Giáo dân xứ Cồn Sẻ, hạt Hòa Ninh, giáo phận Vinh đã xuống đường biểu tình đòi đóng cửa Formosa hôm 7/7/2016. |
Trong thời gian chỉ hơn 1 tháng, liên tục có những cuộc biểu tình của dân chúng ba tỉnh miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, biểu tình đòi môi trường trong sạch, phản đối những hành động hủy hoại môi trường của công ty thép Formosa tại Hà Tĩnh, đòi đóng cửa công ty này. Một điều đặc biệt là những cuộc biểu tình này có đại đa số người tham gia là giáo dân Công giáo. Đã có đàn áp xảy ra, và có đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.
Liên tục biểu tình vì môi trường
Ngày 7 tháng Bảy giáo dân tại Cồn Sẻ, tỉnh Quảng Bình biểu tình chống nhà máy Formosa, và xung đột có đổ máu đã xảy ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.
Ngày 30 tháng Bảy, hàng trăm ngư dân xã Nghi Thiết, Huyện Nghi Lộc, Tỉnh Nghệ An biểu tình chống việc đền bù đất đai không thỏa đáng, và chống một nhà máy xi măng ở đây gây ô nhiễm môi trường. Lực lượng chức năng đã đàn áp, nhiều ngư dân bị thương.
Ngày 7 tháng Tám nhiều ngàn giáo dân trên nhiều giáo xứ của ba tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp xuống đường tổ chức Một ngày vì môi trường, dọn dẹp vệ sinh, đồng thời biểu tình đòi nhà máy Formosa phải bị đóng cửa. Theo ghi nhận của đài RFA thì đã không có điều gì đáng tiếc xảy ra, mặc dù là lực lượng an ninh đã được triển khai rất đông đúc trên khắp ba tỉnh miền Trung.
Ngay sau khi vụ Cồn Sẻ xảy ra, Kỹ sư Lê Quốc Trinh, người có kinh nghiệm 40 năm làm trong ngành luyện kim tại Canada nói với chúng tôi rằng bằng những dự án không đoái hoài gì đến môi trường như Formosa, thì cuộc sống dân chúng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, xáo trộn xã hội là không tránh khỏi:
“Vậy cho nên vấn đề ô nhiễm môi trường tại sao lại tác động mạnh lên người dân, đến lúc mà họ chịu không nổi, con cái, người thân, chính bản thân mình, phải mang bệnh tật suốt đời chữa không được, họ phải lên tiếng. Thành ra xáo trộn xã hội là không tránh khỏi ở những nước nghèo và những nước theo chính sách gọi là đầu tư tối đa và bỏ qua vấn đề ô nhiễm môi trường.”
Sau cuộc biểu tình ở giáo phân Vinh xảy ra, Kỹ sư Phạm Phan Long, sáng lập viên của tổ chức Sinh Thái Việt tại Hoa Kỳ, trong email trả lời phỏng vấn của chúng tôi nói rằng các thảm hoại môi trường không những có thể gây ra những xáo trộn về xã hội mà còn có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính trị nữa.
Những cuộc biểu tình có tổ chức
Điều đặc biệt trong những cuộc biểu tình vừa qua có rất đông giáo dân Công giáo và được tổ chức rất trật tự.
Một người quan sát kỹ các sự kiện có tổ chức của người Công giáo trong thời gian gần đây là ông Nguyễn Vũ Bình, từng làm việc cho Tạp chí Cộng sản của Đảng cộng sản Việt Nam nói với đài RFA:
“Bên Công giáo họ có những lãnh tụ tinh thần, họ có tổ chức, thành ra một sức mạnh rất là ghê gớm. Những lãnh đạo tôn giáo, người ta đồng loạt bức xúc về môi trường và muốn giải quyết dứt điểm. Và người ta huy động giáo dân. Chỉ đơn thuần là vấn đề môi trường. Nhưng nếu nhà cầm quyền Việt Nam làm không khéo thì từ môi trường nó sẽ sang những chuyện khác. Bởi vì họ không thể giải quyết được vấn đề môi trường nếu họ không quyết tâm. Mà khi không giải quyết vấn đề môi trường mà lại dung cái cách thông thường là đàn áp, thì nó sẽ chuyển biến thành những cái vô cùng phức tạp.”
Không rõ quyết tâm giải quyết vấn đề môi trường từ phía cơ quan công quyền Việt Nam như thế nào, mặc dù ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang có lên tiếng rằng sẽ truy cứu trách nhiệm những người gây ra thảm họa cá chết tại Vũng Áng.
Cũng chưa có một lời cảnh báo nào từ phía những người cầm quyền ở Hà nội rằng tai họa môi trường có thể dẫn đến xáo trộn chính trị và xã hội, chỉ thấy ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng cộng sản có nói rằng vụ Vũng Áng có ảnh hưởng đến việc bầu cử Quốc hội, nơi có tuyệt đại đa số là đảng viên cộng sản. Còn trước ngày biểu tình lớn ở giáo phận Vinh, báo mạng Vietnamnet đưa tin rằng Đại tá Giám đốc công an Nguyễn Hữu Cầu của tỉnh Nghệ An nói trong cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh rằng rằng đảng Việt Tân, một tổ chức chính trị của người Việt tại hải ngoại đang xúi giục biểu tình.
Lên tiếng đáp trả lời buộc tội đó, ông Hoàng Tứ Duy, đại diện cho đảng Việt Tân viết trên mạng xã hội rằng nhà cầm quyền Việt Nam nên giúp đỡ nạn nhân của thảm họa môi trường đòi công lý và phục hồi nghề cá cho ngư dân chứ không nên chuyển hướng dư luận như vậy.
Việc xung đột giữa lực lượng an ninh Việt Nam với các cuộc biểu tình của giáo dân Công giáo không phải là diễn ra lần đầu tiên. Lần cuối cùng diễn ra có xung đột bạo lực là cũng tại giáo phận Vinh, xã Mỹ Yên, vào năm 2013. Lên tiếng sau vụ xung đột đó, Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp có nói với đài RFA rằng ông mong có một nhà nước đối thoại, một nhà nước pháp trị, và trong cảnh bạo lực xung đột giữa giáo dân và lực lượng an ninh, ông nhìn thấy cảnh một nhà nước bị mất, bị thiệt hại, chứ không phải là sự đau đớn thể xác của một vài cá nhân nào đó.
No comments :
Post a Comment