Monday, October 3, 2016

Hoạ sĩ Trần Duy, cựu Thư ký toà soạn báo Nhân Văn nói về Nhân Văn Giai Phẩm – (phần 1)

pic
Thụy Khuê
Từ khi phong trào NVGP bị dập tắt đến ngày nay, họa sĩ Trần Duy, cựu thư ký tòa soạn báo Nhân Văn, không lên tiếng. Ở tuổi 88, ông nhìn lại đời mình, và chúng tôi thành thực cảm ơn ông đã có nhã ý dành cho thính giả RFI nghe những phát biểu đầu tiên của ông sau nửa thế kỷ im lặng. Những phát biểu của ông sẽ soi sáng thêm một số vấn đề nữa về báo Nhân Văn, và như thế chúng ta tạm coi là đã có một hồ sơ tương đối đầy đủ về hành trình NVGP qua tiếng nói của những người trong cuộc.

Thụy Khuê: Thưa bác Trần Duy, xin thành thật cảm ơn bác đã dành cho thính giả RFI được nghe những phát biểu đầu tiên của bác sau hơn nửa thế kỷ im lặng. Vậy trước hết, xin bác thuật lại từ đầu về thân thế của bác, bác xuất thân trong một gia đình hoàng phái, nhiều đời làm quan dưới triều Nguyễn phải không ạ?

– Trần Duy: Gia đình nhà tôi, các ông tổ theo Gia Long, theo Gia Long từ những trận như trận Rạch Ngầm và ông cao tổ nhà tôi Trần Quang Khương là trợ lý cho Lê Văn Duyệt, trong gia phả có ghi rõ như thế. Đến đời Gia Long, vua Gia Long gả con gái của bà Hậu ở trong miền Nam cho ông Khương. Sau đến đời Thiệu Trị thì gả bà Đồng Phú công chúa cho ông cố nhà tôi là Trần Quang Phổ. Như thế nhà tôi hai đời làm phò mã của triều Nguyễn. Ông nội tôi, Trần Quang Trinh làm tham tri Bộ Lễ, rồi thượng thư Bộ Hình trong một thời gian rồi về hưu, sau ra làm tổng đốc Quảng Bình, Quảng Trị. Tôi sống trong một gia đình phong kiến và tôi cũng ý thức được là phong kiến cũng đã suy tàn chứ không còn hưng thịnh gì, thành ra tôi có một nỗi buồn. Vừa buồn vừa bế tắc. Sau khi đỗ tú tài, chưa biết làm gì, tôi đi hướng đạo. Hướng đạo giúp cho tôi được nhiều lắm, một là có ý thức về xã hội, hai là tạo cho tôi một cái nhìn về thiên nhiên, biết cái cảnh quan, cái đẹp của thiên nhiên, ví dụ như đi cắm trại, chơi lửa trại hay là làm những sưu tập về hoa, lá; vậy cái ý thức về thiên nhiên, tôi đã có từ khi bắt đầu đi hướng đạo, và sự mâu thuẫn giữa tôi và xã hội cũng do hướng đạo mà ra, vì hướng đạo cho mình ý thức làm những bonnes actions, những điều tốt, thì mình đã bắt đầu đi vào những bi kịch của xã hội: người già, người ốm, người ăn mày, v.v… Đấy là một thay đổi lớn trong đời tôi.

pic
Thông cao nguyên Biang – Hoạ sĩ Trần Duy

– Thụy Khuê: Tại sao bác lại chọn trường Mỹ Thuật Đông Dương mà không học ngành khác? Hội họa với bác có duyên nợ như thế nào?

– Trần Duy: Khi tôi đỗ tú tài xong thì ba tôi muốn tôi học trường Hậu Bổ, muốn tôi học lại chữ Nho để ra làm quan. May sao tôi thoát được và ra Hà Nội. Tôi ra Hà Nội khoảng năm 1939-40, thì cũng hoang mang, chưa biết học trường nào, các bạn tôi đã vào trường Y, trường Luật, v.v… Cũng may tôi gặp hai anh bạn là anh Mai Văn Năm và anh Võ Lăng, các anh ấy học trường Mỹ Thuật. Một hôm tôi đến chơi thì thấy đúng trường Mỹ Thuật mới là nơi mình gửi gấm cuộc đời của mình. Tôi nộp đơn, người ta nhận ngay. Tôi học chỉ có một năm auditeur libre (dự thính viên) một năm dự bị thì tôi được vào trường.

