Tuesday, March 29, 2016

Sử gia Tạ Chí Đại Trường qua lời kể của đồng nghiệp

Kính Hòa, phóng viên RFA

Pic
Nhà sử học Tạ Trí Đại Trường qua đời ở Sài gòn ngày 24 tháng Ba năm 2016.
Ông Tạ Chí Đại Trường, là một nhà sử học với những giải thích về lịch sử không giống với sử sách chính thống của nhà nước Việt Nam hiện nay.
Ông Tạ Chí Đại Trường qua đời ở Sài gòn vào ngày 24 tháng Ba năm 2016, đúng hai năm sau khi ông nhận giải thưởng Phan Chu Trinh trong nước nhân ngày giỗ cụ Phan vào ngày 24 tháng Ba năm 2014. Ông học sử và nghiên cứu lịch sử tại Sài gòn trước năm 1975, và có một thời gian tham gia quân đội Việt nam cộng hòa. Sau năm 1975 ông bị tù cải tạo cho đến năm 1981, sau đó ông sang Hoa Kỳ sinh sống và tiếp tục nghiên cứu lịch sử Việt nam.
Sau đây là một số nhận xét của các đồng nghiệp về con người và sự nghiệp của Tạ Chí Đại Trường sau khi ông qua đời.
Một nhà sử học khác
Nhận định về nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, ông Nguyễn Gia Kiểng, người có những tác phẩm liên quan đến lịch sử Việt nam, hiện sống ở Pháp, nói với chúng tôi:
Tạ Chí Đại Trường là nhà sử học đầu tiên viết lịch sử một cách bài bản và chuyên nghiệp, và rất lương thiện. Vì khi chúng ta đọc các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường, chúng ta thấy có một sự tìm kiếm sự thật rất là công phu, có sự nhận định và lý luận rất thẳng thắn. Nó khác với các quan điểm của các sử quan ngày trước, và đến mãi sau này nữa, là dùng lịch sử như là một dụng cụ để củng cố chế độ đương quyền. Coi lịch sử đương nhiên là do kẻ chiến thắng viết ra. Tạ Chí Đại Trường không phải là người như vậy, không coi lịch sử như là một phương tiện để bày tỏ lập trường của mình, mà trái lại sử gia phải phản ánh đúng sự thực, là người có bổn phận mô tả xã hội, cái sự biến chuyển của xã hội trong dòng thời gian.
Nếu có cái gì đó ước mong, nghĩ về công lao của bác Trường thì tôi mong là những công trình của bác đã xuất bản ở nước ngoài được nhanh chóng xuất bản trong nước. 
- Bà Nguyễn Thị Hậu
Ông Nguyễn Gia Kiểng có viết một quyển sách tên là Tổ quốc Ăn năng trong đó không xem triều đại Tây Sơn ở thế kỷ 18 là một triều đại vinh quang. Điều này làm nhiều người Việt Nam có định kiến về công lao to lớn của triều Tây Sơn không hài lòng. Ông Tạ Chí Đại Trường, một người Bình Định đã lên tiếng bênh vực cho quan điểm của ông Kiểng.
Một đồng nghiệp của ông Tạ Chí Đại Trường trong ngành sử học, rất quan tâm đến các tác phẩm của ông, không muốn nêu danh tánh, nói với chúng tôi rằng:
