Monday, July 24, 2017

Nhà tranh đấu Trần Thị Nga sẵn sàng cho phiên xử

pic

Bà Trần Thị Nga bị bắt hôm 27/1/2017.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Thứ Ba 25 tháng Bảy, Việt Nam mở phiên xét xử nhà tranh đấu dân chủ, nhân quyền và lao động Trần Thị Nga, bị bắt ngày 21 tháng Giêng năm 2017 vì tội tuyên truyền chống nhà nước, vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.

Bị bắt những ngày giáp Tết

Chị Trần Thị Nga, còn được biết đến qua tên Thúy Nga, là khuôn mặt quen thuộc trong giới đấu tranh dân chủ nhân quyền cho Việt Nam. Ngày  21 tháng Giêng 2017, nhằm ngày 24 Tết Đinh Dậu, chị Trần Thị Nga bị bắt  từ nhà riêng ở Phủ Lý, Nam Hà, bỏ lại 2 con thơ trong những ngày cận Tết truyền thống.

Thứ Ba ngày 25 tháng Bảy này, chị Trần Thị Nga sẽ bị đưa ra tòa xét xử tội tuyên truyền chống phá nhà nước, vi phạm điều 88  Bộ Luật Hình Sự.

Được biết vài tiếng đồng hồ trước khi bị bắt, chị Trần Thị Nga từng kêu cứu trên mạng xã hội là chị bị cô lập, bị cấm không cho ra khỏi nhà để  mua sắm Tết. Mặc dù có 2 con nhỏ, nhưng chị đã phải liên tục thay đổi chỗ ở vì cứ bị công an sách nhiễu, bị côn đồ ném những thứ dơ bẩn vào nhà,  thậm chí có lúc công an còn khóa trái cửa bên ngoài khiến chị không thể ra khỏi nhà, chưa kể những lúc chị còn bị đe dọa, bị chửi bới và bị đánh, 3 mẹ con chị cũng từng bị kẻ lạ mặt hắt cả mắm tôm vào người. Khi đó, kể lại với đài Á Châu Tự Do, chị Trần Thúy Nga nói:

Tháng Mười hai 2015 họ cũng đã đổ mắm tôm vào mẹ con tôi, lúc đó là có công an phường Hai Bà Trưng thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam.

Tối ngày 21 tháng Hai năm 2016 tôi cho con tôi là bé Phú 5 tuổi và bé Tài 3 tuổi ra siêu thị cho các cháu vui chơi. Đến hơn 9 giờ tối, khi vừa ra khỏi siêu thị khoảng 100 mét thì lực lượng công an tỉnh Hà Nam đi theo mẹ con tôi từ lúc rời nhà đấy, vì từ nhiều ngày nay mẹ con liên tục bị công an khống chế tại gia cũng như rình rập theo dõi, họ đi theo và họ đã đổ mắm tôm lên người mẹ con tôi. Đến ngày hôm sau là ngày 22 thì công an của tỉnh Hà Nam tiếp tục bao vây và khống chế quyền tự do đi lại của mẹ con tôi ngày tại nhà. Cho tới thời điểm này thì họ vẫn ngồi quanh quẩn nơi khu vực nhà tôi.

Ông Phan Văn Phong, bố của 2 đứa con chị Nga, bảo ông không biết nói gì hơn là:

Họ nhắm đúng ngày trước Tết mà bắt cô ấy đi, bắt trước Tết như vậy là một cái đòn quá thâm hiểm, quá dã man, tàn ác và bẩn thỉu mà có lẽ chỉ cộng sản mới nghĩ ra.

Tôi thấy chính quyền cộng sản luôn làm điều bất minh, tôi thấy họ vô nhân tính, cực kỳ dã man. 
- Bạn thân của chị Nga 

Một  người bạn thân của chị Nga lên tiếng:

Bạn tôi chỉ nói lên tiếng nói của lương tâm, nói lên trách nhiệm của một con người, một công dân trong xã hội, nó chỉ muốn một xã hội tốt đẹp hơn. Tôi thấy chính quyền cộng sản luôn làm điều bất minh, tôi thấy họ vô nhân tính, cực kỳ dã man.

