Người dân Quỳnh Lưu, Hà Tĩnh biểu tình đòi Formosa đóng cửa hôm 2/10/2016.
Kính Hòa, phóng viên RFA
Cuộc biểu tình lớn
Chủ nhật 2 tháng 10, khoảng một vạn người tại Hà Tĩnh biểu tình đòi nhà máy Formosa bồi thường thiệt hại vì đã gây ra thảm họa môi trường Vũng Áng, đẩy hàng trăm ngàn người sống dựa vào biển không còn kế sinh nhai.
Đây là một cuộc biểu tình có thể là lớn nhất trong lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam, nếu không tính đến cuộc nổi dậy của dân chúng Quỳnh Lưu, Nghệ An, chống cải cách ruộng đất do đảng cộng sản thực hiện, cách đây tròn 60 năm.
Điều đáng nói nhất trong cuộc biểu tình Hà Tĩnh là những người biểu tình đã biểu đạt ý kiến của mình một cách bất bạo động, không có xô xát và đập phá. Khía cạnh bất bạo động này được rất nhiều nhà báo, blogger bình luận:
Giáo sư Mạc Văn Trang viết trên trang cá nhân:
Một cuộc “tụ tập” tới 10.000 người mà không gây ra “hiệu ứng đám đông”, “tâm lý bầy đàn” manh động, mất kiểm soát… là một bằng chứng cho sự chuyển biến mới về ý thức trách nhiệm xã hội, ý thức pháp luật của những người tổ chức và người dân tham gia biểu tình.
Nhà báo Châu Đoàn nói rằng cuộc biểu tình đã diễn ra một cách bất bạo động, và đó là một điều tuyệt vời. Tác giả Bùi Quang Vơm, người thường viết những phân tích về thay đổi xã hội tại Việt Nam cho rằng đó là sự trưởng thành về văn hoá biểu tình ôn hoà bất bạo động. Một hình hài cách mạng đang hiển hiện.
Cũng tại vùng đất Nghệ An Hà tĩnh này, những người cộng sản vẫn tự hào cho rằng đây là vùng đất cách mạng của họ, ở đây họ đã dấy lên một phong trào gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh cách đây 86 năm.
Ngay sau cuộc biểu tình chống Formosa tại Hà Tĩnh nổ ra, một nhà giáo tại Sài Gòn nhớ lại một bài thơ của một nhà thơ cộng sản về phong trào Xô viết ấy, và bảo rằng những người và cảnh năm xưa, trớ trêu thay dường như không có gì thay đổi.
“..Kìa Bến Thuỷ đứng đầu dậy trước,
Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên.
Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên,
Anh Sơn,Hà Tĩnh một phen dậy rồi
Không có lẽ ta ngồi chịu chết?
Phải cùng nhau cương quyết một phen.
Tổng này, xã nọ kết liên,
Ta hò, ta hét, thét lên mau nào !
Trên gió cả cờ đào phất thẳng,
Dưới đất bằng giấy trắng tung ra
Giữa thành một trận xông pha,
Bên kia đạn sắt bên ta gan vàng..”
Có một điều khác biệt là cuộc biểu tình 86 năm sau diễn ra bất bạo động và không bị đàn áp.
Giáo sư Mạc Văn Trang còn nêu lên những điểm khác biệt nữa giữa Xô viết Nghệ Tĩnh và cuộc biểu tình vừa qua của dân chúng Hà Tĩnh, Nghệ An hôm nay.
Sau cuộc khiếu kiện của hơn 500 dân Nghệ An tới cuộc biểu tình hơn 10.000 ngàn dân Hà Tĩnh, người ta đã ví như sự kiện “Xô Viết Nghệ Tĩnh”. Nhưng thực ra về bản chất là không đúng, vì “Xô viết Nghệ Tĩnh” dân nổi dậy do Đảng Cộng Sản kích động “căm thù giai cấp, trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, “nhằm cướp chính quyền”, còn cuộc khiếu kiện, biểu tình của dân Nghệ – Tĩnh hôm nay là kêu gọi đoàn kết toàn dân đấu tranh trong hòa bình cho công lý, cho sự phát triển đất nước…
Lúng túng
Báo chí Việt Nam im lặng không đưa tin về cuộc biểu tình ở Hà tĩnh.
