụ thất thoát lớn khác mà ta đang cần làm rõ trách nhiệm. Tôi choáng váng với một trường hợp trưởng phòng của Vinashin đã tham nhũng được hàng chục triệu USD."(18) 

Một loạt con cháu từ Thủ tướng tới các đại quan trong Bộ chính trị như Nguyễn Sinh Hùng, Phùng Quang Thanh, Lê Thanh Hải, Nguyễn Xuân Phúc… đang tranh nhau ghế cao, hay đang nắm các công ti Doanh nghiệp nhà nước theo khẩu lệnh "hậu duệ, tiền tệ, quan hệ" đang là bằng chứng, họ đã vất vào thùng rác các tiêu chí chọn lựa nhân sự ở cấp cao các bên vừa thỏa thuận tại HNTU 11, tháng 5.2015:

"Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật tiêu biểu của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo quản lý… 

Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm… tham nhũng, tiêu cực lớn… không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.”(19)

Chính Ủy viên trung ương và Phó trưởng ban thường trực ban Tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng đã xác nhận, do những sai lầm về chủ trương và đường lối, nên tầng lớp lãnh đạo chế độ toàn trị hiện nay đang biến thành những kẻ cầm quyền kiểu "Chủ nghĩa tư bản bè phái""Chủ nghĩa tư bản lũng đoạn", cá lớn nuốt cá bé như thời kì đầu của tư bản rừng rú.(20)

"Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Nhà triết học cổ điển Đức L.Foiơ Băc đã từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh. Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai?"(21) 

Gần bốn năm trước, khi vừa lên làm Tổng bí thư một năm, Nguyễn Phú Trọng đã nhận định như trên về tình trạng tranh giành quyền-tiền, bất công và suy thoái đạo đức ngay ở tầng chóp bu của ĐCS. Suốt nhiệm kì làm Tổng bí thư 5 năm nhưng các tệ trạng này càng trở nên bất trị. Điều này chứng tỏ Nguyễn Phú Trọng đã hoàn toàn thất bại không ngăn cản được sự suy thoái đạo đức ở ngay giai tầng chóp bu trong đảng; khiến cho bọn đại quan trong đảng, trong chính phủ đang giành địa vị cao cho con cháu. Họ đã trả lời thẳng vào mặt ông Trọng: Đảng này nay đang là đảng của quyền-tiền của các đại gia đỏ!

2. Thất bại trong kinh tế-tài chính 

Tình hình kinh tế, tài chánh đang diễn ra hoàn toàn trái ngược với những sự tô hồng của Nguyễn Tấn Dũng tại HNTU 12 và tại Kì họp thứ 10 của Quốc hội khi trình bày tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và mục tiêu cho 2016. Nguyễn Tấn Dũng nói là 13 trong tổng số 14 mục tiêu đã đạt và vượt kế hoạch.(22) Chỉ vài ngày sau HNTU 12, tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 12.10 phía Chính phủ yêu cầu Quốc hội cho phép bán trái phiếu 3 tỉ USD trên thị trường quốc tế để đảo nợ.(23) Nghĩa là dùng số tiền vay này để trả khoản nợ tới hạn. Số nợ công chính thức đã lên tới 110 tỉ USD, số thực sự có lẽ còn cao hơn nhiều. Nói cách khác, chính phủ không còn ngân sách để trả nợ nước ngoài và trong nước. Vay nợ mới để trả nợ cũ theo kiểu giật gấu vá vai, chứng tỏ nguy cơ của tình hình tài chánh quốc gia đang thiếu hụt tới mức nguy hiểm và sự thất bại trong chính sách kinh tế-xã hội. Trách nhiệm trực tiếp chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong vai trò người đứng đầu về điều hành và thực hiện. Nhưng Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương cũng phải chịu trách nhiệm, vì là hai cơ quan quyết định và kiểm soát. 

Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, "một loạt chỉ tiêu thụt lùi của nền kinh tế trong 5 năm qua."(24) Ngày 8.10.15 Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phải quyết định bán các cổ phần trong 10 Doanh nghiệp nhà nước để ‘trả nợ nước ngoài’. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vừa tiết lộ “ngân sách đang rất căng thẳng” và chỉ còn 45.000 tỷ đồng (trên 2 tỉ USD).(25) Ngày 22.10 tại Quốc hội chính Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy, Báo cáo ngày 20.10 trước Quốc hội của Nguyễn Tấn Dũng bảo là “thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều” chỉ là ảo tưởng và dối trá.(26) Các sự kiện trên chứng minh là, mức nợ công đã quá cao và dẫn tới nguy cơ phá sản.(27) 

Trong khi ấy mức nhập siêu từ Trung quốc gia tăng mạnh tiếp tục từ năm này sang năm khác. Tổng cục Thống kê VN cho biết, chỉ tính 8 tháng đầu 2015 mức nhập khẩu từ Trung quốc đạt 32,7 tỷ đôla, tương đương 29,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Con số nhập siêu thực sự từ Trung quốc còn cao hơn nhiều.(28) Bụng đói thì không ngẩng đầu lên được, vì thế nguy cơ mất chủ quyền rất rõ ràng! Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải "phá giá đồng tiền Việt Nam 3% và nới biên độ tỷ giá VND/USD lên gấp ba lần, từ 1% lên 3%."(29) 

Tình hình kinh tế, tài chánh bi đát như thế là kết quả từ những chủ trương sai lầm trong nhiều thập niên qua của chế độ toàn trị. Chính Ủy viên trung ương kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng đã xác nhận ngay trên tờ CS liền sau HNTU 12:

"Thử xem chúng ta đã có thứ hàng công nghiệp gì của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới? Hầu như chưa có gì đáng kể. Trong mấy chục năm nay, qua các kỳ đại hội và các kế hoạch 5 năm, chúng ta đã xác định hàng chục ngành ưu tiên (mũi nhọn). Đến nay hỏi lại không rõ Việt Nam đang ưu tiên cho mũi nhọn nào và câu trả lời thường không thống nhất…

Ta nói Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, nhưng đến nay bình quân giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1 ha rất thấp, thua xa so với những nước không có điều kiện bằng ta…

GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 bằng 3/5 Indonesia, 2/5 Thái Lan, 1/5 Malaysia, 1/15 Hàn Quốc và 1/27 của Singapore. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đi sau Thái Lan 20 năm, Malaysia 25 năm, Hàn Quốc 30-35 năm…

Công nghệ lạc hậu 2 – 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới…"(30) 

Có nhiều lí do dẫn tới thất bại trong kinh tế tài chính, nhưng phải kể tới:

a) Chi tiêu quá lớn cho bộ máy khổng lồ nhưng hiệu quả lại rất thấp của nhà nước. Ngân sách quốc gia không chỉ chi cho bộ máy nhà nước, nhưng còn phải chi cho toàn bộ guồng máy đảng với trên 3 triệu đảng viên. Mới đây vừa công bố là, chỉ riêng cho Văn phòng Trung ương đảng, NSQG phải chi gần 2000 tỉ đồng/năm, Ban Tuyên giáo 110 tỉ/năm…(31) Theo chủ trương chia nhau cùng ăn "tiền của chùa", nên số thứ trưởng và số các cục, các sở… trong các bộ, ban… ngày càng phình ra.

b) Chủ trương thiết lập hệ thống KTNN, ưu đãi và giành độc quyền cho các tập đoàn và tổng công ti nhà nước. Hệ thống này không trở thành "quả đấm thép" như Nguyễn Tấn Dũng từng hô hoán, mà lại trở thành quả tạ cho nền kinh tế, vì nó làm ăn thất bại từ năm này sang năm khác và chính phủ phải bù đắp hàng trăm ngàn tỉ đồng. "Theo Tổng cục Thống kê, nợ của khối doanh nghiệp nhà nước đến năm 2012 vào khoảng 192 tỷ USD", tới 2014 khoản này lên tới khoảng 200 tỷ đô la.(32) Cần lưu ý là, dưới thời Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng từ 2006 do chủ trương giành ưu đãi tối đa cho các Doanh nghiệp nhà nước nên số nợ của các Doanh nghiệp nhà nước gia tăng khủng khiếp từ năm này sang năm khác. 