Chị Trần Thị Nga bị đối xử như vậy chỉ vì thường góp mặt và lên tiếng tại những cuộc biểu tình của nông dân đòi đất, những lần tập hợp  phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, những cuộc tuần hành chống ô nhiễm môi trường  do Formosa gây ra.

Trong bài viết tựa đề “ Cho Một Người Phụ Nữ, Tháng Chạp”, blogger Tuấn Khanh nói  về chị Trần Thúy Nga sau khi hay tin chị bị bắt đi, rằng “Có những người phụ nữ Việt Nam đã nguyện thắp lên những ngọn đuốc soi sáng trong xã hội, cho tôi và cho các bạn. Ánh sáng đó, đôi khi họ phải trả giá bằng đời người, bằng tù đày và cô đơn. Hôm nay, nếu các bạn và tôi phản bội lại ánh sáng đó, chúng ta không xứng đáng làm người, cũng không xứng đáng để tồn tại trong giống nòi Việt Nam.”

Tất cả việc làm của chị Trần Thị Nga bắt nguồn từ chuyến xuất khẩu lao động sang Đài Loan trước đây. Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn thấp cổ bé miệng của công nhân Việt bên xứ Đài, khi trở về chị tiếp tục tranh đấu bằng cách công khai tố cáo những hành vi sai trái vô trách nhiệm của các công ty môi giới chuyên đưa lao động sang Đài Loan như kiểu mang con bỏ chợ.

Theo cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, bản thân chị Trần Thị Nga từng bị tai nạn trong thời gian đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan:

Khi chị bị như vậy, thì một số người dân bản xứ ở đó, cũng như người Việt lao động tại Đài Loan, đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Đài Loan (văn phòng đại diện chứ không phải cơ quan ngoại giao) tuy nhiên họ im lặng và không giúp đỡ chị Nga. Sau đó chị được Cha Hùng và một số người Việt tại Đài Loan giúp đỡ. Sau đó chị Nga có tâm sự với tôi rằng từ đó chị biết nhiều hơn về hiện tình đất nước. Chị quan niệm rằng khi chị gặp nạn thì được người ta giúp thì chị phải giúp đỡ những người khác. Đó là lý do chị Nga trở thành một người hoạt động xã hội về sau này.

Trong mắt tôi chị Nga là một người phụ nữ có tính cách thẳng thắn, bộc trực và rất là can trường. Có thể chị Nga không phải là một người có những kiến giải hay là đưa ra những quan điểm chính trị mang tầm vóc vĩ mô. Nhưng quả thật là trong cuộc đấu tranh để đổi thay đất nước này, những người như chị Nga rất là đáng quí. Đặc biệt cái hình ảnh khi chị Nga bị bắt, chị đối đáp lại với những kẻ bắt chị, tôi cho rằng đó là một hình ảnh vô cùng đẹp, của một người tranh đấu, mà cụ thể ở đây là của Trần Thị Nga.

Về hoàn cảnh bị bị sách nhiễu, bị hành hung bởi những kẻ gọi là côn đồ mà chị Trần Thị Nga phải gánh chịu, nhà hoạt động Dũng Mai ở Hà Nội cho biết:

Đặc biệt là ngày 20 tháng Năm 2014 thì  bốn năm thanh niên xúm vào dùng 2 cây sắt đánh cô ấy rất dã man, đánh cô ấy vỡ cả xương bánh chè ra mà hôm ấy là tôi có mặt. Tôi không hiểu cái nhà nước này, cái chính quyền này sao lại có thể cư xử với một người phụ nữ đến như vậy.