Cũng thời kỳ ấy, gia đình tôi bắt đầu có những thay đổi, khi đó bắt đầu đảo chính: Nhật đảo chính rồi Pháp đảo chính, Việt Minh đảo chính v.v… Đứng trước những thay đổi lớn của xã hội, một con người không có gì để nương tựa cả thì cái nỗi hoang mang của nó rất lớn, vì thế tôi không biết đi đâu. Cho nên cái mà tôi vẫn bíu vào là cái mỹ thuật. Anh Phùng Quán có nói đại ý “làm thơ giúp cho anh đứng dậy được”, thì chính cái hội họa, chính cái mỹ thuật, đã làm cho tôi sống lại được. Vì trong thời kỳ đói -năm Ất Dậu- thì không có người thanh niên nào lúc bấy giờ mà không trải qua cái khủng hoảng ấy. Không phải vì mình theo cách mạng, cũng không phải vì yêu đất nước gì cả, nhưng là một khủng hoảng tâm lý kinh khủng về cái chết của con người. Thì vấn đề chết đặt ra cho mình cũng rất ghê và (vấn đề) con người đặt ra cũng ghê. Cái nguy hiểm nhất là thế này: mình đã đi vào cái đẹp của con người thì lúc bấy giờ trước cái chết của con người: con người dơ xương ra, những người đàn bà không còn thân thể đàn bà nữa đi trôi giạt ngoài đường,… tất cả những cái đó nó gây cho mình một bế tắc không biết lối nào mà thoát ra cả.

– Thụy Khuê: Như vậy có phải vì đứng trước tình trạng ấy thì bác, ở tuổi thanh niên, đã quyết định hành động và vì thế mà bác theo cách mạng, có phải như vậy không?

– Trần Duy: Lúc bấy giờ thì đứng về mặt… không cách mạng đi nữa thì cũng phải làm một cái gì đó cho nó cách mạng và cũng không hiểu cách mạng là cái gì cả. Lúc đó tôi quen một anh bạn là anh Lê Hữu Kiều, trước là tráng sinh trong hướng đạo, sau anh ấy ra, thì hình như là đảng viên thì phải, gặp tôi anh rất mừng. Một lần anh ấy dắt tôi lên đồn điền Hiệp Hòa ở Bắc Giang, tiếp xúc với một số sinh viên, tôi mới biết là tất cả đều ở trong tổ Việt Minh, lúc bấy giờ tôi không ý thức được cách mạng là gì cả. Tôi thấy họ chống Nhật. Mà tôi lại là một người thích nghệ thuật Nhật nhất. Phát-xít nói vậy thôi chứ tôi chẳng hiểu phát-xít là cái gì cả. Tôi không có ý thức gì về chính trị, nhưng anh Lê Hữu Kiều bảo tôi nên tham gia vào hoạt động đó vì (mình là) thanh niên, tôi bảo ừ thì làm. Anh ấy bảo tôi chuyển những truyền đơn, hay những tờ báo về Hà Nội. Thật ra lúc bấy giờ tôi không hiểu những nguy hiểm của việc làm ấy đâu, khi đó tôi quen với gia đình mà bây giờ là vợ tôi, cả gia đình ở hỏa xa, nên đi lại dễ dàng. Tôi chuyền những truyền đơn, báo chí về Hà Nội, tôi đi với người là vợ tôi bây giờ Lê Bạch Tuyết, em ruột của Lê Thanh Đức, lúc bấy giờ cô ấy còn bé thôi, độ mười bốn, mười lăm tuổi thôi, tôi lúc ấy đã hai mươi hai, hăm ba tuổi rồi. Cô ấy quen với tụi Nhật đóng trong xưởng máy Đông Anh, thành ra những chuyện đó không sao cả, đưa về Hà Nội xuôi lọt và thậm chí tôi với anh Lê Thanh Đức còn tổ chức in truyền đơn ở Sơn Tây. Vậy tôi bước vào cách mạng, vào Việt Minh mà không có ý thức gì về chính trị cả, hoàn toàn không ý thức. Tất cả những yếu tố đưa tôi vào cách mạng không phải là vì tinh thần cách mạng mà chỉ là ý định của một người thanh niên muốn làm một cái gì có ích thế thôi, chứ không có ý thức gì về dân tộc, về cách mạng, không có ý thức gì to lớn cả.

– Thụy Khuê: Khi đi theo cách mạng như thế, thì tâm trạng bác như thế nào? Thưa bác, bác có thể giải thích cái việc tại sao bác theo Việt Minh trong khi bác không biết gì về Việt Minh cả?

