Kính Hòa, phóng viên RFA
Nhà văn Võ Phiến qua đời tại California, ngày 28 tháng 9, 2015
Hai kẻ đi ngược chiều nhau
Một nhà văn lớn của nền văn học miền Nam trước năm 1975 là Võ Phiến qua đời. Không thấy báo chí chính thống của nhà nước đưa tin. Một điều rất dễ hiểu là vì ông từng được cơ quan công quyền của đảng cộng sản Việt nam dán cho tội danh là tên biệt kích văn hóa, dù rằng một số tác phẩm của ông đã được xuất bản trở lại ở Việt nam.
Tương tự như những lần có những sự kiện hay được gọi là nhạy cảm như thế, các trang blog lại là nơi truyền tải thông tin và bình luận.
Từ Quảng Ngãi, tác giả Trần Trọng Cát Tường gửi cho trang blog Bauxite Việt nam bài viết Võ Phiến, Nhất Phiến tài tình. Tác giả nghĩ đến người đã khuất bằng cách giở lại những trang sách trong tập Quê Hương Tôi của Võ Phiến mà nhớ lại suy nghĩ của chính mình khi lần đầu tiên thấy bút hiệu của Võ Phiến in trên bìa cuốn sách xuất bản tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam: Võ Phiến đã thuận quay về, hay ông được phép trở về?
Võ phiến đã ra đi và chưa quay về, dù những đứa con tin thần của ông đã một phần được chấp nhận ở nơi mà người ta phủ nhận ông. Ông Cát Tường viết rằng đời ông có những uẩn khúc hãy còn để ngõ.
Uẩn khúc ấy nếu có chắc hẳn là chỉ đối với những người cầm chịch cho chữ nghĩa của Việt nam hiện nay. Uẩn khúc lớn nhất nếu có của cuộc đời ông là ông đã từng tham gia bộ đội Việt minh cộng sản, rồi từ bỏ, để rồi sau đó gia nhập vào không gian sách vở chữ nghĩa của miền Nam trước năm 1975, nơi mà nhà văn, blogger Mạnh Kim nói rằng nó không phân biệt lý lịch để mà chấp nhận cả những người từng trót theo cộng sản như Võ Phiến.
Nhưng có lẽ từ thực tế của giai đoạn trót theo cộng sản ấy mà Võ Phiến được Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc đánh giá là một người phê bình chủ nghĩa cộng sản rất hay, hay tới mức mà người ta gán cho ông tội danh tên biệt kích văn hóa chống cộng.
Sau này tôi đọc lại những bài bình luận chính trị của Võ Phiến viết về chủ nghĩa cộng sản cũng như cộng sản miền Bắc nói chung từ những năm 60-61-62… trong giai đoạn đó Võ Phiến hiểu rất rõ, rất tinh tế những âm mưu, ý đồ của cộng sản miền Bắc.
Tôi nghĩ rằng người ta gán cho Võ Phiến danh xưng nhà văn chống cộng bởi vì người ta sợ ông, sợ sự sắc sảo của ông. Bởi vậy không có gì ngẫu nhiên sau năm 1975 khi chiếm được miền Nam thì Võ Phiến được coi là cây bút đứng đầu trong danh sách chống cộng, những cây bút được coi là phản động là biệt kích chống cộng…và toàn bộ sách của ông bị cấm xuất bản thậm chí bị tịch thu, thiêu hủy.
Blogger Song Chi cũng viết về Võ Phiến, và bà nhớ lại những năm tháng của chính sách hủy diệt văn hóa tại miền Nam Việt nam sau năm 1975.
Một dân tộc với hành trang văn hóa để lại từ thời tổ tiên vốn đã nghèo nàn, đã bị hủy hoại nhiều vì nạn ngoại xâm, vì chiến tranh liên miên, lại còn bị hủy diệt bởi chính những kẻ chiến thắng về mặt quân sự nhưng lại thua kém hẳn về mặt văn minh, văn hóa so với cái chế độ thua trận.
