Một biển quảng cáo quảng cáo nhà ở cao cấp mới tại Bắc Kinh, Trung Quốc (minh họa)
Trước khi đảng Cộng sản Trung Hoa họp Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ Năm của Khóa 18 vào tuần tới, các tín hiệu xuất phát từ Bắc Kinh vẫn gây phân vân trên thị trường quốc tế về thực trạng kinh tế và ý chí cải cách của giới lãnh đạo xứ này. Bên cạnh đó, động thái quân sự của họ trên biển Đông cũng gây lo ngại cho lân bang về thiện chí hòa bình của Bắc Kinh. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hai sự trái chiều nói trên. Xin quý thính giả nghe Nguyên Lam nêu vấn đề.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Hôm Thứ Hai 19, Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh công bố thống kê về đà tăng trưởng của Quý III, từ Tháng Bảy đến Tháng Chín, theo đó sản lượng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng có 6,9%, là mức thấp nhất từ sáu năm nay, từ Quý I của năm 2009. Mặc dù đấy là một dấu hiệu đáng ngại, đa số các trung tâm nghiên cứu kinh tế của thế giới vẫn cho con số 6,9% là không đáng tin và tình hình có thể còn tồi tệ hơn vậy. Cũng trong tuần qua, từ Bắc Kinh lại xuất hiện nhiều tín hiệu mâu thuẫn về những gì giới lãnh đạo kinh tế sẽ áp dụng. Như sẽ tiến hành cải cách hành chính và doanh nghiệp theo lời khẳng định của Chủ tịch Tập Cận Bình hoặc vẫn tìm cách can thiệp vào kinh tế để chống đỡ khó khăn trước mắt. Ông nghĩ sao về loại tin tức trái chiều này? Nói chung, làm sao ta nắm vững được thông tin về Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, các nước đều biết tình trạng thiếu khả tín, không đáng tin, về thống kê kinh tế của Trung Quốc vì một lý do chính trị đã trở thành dễ hiểu. Trong hệ thống của xứ này, giới chức thu thập thống kê không là thành phần độc lập, do vị trí hành chính hay quyền hạn chẳng liên hệ gì đến con số khảo sát, mà chỉ thăng quan tiến chức nhờ thượng cấp ở trên chứ không do người dân ở dưới. Vì vậy, mỗi cấp thu thập thống kê đều có xu hướng tô hồng sự kiện khách quan ở dưới với kết quả sau cùng là những con số không đáng tin. Năm xưa, khi còn là Bí thư Liêu Ninh, Thủ tướng Lý Khắc Cường từng nói rằng ông không tin vào loại thống kê ông gọi là “nhân tạo”, là giả tạo, mà tìm các số liệu khác để thẩm định tình hình sản xuất thật. Từ đấy giới quan sát quốc tế mới thu thập loại số liệu này để lập ra cái họ gọi là “chỉ số Lý Khắc Cường” hầu có được hình ảnh trung thực hơn về tình hình kinh tế Trung Quốc.
- Ngoài ra, chúng ta chẳng nên quên rằng trên một lãnh thổ rất rộng với thực tế quá phức tạp thì kỹ thuật thống kê cũng khó đo lường được thực tế và thường xuyên phải điều chỉnh. Tôi xin lấy một ví dụ thiết thực là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ phải căn cứ trên tình hình lạm phát để quyết định về lãi suất trong chính sách tiền tệ. Với rất nhiều chuyên gia có tinh thần mẫn cán và độc lập, theo các kỹ thuật thống kê tân tiến, họ tính ra chỉ số giá cả hàng công nghiệp là PPI làm cơ sở dự đóan chỉ số giá tiêu dùng CPI và kết luận rằng lạm phát không tăng trên thị trường Mỹ.
Tinh thần duy ý chí của một đảng độc quyền càng khiến họ nói một đàng về mục tiêu, như sẽ tăng cường áp dụng quy luật thị trường để đem lại thịnh vượng, mà thực tế lại làm một nẻo như trực tiếp can thiệp vào thị trường và gây lệch lạc làm cho chính họ cũng bị lúng túng- Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Vậy mà nếu hỏi người đi chợ, hoặc chính mình đang kinh doanh về ăn uống, thì ta thấy giá lương thực và rau cỏ tại Mỹ có tăng chứ không như kết luận của Ngân hàng Trung ương. Sự khác biệt ấy cho thấy một vấn đề rất kỹ thuật. Nhưng trong một xứ tự do như tại Hoa Kỳ, người ta có quyền nêu câu hỏi và tranh luận về tính chất đáng tin hay không của thống kê. Tại các nước độc tài như Trung Quốc thì chẳng ai có quyền, nên họ chẳng lý gì đến thống kê nhà nước mà tính toán theo kiểu của mình, nên mới dẫn tới những kết quả bất ngờ, thường thì trái ngược với thống kê.
