Cá chết trắng ven biển miền Trung (ảnh chụp từ trang vietnamnet) |
Khánh An-VOA
Vừa lên nắm giữ chức vụ mới chưa đầy 3 tuần lễ, tân chính phủ Việt Nam đã phải đối diện với thảm họa môi trường đang gây hoang mang dư luận khi hàng tấn cá chết liên tục giạt vào bờ ở các tỉnh miền Trung trong những ngày vừa qua. Sau khi bị chỉ trích vì sự chậm chạp và bị động, các tân lãnh đạo đã ‘vào cuộc’ vào hứa sẽ thẳng tay ‘xử lý nghiêm’ vi phạm khiến cá chết hàng loạt.
Hôm 25/4, Văn phòng chính phủ Việt Nam công bố văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về hiện tượng hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung.
Tân lãnh đạo chính phủ Việt Nam ra lệnh huy động tất cả các bộ, ngành liên quan, từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ… cho đến Bộ Công an, Quốc phòng phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng trên, đồng thời rà soát các dự án đầu tư có thể gây tác hại cho môi trường, đặc biệt là môi trường biển, bị nghi là nguyên nhân khiến cá chết hiện nay.
Hiện tượng hàng tấn cá chết, bao gồm cả những loại cá hiếm sống ở những khu vực nước sâu ngoài khơi, trôi giạt vào bờ biển các tỉnh miền Trung bắt đầu xảy ra từ những ngày đầu tháng 4 nhưng hiện tượng này đã không được các cơ quan chức năng quan tâm. Những tuần lễ sau đó, cá vẫn tiếp tục chết, phủ trắng nhiều khu vực bờ biển khiến dư luận, báo chí lên tiếng, đặc biệt là sau phát hiện của một ngư dân về đường ống nước xả thải khổng lồ được chôn ngầm dưới đất chạy thẳng từ khu công nghiệp Formosa ra đáy biển Vũng Áng, khiến dư luận đặt nghi vấn về khả năng đường ống nước xả thải này là thủ phạm gây ra vụ cá chết.
Trước sức ép của truyền thông và dư luận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hôm 23/4 đã phải lên tiếng thừa nhận có đường ống nước xả thải ngầm ra biển của công ty Đài Loan Formosa (thuộc Khu công nghiệp Vũng Áng – Hà Tĩnh) và đường ống này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép. Hôm 25/4, Thứ trưởng Vũ Văn Tám thông báo kết luận ban đầu khiến cá chết có thể là do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của hiện tượng này thì phải đợi kết quả cuối cùng, được Bộ này cho biết sẽ có nội trong tuần này.
Nhận xét về phản ứng của chính phủ Việt Nam trong vụ việc trên, TS. Nguyễn Chu Hồi, giảng viên Khoa Môi trường của Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường, được báo Thanh Niên trích lời nói: “Khi cá chết hàng loạt, ban đầu người ta cứ nghĩ đó như một việc không quá nghiêm trọng, cử vài anh xuống kiểm tra, về làm cái báo cáo tình hình, không phát hiện, không phỏng vấn sâu người dân. Khi sự việc nóng lên, cách vào cuộc lại có vấn đề. Phản ứng của các cơ quan khoa học theo kiểu giải quyết tình thế”.
Hiệp hội nghề cá: Cố gắng không để xảy ra ngộ độc
Hội nghề cá Việt Nam khuyến cáo không dùng cá đánh bắt trong thời gian này.
Hội nghề cá Việt Nam khuyến cáo không dùng cá đánh bắt trong thời gian này.
Trong khi đó, các hiệp hội ở Việt Nam cũng lên tiếng thúc giục chính quyền phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân khiến cá chết vì e ngại những tác hại lâu dài có thể có như trong các thảm họa về môi trường trước đây như ở vịnh Minamata ở Nhật Bản, khiến gây ra căn bệnh Minamata ám ảnh cư dân vùng này, khi bệnh nhân bị tê liệt, co giật dẫn đến tử vong vì ăn phải hải sản có chứa độc tố từ một công ty hóa chất xả ra.
Ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho VOA biết:
“Phải nói rằng tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, bà con ngư dân cũng như những thành viên của Hội nghề cá Việt Nam đều quan tâm đến ảnh hưởng lâu dài của độc tố này sẽ xảy ra. Chính vì thế mới có khuyến cáo không dùng cá đánh bắt trong thời gian này. Toàn bộ cá chết thì mình hủy thì đã đành, nhưng cá đánh bắt được bằng những phương tiện ven bờ thì không đánh bắt nữa, cũng không dùng nó nữa vì cũng đã tính tới chuyện sợ bị nhiễm bệnh do các độc tố vào người. Việc này thì Hội cũng đã kiến nghị chính phủ phải nhanh chóng xác định rõ nguyên nhân và ngăn chặn xảy ra nguyên nhân này. Cố gắng làm sao để không xảy ra bất cứ hiện tượng gì ngộ độc các loại cá này.”
Hội Luật sư Phục vụ Công lý gửi thư kiến nghị
Cũng trong ngày hôm qua (25/4), các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư tham gia Liên danh Phục vụ Công lý đã gửi một thư ngỏ lên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Trong thư, các luật sư đề nghị tân chính phủ Việt Nam thành lập Tổ công tác của chính phủ để giải quyết nhanh chóng những vấn đề liên quan đến thảm họa trên, đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương sớm công khai các thông tin liên quan đến giấy phép xả nước thải của công ty Formosa, và kêu gọi công ty của Đài Loan hợp tác trong việc cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho các quan chức và nhà báo quan sát các công đoạn xả thải của công ty.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung từ Hà Nội cho biết một thành viên trong nhóm luật sư ở Huế hôm 25/4 đã đi khảo sát tình hình người dân ở khu vực Lăng Cô-Huế để tìm hiểu về nhu cầu và sẵn sàng trợ giúp pháp lý cho các ngư dân.
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, việc trợ giúp pháp lý cho ngư dân, nông dân, chỉ diễn ra sau khi các cơ quan chức năng đã có kết luận và các biện pháp xử lý cụ thể.
“Khi đó thì các cơ quan chuyên môn sẽ phải xác định mức độ, giá trị của thiệt hại của hành vi đó gây ra. Nếu bồi thường về phương diện vật chất thì sẽ là của các pháp nhân, các tổ chức gây ra sự việc đó. Còn các cá nhân trực tiếp gây ra sự việc này, gây ra hậu quả như bây giờ đang diễn ra, thì các cá nhân đó vi phạm pháp luật về hình sự tại Việt Nam và sẽ phải bị xử lý theo các quy định về pháp luật hình sự có liên quan và các quy định về pháp luật môi trường ở Việt Nam."
Cam kết ‘xử lý nghiêm’, không loại trừ ai
Sau khi bị chỉ trích chậm chạp và lúng túng trong cách xử lý, tân chính phủ Việt Nam, bao gồm Thủ tướng và hai Phó Thủ tướng đã trực tiếp ‘vào cuộc’ chỉ đạo điều tra và xử lý vụ cá chết này.
Trong cuộc thị sát ở tỉnh Hà Tĩnh hôm 24/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cam kết sẽ ‘xử lý nghiêm’ theo pháp luật, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào đối với thủ phạm gây ra thảm họa cá chết hàng loạt.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan chức năng phải ‘làm rõ’ các thông tin nghi vấn về ống xả thải mà báo chí nêu lên.
Văn bản từ văn phòng chính phủ Việt Nam hôm 25/4 cũng cho biết tân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị các địa phương phải hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại và nhanh chóng đưa ra kết luận để có biện pháp xử lý.
Các tân lãnh đạo chính phủ Việt Nam cũng cho biết sẽ kêu gọi sự hợp tác quốc tế nếu cần thiết trong việc tìm ra nguyên nhân khiến cá chết.
Trong khi chưa có con số thống kê chính thức về tổng mức thiệt hại của các tỉnh, ước tính ban đầu của tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã bị thiệt hại 37.200 con cá giống, 90 vạn tôm giống, 20 vạn ngao giống, trị giá khoảng 4,7 tỷ đồng.
No comments :
Post a Comment