Nếu sự nghiệp của Võ Phiến nở rộ trong khu vườn tự do của miền Nam trước năm 1975, sau khi thoát ra khỏi giai đoạn trót theo cộng sản của ông, thì Chế Lan Viên được xem như ra khỏi không gian tự do của thời văn chương lãng mạn để vào khuôn khổ của đảng. Dù cuối đời ông đã làm một bài thơ nhìn lại sự nghiệp của mình, ông vẫn bị blogger, nhà văn Nguyễn Đình Bổn xem là một tay bồi bút thượng hạng.
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau – giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm – giết một ước mơ – tôi giết
Cái cánh sắp bay – trước khi tôi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển – Giết mưa
Và giết cả cỏ trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi.
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi – Người có lỗi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình
Có phải cách mạng là khắc tinh của xã hội dân sự?
Câu chuyện lớn thứ hai được các blogger bàn đến trong tuần qua là đạo luật về sự thành lập các hội đoàn dân sự lại bị Quốc hội Việt nam trì hoãn.
Blogger Lãng viết trên trang Dân luận rằng chuyện cho phép thành lập các nghiệp đoàn độc lập hiện nay là vấn đề khó khăn nhất đối với đảng cộng sản Việt nam trong việc thương lượng để tham gia vào tổ chức kinh tế xuyên Thái Bình Dương, chứ không phải là những sắc thuế, hay những lo ngại về sự cạnh tranh.
Giải thích điều này blogger Người Buôn gió trích dẫn các phát biểu gần đây của các quan chức Việt nam, các đại biểu quốc hội về sự lo ngại của họ là đảng cộng sản sẽ không kiểm soát được xã hội.
Cũng trên trang Dân luận, tác giả Phạm Nhật Bình mô tả quan niệm của những người cộng sản về hội đoàn dân sự độc lập:
Khác với những xã hội hướng về các quyền công dân căn bản, quan điểm của các nhà lãnh đạo cộng sản hiện nay chưa vươn tới ý nghĩa của các tổ chức xã hội dân sự quan trọng đến mức độ nào cho việc đặt để một nền dân chủ đích thực. Do đó họ chỉ làm những việc đơn giản là gán cho các tổ chức xã hội dân sự một ý nghĩa chính trị xấu xa để tìm cách làm khó dễ hoặc ra tay triệt hạ bằng mọi hình thức
Họ cũng không quan niệm nổi vai trò trung gian giữa chính quyền và những cá nhân trong một hiệp hội. Thiếu vai trò đó, chính quyền không bao giờ đi đến với nhân dân được và chỉ thống trị nhân dân bằng ép buộc. Lúc đó chính quyền cai trị đất nước trong cô đơn giống như một lực lượng xâm chiếm đến từ xa và đó cũng là mầm mống của sự sụp đổ.
Blogger Người Buôn gió thì cho rằng những người cộng sản cũng biết đến mầm mống của sự sụp đổ như thế, ngoài việc họ bị sức ép về kinh tế từ bên ngoài mà phải bàn đến việc cho phép thành lập các hội đoàn dân sự:
Bây giờ thì chuyện lập hội không chỉ liên quan đến sự sụp đổ của chế độ như các ông nghị kia nêu ra. Quyền lập hội bây giờ còn liên quan đến sự tồn tại của chế độ. Không cởi mở quyền tự do lập hội, quyền tự do thông tin thì không có ai dám đầu tư, không ai mua bất động sản để làm cơ sở kinh doanh, sản xuất. Không ai đầu tư, không ai mua bất động sản thì kinh tế sụp đổ. Sụp đổ kinh tế sẽ làm chế độ cộng sản Việt Nam sụp đổ nhanh hơn mọi tác động mà các hội nhóm kia tạo ra.
Blogger Thanh Tôn điểm lại ba giai đoạn trong sự cai trị của người cộng sản từ trước đến nay là: Đàn áp thẳng tay, Khủng bố giấu mặt, và Đàm phán. Trên blog Dân Quyền, blogger này hy vọng rằng Sắp đến, trong tương lai gần, có thể CSVN sẽ phải chấp nhận sự xuất hiện, hoạt động công khai của các tổ chức XHDS. Chấp nhận việc người dân tự do lập hội, tự do thành lập và gia nhập các Công đoàn đối lập...
