Hải Nguyên - Tiến Văn (ĐLSN)
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian.
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội thân mến,
Tuần trước chúng ta dừng lại ở kết luận rằng đảng cộng sản Việt Nam vừa là vật cản, vừa là tác nhân phá hoại các điều kiện tối thiểu của một nền dân chủ. Các điều kiện tối thiểu đó là nền giáo dục tự trị, khai phóng và một nền kinh tế thị trường dựa trên pháp trị.
Hôm nay, chúng ta xét tương quan của đảng cộng sản Việt Nam đối với các thành tố cơ bản của một nền dân chủ.
Thưa quí vị, quí bạn, trong khuôn khổ có hạn của chuyên mục này, chúng ta tạm đồng ý với nhau rằng một nền dân chủ hiện đại có ba thành tố cơ bản là: Quyền tự do dân sự; Quyền tự do chính trị và Tổ chức nhà nước có ba quyền phân lập.
Về Quyền tự do dân sự, phải có ít nhất ba quyền tự do căn bản là: Quyền tự do báo chí với nghĩa tối thiểu phải có báo chí tư nhân; Quyền tự do biểu tình một cách ôn hòa trên đường phố; và Quyền tự do lập hội, lập tổ chức không phụ thuộc vào nhà nước.
Đối với Quyền tự do chính trị, có một mấu chốt nền tảng là người dân phải có quyền được tự do ứng cử và bầu cử để tự làm và lập ra các đại diện của mình trong các cơ quan nhà nước. Bản chất cốt lõi của cụm từ "tự do ứng cử và bầu cử" ở đây phải được hiểu rõ theo ý nghĩa là các cơ quan hoạch định và tổ chức ứng cử, bầu cử nhất thiết phải là những cơ quan có tính trung lập, không bị chi phối, không bị chỉ đạo bởi cá nhân hay đảng phái, thể hiện được các nguyện vọng đa dạng của các nhóm người, các giai tầng quan trọng trong xã hội để không một cá nhân, không một tổ chức, nhóm người nào bị kì thị, bị loại khỏi quá trình ứng cử và bầu cử một cách bất công.
Về tổ chức nhà nước có sự phân quyền phải được hiểu theo nghĩa căn bản rằng ba bộ phận căn bản của nhà nước, là lập pháp, hành pháp và tư pháp, không được đặt dưới sự điều hành hay khống chế của bất kì cá nhân hay tổ chức, đảng phái nào. Việc hình thành bộ phận quyền lực nhà nước căn bản đó chỉ được đặt trên nền tảng là ý chí và nguyện vọng của người dân, thông qua các cuộc bầu cử, các cuộc tuyển lựa có cạnh tranh, tự do, công bằng và minh bạch. Đặc biệt, cơ quan tư pháp và các lực lượng sử dụng vũ lực như cảnh sát, quân đội phải đứng trung lập tuyệt đối, với nhiệm vụ duy nhất là canh chừng và bảo vệ công lí, bảo vệ sự thực thi pháp luật cho tất cả mọi công dân và toàn xã hội.
Để dễ nắm bắt vấn đề hơn, chúng ta hãy cùng giản tiện hình dung như thế này:
Trong một nền dân chủ thực sự, người công dân phải có quyền tự viết báo, tự làm báo để nêu lên những bất công, ý muốn của riêng mình, khỏi bị phụ thuộc vào báo chí nhà nước. Và nếu một mình cảm thấy chưa đủ sức mạnh, người công dân sẽ có quyền gặp gỡ, bàn bạc với những người có cùng ưu tư để tạo ra sự đoàn kết, tương trợ nhau bằng các tổ chức, nhóm hội để giới chức nhà nước, các thế lực bất chính khó lòng ngăn cản hay trù dập. Nếu sự lên tiếng, đề nghị, khiếu nại không có kết quả, người công dân có quyền gọi nhau xuống đường để bày tỏ, để khuấy động dư luận, thậm chí phải làm cho các công sở, các hoạt động xã hội bị ngưng trệ với mục đích buộc xã hội phải quan tâm và bắt các viên chức nhà nước phải giải quyết. Đó là ba quyền cơ bản về dân sự mà người dân trong một thể chế dân chủ sẽ sử dụng phối hợp mọi lúc, mọi nơi để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của họ.
Nhưng trước hết, để có các viên chức vừa có tài vừa trách nhiệm, các cuộc bầu chọn, tuyển lựa thường kì để lập ra họ phải tối thiểu được thực hiện công khai, không có sự ưu đãi cho bất kì cá nhân nào và phải có nhiều ứng cử viên cho một vị trí. Đồng thời, các lực lượng cảnh sát, quân đội không trở thành công cụ để uy hiếp, trấn áp những người thực hiện các quyền tự do dân sự và chính trị. Khi hệ thống quyền lực nhà nước đã được hình thành, mọi viên chức phải tuân thủ pháp luật và chỉ được phép làm những việc pháp luật cho phép, không chịu sự điều khiển, lãnh đạo của bất kì cá nhân hay đảng phái nào. Khi có mâu thuẫn, bất đồng, tòa án và các cơ chế tài phán sẽ là nơi duy nhất xem xét và xác định kết luận cuối cùng. Không một lãnh đạo hay đảng phái nào có quyền chỉ đạo tòa án.
Thưa quí vị, quí bạn, tới đây chúng ta đã có thể nhận ngay ra tất cả những gì đảng cộng sản Việt Nam đã, đang và bày tỏ sẽ làm đều đi ngược lại hoàn toàn tất cả những thành tố cơ bản dân chủ vừa kể. Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam từ thời Hồ cho tới nay đều luôn nhất nhất cho rằng "đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức lãnh đạo nhà nước và xã hội." Cho tới nay họ vẫn luôn ngang ngược đưa ra cảnh báo không chấp nhận báo chí tư nhân và đe dọa sẽ trấn áp, phá tan mọi tổ chức độc lập, đối lập với đảng cộng sản. Trong khi đó tất cả các cơ quan như 'quốc hội', 'chính phủ', 'tòa án', 'cảnh sát', 'quân đội', và 'bầu cử' đều phải chịu sự lãnh đạo, khống chế của họ.
Như vậy, chúng ta phải thành thật kết luận rằng không thể có dân chủ nếu đảng cộng sản Việt Nam còn tồn tại trong cương vị lãnh đạo đất nước như hiện nay. Đó là lí do vì sao chúng ta phải dồn mọi nỗ lực đập tan ngôi vị lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản.
Hải Nguyên và Tiến Văn kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong chương trình tuần tới.
Tiến Văn
No comments :
Post a Comment