Monday, October 3, 2016

Hoạ sĩ Trần Duy, cựu Thư ký toà soạn báo Nhân Văn nói về Nhân Văn Giai Phẩm – (phần 2)

pic
Thụy Khuê
Làm thư ký toà soạn báo Nhân Văn

– Thụy Khuê: Thưa bác, xin bác nhắc lại việc bác quen cụ Phan Khôi trong lớp Chỉnh huấn ở Việt Bắc như thế nào?.

– Trần Duy: Khi ở Huế tôi nghe tiếng ông Phan Khôi, nhưng đến khi vào học lớp chỉnh huấn thì tôi mới biết ông Phan Khôi. Lớp đó là lớp đầu tiên. Tôi có biết lớp đó đâu. Sở dĩ tôi học lớp đó, một phần là do anh Tô Ngọc Vân giới thiệu. Anh Vân viết cho tôi một cái thư bảo: Anh có tranh hay không để dự triển lãm và có lớp học, anh nhớ liên lạc với Tổng Bộ Việt Minh, về học cho vui. Vì đi học cho nên tôi mới biết ông Phan Khôi, người ta xếp tôi cùng tổ của ông Phan Khôi. Tôi còn nhớ tôi vào tổ đó cùng với Đào Duy Dếnh là Đào Phan với Nguyễn Tử Nghiêm và mấy người nữa. Đó là lần đầu tiên tôi biết và tiếp xúc với ông Phan Khôi. Qua trình bày lý lịch, ông Phan Khôi bảo: “Ủa, thế gia đình nhà anh là dòng Thọ Xuân Hương với lại Gia Hưng à?” Tôi bảo: “Vâng, Gia Hưng là bên bà cố tôi”. Ông hỏi: “Nhà anh thuộc dòng Minh Mạng hay Thiệu Trị?” Tôi bảo: “Chính thuộc về Thiệu Trị đấy ạ”. Ông và tôi nói chuyện, và qua câu chuyện ông làm quen với tôi, do đó ông thân với tôi và tôi thấy ông yêu tôi, tôi cũng quý ông.

– Thụy Khuê: Thưa bác, trong trường hợp nào bác đã quen với nhóm chủ trương báo Nhân Văn?

– Trần Duy: Nhân Văn à? – cười– Nhân Văn, thật ra tôi không quen anh Lê Đạt, tôi biết anh Lê Đạt khi anh về phụ trách báo Văn Nghệ. Đáng lẽ người ta cho Nguyễn Hữu Đang nhưng người ta để Lê Đạt về đấy cùng với Nguyễn Hữu Đang phụ trách Văn Nghệ. Tôi không biết Trần Dần, tôi cũng không biết Hoàng Cầm. Mãi sau khi họp ở 51 Trần Hưng Đạo, đưa bài Nhất định thắng của Trần Dần -hôm đó là cuộc hội rất lớn- kết tội bài đó. Tôi với ông Phan Khôi ngồi gần nhau, hôm đó tôi không biết Trần Dần, ông Phan Khôi nói với tôi: “Thật ra bài đó chẳng có gì hay nhưng nó phạm thượng, tại vì nói đến màu cờ trong một đêm mưa, không có hướng đi lên, bài đó bị đánh vì thế”. Thứ hai, bài thơ nói đến em, là em nào? Người ta quy rằng Trần Dần như thế là ngã về địch, bị gián điệp. Ông Phan Khôi bảo: “Làm gì có thứ gián điệp gì mà nhanh thế, gián điệp nào mà rõ ràng thế? Gián điệp thì phải tổ chức quy mô, có bài có vở, chứ tổ chức gì lạ kỳ thế. Anh tìm thử xem cô này là cô nào, có thật là gián điệp không”.

