Hoa bán cho ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 ở Hà Nội. |
Kính Hòa, phóng viên RFA
Tạp chí điểm blog tập hợp những bình luận của các blogger trên trang cá nhân, trên các trang mạng xã hội,… xung quanh những sự kiện lớn của đất nước. Phần trích lời trực tiếp của các blogger được thực hiện qua giọng đọc của các anh chị em ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do.
Ông Nguyễn Ngọc Giao thuộc một nhóm trí thức người Việt tại Pháp viết trên trang Diễn Đàn, về những những phát biểu của ông Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng về suy thoái tư tưởng:
Những điều mà ông Tổng bí thư quy chụp là biểu hiện của sự thoái hoá tư tưởng, đáng mừng thay, lại là những điểm sáng trong hình hình đất nước. Sự phát triển tự phát, đa dạng của xã hội dân sự trong vài năm nay, trong đó các mạng xã hội chỉ là một bộ phận, là yếu tố rất quan trọng, và về lâu dài, là yếu tố quyết định cho quá trình dân chủ hoá đất nước. Việc một số người tự ứng cử trong cuộc tuyển cử Quốc hội sắp tới, trong một ý nghĩa nào đó, sẽ đánh dấu phát triển của xã hội dân sự thành xã hội công dân .Thái độ của ĐCS trước sáng kiến lành mạnh này sẽ là (một) thước đo “trực tuyến” cho sự thực tâm (hay không) đổi mới thể chế chính trị của chính quyền – cũng như những cản trở và vu cáo đã bắt đầu, và những trò ma giáo thô lỗ có thể sắp tới sẽ phơi bày “tâm địa” cho toàn thế giới.
Ông Giao viết điều này trong một bài nhận xét về đại hội đảng lần thứ 12 của đảng cộng sản Việt Nam vừa qua. Ông Giao đặt câu hỏi là sau đại hội này đảng cộng sản sẽ làm gì!
Sầm Sơn
Hơn một tháng sau khi đại hội đảng kết thúc, ngư dân Sầm Sơn xuống đường biểu tình đòi bờ biển, bị giao cho một công ty kinh tế.
Thoạt đầu công an tỉnh Thanh Hóa đã ra tay đàn áp.
Blogger, nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận xét:
Sự kiện ứng xử thô lậu và kém cỏi của tỉnh Thanh Hoá chỉ cho thấy thêm rằng quyền đối thoại của con người và con người đang bị dập tắt. Đất nước này không thể tràn ngập những dự án và bề nổi huy hoàng, còn nhân dân thì sống sót bằng bỏ nghề đi kiếm sống ở các khu công nghiệp, hoặc lang thang lưu vong ngay trên chính quê hương mình.
Nhận xét của nhạc sĩ Tuấn khanh chính là mô tả hiện trạng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong mấy mươi năm gần đây. Một mặt là sự xuất hiện một tầng lớp giàu có, còn mặt kia là những đoàn nông dân mất đất đi kiện tụng khắp nơi. Nay tới lượt ngư dân.
Cô sinh viên Văn Thị Hương viết thư gửi những người đang cầm quyền tại tỉnh Thanh Hóa:
Thực sự chúng tôi không thể hiểu các đồng chí nghĩ gì khi dân khóc than, nằm vạ vật dọc đường, đấu tranh, biểu tình vì cuộc sống của hàng nghìn người, ấy thế mà, các đồng chí, người ngồi nhà cao chỉ tay năm ngón, kẻ đứng quay phim lấy bằng chứng kiện dân?
Văn Thị Hương dùng từ đồng chí, một từ mà những người cộng sản gọi nhau, và trở thành khá phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Tương tự như vậy, những người nông dân mất đất cũng hay dùng những biểu hiện của đảng cộng sản Việt Nam, những nhân vật nổi tiếng của đảng trong các cuộc biểu tình của mình. Sầm sơn cũng không ngoại lệ, theo ghi nhận của nhiều blogger thì những ngư dân Sầm sơn đã mang hình ông Hồ Chí Minh đi biểu tình, với lời kêu gọi ông sống dậy cứu dân, cứu biển.
Tuy nhiên blogger Nguyễn Anh Tuấn nhận xét rằng những biểu tượng của đảng đang mất dần trong những dòng người biểu tình. So sánh những vụ biểu tình lớn trong nhiều năm qua, Nguyễn Anh Tuấn viết rằng:
Không gay cấn kịch tính như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, không bi thương cay đắng như vụ gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn ở Long An, song hai vụ Ninh Hiệp và Sầm Sơn đánh một dấu mốc rất đáng chú ý trong phong trào đấu tranh giành quyền đất đai ở Việt Nam: Sự thất bại hoàn toàn của phương pháp cầu cứu lòng thương từ lãnh đạo cấp cao thông qua việc trưng ra các biểu tượng trung thành.