“Anh Tạ Chí Đại Trường là một người có cái nhìn rất riêng với lịch sử Việt Nam. Rất đặc biệt, rất riêng. Trong những kiến giải của anh về lịch sử thì rất độc đáo, có thể là người khác không đồng ý. Nhưng đó là những kiến giải hấp dẫn, bởi vì viết lịch sử như anh, anh đã đi ra ngoài cái trường qui định viết sử bình thường. Viết và tạo được sự hấp dẫn, nói như Nguyễn Mạnh Côn là đem tâm tình viết lịch sử. Có nhiều chỗ anh cũng hơi cực đoan một chút, ví dụ như khi phê phán Nguyễn Phương trong Việt Nam thời khai sinh chẳng hạn, anh có hơi cực đoan một chút.”
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, tốt nghiệp ngành sử học tại Đại học Sorbone, Pháp có cái nhìn hơi khác về các công trình của ông Tạ Chí Đại Trường:
“Theo tôi thì anh ấy đã được đào tạo như thế nào, đã làm nghề sử như thế nào, trước năm 1975, thì sau năm 1975 anh ấy cũng làm nghề sử như thế. Cho nên tôi không gọi cái đó là đặc biệt. Nếu có gì đặc biệt ở anh Tạ Chí Đại Trường thì đó là tài năng. Tức là không phải ai được đào tạo như thế, hành nghề như thế, thì cũng có những phát hiện sắc sảo như là phát hiện của anh ấy, gặp thời hơn thì tôi nghĩ sức sáng tạo của ảnh còn nhiều hơn thế. Trong điều kiện mà anh ấy không có dưới cả hai chế độ, những điều anh ấy làm được là những đóng góp lớn.”
Các tác phẩm của ông Tạ Chí Đại Trường rất đa dạng, ngoài các công trình lớn như Lịch sử nội chiến, Thần người đất Việt, ông còn có cả những bài viết về văn hóa, khảo cổ.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, hiện sống ở Sài gòn cho biết là bà rất tâm đắc với những bài viết về khảo cổ, và văn hóa của ông tạ Chí Đại Trường:
Bác làm cho các nghiên cứu khảo cổ gần với đời sống con người hơn. Các kiến thức khảo cổ trở nên gần gũi với người đọc bình thường, mang những kiến thức về văn hóa, khảo cổ, lịch sử đến với cộng đồng, với công chúng, nhưng không làm cho các kiến thức ấy bị sai lạc, mà vẫn phân tích khoa học, rất đúng. Người ta cảm thấy rằng các sự kiện, những câu chuyện lịch sử ấy gần gũi với con người chứ lịch sử không khô cứng, không phải chỉ là những sự kiện.”
Xuất bản và nhìn nhận ở Việt nam
Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì ông Tạ Chí Đại Trường là một sử gia hiếm hoi được cả hai giải thưởng về văn hóa lịch sử trước và sau năm 1975, đó là giải thưởng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975, và giải Văn hóa Phan Chu Trinh năm 2014. Theo ông Kiểng thì sự việc giải Phan Chu Trinh trao cho ông Trường là một điều nhân nhượng rất lớn từ phía chính quyền Việt Nam hiện tại. Nhất là quan điểm của chính quyền này luôn coi triều đại Tây sơn là vinh quang không giống như những chứng minh ngược lại của ông Tạ Chí Đại Trường.
Tuy nhiên việc xuất bản sách của Tạ Chí Đại Trường tại Việt Nam không đơn giản.
Nếu có gì đặc biệt ở anh Tạ Chí Đại Trường thì đó là tài năng. Tức là không phải ai được đào tạo như thế, hành nghề như thế, thì cũng có những phát hiện sắc sảo như là phát hiện của anh ấy, gặp thời hơn thì tôi nghĩ sức sáng tạo của ảnh còn nhiều hơn thế.
- Tiến sĩ Bùi Trân Phượng

