Ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát công nghệ cao (C50) thuộc Bộ Công an.
Vì sao là ngành CA?
RFA - Kể từ đầu năm 2018 thì ông Hóa là nhân vật thứ hai trong ngành công an bị nhắm đến. Trước ông Hóa là ông Phan Văn Anh Vũ, một sĩ quan tình báo cho Bộ Công an, bị bắt vì tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Hóa là nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát Công nghệ cao (C50) thuộc Bộ Công an. Ông Hóa bị cho đã tham gia bảo kê cho một đường dây đánh bạc qua mạng xuyên biên giới với quy mô rất lớn.
Hiện đã có khoảng 80 người bị khởi tố và 38 người bị bắt giữ liên quan đến đường dây này.
Việc ông Hóa bị bắt đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận bởi vì lâu nay hiếm có một nhân vật trong ngành công an, một ngành được cho là lá chắn bảo vệ chế độ, bị đem ra xử.
Nhà quan sát chính trị Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ở Sài Gòn, nói với RFA rằng việc tướng Hóa bị bắt mang ba ý nghĩa quan trọng. Ông phân tích:
Đó là chỉ dấu cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng đã giáng một đòn thẳng cánh vào ngành công an. Có khả năng đây là đòn phục vụ cho kế hoạch cải tổ ngành công an của ông Nguyễn Phú Trọng trong năm 2018, đi liền với đề án mà có thể được trình ra Bộ Chính trị vào Hội nghị Trung ương 7. Năm 2018 sẽ sắp xếp lại ngành công an, trong đó sẽ bỏ các tổng cục làm cấp trung gian.
Ông Phạm Chí Dũng cho rằng Tổng Bí thư ông Nguyễn Phú Trọng đang phát huy tác dụng trong Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
Ý nghĩa thứ hai, theo ông Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng đang chuẩn bị khá kỹ cho một chiến dịch tổng công kích vào các đối tượng tham nhũng cũng như đối thủ chính trị của ông ấy. Điều này được thể hiện qua những cuộc tấn công vào Bộ Công an, vụ Ban Bí thư yêu cầu xử lý việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG và vụ việc ông Trần Quốc Vượng được giao hai chức Thường trực Ban Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vị trí quyền lực thứ 2 chỉ sau ông Trọng.
Từ đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng dự đoán năm 2018 sẽ là một năm máu lửa với nhiều xáo trộn lớn, càn quét nhiều vụ tham nhũng lớn nữa.
Ý nghĩa thứ ba, ông nhận định:
Qua việc bắt Nguyễn Thanh Hóa, có vẻ như ông Nguyễn Phú Trọng phát ra một thông điệp đó là ông ấy không chỉ chống tham nhũng một bên, khiên cưỡng như người ta nói mà ông ấy đang chống tham nhũng một cách công bằng. Nghĩa là, ông chỉ chống tham nhũng phe đối phương mà còn chống tham nhũng cả phe ta nữa.
Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng bấy lâu nay được nhận thấy khá quyết liệt. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đây thực chất là một thanh trừng phe phái, trong đó phe mà ông Trọng muốn nhắm đến chính là phe cánh của ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cũng đồng tình với quan điểm này của tiến sĩ Phạm Chí Dũng, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng việc ông Hóa bị bắt cho thấy quyết tâm diệt tham nhũng không vùng cấm của ông Tổng Bí thư:
Đối tượng kỳ này bị tấn công cũng chính là đối tượng từng là công cụ chống tham nhũng nhưng lại thực hiện tham nhũng. Điều này cho thấy cuộc chống tham nhũng này đã đi đến điểm mấu chốt, những điểm thắt rất quan trọng. Chỉ khi phá được những điểm thắt này thì cuộc đấu tranh mới có hi vọng mở lớn ra. Nhân đây cũng củng cố lại tổ chức để có những con người đàng hoàng hơn.
Cùng ngày ông Hóa bị bắt, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng. Tai đây, ông Trọng đã đề cập đến vấn đề suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống trong lực lượng công an.
Nói với RFA từ Hà Nội, cựu đại tá Công An Nguyễn Đăng Quang nhận xét dù ông Hóa là thiếu tướng nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một con người, mà đã là con người thì “nhân vô thập toàn”. Nói đến vấn đề lực lượng công an suy thoái đạo đức như lời ông Tổng Bí thư, cựu đại tá Quang nhận xét:
Đấy là nhấn mạnh trong ngành công an thôi, chứ tôi cho rằng trong mọi lĩnh vực, mọi ngành, bao giờ cũng không thể tranh khỏi tha hóa, xuống cấp về đạo đức. Nghị quyết của Đảng Cộng sản VN đã nhấn mạnh rồi, một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo cao cấp bị biến hóa, biến chất.
Nhắm đến ai?
Về trường hợp của ông Hóa, báo chí trong nước nói rằng việc điều tra chưa dừng lại ở truy trách nhiệm cá nhân ông Nguyễn Thanh Hóa, mà có thể còn một số cán bộ từng giữ chức vụ cao hơn.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho biết, nhân vật “cao hơn” này được đồn đoán là Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng Cục trưởng Cục Cảnh sát:
Ngay trước mắt người ta đồn đoán rất nhiều về ông Phan Văn Vĩnh. Không biết ông Vĩnh liên đới như thế nào nhưng có vẻ đây là trường hợp được đồn đoán rõ nhất. Trên ông Vĩnh nữa thì chưa biết ai, nhưng chắc chắn về mặt quản lý trách nhiệm, quản lý ngành và cán bộ thì từ Bộ trưởng cho tới dàn Thứ trưởng đều phải chịu trách nhiệm hết.
Ông Phan Văn Vĩnh từng có thời có tin đồn bị bắt cũng do dính líu đến đánh bạc trên mạng. Tin đồn lan rộng tới mức đích thân Bộ Công an phải đứng ra giải thích, bác bỏ lời đồn bắt ông Vĩnh. Ông Phan Văn Vĩnh được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Tổng cục Cảnh sát.
Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng việc diệt trừ tham những trong ngành công an là đặc biệt quan trọng, bởi vì lực lượng công an là thanh bảo kiếm và là chỗ dựa của Đảng, Đảng còn công an còn. Theo ông, nếu ngành công an không trong sạch thì sinh mạng của Đảng sẽ chông chênh.
No comments :
Post a Comment