Nam Nguyên, phóng viên RFA
Chống tham nhũng là khẩu hiệu đầu môi chót lưỡi ở Việt Nam, tuy vậy cuộc chiến đấu này của Đảng Cộng sản đầy trắc trở, kết quả đạt được không đáng kể và tham nhũng như con quái vật nghìn tay, chặt tay này lại mọc cánh tay khác.
Chiến dịch trong sạch Đảng
Trước thực trạng nhân dân mất niềm tin vào Đảng Cộng sản, tổ chức độc tôn lãnh đạo toàn diện ở Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 ban hành đầu năm 2012 đã nhận thức tình trạng cấp bách và đặt ưu tiên về công tác xây dựng Đảng, thực chất là làm trong sạch đội ngũ Đảng.
Từ hơn 4 năm trước Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức tình trạng báo động của mình với lời lẽ bi thiết trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11. Xin trích nguyên văn đoạn này: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”
Nhìn từ bên ngoài, Tổ chức Minh bạch Quốc tế hồi đầu năm nay đã công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) năm 2015, theo đó điểm số của Việt Nam tiếp tục là 31/100 điểm, xếp hạng 112/168 trên bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu. Trên thực tế trong 4 năm liên tiếp từ 2012 tới 2015 Việt Nam giữ nguyên điểm số CPI 31/100 tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia mà khu vực công được đánh giá là tham nhũng nghiêm trọng.
Như vậy hết một nhiệm kỳ khóa 11 của Trung ương Đảng và Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn không có bước đột phá nào đáng kể. Tuy rằng, Tổ chức Minh bạch Quốc tế ghi nhận Việt Nam có một số nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng và tăng cường thực thi pháp luật, xét xử một số vụ án tham nhũng lớn mà Việt Nam gọi là các vụ án trọng điểm.
Trên báo chí và mạng xã hội, nhiều đảng viên trung kiên mong muốn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện quyết tâm chống tham nhũng một cách toàn diện, chứ không phải vì lấn cấn chỗ này chỗ kia mà chỉ làm một vài vụ để tuyên truyền.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện hoạt động như một luật sư nhân quyền ở TP.HCM nhận định:
“Đòi hỏi của xã hội, của nhân dân kể cả trong nội bộ Đảng cũng mong muốn là những vụ án gần đây cần phải làm tới nơi tới chốn. Như vụ AGV Mobiphone, vụ Núi Pháo, vụ Formosa rồi vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Vinaconex... Nếu không làm tới nơi tới chốn thì có lẽ uy tín của Đảng sẽ thiệt hại vô cùng lớn… và nguy cơ nội bộ Đảng chưa chắc gì họ thống nhất cao trước việc làm, yêu cầu không đến nơi đến chốn của trên... Cho nên trong phát biểu nhân ngày 2/9 của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có nói rằng, nếu ở nơi nào có ai đó nếu làm việc mà làm không đuợc thì nên nghỉ, hoặc là lãnh đạo phải cách chức ông đó đi… Đó cũng là một lời kêu gọi rất mạnh mẽ, đó cũng là ý nguyện, ý kiến của toàn Đảng toàn dân Việt Nam hiện nay.”
Sự cấu kết trong nội bộ Đảng
Lồng trong thời sự hiện nay là vụ ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang xin ra khỏi Đảng vài ngày trước khi Ban Bí thư Trung ương nhất trí khai trừ Đảng ông này. Ông Trịnh Xuân Thanh trở thành tâm điểm dư luận giữa cơn bão thời sự thảm họa môi trường Formosa. Bởi vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo các ban đảng và cơ quan chính phủ, phải điều tra làm rõ nghi án ông này chạy chức. Vụ việc dính líu tới ông Vũ Huy Hoàng nguyên Bộ trưởng Công thương thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số người khác.
Ngày 9/9/2016, báo điện tử Dân Trí dẫn lời ông Ngô Văn Minh đại biểu Quốc hội nói rằng, ông Trịnh Xuân Thanh không thể tự chọn chỗ cho mình. Ông Minh đã phát biểu bên lề phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị cơ quan chức năng phải làm tới nơi tới chốn vụ Trịnh Xuân Thanh và sự dính líu của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào khác. Vẫn theo lời đại biểu Ngô Văn Minh, phải làm rõ trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh trong vai trò quản lý nhà nước vào giai đoạn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí để xảy ra thua lỗ 3.300 tỷ đồng.
Theo lời đại biểu Ngô Văn Minh, Sau khi trở về làm việc ở Bộ Công thương, ông Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách 44 cán bộ luân chuyển mà vẫn vào được Hậu Giang làm Phó Chủ tịch tỉnh thì trách nhiệm của những ai phải làm cho rõ, bởi vì ông Trịnh Xuân Thanh không thể tự chọn chỗ cho mình.
Trong cương vị cao nhất Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là có hành động bất thường khi đưa ra một loạt chỉ đạo cho các cơ quan Đảng và Chính phủ để làm rõ vụ Trịnh Xuân Thanh, mà ban đầu chỉ là thông tin báo chí dọn đường dư luận, phát giác ông Phó Chủ tịch Hậu Giang đi xe tư đắt tiền nhưng gắn biển số xe công. Khi có hành động như thế tất nhiên ông Tổng Bí thư phải biết con ruồi Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang phải dẫn tới các con hổ ở trên núi cao Trung ương.
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ quyết tâm đến mức nào trong chiến dịch làm trong sạch Đảng thường được ví von là “Đả hổ diệt ruồi” phiên bản Việt Nam.
Trong dịp trả lời chúng tôi, TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động xã hội dân sự, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ở Hà Nội đã nhận định:
“Ông Nguyễn Phú Trọng muốn học ông Tập Cận Bình để đả hổ diệt ruồi, nhưng tình hình ở Việt Nam khác với Tàu. Ông Nguyễn Phú Trọng khó có thể tập trung quyền lực một cách thô bạo như Tập Cận Bình để mà làm được những việc của một nhà độc tài khủng khiếp như ông Tập Cận Bình. Nhiều khả năng, đây cũng lại là những việc làm cho xì bớt những bức xúc của người dân, rồi đâu cũng vào đấy… vì nếu mà đả hổ diệt ruồi hết cả Việt Nam thì là họ tự dẹp họ, nói chung là không khả thi.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và giới lãnh đạo ủng hộ ông đang đứng trước phép thử quyết tâm chống tham nhũng làm trong sạch Đảng. Hiện nay vụ Formosa, vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Núi Pháo, AGV Mobiphone hay Vinaconex tất cả đều cho thấy sự cấu kết nghiêm trọng của các nhóm quyền lực cùng quyền lợi của họ.
Giới phản biện thường gắn kết câu chuyện chống tham nhũng với thanh trừng nội bộ để thâu tóm quyền lợi cho nhóm của mình. Tuy vậy, trên một ý nghĩa nào đó diệt những con sâu mọt trong hàng ngũ đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một nhu cầu bức thiết cho Đảng và người dân của chế độ toàn trị.
No comments :
Post a Comment