Việt Hùng/Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Trên đường phố Sài Gòn ngày 30 Tết Ất Mùi có những phận đời hẩm hiu, xem đường phố là nhà. Họ là những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) mưu sinh giữa lòng Sài Gòn khi năm mới cận kề.
Nếu ai đó đã từng đi qua ngã tư Ðiện Biên Phủ-Lê Quí Ðôn, Quận 3, Sài Gòn, ắt hẳn từng bắt gặp hình ảnh một người đàn ông, khoảng 68 tuổi, bị mất cả 2 chân, tay cầm xấp vé số, giơ lên hua qua hua lại: “Các cô các chú giúp giùm một tờ vé số.”
TPB Nguyễn Văn Quang bị mất 2 chân đang bán vé số. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Ðó là chú thương phế binh Nguyễn Văn Quang, số quân 52/711750, thuộc đơn vị Tiểu Ðoàn 328, địa phương quân Tiểu Hậu, xã Hậu Nghĩa, Huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Chú Quang cho biết: “Hôm nay đã là 30 Tết rồi, chú cố gắng ra đây bán, để kiếm thêm một ít mua vài món quá về làm lễ cúng giao thừa. Nhà trọ của chú ở huyện Nhà Bè, cách đây hơn 30km, chú không có tiền nên phải thuê xa cho nó rẻ...”
Bữa trưa của chú Quang là ổ bánh mì, xong rồi tiếp tục bán cho đến hết khoảng 100 tờ vé số mới nghỉ.
Lau những giọt mồ hôi trên trán, chú cho biết thêm: “Tôi là lính VNCH, tôi bị mất cả 2 chân trong chiến dịch Phượng Hoàng vào năm 1969. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên tôi mới phải đi bán vé số thế này. Nhà nước này không hoan nghênh những trường hợp như tôi, nhưng tôi luôn tự hào vì mình là người lính VNCH, đã chiến đấu cho sự bình yên của miền Nam Việt Nam.”
Khi biết chúng tôi muốn viết phóng sự về những người lính VNCH, chú còn nhiệt tình cho vài số điện thoại của những người bạn mà chú biết. Chú nói thêm: “Hầu hết người lính VNCH bây giờ có hoàn cảnh rất khó khăn, như chú là còn có sức khỏe để bán vé số, chứ nhiều người bây giờ phải nằm liệt giường, hoàn cảnh rất thương tâm.”
Trước khi chào chú ra về, chú Quang còn lấy trong đống hành lý những tấm hình lính cũ ngày xưa mà chú đã cất giữ rất cẩn thận để chúng tôi xem.
TPB Nguyễn Văn Tài hành nghề xe honda ôm, khuôn mặt buồn bã khi không có khách. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Cũng tương tự như trường hợp chú Quang, chú Ðoàn Quang Thí (số quân 131798, đơn vị Triệu Phong, Quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cũng làm nghề bán vé số ở ngã tư Bà Huyện Thanh Quan-Lý Chính Thắng, Quận 3, Sài Gòn.
Sài Gòn những ngày cận Tết trời nắng gắt, thế nhưng trưa 30 Tết, chúng tôi vẫn bắt gặp chú ngồi trên chiếc xe lăn, tay cầm xấp vé số hua qua hua lại: “Ngày 30 rồi cô chú ơi, mua giúp tờ vé số lấy hên may mắn đầu năm.”
Chú tâm sự: “Chú bị thương vào mùa Hè đỏ lửa 1972 ở Quảng Trị. Trọng một lần hành quân, đơn vị của chú bị tập kích của địch, chú bị trúng đạn xuyên sống lưng, bị đứt dây thần kinh, nên 2 chân hoàn toàn bị bại liệt. May mắn còn giữ được tính mạng.”