Báo Thanh niên đưa tin rồi gỡ đi. Báo Hà Tĩnh online có một bài viết kết tội những người biểu tình gây rối.
Tuy vậy nhà báo Châu Đoàn nói rằng mình vẫn vui vì mạng xã hội đã thay cả hệ thống báo chí chính thống một cách tuyệt vời để làm thiên chức của nhà báo. Nhà báo đề nghị là nhà nước Việt Nam nên thay đổi cái cách làm truyền thông của mình:
Chính quyền nên thay đổi tư duy về chức năng báo chí Việt Nam. Sự kiện động trời mà tất cả đều im thin thít, nhường chức năng chia sẻ thông tin cho mạng xã hội được độc quyền. Theo tôi, đây là một điều không khôn ngoan. Không đưa tin thì mấy chục triệu người cũng biết và điều ấy sẽ làm báo chí mất uy tín.
Cuộc biểu tình ngày chủ nhật đã diễn ra sau khi người dân biết được chính sách đền tiền cho người dân lấy từ số tiền 500 triệu đô la Mỹ mà công ty Formosa bồi thường. Theo chính sách này thì người bị thiệt hại chỉ nhận được tiền đền bù trong sáu tháng. Blogger Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi hỏi rằng sau sáu tháng đó thì ngư dân sống bằng gì vì biển vẫn chết!
Một số blogger nhận xét rằng chính phủ Việt Nam đã vụng về khi để cho Formosa chi ra 500 triệu đô la rồi phủi tay.
Blogger Nguyễn Thị Oanh viết trên trang cá nhân:
Thật lòng, không hiểu tại sao Chính phủ lại nhận trách nhiệm “đứng mũi chịu sào” trong vụ này để rồi phải đối mặt với những áp lực không nhỏ từ dân? Bài toán giải quyết khối u Formosa đã sai cách giải ngay từ đầu, khi Chính phủ tự ý thỏa thuận với Formosa để đồng ý nhận khoản bồi thường 500 triệu USD mà không rõ căn cứ. Và bây giờ, vẫn tiếp tục sai khi Chính phủ đứng ra nhận tiền đó thay cho dân rồi lại thực hiện chi trả bồi thường thay cho Formosa. Giờ đây, kẻ thủ ác hẳn đang xoa tay thở phào khi đã đẩy được hết mọi trách nhiệm về cho chính quyền VN để mặc nhiên xem đó là việc của người Việt tự giải quyết với nhau.
Cùng quan điểm này là nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà. Khi nhận xét về vụ kiện của dân chúng Hà Tĩnh, cô viết:
Việc Formosa bồi thường cho người dân 4 tỉnh miền Trung chịu thảm họa xả thải là chuyện đôi bên, nhưng chính phủ đã đẩy mình vào thế kẹt khi tự thương thảo và đưa ra mức bồi thường. Không khó để thấy, việc 10.000 dân tụ tập và leo chiếm tường rào Formosa hôm qua chỉ là nối dài một lộ trình có kế hoạch có lãnh đạo và chắc chắn không dừng lại đây.
Tóm lại, vụ kiện về pháp lý thì hơi khó vì vướng trúng vào những bất cập của luật. Nhưng chuyện Hà Tĩnh vs. Formosa không gói gọn trong vấn đề pháp lý mà còn là chính trị. Chính phủ VN đang mắc xương, gỡ kiểu nào cũng khó!
Ông Chu Mạnh Sơn cũng cảnh báo khía cạnh chính trị của những cuộc biểu tình đòi môi trường sống Nghệ Tĩnh, ông viết trên trang Ba Sàm rằng Nước có thể đẩy thuyền xuôi dòng nhưng nước cũng có thể lật thuyền.
Xã hội dân sự
Những cuộc biểu tình tại Nghệ Tĩnh thoạt đầu do các vị chức sắc Công giáo ở đây tổ chức. Trong một lần trao đổi với chúng tôi, nhà hoạt động dân sự Nguyễn Quang Thạch cho rằng những hội đoàn Công giáo ở đây là những tổ chức dân sự rất hoàn hảo, giúp đỡ ông rất nhiều trong chương trình sách nông thôn do ông khởi xướng.
