Nghe
Một trong những trọng tội của CSVN là hủy diệt đạo đức và tín nghĩa giữa người và người, tạo nên một xã hội vị kỷ, đầu trộm đuôi cướp dưới sự thống trị của một tập đoàn tham nhũng tận răng. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Làm sao cho người Việt tin nhau?" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trên báo Tia Sáng, ông Giáp Văn Dương mới viết một bài rất đáng đọc, ông đặt câu hỏi: "Tại sao ở nước ta mọi người không tin nhau?". Ông kể chuyện có lúc đã sống ở một nước ngoài 12 năm, thấy người ta bao giờ cũng tin nhau.
Ông kể: "Tôi và một người bạn đi mua bảo hiểm xe. Hợp đồng bảo hiểm viết rằng: Nếu mất xe thì sẽ được đền xe mới. Bạn tôi hỏi: 'Nếu chúng tôi bán xe rồi báo bị mất thì sao?' Nhân viên bảo hiểm ngạc nhiên, một lúc lâu mới nghĩ ra được câu trả lời: Tôi tin các anh không làm thế". Giáp Văn Dương kết luận: Nước họ giàu mạnh vì họ tin ở con người.
Ngược lại, khi trở về sống ở Việt Nam, ông thấy người ta luôn luôn nghi ngờ nhau trước, không ai tin ai cả. Lãnh hành lý ở phi trường bị hỏi giấy tờ, "Tên tôi đây. Ðịa chỉ tôi đây. Hộ chiếu của tôi đây. Vậy sao mà rắc rối đến vậy? Sao phải xác nhận? Sao phải chứng minh? Sao phải công chứng bản gốc?"
Mình không nên nghĩ oan cho giống dân Việt. Có lần tôi kể chuyện những thành phố người ta bỏ xe đạp ngoài đường qua đêm, không khóa; như ở Dubuque, Iowa; hay ở Helsinki, Phần Lan (trước khi di dân Ðông Âu qua). Họ không lo mất xe, vì tin là mọi người chung quanh đều lương thiện. Nhiều độc giả đã viết thư nhắc nhở rằng xưa kia ở nước ta cũng vậy. Một vị cho biết hồi 1950 ở Sài Gòn ông đã sống như thế. Ðêm không khóa cửa nhà, xe đạp dựng trước nhà cũng không khóa.
Người Việt Nam vốn đã tin nhau chứ chẳng phải không. Vì ông bà chúng ta vẫn dạy dỗ con cháu sống theo đạo lý và chính họ sống làm gương. Trong xã hội nào mọi người cũng sống với những hợp đồng ngầm hiểu, dài hạn, hết đời này sang đời khác. Các xã hội Á Ðông theo truyền thống Nho Giáo đều có những "hợp đồng hiểu ngầm" như vậy. Ra đường gặp ai là có thể tin đến 99% rằng người đó cũng được cha mẹ dạy các quy tắc Lễ-Nghĩa-Liêm-Sỉ giống như mình. Ngay cả sau khi nước ta bị Pháp đô hộ, bản "Hợp Ðồng Tín Nghĩa" vẫn được giữ gìn
Tại sao các nước Á Ðông khác, ngoài Việt Nam và Trung Quốc, vẫn giữ được những bản "Hợp Đồng Tín Nghĩa" suốt đời này sang đời khác trong 2000 năm?
Phân tích theo lối kinh tế học, thì lý do chính là: Tín Nghĩa là một cách sống có lợi về lâu về dài. Không ai muốn làm sai bản hợp đồng tín nghĩa vì nếu nó bị xóa bỏ, chính mình sẽ bị thiệt thòi. Nói rõ hơn: Cuộc sống của mỗi người sẽ "tốn kém" hơn! Mức tốn kém tăng lên từ một khoản chi tiêu mà các nhà kinh tế gọi là "phí tổn giao dịch" (transaction costs).
