Cát Linh, phóng viên RFA
Người dân tưởng niệm 42 năm cuộc hải chiến Hoàng Sa, ghi nhớ công ơn của 75 Tử sĩ đã vĩnh viễn nằm lại vùng biển đảo tại Hà Nội, hôm 19-1-2016.
Trong ngày hôm qua, chúng tôi bài phóng sự nói về sự khác biệt của hai buổi tưởng niệm 42 năm trận hải chiến Hoàng Sa. Trong đó, chúng tôi đề cập đến có 75 Tử sĩ đã hy sinh trong trận chiến. Nhiều câu hỏi đặt ra vì sao theo truyền thông từ trước đến nay là 74 người, nhưng gần đây, có nguồn lại cho rằng 75?
Chúng tôi nêu vấn đề với một người là chứng nhân của trận chiến năm đó, ông Đào Văn Thọ cựu HQ VNCH, Giám Lộ của Tuần dương hạm HQ05, Soái hạm Trần Bình Trọng. Một người khác là thành viên của Nhịp cầu Hoàng Sa (xin được giấu tên).
Đều đáng được Vinh Danh
42 năm sau trận hải chiến Hoàng Sa, hình ảnh của những người lính hải quân VNCH đã hy sinh để bảo vệ biển đảo vẫn sống mãi trong niềm kính trọng của người dân VN. Cứ mỗi năm , vào ngày 19 tháng Giêng thì câu nói “Anh hùng tử, khí hùng bất tử” lại được nhắc đến rất nhiều để tưởng nhớ 74 Tử sĩ Hoàng Sa.
Con số 74 người đã nằm xuống trong trận chiến năm đó được ghi dấu trong tất cả những tài liệu về cuộc chiến Hoàng Sa. Tuy nhiên, gần đây, có những bài viết trong nước đã phổ biến danh sách của 75 người.
Vào 14 tháng 1 năm 2014, báo Thanh niên online nhận được thông tin từ gia đình một quân nhân tử nạn trong hải chiến Hoàng Sa, nhưng đã không có tên trong danh sách. Gia đình đã cung cấp bản sao chụp giấy báo tử, giấy trợ cấp của chính quyền VNCH và các giấy tờ, hình ảnh liên quan và người lính này được bổ sung vào danh sách các Tử sĩ Hoàng Sa.
Người Tử sĩ thứ 75 có tên là Phạm Ngọc Đa, số quân là 71703011, phục vụ trên tàu HQ-10 (Nhật Tảo) với cấp bậc là trung sĩ. Trung sĩ Phạm Ngọc Đa không trực tiếp thiệt mạng trong trận chiến mà chết trong quá trình trôi dạt trên biển ba ngày sau khi tàu HQ-10 chìm.
Chuyến đi đấy là chuyến đi mình tiếp xúc với gia đình Trung sĩ Phạm Ngọc Đa. Và ngày hôm qua, trong buổi trao nhà mới cho bà quả phụ hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, mình có gặp cả em trai của ông Phạm Ngọc Đa.-Một người giấu tên
Chúng tôi kiểm chứng nguồn tin này với một thành viên của Nhịp cầu Hoàng Sa, người này không muốn nêu tên cho chúng tôi biết ông đã trực tiếp gặp gia đình Trung Sĩ Phạm Ngọc Đa vào ngày hôm qua, 20 tháng Giêng, ngày trao nhà mới cho bà quả phụ hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí. Ông cùng với Nhịp cầu Hoàng Sa đã đến gặp gia đình Trung sĩ Phạm Ngọc Đa vào ngày 12 tháng Tám năm 2014:
“Chuyến đi đấy là chuyến đi mình tiếp xúc với gia đình Trung sĩ Phạm Ngọc Đa. Và ngày hôm qua, trong buổi trao nhà mới cho bà quả phụ hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, mình có gặp cả em trai của ông Phạm Ngọc Đa.”
Cũng theo người này, danh sách được đọc lên sau trận chiến Hoàng Sa thì hiện nay đã bị thất lạc, không ai biết. Ông nói rằng danh sách hiện tại của 74 Tử sĩ mà Nhịp cầu Hoàng Sa đưa ra là do các thành viên đã tìm và tiếp xúc với từng hồ sơ một để có được một danh sách tương đối hoàn thiện như hiện nay:
“Có một số trường hợp trước đây, vì trong những danh sách do VNCH làm, chúng tôi không có đầy đủ. Sau này, khi danh sách chúng tôi liên hệ với nhiều cựu binh của Hoàng Sa để thu thập lại, thì nhiều người nhớ tên, hoặc họ không chính xác. Khi chúng tôi tiếp xúc và cầm được tư liệu ấy thì chúng tôi đưa tên chính xác vào như ông Đa trước đây thì bây giờ là Trung sĩ Phạm Ngọc Đa.”
Chứng nhân của trận chiến năm đó, ông Ông Đào Văn Thọ, cựu HQ VNCH, Giám Lộ của Tuần dương hạm HQ05, Soái hạm Trần Bình Trọng cho biết ông chỉ có thể biết những người thuộc đơn vị của mình:
“Cái đó tôi không nắm hết và biết được. Vì các chiến hạm bạn thì chỉ biết được tên của các vị hạm trưởng hoặc cũng có thể biết mặt vài vị, hoặc anh em nào thân quen thì biết được vài vị, trong đơn vị của tôi của tôi thì tôi biết hết được chứ đơn vị bạn thì không biết, như ông Thiếu uý Đồng, ông Phạm Phú Hảo, Trung sĩ Nhất Hải.”
Trong trận hải chiến Hoàng Sa, ông Đào văn Thọ làm nhiệm vụ ngay cạnh Đại tá Hà Văn Ngạc, Hải đội trưởng hải đội 3, HQ VNCH, người chỉ huy Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974.
Cho đến giờ phút này, 74 Tử sĩ? Hay 75? Hay là sẽ còn nữa những người lính đã hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa 42 năm trước mà chưa được biết đến? Dù là con số nào, thì theo lời tâm tình của một vị độc giả mà chúng tôi xin mượn để kết thúc bài phóng sự: “Mỗi 1 người con của Đất Mẹ VN nằm xuống trong bất cứ hoàn cảnh nào khi họ giơ cao ngọn cờ chống ngoại xâm đều đáng được Vinh Danh vì đó là cái Tinh Thần Vĩnh Cửu của Dân Tộc Việt.”
No comments :
Post a Comment