Hiện trường vụ khủng bố tại Paris do IS gây ra ngày 13/11. Ảnh: Reuter
Nguyễn Xuân Nghĩa & Nguyên Lam, RFA
Việc thủ đô Paris của Pháp bị khủng bố tấn công và tàn sát hơn trăm người đã gây chấn động toàn cầu và dẫn tới phản ứng chiến tranh của các nước, cũng dữ dội như sau vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ năm 2001. Mục Diễn đàn Kinh tế kỳ này tìm hiểu thêm về các nguyên nhân và hậu quả của một biến cố đang làm thay đổi bộ mặt của thế giới.
Gây hậu quả kinh tế kéo dài
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, người ta đang khóc cho thành phố Paris khi hơn một trăm người thiệt mạng trong vũng máu đào và cả nước phải để tang. Người ta đang giận dữ vì hành động tàn ác của quân khủng bố đã gây ra vụ thảm sát nhiều người gọi là điên cuồng. Người ta cũng lo sợ khi nước Pháp, Hoa Kỳ và cả Liên bang Nga đang leo thang chiến tranh và ào ạt không kích trung tâm Raqqa của lực lượng khủng bố đã gây ra những tai họa này. Vì biến cố quá đặc biệt nên tuần này Nguyên Lam xin được tạm gác một bên những băn khoăn về kinh tế mà hỏi ông về những nguyên nhân và hậu qủa của một chuỗi bạo động đang xảy ra trong một khu vực rộng lớn của địa cầu. Câu hỏi, thưa ông, là “tại sao”?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Xin cám ơn cô Nguyên Lam đã nêu câu hỏi này. Chúng ta nhớ rằng biến cố 9-11, là vụ khủng bố tàn sát tại Hoa Kỳ vào ngày 11 Tháng Chín năm 2001, đã dẫn tới nhiều đổi thay trên thế giới trong gần 15 năm qua. Sau đó, vụ khủng hoảng tài chính ngày 15 Tháng Chín năm 2008 cũng gây ra hậu quả kinh tế kéo dài từ đó và lan rộng ra toàn cầu cho đến nay. Tuần này, chúng ta chứng kiến một biến cố với ảnh hưởng tương tự cho rất nhiều lĩnh vực trên thế giới. Vì vậy chúng ta cũng nên tạm gác đề tài kinh tế sang một bên khi nhớ rằng kinh tế bị chi phối bởi các yếu tố về an ninh mà tìm hiểu nguyên nhân.
Khi theo dõi kết quả điều tra của nhà chức trách Pháp sau vụ khủng bố ngày Thứ Sáu 13 tại Paris, người ta thấy quân khủng bố đã lập kế hoạch tàn sát tại Syria, tổ chức tại Vương quốc Bỉ và thi hành tại Pháp nhờ làn sóng tỵ nạn đang từ Trung Đông tràn vào Âu Châu.-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Khi hỏi nguyên nhân tại sao thì ta có nhiều câu trả lời từ nhiều giác độ khác nhau. Thí dụ như về chính trị thì nền Cộng hòa Pháp đã sát cánh Hoa Kỳ tham gia chiến dịch giải trừ ảnh hưởng của tổ chức khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo, ISIS, ISIL, hay Daesh nói theo tiếng Á Rập, từ Tháng Chín năm ngoái. Cho nên ngày nay Pháp bị quân khủng bố trả đũa. Một lý do khác là tuần qua, Chính quyền Liên bang Nga xác nhận điều được các cơ quan an ninh Tây phương lượng định từ trước, rằng phi vụ Metrojet của hàng không dân dụng Nga mà bị nổ tung trên không phận xứ Egypt ngày 31 Tháng 10 làm 224 người thiệt mạng cũng là do nhóm khủng bố này đặt bom. Một thí dụ khác là khi theo dõi kết quả điều tra của nhà chức trách Pháp sau vụ khủng bố ngày Thứ Sáu 13 tại Paris, người ta thấy quân khủng bố đã lập kế hoạch tàn sát tại Syria, tổ chức tại Vương quốc Bỉ và thi hành tại Pháp nhờ làn sóng tỵ nạn đang từ Trung Đông tràn vào Âu Châu. Các thí dụ trên cho thấy ra từng khía cạnh có thể giải thích cái nhân hay cái duyên hoặc từng lý do tại sao. Nhưng câu trả lời có khi đòi hỏi một cái nhìn sâu xa hơn vậy và tôi đề nghị một cách giải thích khác.
