Tuesday, February 9, 2016

Bắc Triều Tiên: « Không thể loại trừ khả năng quân đội làm đảo chính »

Pic
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi vụ phóng tên lửa ngày 07/02/2016..REUTERS/KCNA

RFI - Không ai có thể biết được bộ máy chính trị Bắc Triều Tiên vận hành như thế nào, càng lên cao thì càng nguy hiểm, không thể loại trừ khả năng quân đội tiến hành đảo chính, hoặc việc loại trừ Kim Jong Un có thể sẽ rất tàn khốc. Trên đây là các nhận định của ông Pierre Rigoulot, khi trả lời phỏng vấn báo Libération (đăng ngày 08/02/2016).  

Ông Pierre Rigoulot là giám đốc Viện Lịch sử xã hội, chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản, chế độ độc quyền, và có hơn 20 năm nghiên cứu về Bắc Triều Tiên. Năm 2003, ông đã từng xuất bản sách đề tựa « Bắc Triều Tiên, Nhà nước côn đồ ». RFI giới thiệu bài phỏng vấn này.

Làm thế nào định nghĩa chế độ Bắc Triều Tiên?

Cho dù đất nước này ngày nay thuộc lại chế độ toàn trị, nhưng cũng phải xem nước này như là một phần của thế giới cộng sản. Điều đó đã được phản ảnh qua cái tên chính thức "Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên".

Dưới khía cạnh này, các hành động của Bắc Triều Tiên không hẳn là không thể đoán trước được. Khi người ta bàn về hạt nhân, tôi nghĩ đến cách thức mà phe Xô Viết đã sử dụng loại vũ khí này như là một phương cách gây áp lực nhưng chưa bao giờ tiến hành tấn công.


Các định chế tại Bắc Triều Tiên mang đậm dấu ấn của các định chế theo chủ nghĩa Lê Nin: một đảng duy nhất, một cấu trúc bộ máy cầm quyền hình tháp, một hệ tư tưởng bắt buộc. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đã giữ khoảng cách với chủ nghĩa cộng sản ngay từ những năm 1970.

Bắc Triều Tiên đạt đến trình độ phát triển ở mức nào ?

Bắc Triều Tiên không nằm trong thế giới thứ ba. Đương nhiên, là có kiểm soát tư tưởng, nhưng ở nước này cũng có trường đại học, một hệ thống giáo dục nghiêm túc. Kể từ sau nạn đói 1995-1998, phương pháp phân phối lương thực đã bị chỉ trích không ít.

Nền kinh tế ngầm đã phát triển rất nhiều, người dân đã học cách tự xoay sở một mình. Nhiều khu chợ tư nhân mọc lên, vài khu chợ lớn tới mức có thể thấy được qua vệ tinh. Tình hình kinh tế vẫn còn rất xấu, nhưng cũng không đến nỗi quá nghiêm trọng, 2014 là năm có các vụ thu hoạch tốt nhất từ 20 năm qua.

Từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền cách đây 4 năm, nhiều chính sách cải cách đã được thực hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực nông trại tập thể. Điều kiện sống tại nông thôn và nhiều thành phố nhỏ chưa hẳn là bớt khó khăn. Thủ đô trở thành một chiếc tủ kính, nơi tập trung nhiều quan chức và phần đông những người thuộc đẳng cấp ủng hộ chế độ.

Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho biết tại những thành phố trung bình, cũng có xe hơi, tiệm ăn, người dân ăn mặc chải chuốt, như tại thành phố cảng biển Wonsan (vốn chỉ có 300.000 dân và nằm cạnh bờ biển phía tây đất nước).

Nền kinh tế ngầm chiếm một tỷ trọng bao nhiêu?

Nền kinh tế núp bóng các định chế chính thức có một sự phát triển cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn, bạn mở một nhà hàng nhân danh một chi bộ đảng tại khu phố. Nhưng trên thực tế, với một chút tiền huê hồng, vị quan chức của đảng để bạn làm kinh doanh như là một ông chủ tư bản, mà không hề bị quấy rầy vì các quy định, luật lệ...

Đương nhiên, đó là một kiểu chủ nghĩa tư bản gần như là hoang dã, chỉ làm giàu cho các quan chức nhận hối lộ. Nghe có vẻ hơi điên khùng: doanh nghiệp tư nhân thì bị Nhà nước cấm nhưng điều đó lại bảo đảm cho sự tồn vong của chế độ.

Mô hình đẳng cấp với 54 cấp độ khác nhau liệu có thể tồn tại lâu dài ?

Có chứ, người dân luôn bị giam hãm trong một hệ thống đẳng cấp rất ư là cứng nhắc, gần như ăn sâu trong gien. Bởi vì điều đó còn lệ thuộc vào cách thức cư xử của ông bà của bạn. Nếu bạn thuộc vào đẳng cấp 10% người « ủng hộ chế độ », bạn sẽ trở nên giàu có.

Ngược lại, không ai có quyền chọn lựa cả nơi sinh sống lẫn nơi làm việc, học hành. Sống tại Bình Nhưỡng vẫn là một ưu tiên. Nhưng nếu, chẳng hạn, bạn tỏ ra không mấy hồ hởi để vui mừng hay bày tỏ thái độ ủng hộ chế độ, bạn có thể bị chi bộ đảng ở khu phố buộc phải chuyển đến một ngôi làng sống với những người bị xem là thiếu niềm tin hay trong một trại nào đó.

