Công nhân may quần áo thể thao cho hãng Nike ở TPHCM
Và sau đây là mục diễn đàn bạn trẻ, trong kỳ phát thanh này và những kỳ tới Chân Như sẽ gởi đến quý vị loạt các chia sẻ của những bạn trẻ hiện đang là công nhân cho các công ty nước ngoài, hoặc đang là công nhân xuất khẩu lao động về cuộc sống của họ và những khó khăn họ gặp phải trong công việc, và những mơ ước của họ. Mời quý vị đến với kỳ đầu tiên sau đây.
Trong các diễn đàn trước đây, chân như đã gởi đến quý thính giả và các bạn nhiều chủ đề liên quan đến đời sống xã hội và chính trị, và được nhiều các bạn trẻ từ sinh viên, học sinh cho đến các bạn hoạt động xã hội tham gia chia sẻ, nhưng chưa bao giờ Chân Như có dịp được nói chuyện với các bạn công nhân, những bạn trẻ phải bỏ học hoặc không có điều kiện tiếp tục học phải bước vào đời với công việc làm thuê làm mướn ở các hãng xưởng của các công ty nước ngoài hoặc của nhà nước. Tuần này để thay đổi không khí của diễn đàn, CN được một số bạn trẻ hiện đang làm việc cho các hãng xưởng của nhà nước hoặc của các công ty nước ngoài chia sẻ về đời sống công nhân của họ và những bất công gì họ thường gặp phải nơi công sở.
Chân Như: Xin chào các bạn, rất vui được các bạn nhận lời đến với chương trình, trước tiên các bạn có thể chia sẻ đôi chút về mình và công việc hiện tại của các bạn hay không?
Thành: Mình là công nhân ở dưới quê lên sống ở Sài Gòn được 3 năm rồi, cuộc sống có nhiều khó khăn hơn vì mưu sinh nên chấp nhận lên đây để đi làm kiếm tiền dành dụm gởi về quê một ít vậy thôi. Mình làm trong ngành may mặc thì công việc cũng chiếm thời gian khá nhiều. Một ngày trung bình mình làm 12 tiếng thành ra không có thời gian đi chơi, chỉ nghỉ cuối tuần thôi. Bình thường thì đi làm, làm xong về nhà ngủ thôi.
Vĩnh: Em làm công nhân gần nhà nên cũng tiện về mọi thứ, làm cũng tùy vô công việc. Em cũng làm công ty may mặc. Công ty cổ phần của nhà nước, 60 phần trăm của nhà nuớc và 40 phần trăm của nước ngoài. Mọi chuyện thì nước ngoài đưa vải cho mình may gia công để xuất khẩu lại cho nước ngoài. Một ngày em làm có khi 12 tiếng, khi 13 tiếng mấy, 14 tiếng. Điều này cũng tùy theo công ty vì những bữa nào công ty thích thì người ta sẽ cho mình làm đến khi nào hết hàng thì mình về.
Chân Như: Theo Thành chia sẻ vừa rồi thì đã làm việc trong hãng may được 3 năm rồi, và từ quê lên, tại sao lại không tiếp tục con đường học vấn mà lại bỏ dang dở?
Thành: Em cũng học được tới lớp 12. Ở dưới quê thì cũng nghèo lắm. Vì hoàn cảnh thôi, gia đình không có điều kiện cho đi học lên nữa thành ra phải nghỉ và đi làm phụ giúp gia đình. Nhiều lúc cũng muốn học cái này cái kia nhưng mà mình nghĩ giờ xã hội này học nhiều nhưng không quen biết được ai thành ra mình cứ đi làm công nhân kiếm việc, có được số vốn về sau mình bỏ ra mình buôn bán nhỏ chứ không có ước mơ gì cao.
Chân Như: Có nghĩa là theo Thành cái mức lương hiện tại cũng tạm ổn để trang trải cho cuộc sống và gời chút về cho gia đình ở quê nhà?
Thành: Dạ nói chung là tạm đủ thôi chứ thực sự dư là không có đâu anh, nhiều khi còn bị âm tiền nữa.
Chân Như: Còn Vĩnh, chắc sẽ khá hơn đôi chút?
Vĩnh: Dạ lương của em thì cũng đủ cho người nhà em với lại em và cũng có để dành chút xíu tại vì công ty em làm cũng gần nhà chạy lại chút xíu là tới. Cuộc sống cũng tạm đủ ăn thôi chứ không có dư giả gì nhiều, nếu mà tháng nào tiết kiệm lắm thì mới có thể dư được anh.
Chân Như: Từ nãy đến giờ thì chắc là Châu cũng đang nghe phần chia sẻ vừa rồi của Thành và Vĩnh, Châu thì lại là một điển hình đặc biệt là Châu làm cho nhà nước thì có những gì khác so với Vĩnh và Thành không?
