HÀ NỘI (NV) .-Đại hội đảng CSVN tổ chức 5 năm một lần để chia chác các chức vụ chóp trong bu đảng và nhà nước, dự trù diễn ra giữa tháng Giêng 2016, nhưng có thể trễ hơn do tác động từ Trung Quốc.
Đại biểu tham dự Đại hội đảng CSVN ngày 19/1/2011. Đại hội kế tiếp dự trù diễn ra đầu năm 2016 có thể trì hoãn. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Trong bài phân tích và nhận định về chính tình Việt Nam sắp diễn ra khi đảng cộng sản độc quyền cai trị đất nước chuẩn bị khai diễn đại hội đảng kỳ thứ 12 vào đầu năm 2016 tới đây, giáo sư Carl Thayer, cho rằng có nhiều yếu tố vẫn còn chưa rõ rệt về chiều hướng và nhân sự sẽ lèo lái Việt Nam, dù từ nay tới đó chỉ còn hơn 4 tháng nữa.
Ông Carl Thayer là chuyên viên của Học viện Quốc phòng Hoàng Gia Úc thường được báo chí quốc tế phỏng vấn về các vấn đề liên quan đến chính trị Việt Nam. Ông cũng lập một công ty tham vấn “Thayer Consultancy” cho các tổ chức, công ty và chính phủ nào cần đến các hiểu biết của ông về Á Châu nói chung và các vấn đề Việt Nam, Trung Quốc và Biển Đông nói riêng.
Theo ông ba vấn đề gồm mối quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, vấn đề tranh chấp Biển Đông, và những ai sẽ ở trên chóp bu cầm nắm vận mệnh và tương lai đất nước, sẽ có thể buộc trì hoãn ngày giờ họp đại hội đảng.
Đại hội đảng CSVN kỳ 11 họp giữa Tháng Giêng 2011 kéo dài khoảng 1 tuần lễ. Đại hội 12 dự trù cũng khoảng thời gian này vào đầu năm 2016 với khoảng 1,400 đại biểu thuộc 63 tỉnh thị và các tổ chức đảng, chính quyền ở trung ương cũng như quân đội.
Một cách tổng quát, đại hội đảng CSVN gồm 5 nhiệm vụ chính gồm thông qua bản báo cáo chính trị, chấp thuận một bản kế hoạch kinh tế xã hội cho 5 năm và 10 năm tới (2016-2025), nhưng như thông lệ, quan trọng nhất phải là bầu chọn một Bộ Chính Trị mới.
Tại đại hội đảng 11, các đại biểu có quyền đề cử ứng viên trong số những người tham dụ đại hội bên cạnh một danh sách được đám chóp bu trong Bộ Chính Trị thỏa hiệp sẵn với nhau. Cũng nhờ vậy, có một số người được đưa vào “Trung ương đảng” trong số đại biểu tham dự.
Nhưng ở kỳ đại hội đảng 12 sắp diễn ra đầu năm tới, tất cả các ứng viên đưa vào “Trung ương đảng” khóa tới, phải được “Trung ương đảng” khóa này chấp thuận trước khi tên những người đó được đưa vào danh sách ứng viên.
Trên nguyên tắc, Trung ương đảng CSVN họp hai kỳ một năm. Tuy nhiên, vì tình thế, nó có thể được triệu tập các kỳ họp bất thường, nhưng cũng có thể họp ít hơn. Năm 2014, Trung ương đảng CSVN chỉ họp có một lần duy nhất. Ông Thayer cho rằng điều này xảy ra do các bất đồng ý kiến về tranh chấp Biển Đông và mối quan hệ với Trung Quốc khi Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ HD981 đến dò tìm dầu khí ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phía nam quần đảo Hoàng Sa.
Việc chuẩn bị cho đại hội đảng 12 của đảng CSVN, cho đến nay, vẫn có vẻ im ắng khác hẳn những kỳ họp đại hội đảng trước đây. Báo chí tại Việt Nam không hề cho biết bao giờ thì sẽ có đại hội đảng kỳ thứ 12 dù rải rác ít tin về sự chuẩn bị.
Đại hội đảng kỳ 11 diễn ra giữa Tháng Giêng 2011 thì từ tháng Tư 2010 đã có bản dự thảo về báo cáo kinh tế xã hội được công bố để “lấy ý kiến nhân dân”. Liệu các cuộc họp Trung ương đảng dự trù vào Tháng 10 và Tháng 12 năm nay sẽ có gì để “lấy ý kiến nhân dân” một cách vội vã hay không, vẫn là dấu hỏi.
Theo nguồn tin riêng của ông Thayer, một bản “Sách trắng Quốc phòng Việt Nam” dự trù công bố cuối năm nay, nhưng sẽ chỉ được công bố sau Đại hội đảng 12.
Theo ông, sự kín bưng của kỳ họp trung ương đảng hồi Tháng 5 vừa qua và sự trì hoãn công bố bản “Sách trắng Quốc phòng” nhiều phần có thể được diễn dịch do hệ quả của hai vấn đề chồng chéo lên nhau là yếu tố Trung Quốc và sự lựa chọn ai sẽ là lãnh tụ mới của Việt Nam. Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình dự trù đến Việt Nam giữa Tháng 10 hay Tháng 11-2015.
Điều lệ đảng CSVN chỉ cho phép mỗi đảng viên ở trong một chức vụ 2 nhiệm kỳ. Đồng thời, tuổi nghỉ hưu ở các chức vụ cao là 65 tuổi. Nếu theo đúng, 9 người trong Bộ Chính Trị CSVN hiện nay gồm cả Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, và Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, đều phải nghỉ hưu. Nhưng lại có điều khoản ngoại lệ cho phép một số chức vụ chóp bu trong đảng được ngồi lại dù quá tuổi.
Ít lâu nay, có nhiều tin tức đồn đoán là ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhăm nhe cái ghế tổng bí thư. Những tháng gần đây, người ta thấy có rất nhiều sự cắt đặt các ông chủ tịch tỉnh mới, một dấu hiệu cài cắm thế lực phe nhóm hầu tạo tay chân mạnh hơn ở đại hội đảng. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ những người khác cũng nhăm nhe ngồi vào cái ghế đó như Trương Tấn Sang, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Sinh Hùng.
Theo ông Thayer, người ta sẽ không nhìn thấy đại hội đảng CSVN kỳ 12 đưa đến sự thay đổi quan trọng trong chủ trương đường lối, chính sách hội nhập quốc tế của Hà Nội, vấn đề lãnh đạo của Việt Nam đến nay vẫn còn chưa có gì rõ rệt. (TN)
No comments :
Post a Comment