Còn nếu chúng ta xem xét đến những đẳng cấp thấp hơn, hình như có khoảng 100.000 người bị nhốt cùng với gia đình của họ do bị nghi ngờ là kẻ thù của chế độ. Bạn có thể bị giam tù cho đến khi nào bạn tìm lại được một « tư tưởng lành mạnh ». Nhưng cũng có những trại tù nhỏ chỉ giam cầm vài tuần cho những tội danh nhỏ.

Làm thế nào biết được chuyện gì đang xảy ra ở bên trong nước này?

Sự hiện diện của điện thoại cầm tay đã làm thay đổi nhiều thứ. Các thông tin về nước này đều được tìm thấy trên các trang mạng nước ngoài. Theo chiều ngược lại, thì bất chấp việc bưng bít, không có quyền trao đổi thông tin...nhưng các bài viết hình ảnh từ bên ngoài vào đang làm thay đổi cách nhìn của người dân.

Bắc Triều Tiên có rất nhiều công nhân lao động ở nước ngoài, tại Trung Quốc, Nga hay Qatar. Các phần đóng góp đến từ bên ngoài đang làm xói mòn dần chế độ. Nhưng khó có một sự nổi dậy. Người dân bị kềm kẹp rất nghiêm ngặt, bị giám sát chặt, và bị trừng phạt khi có sai phạm. Tuy nhiên, cũng có nhiều hy vọng hơn từ phía các công chức và quan chức cấp cao, những người quá bị đe dọa, có lẽ cũng sẽ muốn thử liều mình.

Kim Jong Un chỉ mới có 33 tuổi và đã từng du học ở nước ngoài, liệu ông ấy có thật sự muốn điều hành đất nước như cha và ông nội ông ấy từng làm?

Chắc chắn là ông ấy cũng ý thức được về các chương trình cải cách cần làm và mối hiểm họa đang đến gần. Khi một chế độ độc tài cố thử thay đổi, đó chính là lúc họ đang yếu nhất. Chế độ này được Trung Quốc chống đỡ với một mong muốn duy nhất, đó là sự ổn định trên bán đảo.

Chương trình hạt nhân đi kèm với những tuyên bố hoang đường theo kiểu "đơn thương độc mã chống chọi lại tất cả" là một lá bài nguy hiểm như con dao hai lưỡi, bởi vì khi họ hứa hẹn về việc phòng thủ và cải thiện tình hình kinh tế nhưng chờ đợi mãi không thấy kết quả, thì sự bất bình của người dân có thể ngày càng tăng. Chúng ta hiện đang ở vào thế hệ thứ ba của triều đại họ Kim và ánh hào quang cũng bắt đầu mờ nhạt dần.

Việc tôn thờ lãnh đạo tối cao, rõ ràng nhất đối với Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), cũng đã bớt dần đối với Kim Jong-Il. Giờ đây, khó có thể tiếp tục sử dụng cùng một luận điệu tôn thờ lãnh đạo như cũ.

Một kiểu cải cách hay một cú đảo chính lật đổ Kim Jong Un có thể xảy ra hay không?

Việc trấn áp mạnh mẽ các quan chức cũng như duy trì cấu trúc Nhà nước trước đây không tạo ra cảm giác là sẽ có thay đổi.  140 người có lẽ đã « bị thanh trừng », đôi khi ở cả cấp cao. Nhiều nhân chứng nói rằng dường như nhiều quan chức có thái độ ngập ngừng trong việc thăng cấp. Bởi vì, càng lên cao thì càng nguy hiểm.

Chế độ này quá ư là u u minh minh, nên người ta có thể tưởng tượng ra đủ chuyện. Và bản thân Kim Jong Un rất có thể cũng bị đe dọa bởi vì ông ta muốn thay đổi mọi việc. Thật khó mà phân biệt được giữa quyền lực quân sự và chính trị. Chúng ta cũng không loại trừ khả năng một cú đảo chính quân sự.

Một nhà lý luận của đảng đã từng lợi dụng chuyến đi Trung Quốc để chạy trốn vào văn phòng đại diện của Hàn Quốc. Ông ta gần như ở mức chóp bu trong bộ máy lãnh đạo, thế nhưng lại bất đồng chính kiến.

Ngày nay, chúng ta tiếp cận được nhiều nguồn thông tin, nhưng chúng ta không nắm rõ được những thay đổi và những gì đang diễn ra ngay chính bên trong bộ máy chính trị. Việc loại trừ Kim Jong Ung có thể sẽ rất là tàn khốc.

No comments :

Post a Comment


"Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời"

Trong tuần qua nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong cuộc chiến trước đây lại tập trung để tham gia chương trình ‘Tri ân Thương Phế Binh’ với chủ đề “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.
Lần Gặp "Bác Hồ" Tôi Bị Mất Trinh
• Để bác cấy hạt giống đỏ cho cháu, cháu mang về miền Nam cho bác nhé.
Bác bồng tôi lên giường, hai tay bác đè tôi ra và lột áo quần tôi.Bác như một con cọp đói mồi, sau một hồì kháng cự tôi biết mình không thể nào làm gì hơn nên đành nằm xuôi tay... Hai hàng lệ một cô gái miền Nam vừa tròn 15 tuổi đã bị bác cướp đi mất cái trong trắng.
=>Đọc thêm=>