Nguyên Lam: Có lẽ vì vậy mà thế giới bên ngoài lại càng phân vân không chỉ về hiện trạng kinh tế Trung Quốc mà về khả năng quản lý của giới hữu trách ở trên. Thưa ông Nghĩa, một thí dụ được nhắc nhở là chính sách của Bắc Kinh với hệ thống doanh nghiệp nhà nước làm ăn sa sút và thiếu năng suất. Qua ba Hội nghị Ban chấp hành, người ta thấy lãnh đạo đảng đã ra nghị quyết về cải cách doanh nghiệp cho sát với quy luật thị trường nhưng rốt cuộc thì Bắc Kinh tiếp tụ củng cố vai trò và sức nặng của hệ thống kinh tế nhà nước. Đấy là một thí dụ khác về thông tin mâu thuẫn từ Bắc Kinh. Ông Nghĩa nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên quen dần với sự kiện khách quan là tình hình kinh tế và chính trị của Trung Quốc là cái gì đó quá phức tạp ngay cho giới lãnh đạo tại Bắc Kinh. Nhưng vì không có nền móng dân chủ và nguyên tắc tự do thông tin hay tư tưởng, họ giữ độc quyền chân lý, không cho ai nói khác hay dạy khác, nên gặp mâu thuẫn về những gì muốn làm và chuyện gì làm được, chuyện gì không. Tinh thần duy ý chí của một đảng độc quyền càng khiến họ nói một đàng về mục tiêu, như sẽ tăng cường áp dụng quy luật thị trường để đem lại thịnh vượng, mà thực tế lại làm một nẻo như trực tiếp can thiệp vào thị trường và gây lệch lạc làm cho chính họ cũng bị lúng túng. Nếu ta cứ tin vào chủ trương hay phát biểu chính thức thì sẽ lại bị bất ngờ. Việc cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước là một thí dụ nổi bật mà không duy nhất.
Nguyên Lam: Thưa ông, gặp hoàn cảnh vừa phức tạp vừa mờ ám như vậy thì người ta có cách gì thấy ra sự thật hoặc dựa trên cơ sở gì để dự báo tương lai? Một cách cụ thể thì Trung Quốc có còn là một cường quốc kinh tế hay không sau mấy chục năm tăng trưởng rất cao và nay lại có vẻ lúng túng trước những bài toán quá lớn mà chưa chắc lãnh đạo đã giải quyết nổi?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đề nghị là ta đi vào hai bước ngắn dài để tìm ra câu trả lời.
- Về ngắn hạn thì từ Thứ Hai 26 này, đảng Cộng sản sẽ họp Hội nghị Kỳ 5 của Ban Chấp hành Trung ương thuộc Khóa 18, để 205 Trung ương Ủy viên thảo luận về Kế hoạch Năm năm thứ 13 cho thời kỳ 2016-2020. Đấy là cơ chế cao cấp nhất sẽ thống nhất nghị trình được Bộ Chính trị đề ra cho đảng viên cán bộ cùng biết về các mục tiêu ưu tiên và nhiệm vụ trong trung hạn. Nếu theo dõi kỹ, người ta có thể biết được lãnh đạo xứ này muốn gì về kinh tế, thí dụ như về chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn thực tế hay về nhịp độ cải cách doanh nghiệp nhà nước cho mạnh hơn. Điều ấy không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ tranh thủ được các ưu tiên nhưng ít ra cũng là một thông tin về những ước muốn của đảng.
Bắc Kinh ráo riết tăng chi và bơm tiền kích thích kinh tế và chất lên một núi nợ kỷ lục trong một thời gian rất ngắn. Họ đang phải giải quyết bài toán ấy với nguy cơ vỡ nợ hàng loạt, từ các doanh nghiệp, ngân hàng đến chính quyền địa phương với cả vạn công ty đầu tư được lập ra để thực hiện các dự án ảo nhằm tạo ra việc làm cho địa phương khỏi bị loạn- Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Song song, Hội nghị Kỳ 5 còn có thể nêu một số biện pháp nhằm hoàn tất đợt ba của chiến dịch diệt trừ tham nhũng và đem lại một số ổn định sau ba năm xáo trộn quá lớn. Nếu có loại thông tin ấy thì người ta dễ suy đoán ra tình hình thanh lọc nhân sự, hay thanh trừng chính trị, để hiểu được vị trị hay khả năng của các lãnh tụ có thẩm quyền trên thượng tầng. Đấy chỉ là một bước ngắn thôi và truyền thông quốc tế vẫn theo dõi loại sự kiện này để ít ra biết được ai là người có thực quyền về kinh tế hay chính trị hầu đoán ra kết quả thật của từng lời tuyên bố của họ.
Nguyên Lam: Ông Nghĩa nói như vậy vì hàm ý là còn có một bước thứ hai. Thưa ông, đấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên nhìn rộng ra ngoài và sâu hơn về quá khứ để phần nào hiểu ra thực lực và khả năng của một quốc gia đông dân như Trung Quốc, hiện có sản lượng đứng hàng thứ nhì của thế giới, được ước tính vào khoảng 10 ngàn tỷ đô la một năm. Ngoài thực lực kinh tế, Trung Quốc còn có hệ thống chính trị độc quyền và tinh thần bá quyền của một nền văn hóa mang nặng mặc cảm tự tôn về chính trị mà tự ti về kỹ thuật vừa mới vươn lên sau hơn trăm năm lụn bại.