c) Bộ máy tham nhũng từ trên xuống dưới, từ chính phủ tới trong đảng càng gia tăng và bất trị, khiến ngân sách quốc gia bị đục khoét và các công trình xây dựng hạ tầng do vốn vay của nước ngoài (ODA) đều bị xà xẻo lên tới 20%-30%. Trong 20 năm qua VN đã vay nước ngoài và các định chế tài chánh quốc tế theo mô hình ODA các ngân khoản khổng lồ lên tới 72 tỉ USD để xây dựng các công trình hạ tầng.(33) Hầu hết các công trình này rơi vào tay các tập đoàn và tổng công ti nhà nước và bị những ổ tham nhũng của bọn tham quan từ Bộ chính trị tới các địa phương xà xẻo tới 20-30% cho vây cánh và gia đình. Thử làm một con tính 30% ngân khoản 72 tỉ USA từ ODA để thấy số tiền khổng lồ đã vào túi vào bọn tham quan và họ đang dùng tiền tham nhũng này như những quả "đấm thép" để mua các ghế trong Bộ chính trị, Trung ương đảng,BT các tỉnh, thành phố và các cơ quan trong đảng và chính phủ. Chính cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đang báo động về tham nhũng bùng nổ và gia đình trị của các quan lớn, như nói trên. Các tin về các con Thủ tướng, họ hàng Chủ tịch Quốc hội, con trai Bộ trưởng quốc phòng, con trai Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, các con trai các cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ Tịch nước Lê Đức Anh… được cất nhắc giữ những chức vụ cao hay, những nơi làm ăn béo bở." 

Nhưng các nguyên nhân trên đều chỉ là hậu quả của chế độ toàn trị. Bọn quan đỏ tham nhũng đang dựng lên "Chế độ Cộng hòa Chuối" ở VN!(34)

3. Chao đảo ngoại giao, đầu cơ chính trị

Càng đến dịp cận kề Đại hội 12 người ta chứng kiến những hành động và lời nói sặc mùi đầu cơ chính trị theo kiểu trò thò lò sáu mặt, nói vậy nhưng không phải vậy và thái độ chao đảo, thay lổi lập trường 180° trong lãnh vực ngoại giao của nhiều Ủy viên Bộ chính trị, đặc biệt là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phe giáo điều bảo thủ giở trò đi đêm với tư bản gộc qua việc để người cầm đầu thân hành sang gặp Tổng thống Obama (7.15) để thực hiện quỉ kế đồng sàng dị mộng nhằm cứu vãn thế lực và uy tín đang xuống dốc trong Trung ương đảng và nhân dân.(35)

Để Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái bình dương (TPP) sớm kết thúc, họ phải xuống nước đến mức sẵn sàng nhượng bộ chiến thuật với Mĩ qua hứa hẹn để các tổ chức dân sự được quyền thành lập, trong đó kể cả nghiệp đoàn độc lập, giảm các ưu đãi cho các Doanh nghiệp nhà nước và trả tự do nhưng bắt phải sang Hoa Kì cho một số tù nhân lương tâm nổi tiếng. 

Chính những thỏa thuận này đã đạt được vào đúng ngày khai mạc HNTU 12 (5.10.15) để Nguyễn Phú Trọng trình làng tại HNTU 12 là phe ta đã thành công và Mĩ đang ủng hộ, nhằm chấn lại phe Nguyễn Tấn Dũng, cũng như thuyết phục các Ủy viên trung ương độc lập. Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, trưởng đoàn đàm phán đàm phán tại TPP, cho biết: "Đến nửa đêm 4/10, rạng sáng 5/10, ta mới kết thúc đàm phán dệt may với Mỹ và Mexico." Sau đó đến 3 rưỡi sáng 5/10, Việt Nam và Mỹ mới kết thúc đàm phán về quyền sở hữu trí tuệ."(36) 

Vừa thỏa thuận xong với Hoa Kì về TPP phe Nguyễn Phú Trọng vội vàng quay sang thân thiện lại với Bắc Kinh để chấn an cánh bảo thủ giáo điều. Vì thế giữa lúc HNTU đang họp thì bộ Ngoại giao đưa tin, Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đã chính thức mời Chủ tịch đảng và Chủ tịch nước TCB thăm VN.(37) Ngày 23.10 Nguyễn Phú Trọng cũng đã tiếp Trưởng ban đối ngoại ĐCS Trung quốc Vương Gia Thụy để chuẩn bị chuyến thăm của Tập Cận Bình.(38) Không những thế ngay sau khi HNTU 12 kết thúc Nguyễn Phú Trọng còn bác bỏ quan ngại của nhân dân là nhiều công ti Trung quốc đang mua nhà và đất đai (dưới tên của người Việt) tại Đà Nẵng, Hội An, Hà Tĩnh.(39) "Không có chuyện người nước ngoài vào Việt Nam mua đất mà họ chỉ thuê lại đất theo quy định của ta". Ông Trọng đã tuyên bố như vậy với cử tri Hà Nội ngày 12.10.(40) Việc này làm mọi người nhớ tới tuyên bố nổi tiếng của Nguyễn Phú Trọng tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào năm 2010, khi ông còn là chủ tịch Quốc hội, là "Tình hình biển Đông không có gì mới" và không cho Quốc hội được bàn tới. Nhưng từ đó Bắc Kinh đã được đằng chân lân đằng đầu công khai mở rộng bành trướng trên biển Đông!

