Bài học kỷ năng sống: cho các em tập đi mạnh dạn trên thủy tinh
Bộ Giáp dục và Đào tạo VN yêu cầu thu hồi cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1”, xuất bản năm 2014. Nhiều phụ huynh và học sinh lên tiếng đã đến lúc cần áp dụng giáo trình dạy kỹ năng sống một cách thực tiễn và hiệu quả. Hòa Ái tìm hiểu và trình bày trong phần sau.
Trong thời gian gần đây, nhiều phụ huynh và dư luận phản ánh gay gắt nội dung dạy học sinh vượt qua sợ hãi bằng cách đi trên thảm thủy tinh vỡ vụn trong cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2014.
Hậu quả và rủi ro khó lường
Mặc dù bộ sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh” đối với học sinh cấp tiểu học do nhóm Tâm Việt biên soạn chỉ là sách tham khảo, không phải là sách giáo khoa trong hệ thống giáo dục phổ thông nhưng các nội dung như đi trên thảm thủy tinh, lấy kim tiêm tự đâm vào tay sau đó tự xoa thuốc và băng bó vết thương hay học nhớ tên 5 hoa hậu thế giới…khiến cho những người làm cha mẹ có con ở độ tuổi đến trường lo lắng và hoài nghi về những kỹ năng sống như vậy có tạo ra sự lệch lạc hay phản tác dụng hay không? Đơn cử 1 trường hợp là các cháu nhỏ học lớp 1 sẽ không phân biệt sự nguy hiểm giữa thảm thủy tinh được “chuẩn bị kỹ lưỡng” khi thực hành ở trung tâm huấn luyện kỹ năng sống với những mảnh vỡ thủy tinh sắt nhọn từ bóng đèn hay chai lọ trong môi trường sống thực tiễn. Các cháu có thể dũng cảm ngang nhiên đạp lên những mảnh vỡ này và hậu quả của những rủi ro không thể nào lường được.
Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, Bộ GD-ĐT yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẩn trương thu hồi cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” hiện còn đang lưu hành trên thị trường, đồng thời yêu cầu Nhà xuất bản tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đã ấn hành quyển sách vừa nêu. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và những người quan tâm đến lãnh vực giáo dục nêu lên vấn đề Bộ GD-ĐT phải nghiêm túc thẩm định, kiểm duyệt những giáo trình giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh phổ thông.
Tìm hiểu và trao đổi với một số phụ huynh, họ cho rằng những cháu nhỏ ở lứa tuổi cấp tiểu học cần được học các kỹ năng như hòa đồng khi chơi chung với bạn, đối phó với người lạ ở nơi đông người ra sao, thất lạc người thân phải ứng phó như thế nào, khi gặp cháy nổ thì phải biết làm gì…Còn những học sinh ở độ tuổi trung học bày tỏ rằng các em muốn được học các kỹ năng sống ở trường, chẳng hạn như môn bơi lội để không bị đuối nước như nhiều bạn học cùng trang lứa gặp phải hàng ngày. Một học sinh ở thành thị vùng sông nước miền Tây Nam Bộ chia sẻ rằng ở trường không được học bơi nhưng lại không đủ điều kiện để tự học ở trung tâm bơi lội:
“Đăng ký học theo giờ bơi trong các trung tâm để giải trí, còn có nhu cầu học thì phải gặp riêng huấn luyện viên trong đó, tự bàn bạc giá cả, tự lo chứ không có giá chính thức gì hết”.
Đi trên thảm thủy tinh, lấy kim tiêm tự đâm vào tay sau đó tự xoa thuốc....Những người làm cha mẹ có con ở độ tuổi đến trường lo lắng và hoài nghi về những kỹ năng sống như vậy có tạo ra sự lệch lạc hay phản tác dụng hay không?
Trả lời câu hỏi của Hòa Ái nếu được lựa chọn học các môn kỹ năng sống theo khả năng và sở thích ở trường, nhiều bạn học sinh đều mong muốn như học sinh nữ này:
“Học bơi, học những cách thực tế, dã ngoại…Mong được học những môn này càng sớm, càng tốt, càng dễ hơn”.