Năm 2007, quyển Lịch sử nội chiến Việt Nam được in tại Việt Nam, nhưng đổi tên thành Nước Việt Nam thời Tây Sơn. Lúc sinh thời ông Tạ Chí Đại Trường nói với chúng tôi rằng người ta e ngại cái từ nội chiến.
Trong bản tin về cái chết của ông Tạ Chí Đại Trường ngày 24 tháng Ba, tên của quyển sách được gọi là Lịch sử nội chiến Việt Nam.
Trả lời câu hỏi rằng liệu đó có phải là một điều thay đổi, bà Bùi Trân Phượng nói:
“Người mà xuất bản thì muốn xuất bản với cái nội dung. Cho nên sự đổi tên là một sự nhượng bộ để có thể xuất bản được. Khi mà có thể thay đổi thì người ta nói lại cho đúng thôi. Sẽ có sự thay đổi nếu nó đến từ những người trước đây không đồng ý, tôi không nghĩ rằng những người đó đã thay đổi.”
Người đồng nghiệp giấu tên của ông Tạ Chí Đại Trường cũng nói với chúng tôi rằng:
“Đa phần những người viết sử Việt Nam, cho dù thế nào đi nữa, vẫn qua cái lăng kính của Marxism, và qua cái lăng kính đó thì khó mà chấp nhận Tạ Chí Đại Trường. Giới nghiên cứu lịch sử Việt nam bị điều kiện hóa trong cách nhìn lịch sử của mình. Người nào mà chấp nhận nhãn quan và ý tưởng của Tạ Chí Đại Trường thì mình cho là rất tiến bộ. Mà theo mình thấy thì (nghiên cứu) lịch sử Việt Nam không tiến theo kịp trào lưu đổi mới của xã hội.”
Lăng kính Marxism mà ông nói tới chính là những chủ trương về giai cấp của học thuyết cộng sản, những diễn biến của lịch sử được học thuyết này xem là qui luật, là bất biến. Trong khi đó thì nhà sử học Tạ Chí Đại Trường chỉ cố công, tận tụy tìm hiểu thực sự điều gì đã xảy ra trong quá khứ.
Ông nói tiếp về công lao của Tạ Chí Đại Trường,
“Đóng góp của anh Tạ Chí Đại Trường rất lớn cho lịch sử Việt nam, mà điều đáng buồn là ít người biết về Tạ Chí Đại Trường, ngay cả trong giới học thuật. Ví dụ như mình mới đọc bài của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chẳng hạn, thì chị biết Tạ Chí Đại Trường từ năm 1974, trong khi Tạ Chí Đại Trường viết tác phẩm đầu tiên, nếu mình nhớ không lầm là năm 1073.”
Bà Nguyễn Thị Hậu, người nhận mình là bạn vong niên với nhà sử học Tạ Chí Đại Trường mong rằng:
Nếu có cái gì đó ước mong, nghĩ về công lao của bác Trường thì tôi mong là những công trình của bác đã xuất bản ở nước ngoài được nhanh chóng xuất bản trong nước. Tôi nghĩ rằng sự cởi mở về một nhà sử học, làm việc hết sức nghiêm túc và tận tụy cho ngành sử học, cho những bộ sử của đất nước như vậy rất là đáng trân trọng. Mà nếu như những công trình này mà công chúng trong nước, kể cả những nhà nghiên cứu không được tiếp cận, một cách chính thức qua sự xuất bản của nhà nước thì tôi cho rằng đó là một thiệt thòi rất lớn.”
Đó hẳn cũng là mong ước của nhà sử học, mà trang Bauxite Việt nam mô tả là một nhà sử học không biết cúi đầu.

No comments :

Post a Comment


"Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời"

Trong tuần qua nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong cuộc chiến trước đây lại tập trung để tham gia chương trình ‘Tri ân Thương Phế Binh’ với chủ đề “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.
Lần Gặp "Bác Hồ" Tôi Bị Mất Trinh
• Để bác cấy hạt giống đỏ cho cháu, cháu mang về miền Nam cho bác nhé.
Bác bồng tôi lên giường, hai tay bác đè tôi ra và lột áo quần tôi.Bác như một con cọp đói mồi, sau một hồì kháng cự tôi biết mình không thể nào làm gì hơn nên đành nằm xuôi tay... Hai hàng lệ một cô gái miền Nam vừa tròn 15 tuổi đã bị bác cướp đi mất cái trong trắng.
=>Đọc thêm=>