Tiếp theo đó cả Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng còn để bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sang Bắc Kinh tham dự cuộc họp không chính thức lần thứ sáu của các bộ trưởng Quốc phòng 10 nước Asean với bộ trưởng Quốc phòng Trung quốc Tướng Thường Vạn Toàn. Trung quốc đã đề nghị cùng với Asean mở thao diễn quân sự trên biển Đông trong năm 2016.(41) Kế hoạch này cho thấy rõ ba mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh là:

1. Tìm cách chống lại dự tính của Hoa Kì cho các tầu chiến tuần tra sát các đảo trên biển Đông Bắc Kinh đã xâm chiếm và tân tạo quận sự hóa.

2. Thúc đẩy VN và Asean thừa nhận chủ quyền của Trung quốc trên các đảo họ đã xâm chiếm của VN và một số nước Asean.

3. Vô hiệu hóa chiến lược chuyển trục quân sự và an ninh sang Thái bình dương của Thủ tướng Obama.

Trước âm mưu đen tối như thế, nhưng ngay tại Hội nghị nói trên Phùng Quang Thanh đã tin và lập lại lời của Thường Vạn Toàn: “Đặc biệt trong Cuộc gặp lần này Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng nêu ra vấn đề là dù Trung Quốc có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực".(42) Cùng nội dung này, 4 năm trước thứ trưởng Quốc phòng Tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã tuyên bố như vậy tại Bắc Kinh trong chuyến đi tiền trạm chuẩn bị cho tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung quốc.

***

Trong khi đó, sau HNTU 12 Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì và chỉ đạo Đại hội đảng bộ Công an ngày 16.10. Trong diễn văn dài nhưng không lần nào ông Dũng phê bình hay cảnh cáo những hành động vi phạm pháp luật của công an trong việc đánh đập, làm trọng thương khiến nhiều công dân đã bị chết trong các đồn công an. Nguyễn Tấn Dũng cũng không lên tiếng ngăn cấm các hành động côn đồ và đàn áp của công an đối với các người dân chủ và nhiều cuộc biểu tình của dân oan. Trái lại, trong 5 mệnh lệnh giao cho công an, ngay trong mệnh lệnh đầu tiên, trong tư cách Thủ tướng nhưng ông Dũng đã đòi rất sai trái là, "Công an phải trung thành tuyệt đối với đảng" và "Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp" công an:

"Một là, Phải tiếp tục kiên định xây dựng lực lượng Công an nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng, với dân tộc, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phải nghiêm túc giữ vững nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng Công an nhân dân."(43)

Tiếp đó Nguyễn Tấn Dũng đã quên đi vai trò và trách nhiệm của Thủ tướng, là phải bảo vệ luật pháp và quyền tự do của công dân, nên đã ra lệnh cho công an: "Xử lý kịp thời hiệu quả không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập và làm thất bại mọi âm mưu chống phá đất nước của các thế lực thù địch."(44) Không những thế trong diễn văn Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần kết án các hoạt động của những người dân chủ là "thế lực thù địch"

Nhưng chúng ta còn nhớ, mới đầu năm 2014 trong "Thông điệp năm mới" để tập hợp vây cánh Nguyễn Tấn Dũng đã không ngượng ngùng tìm cách đánh lừa dư luận, vỗ ngực làm người "phất cờ dân chủ" khi tuyên bố "Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại.". Không những thế, trong tư cách Thủ tướng, trong Thông điệp này Nguyễn Tấn Dũng đã thề thốt:

"Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch."(45)

