Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, ngày 24 tháng 2 năm 2017.
Cát Linh, phóng viên RFA
Vào ngày 24 tháng 2 vừa qua, trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Câu nói này nhanh chóng tạo ra nhiều tranh luận, nhất là trên các trang blog và mạng xã hội.
‘Sát nhất miêu, cứu vạn thử’
Bất kỳ ai theo dõi diễn biến trong nước từ những tháng cuối của năm 2016 đến nay đều nhận thấy có rất nhiều cán bộ và quan chức cao cấp nhà nước bị kỷ luật dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đầu tiên là vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây Dựng Dầu Khí Việt Nam. Ông này hiện đang bị truy nã và vụ việc hiện đang được điều tra mở rộng.
Tiếp theo đó, vào ngày 2 tháng 11, cuộc họp do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016 đối với nguyên bộ trưởng Bộ Công thương, ông Vũ Huy Hoàng.
Hình thức xử lý đối với ông Vũ Huy Hoàng khi không còn tại chức vẫn còn gây tranh cãi trong dư luận thì Bộ Công thương ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam kể từ ngày 15 tháng 11.
Có vẻ như tất cả những động thái trên được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết lại trong bài phát biểu của ông tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng năm 2016 như một kết luận: Kỷ luật vài người để cứu muôn người.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương đưa ra cái nhìn chung về lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng:
“Cách nói như thế là não trạng của Tàu. Tàu có câu nói là “sát nhất miêu, cứu vạn thử’ là giết 1 con mèo để cứu vạn con chuột. Ông ấy học cách nói của Tàu và nói lại kỷ luật vài người để cứu muôn người. Tôi đang nghĩ đến cái não trạng mèo chuột của ông này.”
Cũng không phải vô tình ông Nguyễn Khắc Mai nhắc đến hình ảnh mèo, chuột khi đưa ra ý kiến. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng có câu phát biểu ấn tượng khi nói về việc chống tham nhũng, đó là đánh chuột nhưng đừng để vỡ bình.
Không có ‘tinh thần pháp quyền’
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Mai, ẩn chứa bên trong câu phát biểu trên là một nhận thức yếu kém về mặt pháp lý, không xây dựng được pháp quyền, tuỳ ý phát ngôn, từ đó dẫn đến sai lầm về pháp trị:
“Đây là một tư duy, một trình độ về mặt pháp quyền, tinh thần pháp quyền rất thấp kém thì mới nói như vậy.”
Nhìn lại hàng loạt những quyết định và hình thức kỷ luật đối với cán bộ quan chức cao cấp nhà nước đã về hưu hoặc đang còn đương nhiệm để thấy rõ ‘tinh thần pháp quyền’ mà ông Nguyễn Khắc Mai đề cập đến.
Ngay cả cách xử lý do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra quyết định đối với những trường hợp được Bộ chính trị và Đảng Cộng sản Việt Nam gọi là làm trái với lợi ích quốc gia, cụ thể là hình thức kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng, cũng từng bị ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên họp chất vấn đại biểu thừa nhận rằng có rất nhiều khó khăn.
Quan sát và phân tích việc cách chức một cán bộ quản lý cấp cao, đứng đầu mộ bộ khi không còn đương vụ, Tiến sĩ kinh tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang cách lấy đi những gì người ta không còn có nữa:
“Tức là lấy đi một cái mà người ta không có. Và điều này trở nên một cái khôi hài trong con mắt của nhân gian.”
Đối với sai phạm của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng từng cho biết sẽ xử lý “tương xứng về mặt chính quyền” đối với ông này. Cách xử lý này được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng hiểu rằng ông Vũ Huy Hoàng phải chịu trách nhiệm về những sai phạm trong thời gian còn tại chức.
Tuy nhiên ông có nhấn mạnh thêm, hình thức xử lý như thế đã từng được nêu ra đối với vụ Nguyễn Xuân Thanh, bằng cách khai trừ Đảng. Thế nhưng, trước khi khai trừ Đảng đối với Trịnh Xuân Thanh thì ông này đã biến mất:
“Và sau đó thì một Tổng bí thư phải đứng ra chủ trì một cuộc họp để khai trừ một Đảng viên rất bình thường và không thể xử lý bất kỳ một trách nhiệm nào về chính quyền.”
Kỷ luật ai?
Tất cả những vụ việc liên quan đến cán bộ cấp cao như Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Vũ Kim Cự, cùng với sự kiện ô nhiễm biển miền Trung do nhà máy gang thép Formosa gây ra và chưa kể những vụ án tham nhũng khác, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng về người chịu trách nhiệm cao nhất.
Nếu đặt “tinh thần pháp quyền” vào hiện trạng của bộ máy cầm quyền hiện tại và xử lý một cách nghiêm minh thì ông Nguyễn Khắc Mai chưa đồng tình với lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, không phải chỉ kỷ luật một vài người là đủ, mà phải là những quan chức có quyền hạn cao hơn trong bộ máy nhà nước:
“Bộ chính trị, ban lãnh đạo hiện nay chứ còn ai nữa? Chính họ đã đưa dân tộc này đến sự yếu hèn, đến sự rối loạn, không có văn minh, không có dân chủ.”
“Cái trừng phạt ấy không phải để cứu người này hay người kia, mà để làm rõ ai gây lỗi thì phải chịu trách nhiệm, chịu trừng phạt. Đó là chuyện công bằng của thế giới.”
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A từ Hà Nội đưa ra nhận định bằng cách phân tích trường hợp của Formosa, ông nhấn mạnh:
“Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, tất cả mọi việc quyết định ở đất nước này, những việc lớn cuối cùng là Đảng Cộng sản Việt Nam.”
“Nó là quyết định của một tập thể, mà tập thể đó thì dưới sự chỉ đạo răm rắp của Đảng Cộng sản Việt Nam, và người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam phải là người chịu trách nhiệm tất cả về việc này.”
Câu chuyện “Giết một mèo cứu vạn chuột” của Trung Hoa ngày xưa được ông Nguyễn Khắc Mai nhắc lại có tương tự với “Kỷ luật vài người người để cứu muôn người” của TBT Nguyễn Phú Trọng ngày nay hay không đang là đề tài thú vị trong dân chúng lúc trà dư tửu hậu.
No comments :
Post a Comment