Nguyên Lam: Thưa quý thính giả, Nguyên Lam cũng đoán như vậy nên mới đề nghị ông Nghĩa trình bày cho một cách giải thích khác. Thưa ông, đó là gì vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin đề nghị một cách nhìn trong viễn ảnh trường kỳ. Trong một giai đoạn khá lâu, nền văn minh Á Đông với biểu tượng là Trung Hoa, đã dẫn đầu và thực sự tỏa sáng trên thế giới. Cũng vậy, nền văn minh Hồi giáo với các thành tựu về khoa học và nghệ thuật đã từng gây ảnh hưởng toàn cầu và thật ra có nhiều đóng góp cho nhân loại. Thế rồi nền văn minh Thiên Chúa giáo từ Âu Châu đã thoát ra khỏi khuôn khổ tư duy thời Trung Cổ, một phần cũng vì sức ép của Hồi giáo tại Trung Đông, mà mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại khiến từ 500 năm qua Âu Châu rồi một nhánh Âu Châu là Hoa Kỳ mới là thế lực tạo ra nhiều thay đổi cho thế giới…
Những thay đổi ấy dẫn tới phản ứng từ nhiều nơi khác trên thế giới. Thí dụ như Đế quốc Nga rồi cả Trung Hoa đã áp dụng các học thuyết xuất phát từ Âu Châu để tổ chức lại và tìm ra sức mạnh cạnh tranh và quật khởi chống lại Âu Châu trong thế kỷ 20. Đó là chủ nghĩa cộng sản tại Liên bang Xô viết và Trung Hoa Cộng sản, hoặc chủ nghĩa canh tân theo tinh thần thân dân vì dân của Trung Hoa Dân Quốc đã lật đổ nhà Mãn Thanh. Nói vắn tắt, thế kỷ 20 đã chứng kiến biến cố dữ dội và lâu dài nhất là trận chiến đa diện giữa hai hệ thống lý luận là chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản, với kết quả là sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản. Trung Quốc ngày nay lớn mạnh một phần cũng vì từ bỏ tu tưởng cộng sản và áp dụng kỹ thuật tư bản để xây dựng thế lực cho quốc gia và thách đố lại ảnh hưởng của Tây phương. Qua thế kỷ 21, chúng ta đang chứng kiến phản ứng tương tự của nền văn minh Hồi giáo. Hàng loạt những vụ khủng bố xảy ra từ vài chục năm nay là một biểu hiện của phản ứng đó.
Màu sắc tôn giáo?
Nguyên Lam: Nếu Nguyên Lam hiểu không lầm thì ông Nghĩa đặt vấn đề khủng bố vào khung cảnh của các nền văn minh lớn trên thế giới. Xin nhờ ông phân tích tiếp.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta không quên rằng trong hơn một thế kỷ, nền văn minh Hồi giáo đã từng tranh chấp và gây chiến với văn minh Thiên Chúa giáo và thực tế thống trị một khu vực rộng lớn của ba lục địa Âu, Á, Phi, với Đế quốc Ottoman, đã hiện hữu hơn 600 năm. Đế quốc ấy sụp đổ vào đầu thế kỷ 20 và gây ra một cuộc khủng hoảng trong nền văn minh Hồi giáo. Một trăm năm sau là ngày nay, cuộc khủng hoảng đang gây ra một biến thái nguy hiểm cho Âu Châu.
Trước hết, trong thế giới Hồi giáo đã có cuộc tranh luận về lẽ thịnh suy. Tại sao nền văn minh chói lọi của họ lại bị Tây phương khuất phục? Một số khuynh hướng nhìn ra sức mạnh của Tây phương và cũng học phép canh tân của Tây phương làm sức mạnh cho mình. Điển hình là hiện tượng Mustapha Attaturk của xứ Thổ Nhĩ Kỳ hay Turkey, là mảnh vụn lớn nhất còn lại của Đế quốc Ottoman. Họ xây dựng một quyền lực thế tục với bộ máy quốc gia được tổ chức theo phương pháp Tây phương và trở thành một cường quốc Hồi giáo cho sắc tộc Thổ. Cũng theo khuynh hướng này, nhiều nước Hồi giáo của sắc tộc Á Rập đã xây dựng nhà nước thế quyền, có khi áp dụng kỹ thuật cộng sản để làm sức mạnh, là trường hợp Egypt hay Ai Cập ngày xưa.
Ngược lại, một số khuynh hướng Hồi giáo khác lại lui về quá khứ vàng son của đạo Hồi, tìm sức mạnh trong tôn giáo để tranh đua với nền văn minh Thiên Chúa giáo hay các nước Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ. Khuynh hướng này diễn giải lại đạo Hồi theo cách khắt khe nhất. Trong đạo Hồi, cả hai hệ phái lớn là Sunni và Shia đều thấy xuất hiện xu hướng suy diễn độc đoán như vậy. Từ hệ phái Shia của sắc tộc Ba Tư, ta có Cộng hòa Hồi giáo Iran dưới sự cai trị của các Giáo chủ. Từ hệ phái Sunni, phong trào tự xưng danh là Thánh Chiến hay Jihad mở ra một cuộc chiến mà họ phủ lên trên màu sắc tôn giáo và đang áp dụng phương pháp khủng bố.