Đối chiếu các mệnh lệnh cho công an của Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội đảng bộ công an ngày 16.10.15 và những thề thốt của ông trong Thông điệp 1.1.14 thì rõ ràng là Nguyễn Tấn Dũng đã thay đổi lập trường và thái độ 180%! Là một chính trị gia cực kì thủ đoạn và nuôi tham vọng cao, nên ông Dũng đang phải nghe rát tai những chê trách cả trong đảng lẫn ngoài xã hội về chủ trương gia đình trị với việc để cho các con trai nắm chức vụ cao. Nên Nguyễn Tấn Dũng rất lo ngại những hậu quả tai hại cho số phận chính trị tương lai của ông trong Đại hội 12. Tình hình bất lợi này Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chứng kiến tận mắt tại HNTU 12 khi thảo luận vế ý đồ của ông muốn được Trung ương đảng xếp vào “trường hợp đặc biệt” để ngồi lại trong Bộ chính trị khóa 12 và tham vọng trở thành Tổng bí thư nữa đang gặp phản đối rất mãnh liệt trong HNTU 12, như đã phân tích ở phần trên. Chính vì thế Nguyễn Tấn Dũng phải vội vàng rũ bỏ bộ áo dân chủ để quyết trở lại làm như một lãnh tụ trung thành với đảng, đồng thời ra lệnh cho công an cũng phải tuyệt đối trung thành với đảng và thẳng tay đàn áp những người dân chủ. Các hành động trên cho thấy, từ cả thập niên qua Nguyễn Tấn Dũng là một chính trị gia có biệt tài đầu cơ chính trị, chỉ lo thu vén lợi ích gia đình và vây cánh. Đúng ra những thủ đoạn này hoàn toàn trái với các tiêu chí chọn lựa nhân sự ở cấp cao nhất do HNTU 11 (5.15) đã đưa ra. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng vẫn phớt lờ tiếp tục là người nổi tiếng trong Bộ chính trị biết cách treo đầu dê bán thịt chó!

Trước thềm Đại hội 12 Nguyễn Tấn Dũng không chỉ biết cách thay đổi bộ áo trong đối nội, quyết đóng vai làm lãnh tụ gương mẫu khi ra lệnh cho công an trung thành với đảng và đàn áp nhân dân, đi đầu là trí thức, thanh niên và cả những đảng viên tiến bộ. Cả trong lãnh vực ngoại giao cũng thế. Để thuyết phục Bắc Kinh bớt nghi ngờ, đồng thời tìm cách gây cảm tình với cánh bảo thủ trong đảng để mong giữ được thế thượng phong trong Đại hội 12, nên Nguyễn Tấn Dũng không ngại ngùng và hổ thẹn làm người “bạn” thân thiết của Bắc Kinh. Ngày 19.10 vừa qua khi tiếp bộ trưởng Công an Trung quốc Cảnh Huệ Xương ông Dũng đã trọng vọng nói: “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn mong muốn làm hết sức mình để cùng với các nhà lãnh đạo Trung quốc đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả”.(46) Để Bắc Kinh tin, Nguyễn Tấn Dũng còn đưa ra “đề nghị hai bên hợp tác để bảo vệ an ninh chính trị của mỗi nước; trao đổi thông tin tình báo; hợp tác an ninh mạng...” Như vậy, để Bắc Kinh không chống mưu đồ tranh quyền, Nguyễn Tấn Dũng sẵn sàng nhờ Bắc Kinh giúp lo bảo vệ an ninh chính trị cho chế độ toàn trị của ĐCSVN!

Mới hè năm trước khi Bắc Kinh ngang ngược đưa giàn khoan HD 981 vào thăm dò dầu khí ngay trong thềm lục địa của VN, trước sự bất bình và phản đối mạnh mẽ của nhân dân, ông Dũng đã vuốt đuôi dư luận đưa ra tuyên bố rất hùng dũng là không thể tin vào những lời “hữu nghị viển vông” của Bắc Kinh. Nhưng nay trong khi Bắc Kinh đang công khai gia tăng bành trướng và đe dọa an ninh, chủ quyền của VN, giết hại ngư dân VN thì tại sao Nguyễn Tấn Dũng lại tin tưởng Bắc Kinh đến cả nhờ phương Bắc giúp bảo vệ an ninh! Ở đây cũng lại rất rõ ràng, vì muốn nắm cái ghế Tổng bí thư tại Đại hội 12 nên Nguyễn Tấn Dũng đang ngoan ngoãn khép nép cúi đầu với Bắc Kinh!