– Trần Duy: Khi tôi bước vào cách mạng, khi tôi bước vào cuộc kháng chiến, thì tôi cũng bần thần như người – cười, tôi hay nói đùa với mọi người- cũng như cái anh nhẩy dù mà dù không mở, tôi cứ lao, may sao mò mẫm thế nào lại mò đúng cái nút dù bật dây, còn không thì cũng rơi ngã lăn kềnh ra thôi. Vì thế, ý thức của một người làm cách mạng thì tôi không có, nhưng tôi vẫn đi trên con đường cách mạng, tất nhiên tôi không phải là AQ, tôi đi với ý thức của người thanh niên, tất nhiên là do phong trào đẩy tôi đi, đi vào một cuộc phiêu lưu để tìm một cái vui, cái mới trong đời mình. Khi vào Việt Minh, lúc ấy, tôi cũng không biết là Việt Minh có nhiều đảng đâu. Tôi không biết Việt Minh là gì cả. Anh bạn bảo: “Cậu vào Việt Minh thì cậu phải vào cái đảng Dân Chủ”. Tôi bảo: “Chết! Tôi không bao giờ thích vào đảng nào cả, tôi không có ý thức về đảng”. Anh ấy bảo trong Việt Minh có đảng Dân Chủ, khi ấy tôi cũng không biết là đảng Dân Chủ do ông Hoàng Minh Chính phụ trách tổng thư ký của đảng. Nhưng khi tiếp xúc lần đầu tiên thì tôi rất thích anh này, người hồ hởi, cởi mở, tôi đối với anh cũng rất thân.

– Thụy Khuê: Trở lại với gia đình bác một chút, khi Việt Minh lên nắm chính quyền, gia đình bác cũng trải qua một cuộc gia biến rất nặng, thưa bác, sự thể đã xẩy ra như thế nào?

– Trần Duy: Khi tôi còn đi học, thì cuộc đảo chính ấy xẩy ra. Ba tôi bị bắt cùng với Bửu Trưng, cùng với Phạm Quỳnh, bị giam cùng một nơi. Cái sốc đó đối với tôi buồn vô cùng. Ba tôi là Trần Công Hoàng – làm quan ở Thừa Phủ. Lúc bấy giờ trôi nổi lắm trong thời quan lại, làm quan nhưng cũng không ra sao cả, cách chức lên, cách chức xuống cũng buồn lắm. Ở Thừa Phủ, Bửu Trưng bị bắt thì ba tôi cũng bị bắt cùng. Khi đó cụ Huỳnh, tức cụ Huỳnh Thúc Kháng đấy, ra ngoài (Bắc) để làm phó chủ tịch (trong chính phủ Lâm Thời). Khi trước, ở trong Huế, tôi có quen với cụ Huỳnh -hiện nay tôi vẫn còn giữ cái ảnh ba tôi chụp với cụ Huỳnh- tôi đến tìm cụ Huỳnh ở Phủ Thủ Tướng. Gặp tôi cụ hỏi: “Mày đi đâu?” Tôi bảo: “Con đến tìm cụ”. Tôi đưa vấn đề ba tôi bị bắt. Thế ông cụ bảo: “Cha mày bị lúc nào? Tôn Quang Phiệt nó có ở đấy không?” Lúc bấy giờ Tôn Quang Phiệt là chủ tịch Thừa Thiên. Tôi bảo: “Có”. Ông bảo: “Để tao viết cho Tôn Quang Phiệt”. Ông viết cho Tôn Quang Phiệt một cái thư. Tôi về Huế tìm ông Tôn Quang Phiệt, tôi đưa. Ông Tôn Quang Phiệt gặp các ông Nguyễn Duy Trinh, v.v… thì 15 ngày sau, chính bản thân tôi vào xin cho ba tôi về. Cầm giấy của ông Tôn Quang Phiệt, tôi đến gặp anh Ngọc là trưởng ban công an, lúc bấy giờ chưa gọi là Công An mà gọi là Trinh Sát, tôi đưa giấy, thì hôm sau cụ tôi được về. Như cô Thụy Khuê cũng biết, những người cùng bị giam thời đó với ba tôi, ông Phạm Quỳnh và bác tôi là Bửu Trưng, thì sau khi Tây nhẩy dù xuống Phong Điền, tất cả những người đó đều bị chết cả. Vì thế, tôi rất mừng là đã cứu được ba tôi lúc bấy giờ. Vậy đời tôi bước vào cách mạng, ân, oán đều có cả.