Nhưng trong một xã hội mà người ta không tin nhau thì siêu thị phải lo đặt hệ thống báo động, phải thuê thêm người canh gác, thêm người kiểm soát lần thứ hai bên ngoài quầy trả tiền. Tất cả những chi phí mới đó, tất nhiên, chủ nhân họ tính ngay trong giá bán. Ðó là một thứ phí tổn giao dịch phụ trội; mà nếu trong xã hội mọi người tin nhau thì không cần. Nhìn rộng ra, trong một xã hội mà người ta không tin nhau thì phí tổn giao dịch sẽ tăng vọt trên khắp mọi mặt. Cả xã hội phải chịu. Thử nhìn vào số lượng công an, cảnh sát ở nước ta. Tại sao một nước cần nhiều công an như vậy? Vì người ta nghi ngờ nhau. Chính quyền nghi ngờ dân. Nếu mọi người tin nhau thì mấy trăm ngàn công an cảnh sát có thể giải ngũ. Những người đó có thể đi làm những việc hữu ích hơn về kinh tế, như làm kỹ sư, đi kinh doanh, làm ca sĩ, hay trồng cây ăn trái bán. Bởi vì trong nước vẫn cần rất nhiều kỹ sư, nhiều nhà kinh doanh, nhiều nhà nông có tài. Lực lượng công an thu hút mất bao nhiêu người ưu tú, đó là một thiệt hại lớn cho cả nền kinh tế quốc dân.
Làm cách nào để xã hội cùng theo những quy tắc sống có Tín Nghĩa? Làm cách nào để mọi người nhìn thấy nhau là hãy tin cậy trước khi nghi ngờ, nghe ai nói gì thì trước hết hãy tin đó là lời nói thật? Có thể thiết lập lại bản hợp đồng xã hội lấy Tín Nghĩa làm tiêu chuẩn hay không?
Giữ cho guồng máy nhà nước trong sạch là bước đầu tiên để tái tạo niềm tin. Những người đi hối lộ và ăn hối lộ đều "xé bản hợp đồng" mà mọi người đã thỏa thuận với nhau. Không những họ làm người dân đút lót mất tiền, mà họ còn phá nát đạo lý xã hội. Cũng giống như khi có người lái xe ngoài đường mà bất chấp luật lệ vậy. Nếu nhiều người cứ ngang nhiên lái xe như thế mãi, thì cả thành phố hay cả nước sẽ không còn luật lái xe. Bản hợp đồng bị xé rồi, mạnh ai nấy sống. Nạn tham nhũng là thứ làm tiêu hao đạo lý cả xã hội, chưa kể nó làm cho kinh tế không tiến được đúng tiềm năng.
Trước khi xé bản hợp đồng với xã hội để ăn hối lộ mà biết trước mình có thể bị thiệt hại rất nặng nếu bị bắt, thì thế nào người ta cũng ngần ngại không đòi đút lót nữa. Xác suất bị bắt càng cao thì càng bớt tham nhũng. Án trừng phạt càng nặng, thì càng bớt. Nếu một hệ thống chính trị cứ để cho xác suất bị bắt thấp, mà việc trừng phạt cũng nhẹ, thì sẽ nuôi đầy tham nhũng, hối lộ.
Phải làm sao cho xác suất tội tham nhũng bị tố giác càng cao càng tốt, đó là một cách giảm bớt tham nhũng và tạo niềm tin trong xã hội. Muốn vậy thì ngoài guồng máy tư pháp công minh chính trực cần phải có nhiều "bộ máy tư nhân" tình nguyện tham dự việc tố giác tội tham nhũng. Số hội đoàn, trong xã hội công dân càng phát triển thì càng nhiều người tự nguyện làm công việc đó. Nhiều người còn sẵn sàng làm công việc đó, vì có lợi cho họ. Ðó là các nhà báo, khi họ được tự do. Nhà báo nào điều tra ra những vụ tham nhũng và loan tin sẽ được nhiều người đọc, nhiều người kính trọng. Chính họ sẽ tự nguyện đi tìm ra những tin tức đó. Còn nếu nhà báo đi điều tra rồi lại bị tù thì hết nói!
Khi bản hợp đồng đạo lý của xã hội bị xé rồi, rất khó tái lập. Phá nó dễ, xây dựng lại rất khó. Nhưng không phải vì khó mà chúng ta không bắt đầu ngay. Phải thiết lập một chế độ tự do dân chủ, quyền tư pháp độc lập, xã hội công dân phát triển, mọi người có quyền tự do hội họp, tự do phát biểu. Cứ như thế, trong một vài thế hệ, sẽ không ai cần đặt câu hỏi: Tại sao người Việt không tin nhau?
No comments :
Post a Comment