Nói tóm lại, để giành giựt các ghế cao tại Đại hội 12 nên cả phe Nguyễn Phú Trọng lẫn phe Nguyễn Tấn Dũng đang không từ một thủ đoạn chính trị nào, sẵn sàng thay đổi chiến thuật, thay đổi diện mạo, thay đổi ngôn ngữ, giở trò đầu cơ chính trị với Washington và Bắc Kinh. Sự chao đảo và đầu cơ chính trị trong lãnh vực ngoại giao chứng tỏ thế và lực của họ trong đảng không vững vàng và nhân dân mất tin tưởng. Sự bế tắc về đề án nhân sự cho các cấp cao tại HNTU 12 đã chứng minh rất rõ rệt. Thái độ của họ càng chứng tỏ một điều là, quyền lợi của phe nhóm và đặc biệt của vài cá nhân trong Bộ chính trị được đặt cao hơn lợi ích của đất nước!

Sự biến thể của ĐCS: từ đảng trị thành nhóm trị và đang chuyển sang độc tài cá nhân

Những người cầm đầu chế độ toàn trị luôn luôn thề thốt là "đầy tớ của dân" và để "dân biết, dân làm, dân kiểm tra". Nhưng trong hành động thì họ tìm mọi cách dấu diếm như mèo dấu cứt. HNTU 12 là một đỉnh cao mới về hành động khuất tất và ý đồ đen tối của vài người trong Bộ chính trị, nhưng họ đã gặp phải chống đối mãnh liệt ở ngay Trung ương đảng! Vài người có quyền lực đang độc đoán tính chia chác riêng với nhau các ghế "tứ trụ" tại Đại hội 12. Như thế là họ cố tình qua mặt cả Đại hội đảng, dẫm nát Điều lệ đảng. Tại sao họ lại phải dấu diếm? Tại sao không công khai cho dân biết. Tại sao đầy tớ lại chỉ tìm cách đánh lừa chủ? Điều này cho thấy họ đang làm những việc khuất tất, nuôi ý đồ xấu, tồi tệ nên không dám công khai cho dân biết! 

Hậu quả của thái độ và cách làm này trong suốt 70 năm qua từ khi đảng nắm độc quyền đang đưa chế độ toàn trị đi về dâu?: Đảng đang bị thoái hóa ngày càng tồi tệ. Từ đảng của dân, thành đảng của các nhóm lợi ích chỉ lo tham nhũng, làm tiền, vơ vét cho bản thân và gia đình. Nay còn đi xuống tồi tệ hơn nữa, đang trở thành chuyện riêng của vài ông lớn rình rập nhau, tìm cách thanh toán lẫn nhau để chiếm độc quyền biến thành độc tài cá nhân và gia đình trị. Như thế rõ ràng họ đã chuyển chính quyền của dân thành chính quyền của đảng và nay trở thành chính quyền của một một nhúm người có thể đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay những người này đang thờ cá nhân chủ nghĩa, thanh toán lẫn nhau để trở thành độc tài cá nhân. Đây là sự biến thể từ độc tài đảng trị thành độc tài cá nhân, tuy miệng họ vẫn nói lo cho đảng, không để đảng mất quyền, nhưng thực tình chỉ lo cho cá nhân mình mất quyền là mất tiền!

Những người dân chủ và đảng viên tiến bộ cần tích cực và chủ động mở những cuộc vận động mới!

Nhiều năm qua nhân dân ta, những người dân chủ và các đảng viên tiến bộ đã và đang kiên trì và can đảm đấu tranh tố cáo các tội ác của công an mật vụ, tệ trạng tham nhũng và sự tha hóa đạo đức của những người cầm đầu chế độ toàn trị, ôn tồn đưa ra những đòi hỏi chính đáng đòi chấm dứt chủ trương cúi đầu thần phục Bắc Kinh, hủy bỏ hệ thống Doanh nghiệp nhà nước, chấm dứt chà đạp nhân quyền và công nhận các quyền công dân về tự do dân chủ. Cuộc đấu tranh chính đáng của nhân dân ta được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều nước dân chủ và đang tạo những áp lực ngày càng mạnh lên chế độ toàn trị, từng bước giành được những thành quả ban đầu trong nhiều lãnh vực quan trọng:

1. Vấn đề tranh chấp biển Đông đã chuyển từ các hoạt động ngoại giao song phương hoàn toàn bất lợi cho VN trong những năm trước đây, đang chuyển thành cuộc vận động ngoại giao theo hướng khu vực hóa và quốc tế hóa, với sự tham dự ngày càng trực tiếp của Hoa Kì và Nhật bản, cùng sự hậu thuẫn của EU.

