Friday, August 5, 2016

Hậu Formosa: “Nổ như tạc đạn”

PIC
Từ trái qua: ông Đinh thế Huynh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong ngày cuối cùng Đại hội đảng lần thứ 12 hôm 27/1/2016 tại Hà Nội.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Câu chuyện truy trách nhiệm quan chức Việt Nam dính líu tới việc đưa Formosa vào Vũng Áng, ưu đãi mọi mặt và dễ dãi về vấn đề cần thận trọng là biện pháp bảo vệ môi trường, có vẻ như sắp đi tới hồi quyết liệt nhất.
Lật ngửa lá bài trách nhiệm
Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang dọa đóng cửa Formosa nếu tái phạm, ngày 4/8 ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có phát ngôn được mô tả như tiếng nói của Đảng, cho thấy việc truy trách nhiệm đến cùng những ai dính líu tới Formosa đang diễn ra. Nói theo ngôn ngữ đường phố là sắp có không ít những con dê tế thần.
Báo chí do nhà nước quản lý đua nhau giật tít lớn về phát biểu lần đầu tiên trước công chúng của ông Đinh Thế Huynh liên quan đến vụ Formosa. Theo đó, truy trách nhiệm đến cùng về vai trò quản lý nhà nước trong quá trình cấp phép cho Formosa của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh và các bộ ngành liên quan. Lời ông Đinh Thế Huynh được sử dụng nhiều, điển hình như “Không thể lên báo nói mấy câu chống chế là xong…” hoặc “Làm rõ việc 12 bộ đồng ý cấp phép 70 năm cho Formosa…”.
Đến bây giờ dư luận cũng rộng rãi yêu cầu là cần khởi tố vụ án, khi khởi tố vụ án thì lúc đó người ta mới đi vào điều tra cá nhân và xác định trách nhiệm. 
- Luật sư Trần Quốc Thuận
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện làm việc ở Saigon nhận định:
“Đến bây giờ dư luận cũng rộng rãi yêu cầu là cần khởi tố vụ án, khi khởi tố vụ án thì lúc đó người ta mới đi vào điều tra cá nhân và xác định trách nhiệm. Còn trong đó ông Võ Kim Cự có bị xử lý hay không thì sau kết luận thanh kiểm tra toàn diện vụ Formosa tôi nghĩ không những chỉ có ông Võ Kim Cự mà còn liên quan đến nhiều người khác, như lời phát biểu trên báo chí của ông Võ Kim Cự, thì ông ấy vẫn còn hồ sơ của nhiều người ký trên đấy chứ không phải một mình ông ấy…”
Báo điện tử Dân Trí dùng lời ông Đinh Thế Huynh liên quan đến trách nhiệm của ông Võ Kim Cự cho phần dẫn nhập:“Không thể ông lên báo nói mấy câu chống chế là xong việc. Cứ để kiểm tra làm rõ... Anh nói, tôi ký 12 bộ, ngành đã đồng ý. Vậy thì để kiểm tra. Luật qui định 50 năm nhưng đặc biệt là 70 năm, trường hợp này có đặc biệt hay không phải có căn cứ.”
Ngày 4/8/2016 trong dịp tiếp xúc cử tri Đà Nẵng, khi trả lời các câu hỏi của cử tri liên quan đến thảm họa môi trường biển, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh tới việc phải giải quyết dứt điểm sự cố môi trường do Formosa gây ra. Theo lời ông, đây là một sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Khắc phục hậu quả rất gian truân, rất vất vả. Suốt từ Vũng Áng tới Lăng Cô biển không còn tôm cá.
Theo VnExpress và Dân Trí online, ông Đinh Thế Huynh cho biết chủ trương của Đảng, Nhà nước là rà soát toàn bộ quá trình cấp phép, phê duyệt dự án với Formosa, đặc biệt là phê duyệt hệ thống xả thải để xử lý những cá nhân vi phạm; bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm cơ quan nào đánh giá tác động môi trường, hệ thống giám sát quan trắc…
Dính chàm nhiều tên tuổi lớn
000_Hkg9833731.jpg-400.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái), Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự (thứ hai từ trái), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (phải), trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 5 năm 2014. AFP photo
