Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter bắt tay với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tại Hội nghị An ninh Mỹ - ASEAN ở Hawaii hôm 30/09/2016.
Viet Ha, RFA
Trong hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Mỹ vừa diễn ra hồi cuối tuần qua ở Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết sắp tới Hoa Kỳ sẽ tăng cường hoạt động tập trận trong khuôn khổ chương trình về nhận thức các vấn đề hàng hải (maritime domain awareness) với các nước ASEAN.
Mỹ khẳng định cam kết với các nước ASEAN
Trong nỗ lực khẳng định cam kết chuyển trục chiến lược về khu vực châu Á Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama, Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hồi cuối tuần qua nói với quan chức quốc phòng các nước ASEAN rằng Mỹ sẽ tổ chức một loạt các hoạt động giữa ASEAN và Mỹ trong khuôn khổ sáng kiến an ninh biển (MSI) bao gồm cả các đối thoại và hoạt động tập trận thuộc chương trình về nhận thức các vấn đề hàng hải.
Sáng kiến an ninh biển đã được Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter công bố lần đầu tiên tại diễn đàn an ninh khu vực Shangri-la ở Singapore hồi tháng 5 năm ngoái. Vào tháng 4 năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết MSI được đầu tư khoảng 425 triệu đô la trong vòng 5 năm.
Trang tin của học viện Hải quân Hoa Kỳ trích tóm tắt chương trình MSI viết rằng MSI sẽ giúp các đối tác của Hoa Kỳ ở khu vực biển Đông phát hiện các hoạt động trong phạm vi lãnh hải của mình một cách hiệu quả, chia sẻ thông tin với các đối tác quốc tế và đóng góp vào an ninh và hòa bình khu vực.
Hồi tháng 4 vừa qua, Hoa Kỳ cho biết sẽ cung cấp cho Philippines khoảng 42 triệu đô la, tương đương 85% ngân sách của MSI trong năm nay. Mục đích là để giúp Philippines cải tiến mạng lưới thông tin liên lạc, đào tạo nhằm tăng cường khả năng của quân đội và lực lượng tuần duyên Phi.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng dự chi gần 1,8 triệu đô la trong năm nay cho các chương trình nhằm đánh giá khả năng hiện tại của Việt Nam để có thể thực hiện những trợ giúp cụ thể dự định sẽ đưa ra vào năm 2017.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, hải quân Mỹ sẽ gửi chuyên gia về hệ thống không người lái trên không đến Việt Nam để giới thiệu với các lãnh đạo Việt Nam về những hệ thống này, và có thể mời các quan chức Việt Nam tới thăm một cơ sở của quân đội Mỹ có trang bị các thiết bị này.
Phía Hoa Kỳ hy vọng là Việt Nam có thể sẽ thấy được tầm quan trọng của hệ thống này đối với nhu cầu sử dụng của mình trong tương lai. Theo chương trình này, các sĩ quan hải quân của Việt Nam, lực lượng tuần duyên sẽ được mời đến tham dự nhiều khóa học về lãnh đạo và đào tạo tại Mỹ trong suốt năm nay.
Sự can dự của Mỹ vào khu vực biển Đông dưới hình thức trợ giúp các nước cũng được chính những nước trong khu vực đánh giá cao. Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu biển Đông thuộc học viện Ngoại giao nói với đài Á Châu tự Do về quan điểm này như sau:
"Theo quan điểm cá nhân tôi thì Biển Đông liên quan đến lợi ích của nhiều nước, ngoài vấn đề tranh chấp liên quan giữa các bên tranh chấp trực tiếp, nó còn là vấn đề của khu vực, liên quan tới các nước trong khu vực hay là những vấn đề liên quan đến nhiều nước bên ngoài như hòa bình và ổn định, tự do hàng hải, hàng không qua Biển Đông, liên quan đến lợi ích các nước ngoài khu vực trong đấy thì lợi ích của Mỹ là quan trọng như Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố các lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông, thì như thế Mỹ can dự hay như bà nói là can thiệp vào Biển Đông thì trên cơ sở lợi ích của Mỹ."
Trong các năm qua, Mỹ cũng đã tham gia một loạt các hoạt động tập trận trong khuôn khổ chương trình nhận thức về các vấn đề hàng hải với các nước Đông Nam Á mà điển hình là các hoạt động thuộc chương trình hợp tác huấn luyện và sẵn sàng gọi tắt là CARAT của hải quân Mỹ với hải quân các nước trong khu vực.
Với Việt Nam, chương trình tương tự có tên hoạt động giao lưu hải quân (NEA) hàng năm lần thứ 7 vừa được bắt đầu vào hôm 28 tháng 9 vừa qua ở cảng Tiên Sa, Đà nẵng. Chương trình này bao gồm các hoạt động không tham chiến, y tế quân đội, và luật biển. Hai bên cũng thực tập liên lạc áp dụng Bộ quy tắc về những đụng độ trên biển không định trước (CUES), hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.