Sự hy vọng này lại không được blogger Hạ Đình Nguyên nhìn thấy khi ông đọc toàn bộ văn kiện của đảng cộng sản Việt nam chuẩn bị đưa ra đại hội 12 sắp tới của họ, mà ông chỉ thấy rằng họ vẫn còn duy trì quan điểm về cách mạng là đồng nghĩa với chiến tranh, chứ không phải là sự tiến triển về tư tưởng và tiến bộ xã hội.
Và đó cũng là điều mà blogger Lãng tự hỏi là có thể làm cuộc cách mạng mà không phải cần đến sự đổ máu của chiến tranh hay không?
Từ một hiện trạng xã hội được hình thành bởi cuộc cách mạng của những người cộng sản, nhiều người Việt vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi, mà trong số họ không ít những người cộng sản, hay con cháu họ, mua nhà cửa, đầu tư địa ốc bằng tiền mặt đem ra từ Việt nam trên những con đường của nước Mỹ, kẻ cựu thù năm xưa.
Blogger Tuấn Khanh cho rằng họ ra đi để mong tìm lại nguyên bản của cuộc đời mình, và người nhạc sĩ đặt câu hỏi rằng tại sao những người Việt hôm nay không thể làm điều ấy trên chính quê hương của mình!
Nhưng cũng có những người cộng sản trong khi đang tìm cuộc sống mới trên đất nước của kẻ thù năm xưa, nhưng lại cao giọng lên tiếng chỉ trích những người dấn thân cho dân chủ trong nước.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh gọi họ là hưởng thụ thành quả dân chủ bằng chính máu của nhân dân mình.
Trở lại niềm hy vọng của blogger Thanh Tôn, nhà báo Đoan Trang điểm lại cách hành xử của cơ quan công quyền từ 40 năm nay sau vụ nhóm truyền thông Lương Tâm TV bị đàn áp, để thấy rằng dù sau vẫn có những tiến bộ.
40 năm về trước (tức là khoảng sau năm 1975), những người làm như họ có thể bị CA bắn chết ngay tại chỗ.
30 năm về trước, những người làm như họ có thể bị CA bắt, sau đó vài tháng bị tuyên án tử hình.
20 năm về trước, những người làm như họ có thể bị CA bắt, bị tuyên án chung thân hoặc vài chục năm tù.
10 năm về trước, những người làm như họ có thể bị CA bắt, bị dí án vài năm tù.
Năm nay, những người làm như họ chỉ bị CA nện cho một trận, đẩy ra khỏi khu vực cổng đồn rồi bố trí xe vệ sinh chạy qua chạy lại phun nước cho sạch đường.
Như thế rõ ràng là có sự thay đổi theo hướng bớt rừng rú hơn.
Cố gắng lên, Bộ Công an Việt Nam. Chúng tôi luôn khuyến khích các bạn cư xử văn minh!
Cũng trên nền hy vọng đó blogger Lãng kêu gọi mọi người hãy đấu tranh dựa trên chính bản Hiến pháp hiện hành của Việt nam, như kinh nghiệm ông chứng kiến khi quan sát hoạt động thành công của Công đoàn đoàn kết tại Ba Lan.
Một cây bút quen thuộc trên trang Bauxite Việt nam là ông Nguyễn Thanh Tùng gửi đến chủ tịch nước một kiến nghị của ông yêu cầu cải tổ nước Việt nam thành một quốc gia đa đảng với một nền dân chủ tam quyền phân lập. Như vậy, một mặt người ta chứng kiến chiều hướng phát triển dân chủ trong ý thức của người dân, mặt khác là cách hành xử cởi mở hơn từ phía nhà cầm quyền, những chuyện đụng chạm đến thể chế dần dần không phải là một điều cấm kỵ mà người ta không dám nói ra nữa.
No comments :
Post a Comment