Theo dõi thời sự những ngày qua, người đọc báo ghi nhận điều gọi là “nhà cái cầm bài rút từng lá bài có lớp lang”. Theo trình tự thời gian thì  Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sau nhiều tháng im lặng không nói gì về vụ cá chết hàng loạt, đến hôm 1/8 đã răn đe Formosa nếu tái phạm sẽ đóng cửa và sẽ xử lý nghiêm bất kể ai liên quan đến sự cố Formosa. Sau ông chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đi sâu vào chi tiết hơn về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh, cũng như hé lộ việc kiểm tra 12 bộ ngành có liên quan tới phê duyệt dự án Formosa, đặc biệt là hệ thống xả thải ra biển.
Cùng thời gian trong hai ngày đầu tháng 8, báo điện tử Lao Động tung lên mạng hai bài viết gây chấn động, bài thứ nhất dẫn dắt người đọc tìm hiểu trách nhiệm của ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường và các giới chức cao cấp ở bộ này. Bài thứ hai, Báo Lao Động tiếp tục bóc tách với bài “Formosa xả thải: Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường ủy nhiệm bừa và…nhắm mắt ký.”
Liên quan đến những tín hiệu cho thấy nhà nước bật đèn xanh để truy cứu trách nhiệm các cán bộ cao cấp liên quan đến việc phê duyệt cho Formosa vào Việt Nam một cách sơ hở và dễ dãi, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo công dân, nhà phân tích độc lập từ Saigon phát biểu:
“Tôi có nghe thông tin hiện nay đang lôi ra xem lại cái báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2008 cho Formosa. Trong báo cáo đó chỉ có đúng 1 trang đề cập về vấn đề xả thải ô nhiễm và cũng nói rất là chung chung. Dư luận cho rằng, khi mà Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá tác động môi trường quá hời hợt như vậy, thì đó là động tác các quan chức ở Bộ này ngậm miệng ăn tiền của Formosa. Hiện nay, người ta đang xem xét trách niệm của những quan chức về hưu và nếu như trong vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan tới cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, ông Hoàng mà không thoát, thì tôi nghĩ một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường chắc chắn sẽ cùng chung số phận với ông Võ Kim Cự trong thời gian tới.”
Trong phóng sự điều tra Vụ Formosa: trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang ở đâu? của báo điện tử Lao Động, tờ báo lập luận rằng, ông Nguyễn Minh Quang có thể hoàn toàn vô can trong việc phê duyệt dự án Formosa vào Việt Nam năm 2008. Tuy nhiên, vấn đề cho phép siêu dự án này xả thải thẳng ra biển thay vì ra sông như giấy phép ban đầu, cũng như quá trình giám sát về những loại chất thải mà Formosa đưa ra biển lại thuộc nhiệm kỳ 5 năm của cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang.
... tôi nghĩ một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường chắc chắn sẽ cùng chung số phận với ông Võ Kim Cự trong thời gian tới.             
- Tiến sĩ Phạm Chí Dũng
Theo Lao Động Online, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã từ chối không trả lời về các loại  giấy phép cấp cho Formosa. Tuy vậy ông đá quả bóng trách nhiệm cho thuộc cấp lúc đó là Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, phụ trách Tổng cục Môi trường.
Cựu Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, người được cho là phải chịu trách nhiệm liên quan tới việc cho phép Formosa xả thải ra biển, khi trả lời báo Lao Động Online lại khẳng định việc chấp thuận đưa Formosa vào Việt Nam, cũng như cho dự án này xả thải ra biển là chủ trương của Ban cán sự Đảng trong đó có nhiều người chứ không riêng mình ông. Dù ông là người trực tiếp ký cho phép Formosa xả thải ra biển.