Những điều luật mơ hồ

Không chỉ cộng đồng mạng, các bloggers hay các nhóm xã hội dân sự trong nước mà các tổ chức nhân quyền bên ngoài cũng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay tức khắc cho người tù lương tâm Trần Thị Nga.

Ngày 27 tháng Giêng 2017, một tuần sau khi chị Nga bị bắt, Human Rights Watch Giám Sát Nhân Quyền, trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, yêu cầu Việt Nam trả tự do cũng như xóa bỏ mọi cáo buộc rằng những thông tin trên mạng và những hoạt động ngoài đời của chị Trần Thị Nga có động cơ chính trị.

Ông Brad Adams, giám đốc phân ban Á Châu trong Human Rights Watch, cho rằng thật là sai trái và khôi hài khi Việt Nam luôn coi chuyện truy cập Internet và đăng tải những quan điểm có ý phê phán nhà nước là tội hình sự cần bị trừng phạt.

Đến ngày 8 tháng Ba 2017, Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, tù nhân lương tâm Trần Thị Nga được đưa vào danh sách 6 người nữ hoạt động nhân quyền được Amnesty International - Ân Xá Quốc Tế vinh danh. Trong thông cáo báo chí trước đó một ngày, bà Champa Patel, giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế chỉ trích tội danh  chống  phá nhà nước, vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình Sự mà nhà cầm quyền Việt Nam thường viện ra để kết tội chị Trần Thị Nga và một số những nhà đấu tranh khác là một điều luật mơ hồ và vô lý.

Vẫn theo lời bà Champa Patel thì Đông Nam Á chỉ một vài chính phủ có thể tự hào về thành tích nhân quyền nhưng lại có vô số phụ nữ trong khu vực dám đứng lên chống lại những bất công xã hội.

Mới đây nhất, hôm 21 tháng Bảy  2017, Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Con Người trụ sở tại Paris, Pháp, ra thông cáo báo chí về trường hợp tù tội của chị Trần Thị Nga, kêu gọi Hà Nội trả tự do tức khắc cho nhà hoạt động vì quyền lao động và đất đai can cường này, đồng thời chấm dứt mọi hành động có tính cách đàn áp, bắt giữ và bịt miệng những người bất đồng chính kiến trong nước.

Giờ thì mọi người đang chờ đợi xem chị Trần Thị Nga có bị kêu án những 10 năm tù giam như trường hợp blogger kiêm nhà bảo vệ môi trường Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay không.

Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với luật sư Hà Huy Sơn là người bào chữa pháp lý cho chị Trần Thị Nga:

Tôi mới gặp bà Nga hôm 20 tháng Bảy, về sức khỏe thì trước chị bị rách niêm mạc họng nhưng giờ đỡ rồi. Chị hiện còn bị ù tai và đau họng. Đối với phiên tòa sắp tới thì tinh thần chị Nga cũng thoải mái và sẵn sàng.

Phiên xử được Tòa Án Nhân Dân tỉnh Hà Nam loan báo sẽ kéo dài 2 ngày 25 và 26, tuy nhiên  theo luật sư Hà Huy Sơn thì có thể chỉ diễn ra trong ngày 25 mà thôi.

No comments :

Post a Comment


"Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời"

Trong tuần qua nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong cuộc chiến trước đây lại tập trung để tham gia chương trình ‘Tri ân Thương Phế Binh’ với chủ đề “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.
Lần Gặp "Bác Hồ" Tôi Bị Mất Trinh
• Để bác cấy hạt giống đỏ cho cháu, cháu mang về miền Nam cho bác nhé.
Bác bồng tôi lên giường, hai tay bác đè tôi ra và lột áo quần tôi.Bác như một con cọp đói mồi, sau một hồì kháng cự tôi biết mình không thể nào làm gì hơn nên đành nằm xuôi tay... Hai hàng lệ một cô gái miền Nam vừa tròn 15 tuổi đã bị bác cướp đi mất cái trong trắng.
=>Đọc thêm=>