Sinh hoạt hướng đạo
Đề cập đến các kỹ năng thực tế, dã ngoại khiến không ít người nghĩ đến sinh hoạt hướng đạo rất bổ ích trong việc hỗ trợ cho thanh thiếu niên. Ông Võ Thành Nhân định cư tại Maryland-Hoa Kỳ, hiện là Chủ tịch Hội đồng Trung ương Hướng đạo VN, nói với đài ACTD về mục đích của sinh hoạt hướng đạo:
“Mục đích của hướng đạo là làm thế nào để cung cấp một phương tiện hoặc một môi trường giáo dục cho trẻ em được phát triển một cách toàn diện, vừa về thể lực, vừa về tinh thần của các em có đức tính cao thượng để trở thành những người tốt, phục vụ cho tha nhân. Ngoài học đường thì hướng đạo tìm cách tạo môi trường để đào tạo cho các em từ lúc nhỏ đã có lý tưởng để khi các em trưởng thành sẽ trở thành những công dân hữu ích mà muốn trở thành những công dân thực sự hữu ích thì phải có kỹ năng”.
Mục đích của hướng đạo là làm thế nào để cung cấp một phương tiện hoặc một môi trường giáo dục cho trẻ em được phát triển một cách toàn diện, vừa về thể lực, vừa về tinh thần của các em có đức tính cao thượng để trở thành những người tốt, phục vụ cho tha nhânÔng Võ Thành Nhân
Sinh hoạt hướng đạo xuất hiện ở VN từ năm 1930, được chính thức thành lập và có hội viên tham gia từ năm 1957. Tổ chức Sinh hoạt hướng đạo VN luôn tuân thủ theo phương châm “Ngành Ấu là luôn gắng sức-Ngành Thiếu là sắp sẵn-Ngành Thanh là khai phá-Ngành Tráng là giúp ích”.
Chủ tịch đương nhiệm của Hội đồng Trung ương Hướng đạo VN trình bày cặn kẽ trong sinh hoạt hướng đạo có 4 nhóm gọi là “Ngành” : “Ngành Ấu” từ 5 đến 10 tuổi; “Ngành Thiếu”, từ 11 đến 18 tuổi; “Ngành Thanh”, từ 14 đến 21 tuổi; và “Ngành Tráng”, từ 18 đến 25 tuổi. Dựa theo độ tuổi và trong những điều kiện sống ở đia phương, nhu cầu tâm lý cũng như sự học hỏi của mỗi em mà các em được giúp phát triển một cách trọn vẹn. Sinh hoạt hướng đạo có những chương trình giáo dục cho từng em một. Các em Ấu sinh được học cách học vâng lời và học cách quan sát. Những em Thiếu sinh bắt đầu học các kỹ năng khó khăn và độc lập hơn cũng như tập sống và giúp đỡ nhau trong môi trường tập thể. “Ngành Thanh” thì các em được đưa ra khỏi môi trường sinh sống thân thuộc, học hỏi nhiều điều mới lạ để trở về phục vụ cho xóm giềng nơi mình sinh sống. Và “Ngành Tráng” học cách suy nghĩ chính chắn để vào đời, giúp ích cho xã hội. Ông Võ Thành Nhân nói thêm chi tiết về chương trình giáo dục trong sinh hoạt hướng đạo:
“Có những chuyên hiệu như chuyên hiệu cứu thương, chuyên hiệu biết nấu ăn, chuyên hiệu biết lập những lộ trình bằng bản đồ và la bàn để đi sống ngoài trời, chuyên hiệu về vấn đề thiên văn, chuyên hiệu biết sửa xe…Nhiều chuyên hiệu như vậy giúp các em biết làm thợ mộc, thợ hồ, nuôi cá…”
Mục đích của sinh hoạt hướng đạo là giúp phát triển về thể chất đồng thời phát triển về các kỹ năng sống cần thiết chung quanh cho thanh thiếu niên từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Thế nhưng kể từ tháng 5 năm 1975 cho đến nay, sinh hoạt hướng đạo không được công nhận và cấp phép hoạt động ở VN.
Câu hỏi dư luận đặt ra liệu rằng đã đến lúc sinh hoạt hướng đạo được chấp nhận hợp pháp ở VN và Bộ GD-ĐT cần cân nhắc hợp tác với Hội Hướng đạo trong việc hỗ trợ huấn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên để đào tạo những công dân tương lai thực thụ tháo vát, có lý tưởng cũng như trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và tổ quốc.
No comments :
Post a Comment