Vẫn theo báo điện tử Lao Động, ông Bùi Cách Tuyến là Tiến sĩ ngành quản lý môi trường, ông cho biết bản thân hiểu rõ hoàn cảnh đất nước thời kỳ đó rất cần đầu tư cũng như tác hại môi trường kèm theo. Ông tiết lộ sự thật bẽ bàng mà có thể là tình trạng đau lòng của chế độ toàn trị ở Việt Nam. Theo lời vị cựu Thứ trưởng, ông không biết phải làm sao khi có nhiều chuyện ông khuyên ngăn nhưng Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang bỏ ngoài tai. Tệ hơn nữa, theo lời TS Bùi Cách Tuyến, có sự dính líu của những nhóm lợi ích ghê gớm mà ông chỉ là một thầy giáo đại học không dính tới những nhóm lợi ích ghê gớm đó.
Theo quan điểm luật pháp, báo Lao Động Online trích lời Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Cty Luật Youme, cho rằng người chịu trách nhiệm cao nhất là cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, cho dù ông không ký mà ủy quyền cho người khác ký.
Trong bài thứ hai “Formosa xả thải: Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường ủy nhiệm bừa và …nhắm mắt ký.” Báo điện tử Lao Động còn bật mí nhiều chuyện động trời ở Bộ Tài nguyên Môi trường. Theo đó, TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, cho biết tuy không tham gia hội đồng thẩm định nhưng được nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực (nhiệm kỳ 2002-2007) ủy quyền ký bản đánh giá tác động môi trường mà bản thân ông không tham gia thẩm định.
Hơn nữa ông Kinh ký vào thời điểm 2 tháng trước khi nghỉ hưu. Bản đánh giá tác động môi trường một dự án đầu tư 10 tỷ USD, với quyền sử dụng đất và mặt nước lên tới hơn 3.300 ha được ông Nguyễn Khắc Kinh ký cấp cho Formosa vào tháng 6/2008 chỉ vỏn vẹn hai trang giấy đánh máy, thể hiện sự quá sơ sài và chữ ký của quan chức Việt Nam là khá dễ dãi.
Báo Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Khắc Kinh trong một cuộc hội thảo năm 2011 cho biết, ở Bộ Tài nguyên Môi trường nhiều việc không bằng lòng nhưng sau cùng cũng cho qua, một phần là trình độ, sức ép về kinh tế, nhưng cơ bản là “sự gửi gắm” của ông to, bà lớn yêu cầu châm chước cho các dự án, khuyến khích đầu tư của tỉnh nhà.
Khi ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, rồi Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đều mạnh dạn nói với người dân là xử lý nghiêm bất kể ai liên quan đến sự cố Formosa, thì danh sách phải điều tra sẽ dài hơn những danh tính như cựu Bí thư, cựu Chủ tịch Hà Tĩnh Võ Kim Cự, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Bùi Cách Tuyến, cựu Bộ trưởng Mai Ái Trực, cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang. Đảng và Nhà nước sẽ quyết tâm đến mức độ nào là điều cần chờ thời gian để chứng minh.

No comments :

Post a Comment


"Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời"

Trong tuần qua nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong cuộc chiến trước đây lại tập trung để tham gia chương trình ‘Tri ân Thương Phế Binh’ với chủ đề “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.
Lần Gặp "Bác Hồ" Tôi Bị Mất Trinh
• Để bác cấy hạt giống đỏ cho cháu, cháu mang về miền Nam cho bác nhé.
Bác bồng tôi lên giường, hai tay bác đè tôi ra và lột áo quần tôi.Bác như một con cọp đói mồi, sau một hồì kháng cự tôi biết mình không thể nào làm gì hơn nên đành nằm xuôi tay... Hai hàng lệ một cô gái miền Nam vừa tròn 15 tuổi đã bị bác cướp đi mất cái trong trắng.
=>Đọc thêm=>