Thứ Năm ngày 28.02.2013
Cộng sản Việt Nam thường nhắc đến
chính sách Tam Nông: nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng thông qua
chính sách này cộng sản bần cùng hóa nông dân, và tạo ra tầng lớp nô lệ
kiểu mới để phục vụ đảng. Trong tiết mục Người Dân Tự Quyết hôm nay, mời
quý thính giả cùng nhận diện tình trạng này qua bài viết THẢM TRẠNG CỦA
NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG GUỒNG MÁY CAI TRỊ BÓC LỘT CỘNG SẢN của Lý Trần
Công qua sự trình bày của Hải NguyênTrong khi nhà nước đang huyênh hoang Việt Nam xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với 7,5 triệu tấn trong năm 2012, thì người nông dân đang nặng trĩu bao lo toan. Điều người nông dân cần không phải là thứ bậc hay danh hiệu. Bài toán cần giải của họ là khi lúa chất đầy đồng thì cũng là lúc nợ nần cũng ngập đầu, và đó là điều họ muốn thoát ra.
Từng vụ mùa, người nông dân vay mượn tiền bạc, bỏ công sức một nắng hai sương và chi trả nhiều loại thuế phí khác, với ước muốn được trúng mùa, giá bán cao và trả được nợ nần từ những vụ mùa trước...Tuy nhiên những ngày này khi vụ lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long đã chín rộ, thì cũng là lúc vắng bóng thương lái thu mua, và giá lúa thì rớt xuống dưới giá thành sản xuất. Trong khi nhà nước chỉ thị cho những doanh nghiệp của họ, với nhiều ưu đãi về tài chính, thu mua tạm trữ một triệu tấn gạo trong dân, thì những doanh nghiệp này càng làm cho nông dân thất vọng, khi các động thái của họ là thờ ơ và bất động. Đơn giản là vì họ muốn ép giá lúa của người dân thêm nữa.
Không riêng gì lãnh vực lúa gạo phải chịu cảnh chèn ép, trục lợi từ nhà nước, mà những ngành khác như: cây trồng, chăn nuôi, đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản...cũng chịu chung số phận. Những mặt hàng nông sản xuất khẩu như: cà-phê, tiêu, điều, cao su..v.v..cũng từng chịu những thăng trầm về thị trường và giá cả. Điều đó nói lên tính bấp bênh, thiếu bền vững, tựa như những ao nuôi cá tra đang bị bỏ hoang cả năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ. Nhiều chuyên gia cho rằng người nông dân quá tự do trong hành động chặt rồi trồng, trồng rồi chặt trên ruộng vườn của họ. Nhưng xét cho cùng thì nhà nước cộng sản mới chính là thủ phạm của những hành động trên. Họ để cho người nông dân "tự bơi" trong nền kinh tế thị trường khắc nghiệt, không có một trợ giúp hiệu quả nào. Người nông dân quyết định trồng cây gì hay nuôi con gì đều tùy thuộc vào sự nghe ngóng, và thổi phồng có định hướng của báo chí. Nhà nước đã hưởng lợi khi nắm độc quyền điều hành giá cả các mặt hàng chiến lược như: xăng dầu, điện nước, và các mặt hàng chủ lực khác, là đầu vào của nền sản xuất hàng hóa. Trong khi chính họ lại là người định hướng lợi nhuận cho các doanh nghiệp nhà nước và các nhóm lợi ích phe cánh của họ qua việc ban hành chính sách và điều tiết thị trường. Đó là hình thức bóc lột tinh vi mà ngay cả đế quốc, thực dân cũng phải chào thua đảng cộng sản.