Khi đó mình cũng là thanh niên, nghe ông Phan Khôi bảo thế tôi cũng tò mò, tôi lên gần nhà thờ Tin Lành, ở đó tôi nghe nói là có một cái crèche, như là nhà trú ban đêm cho những người tàn tật, người già. Cô Khuê là một trong những người mà nhà thờ Tin Lành dùng, một là để dạy, hai là trông nom cái nhà đó. Tôi nghe như vậy thôi, tôi về nói với ông Phan Khôi: “Cô này là giáo viên, hiền lành, không phải là gián điệp”. Ông Phan Khôi cũng nói với tôi: “Quy cho người ta là gián điệp, là chính trị, nhanh quá, không nên quy nhau như thế rất nguy hiểm; anh em vừa ở kháng chiến về, chưa hiểu đầu đuôi mà tự nhiên chụp cho nhau cái mũ gián điệp như thế rất nguy hiểm”. Vì thế cho nên tôi không quen biết những người này nhưng vì ông Phan Khôi, tôi đứng trên quan điểm của ông Phan Khôi, tôi rất ủng hộ ông Trần Dần mà tôi không biết ông Trần Dần là ai cả. Tôi cũng không biết ông Hoàng Cầm. Tôi biết anh Lê Đạt vì tôi cùng về báo Văn Nghệ, tôi phụ trách in cho Đại Hội Văn Nghệ, những cái tranh múa sạp, gì gì đó, vì thế mà tôi biết anh Lê Đạt rõ ràng. Do ông Phan Khôi tôi biết nhóm Lê Đạt và Trần Dần.

– Thụy Khuê: Từ việc có cảm tình và ủng hộ nhóm chủ trương báo Giai Phẩm Mùa Xuân đến việc làm thư ký tòa soạn cho báo Nhân Văn cũng khá xa, vậy thưa bác trong hoàn cảnh nào bác đã nhận lời làm thư ký tòa soạn báo Nhân Văn?

– Trần Duy: Một hôm ông Phan Khôi rủ tôi đi chơi, khi đi lên đường Phan Chu Trinh bây giờ, ăn phở. Ăn xong đi ra, thì thấy bọn Minh Đức và tất cả mọi người tụ tập ở gần cái nhà trước quán ăn ấy, có cả Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Hoàng Cầm đang dứng giữa đường, bàn to chuyện lắm. Thấy ông Phan Khôi và tôi đi qua thì mọi người hô ầm lên: “Trần Duy đây rồi!” Tôi chưa hiểu và ông Phan Khôi cũng không hiểu gì cả, đứng lại nói chuyện mới biết là hiện nay anh em định ra một tờ báo và thiếu người làm. Thực ra lúc ấy người nào cũng sợ dây vào chính trị, dây vào báo chí lúc bấy giờ ai cũng sợ cả. Tôi thì cho rằng làm báo có cái gì đâu mà sợ, nếu mục đích chính của tờ báo là thơ, văn nghệ, thì chẳng có gì, tôi bảo: “Tôi làm cho”. Sẵn đó có cả ông Phan Khôi thì mọi người bảo mời cả Trần Duy, mời cả bác Phan, bác Phan đứng làm chủ nhiệm hộ cho Trần Duy. Thực ra lúc ấy không ai dám đứng tên, sau vụ Trần Dần không ai dám đứng. Lê Đạt lúc bấy giờ là cán bộ của đảng rồi, không làm. Nguyễn Hữu Đang không dám làm. Lúc ấy chỉ có tôi, tôi bảo: “Tôi làm được vì đứng về mặt tổ chức, ấn loát, nhà in, tôi hiểu, tôi có thể làm được”. Ông Văn Cao mấy lần lên gặp tôi đặt vấn đề này nọ, ông Phan Khôi cũng rất thắc mắc, hỏi: “Ở trong này vai trò của ông Văn Cao là gì mà ông ấy tích cực như thế?” Tôi bảo đùa với ông Phan Khôi: “Anh em vẫn gọi ông ấy là ông tiên chỉ trong làng thơ đấy”. Ông Phan Khôi cười. Đại khái như thế, tôi vào Nhân Văn không có mục đích lớn cũng như tôi bước vào kháng chiến chẳng có mục đích gì cả, thấy vui thì làm thôi, nghịch nghịch, thấy có thể làm được mà không có hại thì làm.