– Thụy Khuê: Mặc dù vậy bác vẫn tham gia kháng chiến Việt Minh vả bác còn đi đánh trận nữa, bác đã từng đánh trường bay Gia Lâm, vậy trận đánh trường bay Gia Lâm như thế nào, xin bác thuật lại.

– Trần Duy: Khi bắt đầu kháng chiến thì thật quả tình tôi không có ý thức về cuộc kháng chiến là gì cả, đánh nhau thế nào tôi cũng không biết. Nhưng khi tôi gặp anh Hoàng Minh Chính, anh bảo: “Mày về chuẩn bị đi ra an toàn khu”. Tôi cũng chẳng hiểu an toàn khu là gì. Hoàng Minh Chính bảo tôi: “Ngày mai cậu đến nhận giấy tờ rồi đi cùng với Đỗ Đức Dục, với Vũ Đình Hòe”- khi đó tôi đang sinh hoạt trong đảng Dân Chủ. Tôi về nhà thì hôm sau nhận được giấy ra an toàn khu. Tôi nhớ là ra Ngã Tư Sở rồi cứ đi dốc lên phía trên, lên Hương Canh, Vĩnh Yên, Phú Yên gì đó… Một hôm Hoàng Minh Chính đến tìm tôi hỏi: “Hiện nay cậu đang làm gì?” Tôi bảo: “Tôi không làm gì cả, cậu bảo tôi lên an toàn khu, tôi chẳng biết an toàn khu ở đâu cả”. Hoàng Minh Chính bảo tôi: “Hay là mày đi đánh trường bay Gia Lâm đi”. Hoàng Minh Chính rủ tôi đi, ừ thì đi. Tôi hỏi: “Đánh như thế nào, làm cái gì?” Ông ấy bảo: “Bây giờ mày về tổ chức hộ gạo và lên hộ danh sách dân quân ở các nơi đi về, và cậu liên lạc với tỉnh ủy Bắc Ninh”. Tôi cũng làm theo lời Hoàng Minh Chính. Đến khi đánh trường bay Gia Lâm lần đầu tiên, thì tôi với Hoàng Minh Chính ở trên cái trụ sở ở trên gác của nhà máy ở Gia Lâm để nhìn thẳng vào trường bay Gia Lâm. Lần đầu tiên, Hoàng Minh Chính cũng chưa ý thức được rõ ràng gì về sự chỉ huy, tôi nghĩ như thế, vì thấy tay ấy chỉ đốt mấy cái pháo thăng thiên như thế thôi, thì ở trong đó mới bắt đầu nổ. Khi Tây biết mình bắn ở đó, thì tôi thấy nó bắn sang và bắn rất chuẩn; ví dụ bắn cái nhà sập. Tôi và Hoàng Minh Chính đang ngồi, thì cái bàn đổ, rơi xuống đất và nổ luôn cái nhà. Tôi bảo Hoàng Minh Chính: “Thôi, đi xuống đi!” Nhưng Hoàng Minh Chính là một tay rất gan, tay ấy cứ ngồi mãi, không xuống. Khi cái nhà sập hoàn toàn rồi, Hoàng Minh Chính mới xuống. Trận đột kích đầu tiên đó thất bại. Trận thứ hai cũng thất bại và anh Hoàng Phi gì đó, chiến sĩ đầu tiên, chết ở trường bay Gia Lâm cùng với một sĩ quan Nhật. Sau mấy trận thất bại, Trung Ương gọi Hoàng Minh Chính lên, thay chỉ huy, đưa Đặng Viết Châu về thay. Trận cuối cùng là Hoàng Minh Chính chết, tôi tưởng là Hoàng Minh Chính chết nhưng Hoàng Minh Chính không chết. Tôi đi đưa khẩu đại bác 75 vào tận trong sân bay, Tây tìm ra được địa điểm và bắn, tôi và anh Đặng Viết Châu lại bê khẩu đại bác 75 chạy ra ngoài. Khi đó tôi cứ tưởng là Hoàng Minh Chính chết rồi.

– Thụy Khuê: Nhưng rút cuộc thì Hoàng Minh Chính không bị chết như chúng ta đã biết, còn riêng bác thì sau trận Gia Lâm bác còn làm những việc gì nữa cho kháng chiến?