Thailand một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhìn cách họ đối đãi với nông dân của họ mà cảm thấy tủi thân cho người nông dân Việt Nam. Cách thức người Thailand họ tổ chức sản xuất, thu hoạch, điều tiết thị trường các sản phẩm nông nghiệp cho người dân rất chuyên nghiệp, uy tín và trách nhiệm. Vấn đề trợ cấp nông nghiệp của chính phủ Thailand, cho đến thời gian gần đây vẫn còn gặp sự chỉ trích của các nước, tuy nhiên điều đó không làm cho lợi nhuận của người nông dân Thailand bị xem nhẹ từ chính phủ. Trong khi nông dân Việt Nam được nhà nước hứa hẹn là sẽ được hưởng 30% lợi nhuận sau khi trừ các chi phí, một mức lợi nhuận lý tưởng. Nhưng thực chất người nông dân chỉ được hưởng một vài vụ thu hoạch đầu tiên, còn sau đó thì lợi nhuận đã không có mà còn mang công mắc nợ. Nhà nước thì phớt lờ như chưa từng tuyên bố gì cả. Theo báo cáo của hội Nông Dân Việt Nam, thì hơn 70% dân số ở nông thôn mức thu nhập của họ chỉ bằng 76,6% thu nhập người dân thành thị. Con số này có thể còn thấp hơn, nhưng đủ nói lên sự lam lũ khổ cực của họ chỉ được đổi bằng nghèo khó, thiếu thốn. Động lực sản xuất không còn, nên ngày càng có nhiều người nông dân bỏ hoang đồng ruộng để ly hương đổi đời. Họ đến những thành phố lớn để bán sức lao động, kể cả ra nước ngoài như: Mã-Lai, Phi-Luật-Tân, Thái-Lan..v.v..để tìm đường cứu đói, nhưng dù sao họ cũng vẫn còn may mắn.
Có dịp đi từ Bắc chí Nam người ta dễ dàng bắt gặp những khu đất rộng lớn bị để hoang hóa cho cỏ mọc, chỉ vì vài tấm bảng mà trên đó người ta ghi vài chữ: Khu quy hoạch hay giải tỏa làm công trình...Nạn nhân và cũng là chủ nhân của những mảnh đất này, giờ đang sống vất vưởng không nhà cửa ruộng vườn ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hà Nội, hay văn phòng tiếp dân của đảng ở Sài-gòn. Hoặc chầu chực hàng ngày ở cửa công quyền chờ kêu oan trên khắp các tỉnh thành. Họ là những nông dân, dân oan đã làm cho chế độ tức giận bởi những tiếng kêu cứu công lý. Nhà nước xem họ như những kẻ bất trị không vâng lời đảng và nhà nước. Cho công an, côn đồ thẳng tay đánh đập, kể cả tước đoạt mạng sống của họ, rồi cướp từng gói mì-tôm, từng chai nước suối, họ được đồng bào cứu trợ khi Tết đến Xuân về. Họ tựa như những con giun đang bị giày xéo dưới gót giầy Mác-Lê cộng sản.
Giới nông dân cả nước giờ đây đã hiểu rõ bản chất cộng sản, nhất là người nông dân miền Nam. Một số ít trong họ đã từng che giấu, nuôi dưỡng mầm mống cái ác cộng sản trong những căn hầm sau vườn. Giờ thì đảng đã cho họ sáng mắt, sáng lòng.
Vậy hơn lúc nào hết, người nông dân cần phải đoàn kết để chống lại những vụ cướp nhà đất phi pháp của chính quyền, như vụ Dương Nội, Hà Đông cuối năm vừa qua. Lập những hội, nhóm yểm trợ tinh thần lẫn vật chất, cho những người dân oan đang khiếu kiện về đất đai, dù chỉ là một nắm cơm vài hạt muối, nhưng sẽ giúp cho họ kiên gan bền chí để đòi công lý. Và đặc biệt người nông dân cần phải ý thức đòi cho được quyền chính trị và dân sự của mình đã được Liên Hiệp Quốc công nhận, nhưng đã bị cộng sản tước đoạt.
Lịch sử của Việt Nam và thế giới đã từng chứng kiến những cuộc nổi dậy của người nông dân làm sụp đổ nhiều chế độ, và lịch sử thì thường lập lại. Lịch sử Việt Nam đang chờ được viết tiếp với sự góp phần của người nông dân trong việc đòi quyền sống, quyền làm người và quyền mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân.
Lý Trần Công
28/2/2013.
http://radiodlsn.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2284:thm-trng-ca-ngi-nong-dan-trong-gung-may-cai-tr-boc-lt-cng-sn&catid=64:ngi-dan-t-quyt&Itemid=74
No comments :
Post a Comment