Những thách thức
Cam kết của Mỹ với khu vực Đông Nam Á vào lúc này cũng gặp không ít khó khăn, không những chỉ riêng từ Trung Quốc, nước đòi đến gần 90% diện tích biển Đông, mà còn từ cả những nước là đồng minh lâu năm và đối tác của Mỹ trong khu vực.
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn phản đối những can dự của Mỹ trong khu vực và cáo buộc Hoa Kỳ đang hiện đại hóa quân sự khu vực biển Đông. Nước này cũng đã thành công phần nào trong việc chia rẽ ASEAN. Bằng chứng là những tuyên bố chung của ASEAN thời gian qua thường không dám lên án Trung Quốc một cách trực tiếp.
Nhưng điều đáng ngại nhất lại đến từ phía Tổng thống tân cử của Philippines, Rodrigo Duterte, người mới đây đã có những tuyên bố xem nhẹ quan hệ đồng minh với Mỹ và coi trọng quan hệ với Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã có những tiếng nói mạnh nhưng dường như không ngăn chặn được Trung Quốc bao nhiêu trong suốt thời gian vừa qua - Hoàng Việt
Hoa Kỳ đã có những tiếng nói mạnh nhưng dường như không ngăn chặn được Trung Quốc bao nhiêu trong suốt thời gian vừa qua. Ngay cả một số học giả của Trung Quốc cũng cho rằng nhiều chính sách của Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua không hiệu quả.-Hoàng Việt
Trong chuyến thăm tới Việt Nam hồi tuần rồi, ông Duterte đã nói rằng cuộc tập trận hàng năm giữa Philippines và Mỹ trên biển sắp tới sẽ có thể là cuộc tập trận cuối cùng. Ngoại trưởng Phi sau đó đã đính chính là điều này còn đang xem xét và quyết định cuối cùng chỉ được đưa ra vào năm 2017.
Giáo sư Renato Cruz de Castro thuộc trường đại học De la Salle của Philippines nhận định về đường lối ngoại giao sắp tới của Philippines như sau:
"Kế hoạch của Tổng thống Duterte là quay trở lại giống như dưới thời của Tổng thống Gloria Arroyo. Nhưng thời đó, Tổng thống Arroyo chơi một trò chơi mà tôi gọi là trò chơi cân bằng. Theo cách này, Philippines tìm một điểm trung gian giữa hai cường quốc đang cạnh tranh với nhau, đó là Mỹ và Trung Quốc.Cơ bản mà nói thì đây giống như một cách thí quân mở đường theo cách ngoại giao.
Tổng thống Arroyo vào đầu những năm 90 cho thấy là bà ủng hộ Mỹ trong trận chiến chống khủ bố và đã có được những hỗ trợ từ Mỹ. Cùng lúc đó bà mở ra các cơ hội để hợp tác phát triển chung với Trung Quốc. Bà đã ký thỏa thuận này với Trung Quốc. Theo tôi kế hoạch của Tổng thống Duterte là quay trở lại tình trạng đó. Theo đó thì Philippines là một nước nhỏ, lợi dụng sự cạnh tranh giữa các cường quốc".
Việt Nam một mặt đón nhận những trợ giúp về trang bị quân sự và đào tạo từ Mỹ nhưng cũng rất cẩn trọng không muốn làm Trung Quốc tức giận. Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách ba không là không tham gia liên minh, đồng minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
Với chính sách này, Việt Nam hiện không thực sự tham gia các hoạt động tập trận với các nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng giới hạn các chuyến thăm của tàu Hải quân Mỹ đến Việt Nam tối đa 3 lần một năm.
Đánh giá về những can dự của Mỹ vào khu vực, thạc sĩ luật Hoàng Việt tỏ ra khá bi quan ông cho biết:
"Hoa Kỳ đã có những tiếng nói mạnh nhưng dường như không ngăn chặn được Trung Quốc bao nhiêu trong suốt thời gian vừa qua. Ngay cả một số học giả của Trung Quốc cũng cho rằng nhiều chính sách của Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua không hiệu quả."
Bất chấp những hoạt động trợ giúp của Mỹ với các nước trong khu vực và chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đang thực hiện ở biển Đông, các hình ảnh và thông tin gần đây cho thấy Trung Quốc vẫn đang có các hoạt động xây dựng tại khu vực bãi cạn Scaborough Shoal đang tranh chấp với Philippines.
Giới chuyên môn nhận định, Trung Quốc đang cho xây dựng một tiền đồn quân sự mới tại khu vực biển Đông bên cạnh 7 đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã cho xây lấp trước đó.
No comments :
Post a Comment