Buổi họp báo công bố kết quả điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào 8 giờ tối ngày 27 tháng 4. |
Kính Hòa, phóng viên RFA
Thảm họa môi trường với hàng tấn cá bị chết tại các tỉnh miền Trung, kéo dài đã gần một tháng. Sự phản ứng của các cấp chính quyền cho thấy có sự lúng túng khi phải giải quyết một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế, trong đó cuộc sống của người dân bị tổn hại nặng nề.
Mặt khác sự kiện Vũng Áng cho thấy vấn đề môi trường tại Việt Nam dù được nói đến từ lâu nhưng vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Ô nhiễm lần sau nặng nề hơn lần trước.
Mất công ăn việc làm, đời sống khó khăn, việc lớn như vậy mà thông tin không đầy đủ, bỏ qua.- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang
Một thời gian sau Đại hội đảng lần thứ 12, ông Nguyễn Phú Trọng được một nhà quan sát người Việt nhận xét là mặc dù vẻ bề ngoài của ông có vẻ mềm mỏng với Trung Quốc, nhưng những biện pháp của ông chống lại sự lấn át của Trung Quốc là cứng rắn. Nhận xét này làm tăng uy tín chính trị của ông trong người Việt Nam.
Nhưng sự cố môi trường ô nhiễm làm cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh làm ông mất đi uy tín chính trị đó, khi vào đúng thời điểm cá chết rất nhiều trên bãi biển, ông lại có mặt tại địa phương, thực hiện một chuyến tham quan các cơ sở công nghiệp, trong đó có nhà máy Formosa, bị tình nghi là nguyên nhân của thảm họa cá chết, nhưng ông Trọng không có lời phát biểu nào cả.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến hiện sống ở Hà Nội nhận xét về chuyến thăm Hà Tĩnh và thái độ của ông Trọng:
“Mất công ăn việc làm, đời sống khó khăn, việc lớn như vậy mà thông tin không đầy đủ, bỏ qua. Thậm chí, ông Nguyễn Phú Trọng, giữa lúc ấy đến nơi, không để tâm, không xem xét, không nói một lời nào, về chuyện đau khổ của dân vùng Hà Tĩnh, dân vùng Kỳ Anh, của đồng bào, mà lại đi thăm thú coi như là ở chỗ đấy có hàng kiểu mẫu, có thành tích thế nọ thế kia. Ông ấy vẫn tuyên truyền với một ý thức là bao che, những lấp liếm, những tội ác, những cái xấu của Trung Quốc.”
Cho đến hết tháng tư vẫn không thấy ông Trọng, người theo nguyên tắc là lãnh đạo cao nhất của hệ thống chính trị Việt Nam lên tiếng về thảm họa môi trường chưa thấy có kết thúc.
Các thông tin liên quan đến nhà máy Formosa được chính báo chí chính thống đưa ra liên tục làm người đọc đặt câu hỏi.
Một mặt các số liệu về môi trường trong các báo cáo vẫn nằm ở mức độ an toàn, nhưng mặt khác những số liệu này là của chính nhà máy cung cấp chứ không phải được quan trắc một cách độc lập.
Một quan chức nói rằng việc xả nước thải của Formosa là được phép, rồi sau đó một quan chức khác lại nói việc làm ống xả ngầm ra biển là bị cấm theo pháp luật Việt Nam.
Kỹ sư Lê Quốc Trinh, một người làm việc nhiều năm tại Canada trong ngành khai thác khoáng sản cho chúng tôi biết như sau:
"Nếu đường ống thải đồ sộ đó đưa ra biển hàng chục ngàn mét khối nước thải, thì chắc chắn cũng cần hàng chục ngàn mét khối nước tương đương lấy từ sông ngòi sạch sẽ trong vùng, điều này có làm mất cân bằng hệ sinh thái của nước ngọt trong tỉnh không? Họ không thể dẫn nước biển mặn vào chạy máy móc vì muối sẽ làm sét rỉ và đóng cặn trong thiết bị đắt tiền."
Ông Lê Quốc Trinh đặt nghi vấn là vấn đề ô nhiễm ở Vũng Áng không đơn thuần nằm trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật.
Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam
Từ nhiều chục năm nay, để chống ô nhiễm môi trường, hầu hết quốc gia trên thế giới đều đã đưa ra một yêu cầu để xét duyệt một dự án phát triển kinh tế. Đó là đánh giá tác động môi trường, thường do một cơ quan độc lập thực hiện để biết rằng dự án đó gây hại và thu lợi như thế nào, từ đó những người cầm quyền mới quyết định là có cho phép thực hiện dự án hay không.
Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp gắn bó lâu năm với vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận xét về đánh giá tác động môi trường tại Việt Nam.
“Đánh giá tác động môi trường của mình hiện nay, một khi một công ty, một tổ chức nào đó mới ra đời đều phải có đánh giá tác động môi trường hết, nói chung chỗ nào cũng có. Thế nhưng trong khi thực hiện, người ta vẫn có thể chạy chọt lo lót. Ví dụ như một công ty phải xử lý nước thải thì phải tốn rất nhiều tiền trước khi họ đưa nước thải ra sông ra suối. Những tổ chức của chính phủ, những công ty quốc doanh lại càng không xử lý. Họ để đến khi nào mà bên tài nguyên môi trường đi thanh tra, cho hay trước, ngày nào giờ nào thanh tra thì họ mới cho chạy cái bộ phận xử lý nước thải.”
Đánh giá tác động môi trường chẳng qua chỉ là hình thức, làm cái bình phong để thực hiện, chứ không phải là cánh cửa để đóng vào hay mở ra như ở các nước phát triển.- Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, người từng góp phần đưa đến việc hủy bỏ các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai vì tác hại xấu về môi trường của chúng, nói rằng trường hợp các đập thủy điện này không được xây dựng là hiếm hoi ở Việt Nam hiện nay vì tất cả các dự án lớn đều vượt qua được các báo cáo đánh giá tác động môi trường:
“Đánh giá tác động môi trường chẳng qua chỉ là hình thức, làm cái bình phong để thực hiện, chứ không phải là cánh cửa để đóng vào hay mở ra như ở các nước phát triển. Anh thấy ở Việt Nam với tình trạng tham nhũng vô độ như vậy, đồng tiền phủ đi mọi thứ, lòng tham của con người sẽ phá hoại môi trường, vì tiền mà người ta làm tất cả mọi thứ.”
Một trong số những dự án lớn bị chỉ trích là có thể gây tác hại rất xấu về môi trường, và thậm chí về kinh tế nhưng vẫn được tiến hành triển khai là dự án Bauxite ở Tây Nguyên.
Tại nước Trung Quốc láng giềng, có cùng mô hình chính trị như Việt Nam, sau chỉ hơn một phần tư phát triển đã mất đi một số lượng lớn nước ngọt để dùng, còn bầu không khí tại thủ đô Bắc Kinh thì liên tục nằm ở mức ô nhiễm nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc đã dẫn đến những cuộc biểu tình lớn. Và có nhiều nhà quan sát cho rằng tình trạng tệ hại về môi trường sẽ dẫn đến bất ổn xã hội, thậm chí làm Trung Quốc sụp đổ.
Thảm họa cá chết ở Vũng Áng dẫn đến cuộc biểu tình lớn ngày 1 tháng 5, trong đó có một vài xô xát, một vài người bị bắt.
Trong lúc này, về mặt chính trị có vẻ như các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện một phương cách để lấy lại uy tín chính trị sau khi im lặng quá lâu. Đúng hôm xảy ra cuộc biểu tình, các cán bộ cấp tỉnh của Đà Nẵng, Hà Tĩnh, cùng nhau xuống tắm biển và ăn cá biển nhằm trấn an dân chúng.
Còn về tương lai dài lâu của môi trường tại Việt Nam, làm sao để việc đánh giá tác động môi trường có thể trở thành một công cụ thực sự nhằm loại bỏ các dự án xấu cho môi trường, trong tình trạng tham nhũng và không có các tổ chức kiểm định độc lập?
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật nói rằng phải vượt được sự sợ hãi, chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận những ý kiến trái chiều.
Họ đang lúng túng không biết bênh vực Cty Formosa bằng cách nào ? Vụ này cũng chứng tỏ sự yếu kém trong công tác lãnh đạo và phản ứng chậm chạp khi có sự cố bất ngờ sẩy ra ?
ReplyDelete