Nhưng cũng tại Hà Tĩnh, cách đây hai năm đã có những cuộc biểu tình bạo loạn đập phá những cơ sở của người Trung quốc và Đài Loan sau khi giàn khoan dầu của Trung quốc lấn vào thềm lục địa Việt Nam. Khi được hỏi là liệu những vụ bạo động như vậy đã làm cho chính quyền Việt Nam nghi ngờ các xã hội dân sự hay không. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội cho rằng những cuộc bạo động ấy được tổ chức nhằm bôi xấu hình ảnh của Việt Nam và những tổ chức dân sự. Ông cam đoan rằng nếu những tổ chức dân sự tổ chức biểu tình và phản đối thì hoàn toàn theo tin thần bất bạo động.
Sau vụ biểu tình tại Hà Tĩnh vào Chủ nhật, mồng 2 tháng 10, blogger Nguyễn Anh Tuấn viết rằng:
Không một chính quyền nào đủ sức phát hiện và giải quyết tất cả các vấn đề của người dân trong cuộc thảm hoạ. Chỉ có hàng ngàn nhóm dân sự khác nhau, len lỏi vào từng cộng đồng nhỏ trong vùng thảm hoạ, đáp ứng những nhu cầu thiết thân của từng nhóm dân: ngư dân, phụ nữ, học sinh, tiểu thương, thanh niên...mới có thể giúp xả hơi các bức xúc xã hội.
Cơn bão
Chứng kiến cả ngành truyền thông Việt Nam im lặng trước cuộc biểu tình lớn ở Hà Tĩnh, blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh nhớ lại sự kiện hàng trăm nhà báo tại Sài Gòn trước 1975 ký kiến nghị đòi tự do ngôn luận:
Tôi đang tự hỏi – hay tự mình mơ - về một 100 nhà báo ăn lương nhà nước cùng ký tên để phản đối công an nói riêng, và chính quyền nói chung hành xử tàn bạo với nghề làm báo. Nhưng có lẽ đó chỉ là một giấc mơ để nhớ về quá khứ, nơi nhân dân bị xét là phải sống trong một chế độ đồi trụy và tay sai, nhưng chứng cứ cho thấy họ vẫn rất lành lặn về tinh thần và nhân cách.
Chắc rồi có lúc bạn sẽ nhận ra, tôi hy vọng vậy. Chúng ta hay truyền thông trên đất nước này, cũng giống như những người bán vé số sợ hãi, chỉ còn quẩn quanh với niềm hy vọng nhỏ nhoi ở nơi mình đang sống, chứ không dám chạm vào hay cầm giữ một niềm hy vọng nào xa hơn lằn ranh mà người ta đã vạch sẳn cho mình. Trái tim cùa quyền lực thứ Tư thoi thóp đập trong một thân thể cường tráng. Trái tim đau bệnh, mòn mỏi bởi những lằn ranh.
Cũng trong thời gian diễn ra những cuộc biểu tình đòi môi sinh, tổng biên tập một tờ báo của ngành dầu khí bị cách chức sau khi đăng tin có liên quan đến blogger Người Buôn Gió đang sống ở nước ngoài, vốn không nhận được thiện cảm của chính quyền trong nước.
Blogger Kinh Thư nhận xét rằng có một cơn bão đang thổi qua các cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước Việt Nam.
Trở lại chuyện biểu tình ở Nghệ Tĩnh, từ Sài gòn, ông Nguyễn Hồng Lam nhìn những biến động ở Nghệ Tĩnh như những vầng mây đen đầy đe dọa, của một cơn bão, và ông hy vọng rằng nó sẽ tan đi để có thể có vầng trời quang đãng minh bạch.
Nhưng một tác giả khác lấy hiệu là Người Kỳ Anh lại đặt ra câu hỏi rằng trong hoàn cảnh không có cạnh tranh chính trị hiện nay của Việt Nam, liệu có chắc rằng một Formosa thứ hai sẽ không xảy ra?
No comments :
Post a Comment