Kính Hoà - Hoà Ái (rfa)
Địa phương đầu tiên ở Quảng Trị chi trả tiền bồi thường cho số nạn nhân chịu tác động bởi thảm họa môi trường Formosa gây ra.
Tin cho hay hôm nay Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bắt đầu thực hiện chi trả cho người dân tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạnh.
Có gần 260 đối tượng nhận được tiền bồi thường gốm các chủ tàu đánh cá và lao động trên các tàu đó. Số tiền bồi thường được cho biết tổng cộng gần 12 tỷ đồng.
Chủ tịch huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, ông Trần Hữu Hùng nhắc lại Vĩnh Linh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng do thảm họa môi trường gây nên bởi nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh thải hóa chất độc trực tiếp ra biển.
Thống kê của tỉnh Quảng Trị cho thấy tại tỉnh miền trung này có gần 2700 tàu thuyền với chừng 4800 lao động bị tác động, trên 825 héc ta nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, gần 16 ngàn lao động bị mất thu nhập do thảm họa môi trường Formosa gây ra. Số này sẽ nhận được chi trả theo quyết định 1880 mà thủ tướng Việt Nam ban hành.
Bộ trưởng Tài Nguyên - Môi trường Việt Nam, ông Trần Hồng Hà, hôm nay trước diễn đàn quốc hội ở Hà Nội lại khẳng định biển miền Trung Việt Nam đã an toàn.
Người đứng đầu ngành môi trường Việt Nam nhắc lại công bố của Bộ Tài nguyên - Môi trường hồi ngày 22 tháng 8 vừa qua, theo đó theo đánh giá có tham gia của tư vấn độc lập trong, ngoài nước, các viện thì môi trường biển những tỉnh xảy ra tình trạng hải sản chết hằng loạt do hóa chất độc hại đã an toàn.
Nguyên văn lời của ông Trần Hồng Hà được truyền thông trong nước trích dẫn là “một lần nữa chúng tôi khẳng định, môi trường biển an toàn từ tầng nước dư tới các tầng nước tới đáy, an toàn cho các hoạt động du lịch thể thao”.
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà hôm nay cho biết thêm đã kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có liên quan đến vụ Formosa. Khi có kết luận xử lý, kỷ luật cán bộ sẽ công bố cho người dân biết.
Liên quan vấn đề kỷ luật quan chức, hôm nay trong trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, bộ trưởng Bộ Nội Vụ, ông Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ phối hợp với Ban cán sự Đảng của Chính phủ và văn phòng Quốc Hội tìm biện pháp xử lý về mặt nhà nước đối với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Ông này cho rằng việc kỷ luật hành chính đối với ông cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là vấn đề khó vì chưa có tiền lệ. Tuy nhiên theo ông Lê Vĩnh Tân cũng phải tạo cơ sở hành lang pháp lý để đảm bảo xử lý nghiêm cán bộ công chức, kể cả người đã nghỉ hưu có sai phạm trong lúc còn đương chức.
Ông bộ trưởng nội vụ Lê Vĩnh Tân dùng từ ‘không thể có chuyện hạ cánh an toàn’ được cho để thể hiện quyết tâm chính trị và cảnh báo những quan chức đương thời.
Xin được nhắc lại, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã bị cách chức bí thư Ban cán sự đảng giai đoạn 2011-2016 do có những sai phạm bổ nhiệm trong thời gian giữ chức vụ này.
Hoàng tử William nước Anh hiện đang có chuyến thăm đến Việt Nam và hôm nay lên tiếng kêu gọi lãnh đạo Hà Nội cần tăng cường công cuộc chống hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam.
Hoàng tử William, công tước xứ Cambridge và là chủ tịch tổ chức United for Wildlife- tạm dịch Đoàn Kết vì Đời sống Hoang Dã, hôm nay có cuộc gặp với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Bản tin của hãng thông tấn AP dẫn nguồn từ văn phòng của hoàng tử William rằng ông đang chờ xem phía Việt Nam làm những gì trong việc giải quyết những thách thức về hoạt động buôn bán động vật hoang dã.
Ngày mai hoàng tử William tham dự hội nghị hai ngày được tổ chức tại Hà Nội bàn về vấn đề buôn bán động vật hoang dã phi pháp hiện nay trên toàn thế giới mà Việt Nam bị cho là một điểm trung chuyển lớn và cũng là nơi tiêu thụ ngà voi và sừng tê giác lậu.
Hàng năm có hơn 100 con hổ bị giết hại cũng như bị buôn bán bất hợp pháp và chỉ còn khoảng hơn 4.000 con trong rừng.
Đây là số liệu trong một bản báo cáo vừa được công bố vào hôm nay, ngày 16 tháng 11.
Bản báo cáo cho biết kể từ năm 2000 đến nay, ước tính trung bình mỗi năm có khoảng 110 con hổ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán động vật hoang dã; đồng thời cũng nêu lên tình trạng các quốc gia Đông Nam Á gia tăng việc nuôi hổ cho mục đích thương mại, mà trong đó Thái Lan, Lào và Việt Nam là những quốc gia nuôi hổ nhiều nhất thế giới.
Nội dung bản báo cáo vừa công bố sẽ được các chuyên gia, giới chức thảo luận trong hội nghị quốc tế về động vật hoang dã được khai mạc vào ngày mai, với sự tham dự của đại diện nhiều chính phủ, các tổ chức phi chính phủ cùng các nhà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã.
Các tổ chức bảo vệ động vật hy vọng hội nghị hai ngày ở Hà Nội tạo áp lực đối với các chính phủ trong việc nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn nạn buôn bán hổ cũng như đóng cửa các trang trại nuôi hổ.
Thiên tai có thể gây thiệt hại cho Việt Nam chừng 142 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng gần 7 tỷ đô la Mỹ.
Ngân Hàng Thế giới, World Bank, đưa ra tính toán như vừa nêu tại một hội nghị được tổ chức hôm qua ở Hà Nội. Định chế tài chính này chỉ rõ những thiên tai như bão tố, lụt lội, động đất trong vòng 50 năm tới sẽ là tác nhân gây ra những thiệt hại với tổng số được dự báo như vừa nêu.
Thiệt hại trung bình về mặt kinh tế do lụt lội và bão tố được ước tính chừng 0,8% tổng sản phẩm nội địa GDP.
Theo ước tính thì có chừng 60% vùng đất và 71% cư dân Việt Nam đối diện với nguy cơ bão tố và lụt lội.
Ông Sebastian Eckardt, kinh tế gia trưởng của Ngân Hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết định chế tài chính này và Thụy Sĩ cùng nhau hỗ trợ cho Việt Nam trong vấn đề tài chinh cho nguy cơ thiên tai, các giải pháp bảo hiểm thông qua công tác xây dựng mô hình về nguy cơ thiên tai.
No comments :
Post a Comment