Bước đầu, cuộc biểu tình đòi quyền sống của ngư dân Sầm sơn đã thành công khi nhà cầm quyền buộc phải đối thoại với dân chúng, và buổi đối thoại đã diễn ra trong vòng vây an ninh hàng trăm người. Nhà văn Thùy Linh thấy rằng hình ảnh đó giống với một cuộc bố ráp bắt bọn bắt cóc chứ không phải là một buổi đối thoại với dân chúng.
Phân tích nguyên nhân làm bùng nổ vụ Sầm sơn, nhiều blogger cho rằng nó chỉ là sự kéo dài liên tục của mối liên kết giữa những nhóm lợi ích, trong trường hợp này chính là cơ quan công quyền của đảng cộng sản với công ty tư nhân FLC. Blogger Người Buôn Gió phân tích rằng liên minh lợi ích này không những cướp đi đất đai của người dân Sầm Sơn, mà còn là biển thủ tài nguyên của quốc gia,
Những người dân Việt Nam khác trên mọi miền đất nước mà không có đất đai ở đây liệu có liên quan gì không?
Câu trả lời là có, số lời khủng hàng chục nghìn tỷ mà FLC dễ dàng kiếm được ở dự án Sầm Sơn là số lời kiếm trên tài nguyên chung của đất nước, của cả dân tộc. Chỉ cần nhờ vào thế lực chính trị nào đó trong Đảng, nhờ vào chính sách đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý mà FLC ngon lành kiếm lợi hàng chục ngàn tỷ. Một cách kiếm tiền hoàn toàn không minh bạch bằng cách cưỡng chiếm tài nguyên của đất nước về túi riêng của các tư nhân.
Trang Bauxite Việt Nam bình luận về nguyên do của những rối ren xã hội liên quan đến đất đai chưa biết bao giờ kết thúc,
Chỉ có dưới chế độ XHCN Việt Nam ngày nay mới nảy sinh ra một thứ luật, đúng hơn là một thứ quyền, rất lạ: quan chức nhà nước đứng đầu cả nước hay đứng đầu một vùng, mỗi khi nhìn thấy một mảnh đất, một bãi biển, một ngọn núi hay một đầm hồ nào đấy có vẻ ngon mắt, có khả năng sinh lời khi chuyển đổi mục đích kinh doanh, thì họ liền ngỏ lời với “đối tác” – có thể là các doanh nghiệp, nhóm lợi ích, thậm chí là đối tác nước ngoài – và nếu được đối tác tán đồng mua với giá cao để biến thành đất thổ cư, làm khu vui chơi giải trí, làng sinh thái hoặc khu chung cư..., là y như các vị quan lớn nhà ta tự cho mình cái quyền cắm cây cọc gọi là “quy hoạch” vào đấy rồi định một giá rẻ mạt bắt dân phải bán, cũng định ra một thời hạn để xuống lệnh đuổi dân đi.
Ông Đinh La Thăng
Một nhân vật nổi lên nhanh chóng trên truyền thông Việt Nam là ông Đinh La Thăng, được phân công làm bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Ông Thăng vốn nổi tiếng về những câu tuyên bố mạnh mẽ của mình từ thời ông còn là Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải. Ông tiếp tục có những tuyên bố như thế trong vai trò mới. Và trong tuần qua bức hình về ông đi dọn rác cùng một đội đông đảo phóng viên chụp ảnh quay phim được lan truyền nhanh chóng trên các trang blog.
Luật sư Lê Công Định nhận xét về những động tác tuyên truyền của những người cộng sản:
Tư duy cộng sản luôn nặng về hình thức và phô diễn, hơn chú trọng thực chất và hiệu quả. Cải thiện dân trí không bao giờ là mối quan tâm hàng đầu của giới cầm quyền cộng sản Việt Nam, nếu không muốn nói ngu dân là chính sách xuyên suốt của họ từ xưa đến nay.
Người phát động phong trào dọn vệ sinh, tân Bí thư Thành uỷ Sài Gòn, được báo chí đề cao như có vẻ thiên về cách quản lý xã hội hiện đại, nhưng với lối làm việc to mồm, tư duy cộng sản cũ kỹ dường như vẫn chưa thoát khỏi đầu óc vị quan chức cộng sản này.
Một cây bút khác là Nguyễn Trọng Bình lại phát hiện ra cả một phong trào, mà tác giả gọi là phong trào tụng ca ông Đinh La Thăng, và theo ông phong trào đó là một nhu cầu của những người cộng sản đang nắm quyền. Ông viết trên trang Việt-Studies rằng:
Phong trào “tụng ca” “đồng chí” Đinh La Thăng phải chăng cũng đã góp phần “giải huyền thoại” về chân dung của những người lãnh đạo thực sự “vì dân vì nước” trên đất nước này suốt mấy chục năm qua? Những chân dung mà tất cả buộc phải tôn thờ giống như thánh nhân chứ không phải người thường.