Châu: Dạ vâng, cũng khác nhưng cũng không khá hơn nhiều. Em cũng làm công ăn lương. Mức lương hiện tại thì cũng không cao và cuối tháng thì cũng hết; Tức là tiết kiệm trang trải thì cũng đủ và nhiều khi cũng không đủ mà còn phải vay nợ ngân hàng và phải trả lãi. Nói chung là cuộc sống hiện nay ổn định chút nhưng thật ra vẫn chật vật. Vì mình không có cơ hội để làm lại hoặc cũng không thể chuyển đổi nghề nghiệp. Hiện nay, ở Trung, chắc chắn là rất khó vì kinh tế xã hội kém phát triển. Nhìn chung chỉ an phận thôi, cũng cố gắng mà sống thôi nhưng chất lượng cuộc sống thì chưa thể nâng cao được.
Chân Như: Chúng ta chia sẻ tí về công việc nhé, ngoài đồng lương chỉ đủ để sống qua ngày, thế thì trong công việc, các bạn có gặp những bất công hoặc khó khăn gì?
Vĩnh: Bất công thì cũng nhiều. Công ty của em anh cứ coi nó như là một xã hội thu nhỏ có nhiều khâu lắm. Những khâu này mỗi người quản lý một khâu nhưng mà họ không có đoàn kết. Người này đấu đá người kia để mà tranh giành chức vị. Em nói thật mỗi ngày em không đi làm mà em không nghe chửi thì hầu như không ăn cơm được nên cái đó em cũng quen rồi. Nhà nước nói là muốn đoàn kết trong công ty để mà hoàn thành sản phẩm họ đưa ra nhưng mà em nghĩ thực tế là ở trong công ty em không có đoàn kết và người này đấu đá người kia để mà họ tranh giành địa vị, những chức vụ cao hơn trong công ty. Làm cho người kia phải chuyển công tác hay là xin nghỉ thì em nghĩ đó là thực trạng của Việt Nam. Tại Việt Nam, nhìn chung những người làm công như mình thì mình cũng không trách gì tại vì những người nghèo khó thì vô trỏng để đi làm công nhân thì phải khó khăn mới đi làm. Em nghĩ là trong xã hội Việt Nam mà còn những tư tưởng đó thì nó không phải là một xã hội tiến bộ. Trong thế kỷ 21 này những nước tiến bộ người ta sống vì trách nhiệm với đất nước, trách nhiệm với tổ quốc của mình cao hơn. Ở Việt Nam thì họ sống vì họ không à.
Thành: Bất công. Nói ra nhiều khi không biết than với ai, cũng có chứ. Ví dụ thời gian mình làm nó nhiều quá không có thể nào mình đi đâu được hết nó khít lại một chỗ chỉ biết làm từ sáng tới trưa tới chiều tới tối rồi về nhà ngủ thôi. Công việc nhiều khi cũng gặp trục trặc như hàng hoá bị hư, rồi họ trừ tiền của mình; Đi trễ bao nhiêu phút họ cũng nhắc nhở kiểm điểm; Nghỉ không phép hoặc nghỉ nửa buổi, nhiều cái mình cũng chịu chấp nhận thôi chứ mình không lên tiếng được.
Chân Như: Có nghĩa là cũng vì không có những công đoàn độc lập đứng ra để bảo vệ cho các công nhân như các em nên nó nẩy sinh ra nhiều vấn đề bất công trong công việc. Chân Như cũng được biết nếu có nộp đơn kiến nghị lên để xin giải quyết thì cũng mất nhiều thời gian và phải qua rất nhiều khâu và rất khó khăn.
Thành: Đúng rồi phải chấp nhận thôi vì chủ lao động họ mướn người bên công đoàn để làm việc cho họ thôi. Nếu mình lên tiếng lỡ bị nghiêm trọng có thể bị đuổi việc, hoặc bị khiển trách chứ không giỡn đâu.
Vĩnh: Ở công ty em, họ cũng đưa ra một đề nghị, một khuyến cáo là công nhân không được chụp hình hoặc là đưa ra những thông tin gì mà có hại cho công ty. Họ có thông báo trên loa là không được đưa ra chụp hình hoặc quay phim những khu vực trong công ty, những nơi nhạy cảm hoặc nói về những điều không tốt cho công ty thì sẽ bị phạt theo hình thức rất nặng.
Thành: Em có ý kiến nữa là thanh tra bên liên đoàn lao động xuống là mình phải họp trước một ngày mình nói những điều nào công ty cho nói mới được; Nói những điều tốt thôi, còn những điều khác mình không được nói. Thanh tra xuống mình chỉ nói y chang như trả bài là xong nhiệm vụ của mình.
Vĩnh: Dạ đúng rồi, bên em thì, bên thành ủy lâu lâu họ cũng qua thăm hỏi về công nhân. Tuy nhiên, lúc đó, những bảng chấm công, bảng ghi năng suất, bao nhiêu giờ, làm được bao nhiêu cái.... thì công ty sẽ tự động họ ghi lại và họ cất đi.