– Trần Duy: Hoàng Minh Chính trước khi đi, dặn tôi: “Nếu tao chết thì mày mang tất cả những cái này về cho vợ tao, cho Hồng Ngọc”. Tôi cũng nghe như thế, thì hôm đó truy điệu xong, anh Đặng Viết Châu bảo tôi đi tìm vợ Hoàng Minh Chính, ở đâu khu Vân Đình. Chị Hồng Ngọc đóng ở một cái đình chỗ Vân Đình. Tôi vào hỏi, có chị ấy ra, tôi bảo: “Anh Hoàng Minh Chính trước khi chết có để tất cả những cái này cho chị”. Tôi còn nhớ, cái ví với cái bút Shaffer và cái ảnh chị Hồng Ngọc. Chị ấy khóc và bảo: “Anh ấy không chết đâu, anh ấy nằm trong kia kìa”. Như thế là Hoàng Minh Chính còn sống. Tôi vào thăm Hoàng Minh Chính. Xong rồi tôi về, gặp anh Đặng Viết Châu, anh bảo: “Bây giờ tớ giới thiệu cậu đến Khu 10 đi”. Giới thiệu tôi với ông Song Hào, khi đó là bộ chỉ huy của Khu 10, đóng trên sông Lô. Song Hào nhận tôi, đưa tôi làm địch vận. Anh Song Hào có nói là hiện nay phần tiếng Pháp không có ai, vậy ông giúp hộ phần tuyên truyền và địch vận ở Khu 10. Tôi nhận và làm việc ở đó như làm truyền đơn dưới quyền chỉ huy của anh Lưu Văn Lợi và anh Chiến Sĩ là một người Đức phụ trách về địch vận. Lúc bấy giờ có cả Lê Đức Nhân Kerkhof, thỉnh thoảng tôi lên bộ chỉ huy nhận chỉ thị của họ về cách thức viết như thế nào, vận động Tây da đen thế nào và tôi vẽ tranh về địch vận. Tôi cũng làm cho vui thôi, thật ra vẫn không có ý thức gì về cách mạng cả.

– Thụy Khuê: Thưa bác, vậy trong kháng chiến bác đã quen với ông Phan Khôi chưa?

– Trần Duy: Không, khi tôi đi dự lớp học thì mới học với ông Phan Khôi. Thực ra Phan Khôi đối với tôi là một bậc cao niên, tôi không phải là bạn bè với ông ấy, nhưng khi về lớp chỉnh huấn ấy tôi mới biết là có ông Phan Khôi.

– Thụy Khuê: Trong lúc ấy bác có gặp nhóm Lê Đạt và Trần Dần không ạ?

– Trần Duy: Không. Hoàn toàn không… Nói thật với cô, tuy bước vào hội họa, nhưng tôi rất ngại văn nghệ sĩ, tôi cho đấy là thành phần không phải cho tôi chơi. Xuất thân từ một gia đình phong kiến, chết là chết chỗ đó, thành ra trong tôi có cái dè chừng, bạn bè tôi cũng rất xa lạ, không chơi với ai cả. Thật ra tôi không chơi với ai hết. Trong thời kỳ học ở trường cũng thế. Nói ra thì anh em cười. Lúc bấy giờ tôi chỉ quen với một số bạn bè người châu Âu, ví dụ mấy người Tây, nói chuyện với nhau thôi, rất ít chơi với anh em. Thành thử cái cách biệt và cách nhìn của anh em với tôi, người ta chẳng thích tôi và tôi cũng chẳng thích ai cả. Đến khi tôi đi kháng chiến cũng thế. Có một cô tên là Yolande Santé, cô ấy rất quý tôi, trước kháng chiến có gặp tôi, hỏi tôi: “Tại sao mày không nghĩ đi về Pháp?” Tôi bảo: “Cũng đơn giản thôi tại vì tao là người Việt Nam”. Hỏi: “Mày có ý thức gì về chính trị không?” – Tôi chẳng có ý thức về chính trị cả. Vậy cái chuyện không đi kháng chiến hay chưa đi theo Pháp là một ý thức không nằm trong chính trị, không là gì hết. Tôi không thích, thế thôi.

No comments :

Post a Comment


"Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời"

Trong tuần qua nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong cuộc chiến trước đây lại tập trung để tham gia chương trình ‘Tri ân Thương Phế Binh’ với chủ đề “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.
Lần Gặp "Bác Hồ" Tôi Bị Mất Trinh
• Để bác cấy hạt giống đỏ cho cháu, cháu mang về miền Nam cho bác nhé.
Bác bồng tôi lên giường, hai tay bác đè tôi ra và lột áo quần tôi.Bác như một con cọp đói mồi, sau một hồì kháng cự tôi biết mình không thể nào làm gì hơn nên đành nằm xuôi tay... Hai hàng lệ một cô gái miền Nam vừa tròn 15 tuổi đã bị bác cướp đi mất cái trong trắng.
=>Đọc thêm=>