Quốc tế phụ nữ
Một sự kiện mang tầm vóc quốc gia khác xảy ra trong tuần vừa rồi là ngày kỷ niệm quốc tế phụ nữ. Nhiều người cho rằng Việt Nam là một trong các quốc gia hiếm hoi tổ chức rất long trọng ngày lễ này.
Blogger Trần Minh Khôi nhận xét bằng một bài viết cũ của mình,
Trước khi các thế lực độc tài lên cầm quyền ở các quốc gia này thì ngày 8 tháng 3 đã được họ dùng như một thứ công cụ mị dân để giành giật quyền lực. Khi đã có quyền lực trong tay thì họ lờ đi những hứa hẹn cũ.
Hơn một trăm năm sau, hàng trăm ngàn công nhân nữ của chúng ta vẫn đang quằn quại trong các khu chế xuất của tư bản nước ngoài ngay tại Việt Nam.
Hơn một trăm năm sau, hàng chục ngàn công nhân nữ khác của chúng ta vẫn đang lăn lóc đâu đó ở Mã Lai, ở Jordan, ở Samoa và nhiều nới khác trên thế giới.
Còn blogger Nguyễn Hữu Vinh thì nhận xét về thân phận của người phụ nữ Việt Nam trong chế độ cộng sản Việt Nam ở một thời kỳ cách đây vài chục năm, mà tác giả gọi là thời kỳ Lê Duẫn,
Ở Việt Nam thời Cộng sản, một thời gian dài, việc quan hệ giới tính là chủ đề cấm kỵ được thực hiện bằng các điều không có trong luật mà chủ yếu bằng hệ thống chính quyền, đảng và tổ chức. Việc quan hệ tình dục đối với cộng đồng dân chúng ngoài hôn nhân được coi là một "trọng tội". Với "trọng tội" này, thì các cấp chính quyền, đảng ủy, cơ quan, công đoàn... vào cuộc và bằng nhiều biện pháp khắt khe nhiều khi quyền cơ bản của con người, của phụ nữ không được đếm xỉa đến. Những khi đó, con người lấy việc hành hạ nhau trong vấn đề này như một trò tiêu khiển và vui thú mà thôi.
Những lời nhắn gửi
Một tháng sau khi đại hội đảng kết thúc, tác giả Bùi Quang Vơm nhắn gửi ông Tân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người được cho là tại vị chức vụ cũ để đảm bảo tính kế thừa của đảng
Hơn tám mươi năm các ông cầm quyền, nước Việt Nam đi qua ba cuộc chiến tranh, 9 năm chống Pháp, 10 năm chống Mỹ, 3 năm trực tiếp nồi da nấu thịt, cốt nhục tương tàn, một cuộc cải cách ruộng đất, hai lần đổi tiền, gần 10 năm hợp tác hóa, hai lần cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Ông hãy thử hình dung. Có bao nhiêu đồng bào của ông bị chết tan xương nát thịt vì bom đạn. Có bao nhiêu chàng trai, cô gái ngây thơ, vô tội bị chôn vùi trên mọi ngóc ngách, mọi nẻo đường của đất nước mà không hiểu vì sao, cho cái gì. Có bao gia đình tan nát, cha mất con, vợ mất chồng, anh em ly tán, loạn lạc trên hai tuyến đối đầu gí súng vào đầu nhau mà bắn. Có bao nhiêu cuộc đời tới hai lần chạy trốn các ông, bốn chục năm tha hương vẫn chưa có đường về. Có bao nhiêu người gửi thân dưới đáy biển mênh mông. Có bao nhiêu mồ hôi nước mắt bị các ông tước đoạt. Bao nhiêu mồ mả bị các ông đào xới…Có bao nhiêu oan hồn còn không có nơi trôi dạt…
Đừng, đừng một lần nữa lại làm ra cuộc thảm sát. Với tất cả danh dự của một con người, tôi cầu xin ông. Cũng như tôi, như tất cả, rồi các ông cũng sẽ phải ra đi, hãy để lại chút ít phúc đức cho con cháu các ông. Và hãy cầu mong khi xuôi tay, chúng ta đều có thể bình an nhắm mắt.
Và từ Paris, Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao qua trang mạng Diễn đàn viết rằng Sự lớn mạnh của xã hội công dân, và những thúc ép của tình hình khách quan, sẽ buộc chính quyền phải thay đổi. Họ sẽ cưỡng lại, bị động hay chủ động thay đổi, nhưng không thể không thay đổi.
No comments :
Post a Comment