Chú còn cho biết thêm: “Chú không có nhà cửa, cũng không có tiền thuê nhà, bởi vậy mọi sinh hoạt của chú đều trên xe lăn. Buổi tối chú về chỗ nhà thờ Mai Khôi (12 Tú Xương, Quận 3) và lấy nhà vệ sinh chung của nhà thờ để tắm rửa. Ban đêm chú ngủ trên xe lăn ở mai hiên nhà thờ.”
Tuy hoàn cảnh rất thương tâm, thế nhưng khi được chúng tôi hỏi về đời lính, chú rất hào hứng: “Chú sinh ra trong thời chiến, chú tự hào vì đã cầm súng cho chế độ VNCH. Nếu có sự lựa chọn làm lại, thì chú vẫn sẽ làm lính VNCH, vì miền Nam là quê hương máu mủ của chú.”
Những ngày này không khí Tết đã lan tỏa khắp các thôn xóm Việt Nam, nhiều người hồ hởi sắm sửa Tết cho gia đình, nhưng cũng có nhiều người Tết như một giấc chiêm bao mà ở đó cảm giác nửa mơ nửa tỉnh, nửa đói nửa buồn, nửa tồn tại, nửa mơ hồ cứ vây bủa lấy họ.
Ðiển hình là TPB VNCH Nguyễn Văn Tài, số quân 75109488, Tiểu Ðoàn 9 Nhảy Dù, Lữ Ðoàn 1, chỉ huy trưởng là Trung Úy Thăng, trung đội trưởng là Thiếu Úy Tâm. Hiện nay chú đang làm nghề xe ôm ở góc ngã ba Võ Thị Sáu-Lê Quí Ðôn.
Chúng tôi bắt gặp chú vẫn đang chở đồ thuê vào chiều 30 Tết. Chú cho biết: “Trước đây thì còn có khách đi xe ôm, bây giờ sát Tết rồi, không ai đi xe nữa, nên tôi chuyển sang chở hàng cho khách.”
TPB Ðoàn Quang Thí bị liệt 2 chân ngồi xe lăn bán vé số. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Chú tâm sự: “Chú bị thương vào ngày 23 tháng 12, 1972 vào mua Hè đỏ lửa ở Quảng Trị. Trong một lần nhảy dù xuống để yểm trợ cho quân ta, tiểu đoàn của chú đã bị trúng mìn của địch. Hấu hết đều bỏ mạng vào lúc đó, chú may mắn chỉ bị thương ở chân, nhưng phải cắt bỏ để giữ lấy tính mạng.”
“Ngày mai là mồng Một Tết rồi, tôi cố gắng chạy thêm vài 'cuốc' nữa để kiếm thêm chút ít, ngày mai mồng một hẳn nghỉ. Tôi thuê nhà ở quận 9, cách xa chỗ này khoảng 20km. Thuê ở xa cho nó rẻ, chứ ở trung tâm này mắc quá...”
Có lẽ ngày 30 Tết, ai cũng muốn về nhà để yên vui với gia đình, con cái. Thế nhưng với những người từng là lính VNCH, thì mơ ước nhỏ nhoi đó lại là bài toán mà họ đã tìm cách giải hơn 40 năm nay vẫn chưa được.
Cuộc sống có vẽ như quá bất công với họ. Mỗi con người một hoàn cảnh, một ngành nghề kiếm sống khác nhau, thế nhưng điều đọng lại cho người viết khi tiếp xúc với họ đều có một mẫu số chung “Tôi tự hào là một người lính VNCH.”
Từ thế kỷ trước, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết ra câu thơ mô tả dân nghèo thời đấy: “Có một người nghèo không biết Tết. Mang lì chiếc áo độ thu tàn.” Thế nhưng một thế kỷ trôi qua, câu thơ này vẫn con nguyên giá trị của nó.
Thêm một cái Tết nữa đã đến, mùa Xuân đã về. Nhưng còn nhiều lắm những hoàn cảnh TPB VNCH với bao nỗi lo toan vất vả. Mỗi dịp Tết đến là một lần họ lại chạnh lòng thấm thía thân phận của mình trong xã hội Việt Nam hiện nay.
No comments :
Post a Comment