Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải (trái) và Chủ tịch UBNDTP Lê Hoàng Quân (phải)
Ngay ‘trước thềm’ đại hội đảng bộ ở Sài Gòn trong một vài tháng tới, chính quyền và giới tài phiệt thành phố này đã phải hứng chịu liên tiếp ‘hai mũi giáp công’ nặng nề từ các cơ quan trung ương.
Đầu tiên là việc Thanh tra chính phủ ‘bất ngờ’ công bố kết luận thanh tra đối với Ủy ban nhân dân thành phố này với hàng loạt quy kết về trách nhiệm đối với Chủ tịch Lê Hoàng Quân. Tuy quá trình thanh tra đã được tiến hành từ cuối năm 2014 và theo quy định, kết luận thanh tra phải được công bố ngay sau đó, nhưng cho đến nay mới được tung ra với độ trễ đến 9 tháng trời. Diễn biến này khiến dư luận không thể không liên tưởng lại vụ việc tống đạt kết luận thanh tra đối với chính quyền Đà Nẵng vào cuối năm 2012, chỉ ít ngày trước khi Bí thư Nguyễn Bá Thanh nhận lệnh tiến cử để ra Hà Nội nhậm chức trưởng ban nội chính trung ương.
Còn hơn Đà Nẵng, Sài Gòn được coi là thành phố lớn thứ hai ở VN, với chức vụ bí thư thành ủy nơi đây luôn được cơ cấu một ghế ủy viên bộ chính trị. Trong thời gian qua, đã có nhiều thông tin cho biết ông Lê Thanh Hải - bí thư đương nhiệm của thành phố này và là ‘sếp’ của ông Lê Hoàng Quân - đang tìm đường lên Trung ương với một số phương án ‘nhân sự cấp cao’ tại đại hội đảng CSVN lần thứ 12 vào đầu năm 2016.
Chỉ mới vào trung tuần tháng 8/2015, chính quyền Sài Gòn bất ngờ tổ chức hội thảo với chủ đề ‘xây dựng đặc khu kinh tế’ cho thành phố này. Và hơn thế, đòi hỏi Sài Gòn cũng phải ‘được’ như Thủ đô - nghĩa là phải có ‘luật riêng’ và có thể hiểu như một tín hiệu cho xu thế ‘tản quyền’ đang diễn ra ngày càng nhanh tại một số địa phương. Trong số những gương mặt ủng hộ Sài Gòn về chủ đề này, đáng chú ý là một đại diện bên đảng - Trưởng ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ, cũng là người đã trượt ủy viên bộ chính trị vào năm 2013.
Liền kề với mũi tấn công từ Thanh tra chính phủ, mũi giáp công thứ hai lại thuộc về Ngân hàng nhà nước của Thống đốc Nguyễn Văn Bình - người được một số dư luận xem là cánh tay mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong một động thái đột ngột, Ngân hàng DongA với cổ đông lớn là Thành ủy TP.HCM chiếm gần 7% cổ phần, vừa bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do nhiều vi phạm tài chính. Còn Tổng Gíam Đốc Trần Phương Bình bị cách chức và chưa biết số phận sẽ ra sao. Trong khi trước đó vào tháng 7/2015, chủ tịch HĐQT của ngân hàng này là cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước - ông Cao Sỹ Kiêm - đã thình lình xin từ nhiệm ‘vì lý do sức khỏe’.
Cùng với tượng ‘hai mũi giáp công’ như thế, nhiều người cho rằng từ đây đến khi diễn ra đại hội đảng bộ ở Sài Gòn, nhiều khả năng một cuộc chiến nội bộ ‘ai đi, ai ở’, và hơn nữa ‘người còn, kẻ mất’ sẽ nổ ra tương đối quyết liệt tại thành phố này.
No comments :
Post a Comment