Tòa trọng tài thường trực (PCA) khẳng định có thẩm quyền xem xét 7 điểm trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông - Ảnh: PCA |
Thanh Phương (rfi)
Sau khi đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài về vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc sẽ có những hành động gì ? Đó là điều không chỉ các nước trong khu vực, mà cả thế giới đang chờ xem.
Phán quyết ngày 12/07/2016 rõ ràng là một vố rất đau đối với Bắc Kinh, vì Tòa Trọng Tài Thường Trực đã xử cho Philippines thắng trên toàn bộ các điểm trong vụ kiện, đặc biệt khẳng định Trung Quốc không có « quyền lịch sử » trên các tài nguyên nằm trong vùng thuộc phạm vi đường chín đoạn, còn được gọi là « đường lưỡi bò », chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 12/07, sau khi tòa ra phán quyết, giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ, tóm lại những điểm chính trong phán quyết :
« Trước hết, phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực kết luận rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định nước này có quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên ở các khu vực trong phạm vi đường 9 đoạn. Thứ hai, tất cả các thực thể ở Trung Quốc chỉ là bãi đá, nên không có cái nào được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Do đó các hoạt động của Trung Quốc trong những năm qua đã phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và như vậy đã gây thiệt hại rất nhiều cho ngư dân, môi trường của Philippines. Những việc bồi đắp đảo và các hoạt động khác đã làm thiệt hại nhiều cho kinh tế biển, cho môi trường biển, gây khó khăn cho an ninh của các nước khác trong khu vực. »
Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, phán quyết của Tòa Trọng Tài cũng sẽ có lợi cho Việt Nam, vì Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục xua đuổi ngư dân Việt Nam hoặc đưa các giàn khoan vào trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam :
« Từ nhiều năm nay, ngư dân Việt Nam ra đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vẫn bị Trung Quốc đâm chìm tàu, nhiều ngư dân bị chết. Thêm vào đó, Trung Quốc mang các giàn khoan vào một số nơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bây giờ, với phán quyết của Tòa Trọng Tài, Trung Quốc sẽ không thể làm như vậy được nữa, mà nếu Trung Quốc làm như vậy thì Việt Nam sẽ dùng phán quyết này để đẩy Trung Quốc ra khỏi các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thêm vào đó, như phán quyết đã nêu, Trung Quốc không có quyền lịch sử trong khu vực đường 9 đoạn và như vậy các tàu bè của tất cả các nước trên thế giới đi qua, hay những ngư dân Việt Nam đi đánh cá trong khu vực ngoài EEZ của Việt Nam, Trung Quốc cũng không được quyền cấm họ. »
Sau những phản ứng giận dữ quen thuộc và những lời cảnh cáo về nguy cơ xung đột, có thể là Bắc Kinh sẽ không đưa ra ngay các biện pháp đáp trả, mà trước mắt sẽ theo dõi phản ứng của các nước trong khu vực và ngoài khu vực, đặc biệt là phản ứng của Philippines. Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, về phần Manila, tuy vui mừng vì thắng kiện, nhưng sẵn sàng hợp tác thăm dò dầu khí với Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Philippines:
« Philippines sẽ nhẫn nhục chờ xem Trung Quốc làm gì. Bước sắp tới của Philippines sẽ là nói rằng những vùng mà tòa phán quyết là nằm trong EEZ của Philippines là của Philippines. Bây giờ Philippines sẵn sàng, nếu mà Trung Quốc muốn, thương thuyết về hợp tác với Trung Quốc để thăm dò dầu khí trong những vùng đó.
Manila sẽ không để cho Trung Quốc tiếp tục leo thang, bởi vì thật ra bây giờ nếu Trung Quốc găng lên, bác bỏ phán quyết, thì cả thế giới sẽ làm áp lực lên Trung Quốc. Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã ra một quyết định đòi Trung Quốc phải chấp nhận phán quyết của Tòa Án. Liên Hiệp Châu Âu EU cũng đã nói với Trung Quốc như vậy. Nếu Trung Quốc có những hành động leo thang trong những tuần tới hoặc những tháng tới, thế giới sẽ không nhượng bộ. Tôi nghĩ rằng, leo thang hay không là do Trung Quốc, còn các nước khác, bây giờ đã có phán quyết rồi, sẽ nhẫn nại chờ xem Trung Quốc làm gì. Các nước khác không muốn cho Bắc Kinh có cái cớ để leo thang. »
Nhưng bất chấp dư luận quốc tế, không thể loại trừ khả năng là Trung Quốc sẽ có những hành động chẳng hạn như tăng tốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo, thách thức Hoa Kỳ trực tiếp hơn, đưa thêm các giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí vào Biển Đông và gia tăng sách nhiễu các tàu cá của những nước tranh chấp khác.
Bắc Kinh cũng có thể tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ như đã làm vào năm 2013 ở vùng biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hôm nay, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, Lưu Chấn Dân ( Liu Zhenmin ) vừa khẳng định Bắc Kinh có quyền thiết lập một vùng ADIZ ở Biển Đông và điều này là tùy thuộc vào « mức độ đe dọa » lên Trung Quốc.
Theo dự đoán của giáo sư Malcolm Jorgensen, Đại học Sydney, cho dù không quốc gia nào muốn xảy ra xung đột, nhưng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực có thể dẫn đến leo thang thành đụng độ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ. Còn nhà nghiên cứu James Nolt thuộc Viện Chính sách Thế giới, Mỹ, thì nhận định là phán quyết ngày 12/07 không thay đổi gì trong ngắn hạn. Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm đóng các đảo và xây dựng, bồi đắp các đảo này. Thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh khiến rất khó cho các bên tìm ra những giải pháp hòa bình.
Trung Quốc nay đã là cường quốc kinh tế thế giới, nếu không muốn nói là một siêu cường quốc, mà đã là một siêu cường quốc tế thì không thể tự xem mình đứng bên trên luật pháp quốc tế. Bắc Kinh đã báo trước là họ sẽ ra khỏi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS. Nhưng theo lời giáo sư Isaac Kardon, thuộc Đại học New York, dù Trung Quốc có ra khỏi UNCLOS, thì phán quyết của Tòa Trọng Tài vẫn có tính ràng buộc pháp lý đối với tất cả các bên.
Trong hồ sơ Biển Đông, còn phải tính đến yếu tố chính trị nội bộ của Trung Quốc. Theo nhận định của ông Geoff Raby, cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc, giới lãnh đạo chế độ Bắc Kinh hiện đang chịu áp lực rất mạnh của dư luận trong nước đòi họ phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Ngay cả những người trẻ và có suy nghĩ hợp lý cũng cực lực bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Đây cũng là một thời điểm rất căng về mặt chính trị đối với chủ tịch Tập Cận Bình. Khi tiến hành chiến dịch chống tham nhũng để qua đó củng cố thế lực cá nhân, ông đã gây thù chuốc oán với nhiều lãnh đạo khác. Nếu bây giờ trong hồ sơ Biển Đông, lãnh đạo họ Tập mà bị xem là hèn yếu, thì các đối thủ sẽ quay sang tấn công ông.
Theo nhận định của tờ Washington Post, chính quyền Trung Quốc nay đang trong tình thế nan giải. Nếu bày tỏ thái độ bất bình bằng cách đẩy mạnh bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo, thì có nguy cơ đối đầu, thậm chí xung đột với các nước láng giềng châu Á và Hoa Kỳ. Nhưng nếu tạm ngưng chương trình này và chọn một cách tiếp cận hòa hoản hơn thì sẽ mất mặt với dư luận trong nước.
No comments :
Post a Comment