– Thụy Khuê: Thưa bác sau đó việc tổ chức tờ báo Nhân Văn đã xẩy ra như thế nào? Ai quyết định nội dung bài vở trong tờ báo? Ai điều hành tờ báo?

– Trần Duy: Tờ báo nó như hội chợ ấy, chẳng có ai phụ trách ai cả, cãi cọ nhau như ngoài chợ trời ấy cô Khuê ạ. Cãi cọ lung tung, giấy tờ luộm thuộm. Vai trò ông Phan Khôi thì không ai đếm xỉa đến ông ấy cả, người ta chỉ mượn tên ông ấy thôi. Thỉnh thoảng ông đến cũng không ai hỏi ý kiến ông cả, ông ấy có đọc bài vở gì đâu. Tất cả bài vở là do Đang và Đạt quyết định và bài vở tập hợp vào tôi, khi thiếu bài hoặc mise mà không có thì bảo tôi làm cái remplissage lấp lỗ trống hoặc thu dọn bài này, bài nọ, trang mấy, trang mấy có tranh, thì bảo tôi làm. Sự thật ra quyết định bài vở phần lớn là Đang, quyết định nội dung bài là Đạt. Còn thầy cò thầy kiện là ông Văn Cao. Ông Trần Dần, ông Hoàng Cầm là đứng sau lưng. Người chủ động và trực tiếp với tôi là Lê Đạt, người chủ động bài vở là ông Nguyễn Hữu Đang.

Tất nhiên là tôi không quyết định được bài vở rồi, nhưng có bài nào cần thiết thì Lê Đạt bảo: “Ông viết đi, vấn đề này ông viết được, ông viết hộ tôi, ví dụ như tự do sáng tác hay là gì đó thì ông cứ viết, ông lại hơi có cái giọng humour thì ông làm cho tôi… không phải chuyện cười, những chuyện thời sự ông đi góp nhặt các nơi”. Thì tôi phụ trách mục đó và tôi đề TD, là Trần Duy đó. Sau khi mise những bài chính rồi thì tôi là người lấp remplissage phần còn lại của tờ báo. Sự thực ra người ta không bao giờ hỏi ông Phan Khôi về một cái gì cả.

– Thụy Khuê: Đến việc tiền in báo, ai bỏ tiền ra in báo Nhân Văn? Thưa bác, ông Minh Đức có vai trò gì trong việc in báo Nhân Văn mà bị tội nặng như thế?

– Trần Duy: Nó là như thế này: anh Hoàng Cầm có nói là đi vay tiền, thực tế là không vay được. Khi nhận lời thì không có quỹ nào cả, không có đồng tiền nào cả, anh Minh Đức cũng không có tiền, ông Đang không có tiền, bọn anh em thì không ai dám đứng tên chứ đừng nói chuyện bỏ tiền ra. Ngày đầu tiên tôi đến, anh Minh Đức bảo: “Hay là tôi với ông, hai thằng cùng đi vay giấy đi”. Đến vay mấy nơi như nhà in Xuân Thu… nhưng đầu tiên thì đến nhà in Cộng Lực gần chợ Đồng Xuân, Cộng Lực bảo: “Tôi chịu thôi, chúng tôi nhận in thì phải có giấy của Thông Tin Bắc Bộ cho, chúng tôi không có giấy cho vay”. Chúng tôi xuống gặp ông Đỗ Huân, ông ấy cười: “Nếu in thì tớ in cho các cậu, chứ còn cho vay thì tớ không có tiền cho vay”. Có một người khuyên tôi là đi tìm ông Liên và tìm ông Nguyễn Bắc, thì tôi đến tìm Nguyễn Bắc, ông ấy cũng hồ hởi, cũng vui lắm, bảo: “Các cậu phải có giấy phép rồi thì mới ra báo”. Tôi bảo có giấy phép rồi, trên Báo Chí Bắc Bộ có cho rồi. Nguyễn Bắc xem, rồi bảo: “Thế được rồi, để tôi nói với Liên cấp giấy cho các cậu”. Tôi đến tìm anh Liên, anh Liên có ký cho tôi giấy mua ba ram giấy. Tôi đến cùng với Minh Đức, đến hiệu bán văn phòng phẩm bên Trường Thi đó, tôi mua được ba ram giấy. Số báo đầu tiên ra vỏn vẹn trong ba ram giấy, bán hết, được tiền ngay. Trong hai hôm, nhận được tiền liền, đếm tiền đủ có thể mua thêm sáu ram giấy. Vậy, trước chỉ có ba ram giấy thôi, sau khi bán hết số báo đầu tiên, đủ tiền thừa để mua sáu ram giấy. Số thứ hai ra là với sáu ram giấy.

