Phóng viên Việt Hà và Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (phải) tại trụ sở Đài Á Châu Tự Do ở Washington DC hôm 8/7/2016. |
Việt Hà, phóng viên RFA
Tòa thượng trực trọng tài quốc tế ở The Hague vào ngày 12 tháng 7 tới đây sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp tại khu vực Biển Đông. Phán quyết này có ý nghĩa gì với những nước có liên quan trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, các nước cần phải chuẩn bị gì trước những hành động của Trung Quốc sau phán quyết của tòa. Để trả lời những câu hỏi này, Việt Hà phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn quan hệ quốc tế của trường Đại học George Mason, Hoa Kỳ.
Phán quyết sẽ nghiêng về Philippines?
Việt Hà: Thưa ông vào ngày 12 tháng 7 tới, Tòa thường trực trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông, ông đánh giá thế nào về khả năng phán quyết mà toà sẽ đưa ra, liệu sẽ có nhiều khả năng phán quyết nghiêng về phía có lợi cho Philippines hay không?
Tuy Tòa chưa ra phán quyết nhưng đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng phán quyết sẽ bất lợi cho Trung Quốc.-GS Nguyễn Mạnh Hùng
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tuy Tòa chưa ra phán quyết nhưng đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng phán quyết sẽ bất lợi cho Trung Quốc, bởi vì khó có thể đưa ra được luận cứ vững chắc để chứng minh rằng đường lưỡi bò mà Trung Quốc đơn phương vạch ra phù hợp với công ước luật biển năm 1982.
Việt Hà: Trong trường hợp phán quyết có lợi cho philippines thì điều này có ý nghĩa gì với các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Phán quyết của Tòa trọng tài chỉ liên quan đến Trung Quốc và Philippines, nhưng nó có thể là một tiền lệ cho các vụ kiện khác và cũng có thể tạo căn bản cho việc giải quyết tranh chấp về chủ quyền và hải phận, nếu các quốc gia tương tranh muốn.
Việt Hà: Việt Nam cần phải chuẩn bị gì trước phán quyết của tòa? Việt Nam có nên cân nhắc kiện Trung Quốc nếu phán quyết là có lợi cho philippines?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Nhiều chuyên viên người Việt ở trong và ngoài nước cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế. Trước kia, cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tuyên bố chính phủ đã chuẩn bị hồ sơ kiện cho Bộ Chính trị đảng CSVN quyết định. Kiện hay không kiện cũng chỉ là một trong nhiều phương thức để đạt đươc mục tiêu của mình, bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Việt Hà: Trung Quốc đã nói là sẽ không chịu phán quyết của tòa và họ cũng đã nói là dù phán quyết thế nào đi chăng nữa thì điều này cũng không ảnh hưởng đến hành động và chủ quyền của họ ở Biển Đông. Theo ông, sau phán quyết, các nước cần tiên liệu trước những hành động nào có thể có từ Trung Quốc?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Nhiều người lo ngại Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không hoặc xây lấp trên Scarborough Shoal hay tiến chiếm một số đảo khác để củng cố vị thế của mình. Điều dễ làm nhất là tiếp tục gây chia rẽ các nước trong khối ASEAN. Chính vì thế mà Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Colin Willett cảnh báo Trung Quốc không nên có thêm những hành động khiêu khích hoặc lập vùng nhận diện phòng không, đồng thời cũng khuyến cáo ASEAN ra tuyên bố chung ủng hộ phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế. Mặt khác, Mỹ đã điều động hai hàng không mẫu hạm, John Stennis va Ronald Reagan đến vùng biển này để tạo áp lưc răn đe.
Mỹ có thể gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông?
Việt Hà: Đối với Mỹ thì phán quyết này có ý nghĩa gì? Điều này có làm thay đổi chương trình tự do hàng hải và các hoạt động quân sự khác của Mỹ trong khu vực hay không?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu Tòa án trọng tài quôc tế phán quyết rằng đường lưỡi bò không phù hợp với luật biển, và Scarborough Shoal nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, phán quyết ấy làm suy yếu lập trường và vị thế của Trung Quốc, ít nhất cũng về phương diện pháp lý và tinh thần. Ngoài ra khi phán quyết một số cấu trúc không phải là đảo có quyền có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa, nó có hậu quả thu hẹp vùng Trung Quốc có quyền kiểm soát. Do đó, tàu chiến Mỹ có thể tuần tra sâu hơn vào vùng Trung Quốc đòi kiểm soát. Chính vì lo sợ việc này xảy ra nên mới đây Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu Mỹ giữ cam kết không bênh bên nào, phải cẩn trọng trong lời nói và việc làm, và không xâm phạm đến chủ quyền và quyền lợi an ninh của Trung Quốc.
Khi phán quyết một số cấu trúc không phải là đảo có quyền có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa, nó có hậu quả thu hẹp vùng Trung Quốc có quyền kiểm soát. Do đó, tàu chiến Mỹ có thể tuần tra sâu hơn vào vùng Trung Quốc đòi kiểm soát.-GS Nguyễn Mạnh Hùng
Việt Hà: Tổng thống tân cử của Philippines cũng đã lên tiếng nói rằng sẽ không gây sức ép với Trung Quốc khi phán quyết có lợi cho nước này và sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc. Theo ông nếu Philippines thực sự đi theo hướng này thì điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến hiện trạng ở Biển Đông? Điều này có ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Khi tranh cử Tổng thống, ông Rodrigo Duterte đã có những tuyên bố trái nghịch nhau. Khi thì ông ấy bảo sẽ đem cờ cắm trên Scarborough Shoal khi thi ông ấy nói sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. Sau khi thành Tổng thống, ông tuyên bố tiếp tục theo đuổi vụ kiện Trung Quốc trước tòa án trọng tài cho đến khi có phán quyết; rồi sau đó ông ấy sẽ tham khảo ý kiến các chuyên viên của ông ấy. Điều này có nghĩa là quyết định của Phi sẽ không có tính cách bốc đồng mà đặt trên căn bản của suy tính theo lý trí. Nếu Trung Quốc không làm những nhân nhượng cụ thể căn cứ trên phán quyết của tòa án trọng tài thì ít có triển vọng Philipines bằng lòng đàm phán suông vơi Trung Quốc theo tinh thần “ăn mảnh,” đào sâu thêm chia rẽ vốn có giữa các nước ASEAN, và có thể với đồng minh quan trọng là Mỹ.
Việt Hà: Có ý kiến cho rằng dường như có sự đồng thuận hơn trong ASEAN thể hiện qua Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hồi tháng trước, theo ông phán quyết của tòa lần này có ý nghĩa thế nào với ASEAN?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Đó là cuộc họp ở Côn Minh giữa ASEAN và Trung Quốc. Không có tuyên bố chung ASEAN. Tuy trong tuyên bố riêng, Việt Nam, Indonesia, và Mã Lai nói ASEAN đã đạt được đồng thuận về mối quan tâm chung trước những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông, nhưng Campuchia và Lào lại tuyên bố không dính vào tranh chấp. Có thể có một số nước sẽ ra tuyên bố ủng hộ phán quyết của tòa án trọng tài, nhưng ít có triển vọng có tuyên bố chung ASEAN.
Việt Hà: Xin cảm ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
No comments :
Post a Comment