Nguyên Lam: Theo cách trình bày của ông Nghĩa thì những gì ta đang chứng kiến từ các hoạt động khủng bố là một phản ứng bạo động của khuynh hướng hồi phục lại sức mạnh của đạo Hồi. Thưa ông, phải chăng là ngay trong hệ thống Hồi giáo đã có ít ra ba phái khác nhau? Xứ Turkey thì tìm sức mạnh ở việc canh tân và hiện đại hóa xứ sở cho dân Thổ. Xứ Iran Hồi giáo của sắc tộc Ba Tư thì tìm sức mạnh trong giáo lý đạo Hồi, nhưng cũng tiếp nhận nhiều kỹ thuật Tây phương, kể cả cách chế bom hạt nhân. Còn nhiều nước Hồi giáo của sắc tộc Á Rập theo hệ phái Sunni lại suy sụp và một số tìm sức mạnh từ đạo Hồi dưới lá cờ Thánh Chiến bằng phương pháp khủng bố.
Một số khuynh hướng Hồi giáo khác lại lui về quá khứ vàng son của đạo Hồi, tìm sức mạnh trong tôn giáo để tranh đua với nền văn minh Thiên Chúa giáo hay các nước Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ. Khuynh hướng này diễn giải lại đạo Hồi theo cách khắt khe nhất.-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta nên để ý rằng trong nền văn minh Hồi giáo, khi họ mạnh thật sự thì không có tinh thần độc đoán tôn giáo mà chấp nhận sống chung với các sắc dân hay tôn giáo khác, thí dụ như khi họ kiểm soát được miền Nam của Âu Châu. Chỉ khi nào suy sụp, phải lui về giáo lý đạo Hồi thì họ mới có tinh thần kỳ thị và ngày nay tinh thần kỳ thị ấy đi tới cao điểm là diễn giải lại kinh sách để chứng minh rằng mọi tôn giáo khác đều là tà đạo, đáng bị tiêu diệt. Đó là hiện tượng khủng bố Al-Qaeda xuất phát từ hệ phái Sunni, với mục tiêu là đưa Hồi giáo theo cách giải thích của họ lên vị trí thống trị tư tưởng của thế giới Hồi gíao để rồi sẽ tiêu diệt Thiên Chúa giáo. Từ lực lượng Al-Qaeda ra, tổ chức xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIL thì có lợi thế địa dư và kinh tế trên đất Syria và Iraq hay Libya thì muốn mở mang lãnh thổ và tái lập Đế quốc Hồi giáo ngày xưa, dưới sự lãnh đạo của một quốc trưởng mà cũng là trưởng giáo, một Khaliph.
Thực chất thì ta đang chứng kiến cuộc khủng hoảng của nền văn minh Hồi giáo, bên trong có cuộc nội chiến giữa hai hệ phái Sunni và Shia. Và bên trong hệ phái Sunni lại còn có cuộc nội chiến giữa hệ thống tư tưởng của Al-Qaeda với hệ thống Đế quốc của tổ chức ISIL. Vì hai cuộc nội chiến ấy, ngần ấy xu hướng đều tìm cách tấn công Tây phương để xây dựng uy thế thần quyền của mình. Và Âu Châu bị oan vì nằm gần khu vực địa dư ấy. Người ta dễ hiểu lầm và tính sai khi chỉ chú trọng đến phương pháp khủng bố của họ.
Nguyên Lam: Thưa quý thính giả, hình như cách giải trình của ông Nghĩa khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về cách định danh các lực lượng trong cuộc. Đây không chỉ là một cuộc chiến của các nước chống khủng bố Hồi giáo mà còn có nội dung sâu xa phức tạp hơn vậy. Thưa ông Nghĩa, nếu cũng nhìn từ giác độ mở rộng của các nền văn minh để thấy ra một viễn ảnh dài thì các nước Tây phương phải làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng nền văn minh Thiên Chúa giáo của Tây phương đang bị cuộc khủng hỏang của Hồi giáo đe dọa. Khi các khuynh hướng quá khích của Hồi giáo lui lại tinh thần tôn giáo nhân danh đấng Tiên Tri Muhammad của họ thì Tây phương lại xa rời tôn giáo, coi thường Thượng Đế và đề cao nếp sống tự do, thậm chí phóng túng. Chính nếp sống sa hoa thịnh vượng ấy càng dễ gây phản ứng căm thù. Chỉ cần một phần ngàn của dân số Hồi giáo rơi vào cõi cực đoan thì thế giới cũng có một triệu người sẵn sàng đặt bom tự sát để phá nát Tây phương.
Nhìn về địa dư, kinh tế và văn hóa thì các nước Âu Châu hay cả nền văn minh Thiên Chúa giáo đang lên tới cực điểm, với lý tưởng tự do di trú và định cư trong một khối hội nhập về kinh tế v.v. Nhưng chính lý tưởng ấy đang bị thách đố vì làm các nước khó chống cự, vì nếu muốn chống thì phải phần nào thay đổi các sống và suy nghĩ. Khủng bố là dùng bạo lực mù quáng làm thay đổi cách suy nghĩ và sinh hoạt của đối phương, trong tinh thần đó thì đám cực đoan kia có lợi thế nên cả khối Âu Châu đang cần suy nghĩ lại. Nhưng riêng cái gọi là Nhà nước Hồi giáo ấy cũng chẳng xây dựng được gì cho đạo Hồi, ngoài thành tích thảm sát. Người Hồi giáo cũng cần suy nghĩ lại.
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.
No comments :
Post a Comment