Thành: Họ sắp xếp hết rồi, mình chỉ làm y chang vậy thôi không được khác gì hết
Vĩnh: Đúng rồi, nếu mình làm trái thì tội rất nặng.
Thành: Nhưng vì miếng ăn, cuộc sống nên mình phải chấp nhận thôi. Hiện tại, điều đó rất là phổ biến.
Vĩnh: Có những công ty nhà nước thì có thể sẽ ít hơn những công ty vốn nước ngoài 100% nhưng em nghĩ những công ty đó ít thôi.
Thành: Đặc biệt là những công ty vốn của Đài Loan và vốn của Trung Quốc đầu tư vô. Họ “đè” người công nhân, họ bóc lột hơi bị nặng, tại mình có một số người bạn làm ở công ty Pouyuen đó và có nghe họ nói.
Chân Như: Qua những chia sẻ của các bạn vừa rồi thì chúng ta cũng có phần nào thấy được những khó khăn và những hạn chế của một người công nhân khi làm việc cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc ngay cho chính nhà nước. Đó cũng là lý do vì sao người công nhân nên có được quyền lập cho mình một công đoàn độc lập để nguòi đại diện đứng lên giành quyền lợi cho công nhân mình. Và đó cũng là phần II mà chân như sẽ cùng các bạn nói chi tiết hơn về vấn đề công đoàn độc lập. Bây giờ vì thời gian có hạn nên mỗi các bạn đây hãy nói lên điều ước của mình cho công việc hiện tại?
Châu: Trước khi nói về ước mơ thì cho mình nói qua một thực trạng mà nãy anh có hỏi là hiện nay ở chỗ làm việc có những bất công gì? Thì rõ ràng là hai bạn đã nói về công đoàn trong đơn vị kinh tế. Trong đơn vị hành chính nhà nước thì nó cũng có những bất công của nó. Ví dụ như người đứng đầu tổ chức sơ bộ đơn vị thì thường là vị trí chi bộ hoặc là chủ tịch thì người ta lại độc quyền sắp xếp ai là vị trí của chủ tịch công đoàn. Người ta yêu mến người này thì người ta sẽ thiên vị hơn, hoặc người ta ghét người kia, hoặc người kia có đúng đi nữa thì người ta vẫn có thể bố trí con đường bất lợi. Công đoàn lệ thuộc hoàn toàn vào đó. Mỗi năm xét thi đua, thường những người thẳng thắn và đặc biệt là người dân Nghệ An, Hà Tĩnh thì thường bị những chuyện là dù mình làm tốt đến bao nhiêu mà có vài lỗi nhỏ thì người ta sẽ tập trung vào đó còn người khác nguời ta thấy là bằng lòng hơn thì dù họ có thể làm lỗi nhiều hơn nhưng lại được bỏ qua. Người đứng đầu cơ quan nhà nước thì người ta thường chủ trì hội nghị, và người ta có thể lèo lái mọi chuyện theo hướng đó, cho nên tồn tại rất nhiều những bất công. Người làm tốt thì không được nâng lên người nịnh hót thì lại được. Vì thế, Châu có ước mơ là sắp tới thì mọi cái có thể phải thay đổi, và thay đổi càng nhanh càng tốt. Nếu như tình trạng này thì số công đoàn gần như là lệ thuộc và hình thức có thể nói là bù nhìn trong tổ chức đảng cho nên cũng khó để bảo vệ quyền lợi một cách chính đáng cho người lao động và công nhân viên chức.
Vĩnh: Ước mơ của em cũng đơn giản thôi. Em cũng muốn VN khi gia nhập vô những hội tổ chức quốc tế thì sẽ có những tiến bộ hơn so với bây giờ chứ em cũng không mong có thể bằng được quốc tế, nhất là những nước mà hàng đầu thế giới. Em cũng không mong hơn mà em chỉ mong là mức sống của người dân được đảm bảo hơn bởi tiền lương để giàn trả được đúng với mức lao động chứ không mập mờ. Thí dụ như công ty của em tới tháng lãnh lương, họ chỉ đưa cho em tờ giấy, ghi những khoản trong chứ họ cũng không cho biết là cách tính như thế nào. Em chì mong là sắp tới VN sẽ gia nhập TPP thì những điều khoản trong hiệp định đó sẽ giúp VN tiến bộ hơn một chút so với hiện giờ. Vậy là em mừng rồi.
Thành: Em uớc mơ sẽ có một tổ chức công đoàn hoạt động riêng, không liên quan đến liên đoàn nhà nước. Và em hy vọng tổ chức đó sẽ đứng về phiá người công nhân nhiều hơn và có tiếng nói mạnh hơn trước. Lúc đó công nhân mới có an tâm để mà làm việc, mới tạo ra thành quả lao động cho xã hội, cho một xã hội phát triển được ạ.
Cám ơn ba bạn Thành, Vĩnh và Châu đã dành thời gian đến với chương trình. Chúng ta hẹn vào kỳ tới để tiếp tục chia sẻ về những vấn đề công đoàn độc lập.
No comments :
Post a Comment