Ảnh vệ tinh cho thấy một đường băng Trung Quốc xây dựng trên đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
VOA - Việt Nam hôm nay một lần nữa lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các chuyến bay thử nghiệm trên một hòn đảo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc ngày 6/1 hạ cánh thêm hai máy bay dân sự cỡ lớn xuống Đá Chữ Thập, 4 ngày sau khi cho đáp một máy bay khác trên cùng phi đạo khiến Việt Nam gửi công hàm ngoại giao phản đối.
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, tuyên bố: ‘Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.’
Vẫn theo lời ông, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng luật pháp quốc tế, và không mở rộng hay làm phức tạp thêm tình hình.
‘Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế,’ ông Bình nhấn mạnh.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc đáp xuống sân bay ‘xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam’ đã gây quan ngại cho Việt Nam và Hoa Kỳ giữa chính sách bành trướng chủ quyền lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong cuộc điện đàm ngày 6/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã chia sẻ những quan ngại khi đề cập tới việc Bắc Kinh bay thử nghiệm ra Đá Chữ Thập.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ, John Kirby, cho biết:
“Tối qua, Ngoại trưởng Kerry đã nói chuyện với Ngoại trưởng kiêm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh của Việt Nam, thảo luận về các chuyến đáp thử nghiệm các máy bay dân sự của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập trên Biển Đông. Đôi bên bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn ở Trường Sa và đồng ý với nhau rằng các hành động này tiếp tục làm leo thang căng thẳng trong khu vực.”
Vẫn theo người phát ngôn Kirby, dịp này, Ngoại trưởng hai nước Việt-Mỹ đã quyết định tìm kiếm cách thức để làm sao cải thiện tốt nhất nhận thức về các vấn đề hàng hải cũng như khả năng an ninh hàng hải cho Việt Nam.
Bắc Kinh chưa lên tiếng bình luận trước phản ứng từ Washington và Hà Nội, nhưng sau khi loan báo chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ra Đá Chữ Thập hôm thứ bảy vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh khẳng định các chuyến bay này thuần túy mang tính ‘dân sự’.
Trung Quốc đã có 3 đường băng trên ít nhất 3 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây bằng cách bồi đắp các bãi đá ở Trường Sa, bao gồm Đá Chữ Thập. Phi đạo trên Đá Chữ Thập dài 3 cây số.
Đá Chữ Thập, khu vực tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines, và Trung Quốc, nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc từ năm 1988 tới nay.
Các hành động đơn phương xác quyết chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp phản đối của quốc tế biến nơi đây thành điểm nóng tranh chấp mà giới phân tích e có khả năng dẫn tới một cuộc xung đột quân sự trong khu vực.
Vấn đề Biển Đông dự kiến sẽ là một trong những trọng tâm thảo luận tại thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ với các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, lần đầu tiên do Mỹ chủ trì tại bang California (Mỹ) vào tháng sau.
No comments :
Post a Comment