2. Việc kết thúc thành công Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái bình dương (TPP) đầu tháng 10.15 giữa 12 nước, trong đó có VN, Mĩ, Nhật, Canada và Úc… đang mở một trang sử mới thuận lợi cho VN không chỉ trong lãnh vực kinh tế và thương mại, mà còn đặt cơ sở bảo vệ người lao động với quyền thành lập các nghiệp đoàn độc lập, quyền hoạt động của các tổ chức dân sự và chấm dứt những ưu đãi cho các Doanh nghiệp nhà nước.

3. Nội tình của chế độ toàn trị càng đen tối và bế tắc trong những năm gần đây. Mức độ xung đột và phân hóa trong Bộ chính trị và Trung ương đảng đang gia tăng từ HNTU này sang HNTU khác. Ngay cả đề án nhân sự ở các cấp cao nhất cũng bị bế tắc hoàn toàn trong HNTU 12. Tranh giành quyền-tiền bất chính đã làm cho ngay cả nội bộ mỗi phe cũng không tin nhau, chủ nghĩa giành độc quyền cho cá nhân và gia đình trị đang bộc phát. Bước phát triển này cho thấy chiều hướng thoái trào từ đảng trị sang nhóm trị và nay đang chuyển thành gia đình trị và độc tài cá nhân.

Như vậy rõ ràng tầng lớp thống trị của chế độ toàn trị đang phân hóa và tìm cách thanh toán lẫn nhau. Đế quốc Bắc Kinh - bệ đỡ cho nhiều Ủy viên Bộ chính trị CSVN - đang rơi vào kình chống mãnh liệt giữa các phe và khủng hoảng kinh tế, tài chánh trầm trọng đang diễn ra. Vì thế đất nước đang chuyển vào giai đoạn mới với những vận hội mới. Toàn dân ta, đi đầu là trí thức, chuyên viên, thanh niên và cả những đảng viên tiến bộ hãy xiết chặt tay nhau đồng lòng mở ra những cuộc vận động mới bằng phương pháp phi bạo lực, với mục tiêu là chuyển đất nước sang dân chủ, chấm dứt độc tài đảng trị lẫn độc tài cá nhân và bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền trước sự bành trướng của tân đế quốc Bắc Kinh! 

Thời gian tới - ngoài việc tiếp tục đấu tranh đòi tự do cho các tù nhân lương tâm, bảo vệ dân oan, chống công an dùng bạo lực và chống bành trướng của Bắc Kinh - chúng ta cần tập trung thành lập các hội theo dõi và bảo vệ các thành quả của TPP, như các Ủy ban bảo vệ thành quả Hiệp định Helsinki 1975 của nhiều dân tộc Đông Âu, trong các lãnh vực nhân quyền và tự do thông tin. Với sự ủng hộ tích cực của Hoa Kì, EU và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, nên chỉ hơn thập niên sau các nước này đã chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang dân chủ đa nguyên qua những cuộc “Cách mạng nhung” không tốn một viên đạn.

No comments :

Post a Comment


"Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời"

Trong tuần qua nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong cuộc chiến trước đây lại tập trung để tham gia chương trình ‘Tri ân Thương Phế Binh’ với chủ đề “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.
Lần Gặp "Bác Hồ" Tôi Bị Mất Trinh
• Để bác cấy hạt giống đỏ cho cháu, cháu mang về miền Nam cho bác nhé.
Bác bồng tôi lên giường, hai tay bác đè tôi ra và lột áo quần tôi.Bác như một con cọp đói mồi, sau một hồì kháng cự tôi biết mình không thể nào làm gì hơn nên đành nằm xuôi tay... Hai hàng lệ một cô gái miền Nam vừa tròn 15 tuổi đã bị bác cướp đi mất cái trong trắng.
=>Đọc thêm=>