Bản đồ mô phỏng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. (Hình: Janes Defense) |
WASHINGTON (NV) - Một số viên chức Hoa Thịnh Đốn khẳng định, ưu tiên hàng đầu của tổng thống Hoa Kỳ khi tham dự ASEAN Summit (Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN) và EAS (Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á) là Biển Đông.
Theo đó, cuối tuần này, tại Malaysia, chắc chắn ông Barack Obama sẽ thảo luận với nguyên thủ các quốc gia tham dự hai hội nghị thượng đỉnh này về những vấn đề phát sinh từ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy Biển Đông làm quan hệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, Nhật và một số thành viên của APEC như: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan, Indonesia,... căng thẳng hơn trước và các bên có liên quan thường xuyên chỉ trích lẫn nhau nhưng tại APEC lần thứ 23 vừa diễn ra ở Philippines, những vấn đề liên quan tới Biển Đông không được đề cập, không được thảo luận trong các phiên họp chính thức và cũng không xuất hiện trong tuyên bố chung.
Ít nhất là tại APEC lần thứ 23 vừa qua, Trung Quốc đã thành công khi nguyên thủ 21 quốc gia tham dự diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 23 không hề đả động đến Biển Đông.
Trước khi APEC lần thứ 23 diễn ra ở Philippines, giới ngoại Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt cuộc vận động để loại bỏ Biển Đông ra khỏi một trong những sinh hoạt định kỳ được xem là quan trọng nhất của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thậm chí ngoại trưởng Trung Quốc còn sang tận Philippines - quốc gia đứng ra tổ chức APEC lần thứ 23 để nêu ra đề nghị vừa kể với lý do, APEC chỉ nên bàn về hợp tác phát triển kinh tế, thương mại như mục tiêu nguyên thủy của diễn đàn này.
Dù sao thì Trung Quốc cũng vẫn có vị thế đặc biệt trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nên Philippines đã hứa sẽ ứng xử lịch thiệp, không gây khó khăn cho ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc khi nhân vật này đến Philippines tham dự APEC lần thứ 23. Điều đó đồng nghĩa với việc Philippines sẽ không chủ động đề cập đến Biển Đông. Song Philippines nhấn mạnh là sẽ không ngăn cản bất kỳ nguyên thủ nào phát biểu về bất kỳ vấn đề nào. Tuy nhiên cuối cùng, không có ai dự APEC lần thứ 23 nhắc tới biển Đông.
Giới ngoại Trung Quốc cũng đã có những nỗ lực tương tự với ASEAN Summit và EAS - loại bỏ Biển Đông ra khỏi nghị trình của hai hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào cuối tuần này tại Malaysia. Thế nhưng tình hình có vẻ sẽ không giống như APEC lần thứ 23.
Ông Dan Kritenbrink, cố vấn chính sách về Châu Á của chính phủ Hoa Kỳ, nhấn mạnh, Hoa Kỳ xem việc giải quyết bất đồng một cách ôn hòa theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là theo Công Ước về Luật Biển để không ảnh hưởng tới tự do lưu thông, tự do thương mại là bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác. Do vậy, Hoa Kỳ hy vọng các đồng minh và đối tác trong khu vực đứng về phía Hoa Kỳ, cùng phản đối lối hành xử bất chấp các nguyên tắc và luật pháp quốc tế.
Ông Ben Rhodes, phụ tá cố vấn An Ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ nói thêm, ASEAN Summit và EAS là những diễn đàn thích hợp để thảo luận, tìm phương thức giải quyết cho cả những vấn đề kinh tế lẫn những vấn đề về an ninh của khu vực.
Dẫu liên tục khẳng định có đầy đủ những bằng chứng bất khả tranh biện về chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông song Trung Quốc từ khước để các tòa án quốc tế phân xử tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số quốc gia khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan. Đồng thời tìm mọi cách né tránh việc cùng cộng đồng quốc tế thảo luận để tìm các giải pháp nhằm duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực này. (G.Đ.)
No comments :
Post a Comment