Vậy báo ra là không mượn ai cả, không xin ai hết, tự bỏ tiền mua. Ai bỏ tiền? Minh Đức cho vay tiền. Minh Đức cho vay tiền. Tôi cũng nghĩ anh Minh Đức là người rất tội vì anh Minh Đức là người có nghĩa với anh Đang, chắc anh Đang và Minh Đức cũng có bàn với nhau cho nên Minh Đức đi giật tiền của vợ, giật tiền nhà sách, đưa cho tôi, cũng rất khổ sở chứ không vui vẻ gì. Nhưng Minh Đức là con người rất nhiệt tình, cho nên sau Minh Đức bị tù, tôi nghĩ tôi thương mãi vì tay này chẳng làm gì cả mà đi tù, không dính gì với Nhân Văn hết, chỉ ở ngoài, chỉ là người đã từng ủng hộ anh Đang khi còn ở trong Thanh Hóa và chính Minh Đức là người đã nghĩ ra cách in một lần chạy ba bốn màu. Minh Đức là người có rất nhiều sáng kiến, tội nghiệp anh Minh Đức không có tội gì để lĩnh tù cả. Thực ra Minh Đức đưa tiền để tôi đi mua. Vậy thì tất cả tiền nong là do Minh Đức.

– Thụy Khuê: Thưa bác, ngoài số tiền ông Minh Đức bỏ ra lúc đầu, Nhân Văn còn có nguồn tài trợ nào khác không ạ?

– Trần Duy: Một thời gian chúng tôi nhận được rất nhiều mandat, rất nhiều tiền gửi đến ủng hộ hoặc mua báo trước. Việc này ông Phan Khôi có hỏi tôi rằng: “Những mandat đó anh còn giữ không?” Tôi bảo còn giữ. Ông bảo: “Tốt nhất là anh mang trả lại, đừng dùng tiền đó, báo bán đến đâu lấy tiền đó sử dụng chứ đừng lấy tiền mà anh không biết nguồn ở đâu, tôi là người có kinh nghiệm chuyện đó, có những lần tôi làm ở Trung Bộ, tôi nhận một món tiền rất lớn mà tôi không biết ở đâu, hóa sau ra là tiền của mật thám thành ra nguy hiểm. Tốt nhất là anh không biết nguồn tiền này ở đâu, anh ra bưu điện trả lại”. Tất cả số tiền đó tôi dồn lại và làm theo lời ông Phan Khôi, tôi mang trả lại. Vậy tiền ra báo là không vay mượn ai cả. Đầu tiên là do ba ram giấy, do Sở Văn Hóa Hà Nội cho phép. Ba ram giấy ra được số báo đầu tiên, bán chạy, tất cả tiền mặt đưa về tôi vội vàng mua ngay sáu ram giấy.

– Thụy Khuê: Thưa bác, về điền kiện in ấn, việc in ấn có dễ dàng không? Tại sao ông Đỗ Huân chủ nhà Xuân Thu lại chịu in báo Nhân Văn và ông ấy nhận in trong điều kiện nào?