- Sự kiện một nước mới nổi và thách thức một cường quốc đương nhiệm thường gây ra chiến tranh. Giới nghiên cứu lịch sử đã tính ra xác suất có thể là 75%, là ba phần tư trong một giai đoạn trải dài đến 500 năm. Vì hoàn cảnh kinh tế chính trị đặc biệt của Trung Quốc, người ta muốn biết kinh tế xứ này sẽ suy sụp và bị nội loạn hay chỉ suy trầm mất dăm bảy năm rồi trở lại bình thường, tức là lãnh đạo có khả năng ứng phó hay không? Nỗi thắc mắc ngắn hạn của thị trường không thể khỏa lấp những ưu lo dài hạn của chính trường, của lãnh đạo các nước khác.
Nguyên Lam: Nếu nhìn theo một viễn ảnh lâu dài như vậy, thưa ông, người ta có thể kết luận những gì và dựa trên cơ sở nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng nếu nhìn trong trường kỳ thì những hoạn nạn hiện nay của Trung Quốc đã manh nha từ năm 2008 chứ không chỉ xuất hiện từ Tháng Tám vừa qua. Năm đó, thế giới bị Tổng suy trầm và nạn ách tắc tín dụng cùng sự sút giảm đáng kể của nhập khẩu đã gián tiếp phơi bày các nhược điểm sinh tử trong chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc. Chiến lược ấy dựa vào đầu tư và xuất khẩu làm lực đẩy cho một đà tăng trưởng có vẻ ngoạn mục mà thật ra lại thiếu phẩm chất vì thất quân bình, gây bất công và ô nhiễm môi sinh.
- Khi cơ sự xảy ra, lãnh đạo Bắc Kinh ráo riết tăng chi và bơm tiền kích thích kinh tế và chất lên một núi nợ kỷ lục trong một thời gian rất ngắn. Họ đang phải giải quyết bài toán ấy với nguy cơ vỡ nợ hàng loạt, từ các doanh nghiệp, ngân hàng đến chính quyền địa phương với cả vạn công ty đầu tư được lập ra để thực hiện các dự án ảo nhằm tạo ra việc làm cho địa phương khỏi bị loạn.
- Vậy mà ưu thế xuất khẩu hàng rẻ cũng chẳng tạo ra sức bật và lãnh đạo đối diện với sự thật. Họ phải chấp nhận một đà tăng trưởng thấp hơn và chuyển hướng là tìm lực đẩy từ tiêu thụ nội địa. Họ cũng phải cải tổ cơ chế ngân hàng và doanh nghiệp, cải cách hệ thống công chi thu toàn quốc để địa phương có nguồn tài trợ ngân sách khác, thay vì bán đất và vay tiền ngân hàng đi làm bậy. Nói chung thì muốn chuyển hướng, lãnh đạo phải cải cách mà việc cải cách lại gây thiệt hại cho đảng viên cán bộ cao cấp nên mới bị cưỡng chống và dẫn tới nhiều mâu thuẫn chính trị.
Nguyên Lam: Khi nhìn vào khung cảnh trường kỳ như vậy thì người ta có thể hiểu được nguyên do của nhiều tín hiệu khó hiểu hay không đáng tin xuất phát từ Trung Quốc. Vì thời lượng có hạn, Nguyên Lam xin đề nghị ông tạm tổng kết về đề tài thông tin từ Trung Quốc và có thể là cuối năm nay chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp về triển vọng tương lai của xứ này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng Trung Quốc không thể làm gì khác nhiều quốc gia đã trải qua giai đoạn tương tự. Tức là kinh tế sẽ hết đà tăng trưởng quá cao của mấy chục năm trước và phải cải cách nên sẽ gặp nhiều khó khăn chính trị bên trong. Cũng chính vì vậy mà lãnh đạo lại càng dễ gây rủi ro xung đột với bên ngoài.
- Nếu hiểu như vậy, các quốc gia khác nên có tinh thần kết ước là giúp Bắc Kinh chuyển hướng kinh tế trong ổn định và có lợi cho toàn thế giới. Nhưng song song thì vẫn phải thống nhất thái độ quyết liệt về an ninh để Bắc Kinh đánh giá lại rủi ro mà chấm dứt chính sách hung hăng ngày nay. Thiếu sự cứng rắn đó của các nước thì nguy cơ chiến tranh rất dễ bùng nổ, với kết quả sau cùng là Trung Quốc vẫn bị nội loạn và phân hóa như đã từng bị rất nhiều lần trong lịch sử, nhưng với hậu quả vẫn là tổn thất và điêu linh cho các nước lân bang.
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.
No comments :
Post a Comment