– Trần Duy: Không ai nhận in cả. Một hôm tôi đi gặp Đỗ Huân. Đỗ Huân hỏi: “Đi đâu mà buồn thế?” – “Đi tìm một nhà in”. Đỗ Huân cười bảo tôi: “Tớ in cho cậu cho!” Tôi thấy tay này là một tay đứng đắn, không bao giờ nói đùa cả, tôi bảo: “Ông nói thật đấy à?” Đỗ Huân bảo: “Có gì đâu mà thật hay đùa, tớ là nhà in, cậu in báo thì tớ in cho”. Nguyên nhân tại sao Đỗ Huân nhận thì tôi không biết, hay là do một cái gì đó, hoặc Đỗ Huân là của ai thì tôi cũng không biết được. Chỉ biết khi Đỗ Huân nhận in thì ở Hà Nội không có nhà in nào dám in. Tôi đã lên hỏi các nhà in, không ai dám in cả. Trừ Đỗ Huân. Nhà in Xuân Thu nhận in mà anh em Xuân Thu cũng rất vui vẻ, không có vấn đề gì. Mãi khi đến khi tờ Nhân Văn bị đình chỉ, thì anh em nhà in mới quay ra đấu tranh chống Nhân Văn thế thôi, còn trong thời kỳ tờ báo đang in, anh em đối với chúng tôi rất vui vẻ, chữa bài vở nửa đêm nửa hôm không có chuyện gì cả.

– Thụy Khuê: Thưa bác, bác có thể xác nhận lại một lần nữa là tờ Nhân Văn không nhận tiền của ai cả không ạ?

– Trần Duy: Tờ báo từ đầu khi nó ra đến khi đóng cửa, không nhận một đồng xu nào của ai cả – Trần Duy nhấn mạnh. Có người nói rằng tôi nhận tiền của Durand, tôi có nói với mọi người là: “Tôi không biết ông Durand. Không biết ông Durand là ai cả. Hơn nữa, nếu nói ông Durand là một nhà trí thức thì nói thật với anh là người trí thức Pháp không bao giờ làm mật thám đâu. Trí thức Pháp là trí thức Pháp, nhiều khi còn chống cả mật thám. Tôi không bao giờ nghĩ là ông Durand nào đó, là một nhà nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, về cổ học Việt Nam mà là mật thám thì tôi không tin”. Công an có hỏi tôi: “Ông Durand quan hệ với anh thế nào?” Tôi bảo: “Tôi có biết ông ấy đâu mà tôi quan hệ”. Có người lại cho rằng tôi nhận tiền của Ủy Ban Quốc Tế. Tôi bảo tôi cũng không biết Ủy Ban Quốc Tế nằm ở đâu mà làm sao tôi nhận được tiền. Trong quá trình làm báo, tôi không tiếp xúc với một người Âu nào cả, một người ngoại quốc nào hết. Thật ra có mượn một người thế tôi, nhưng rồi sau người đó cuỗm một số tiền còn lại, nó đi đâu mất, anh em cũng không biết gì, đúng thời đóng cửa Nhân Văn. Thành ra tiền nong chẳng có. Còn ngân phiếu, tôi trả lại, nghĩa là Nhân Văn tay trắng, không có một đồng xu nào cả, từ khi nó lên, tay trắng và khi đổ thì cũng chẳng có một đồng xu nào trong quỹ cả.

No comments :

Post a Comment


"Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời"

Trong tuần qua nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong cuộc chiến trước đây lại tập trung để tham gia chương trình ‘Tri ân Thương Phế Binh’ với chủ đề “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.
Lần Gặp "Bác Hồ" Tôi Bị Mất Trinh
• Để bác cấy hạt giống đỏ cho cháu, cháu mang về miền Nam cho bác nhé.
Bác bồng tôi lên giường, hai tay bác đè tôi ra và lột áo quần tôi.Bác như một con cọp đói mồi, sau một hồì kháng cự tôi biết mình không thể nào làm gì hơn nên đành nằm xuôi tay... Hai hàng lệ một cô gái miền Nam vừa tròn 15 tuổi đã bị bác cướp đi mất cái trong trắng.
=>Đọc thêm=>