Nông dân và con trâu cấy lúa trên một cánh đồng ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 16 tháng 2 năm 2017.
Lan Hương, phóng viên RFA
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu năm 2016 chỉ đạt 4,8 triệu tấn. Con số này không đạt mục tiêu so với kế hoạch Nhà nước đề ra là 5,4 triệu tấn/năm và giảm gần 2 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2015 và các năm trước đó. Ngoài ra, Nhà nước vừa rồi cũng tiến hành sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu giảm mạnh
Hiện tại, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan là những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 72% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, sau vài năm ổn định kim ngạch gạo xuất ra các thị trường thế giới thì đến năm 2016, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm rất mạnh. Theo đó, 2013, số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là 6,7 triệu tấn, năm 2014 là 6,5 triệu tấn, năm 2015 đạt 6,6 triệu tấn. Nhưng đến năm 2016 chỉ còn 4,8 triệu tấn, như vậy về số lượng giảm 25,5%, về giá trị giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 31/1/2017, lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp vào khoảng hơn 955.900 tấn.
Chuyên gia lúa gạo, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học An Giang nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
Thị trường gạo giờ không tốt như xưa, tức là Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan bây giờ đều có rất nhiều gạo. Trong khi đó Trung Quốc lại giảm nhập khẩu qua đường biên giới. Hiện giờ chỉ còn có Philippines chứ Malaysia cũng không nhập được bao nhiêu.
Cái thứ hai nữa là chất lượng gạo của Việt Nam cũng không đạt yêu cầu so với các loại gạo cùng chủng loại của Thái Lan, thành ra là người ta cũng chọn mua bên Thái Lan.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm vừa qua Việt Nam cũng phải đối mặt với áp lực từ thị trường Ấn Độ vì chất lượng gạo của quốc gia này rất tốt mà giá thành lại rẻ hơn Việt Nam. Chính vì vậy Ấn Độ đã ký kết được nhiều hợp đồng béo bở với Trung Quốc, Philippines cùng nhiều nước Trung Đông và Châu Phi. Ngoài ra, Giáo sư Xuân cũng cho biết thêm rằng hiện tại Thái Lan đang tồn dư khoảng 8 triệu tấn gạo, nên họ cũng đang tiến hành giảm giá gạo thấp xuống để xả kho, gây khó khăn cho Việt Nam về mặt cạnh tranh giá cả.
Gạo ở trong kho mình bán chưa hết mà gạo ở ngoài đồng hiện nay đã được thu hoạch, và nông dân thì muốn bán cho nhanh.
Trước tình hình xuất khẩu gạo đang gặp nhiều trở ngại trong năm qua, hôm 4/1 vừa qua Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã ký ký bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo và địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo và các quy định về tiêu chí lượng gạo xuất khẩu mà trước đó Bộ đặt ra nhằm hạn chế các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào cơ sở kinh doanh, máy móc thiết bị trong khi lượng gạo xuất khẩu đi không đạt chỉ tiêu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng cục Trồng Trọt bộ NNP-TNN có nhận định như sau:
Thị trường là yếu tố quyết định đến sản xuất đấy, nhưng thị trường hiện nay có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nó. Tuy nhiên thị trường luôn luôn là yếu tố khách quan, mà yếu tố khách quan đó không ảnh hưởng đến yếu tố chủ quan của người sản xuất.
Thị trường luôn luôn tiềm ẩn các yếu tố tiềm ẩn, nhưng nó vẫn phải tuân theo các quy luật của thị trường. Cầu thì luôn luôn tăng nhưng tăng theo yêu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy sản xuất lúa gạo vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nông dân, Chính phủ và ngành nông nghiệp.
Đâu là rào cản
Thu hoạch lúa tại làng quê tỉnh Bắc Thái, phía bắc Hà Nội hôm 1/10/2015. AFP photo
Chiều ngày 22/2 vừa qua có diễn ra buổi tọa đàm "Trao đổi với doanh nghiệp về định hướng sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP". Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhỏ gặp khó khăn, vướng mắc vì Nghị định này yêu cầu doanh nghiệp phải có ít nhất 01 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất 01 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Như vậy đây là rào cản cho những cơ sở sản xuất nhỏ, dù đã có giấy phép xuất khẩu. Giáo sư Xuân cho chúng tôi thêm thông tin:
Nghị định này được áp dụng trong thời có quá nhiều công ty xuất khẩu gạo, mà họ chỉ xuất khẩu bằng miệng, tức mua quota, sau đó bán quota mà không có nhà kho, sân phơi, đồng ruộng, nguyên liệu, nhà máy mà vẫn xuất khẩu gạo. Các nhà kinh tế thấy vậy mới kiến nghị phải quy định lại điều kiện để xuất khẩu gạo. Thì đặt ra nghị định này để những người chuyên mua quota không xuất khẩu được. Nhưng qua thời gian thì thấy rằng chính sách đó chưa có hợp lý. Bởi vì trong thực tế nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặc biệt, ví dụ gạo hữu cơ, gạo có chức năng dinh dưỡng, khách hàng của họ chỉ mua một lần vài ngàn tấn chứ không mua hàng chục ngàn tấn, nhưng bán không được.
Nghị định 109 quy định phải ủy thác cho công ty lớn hơn để xuất. Như vậy công ty sản xuất ra gạo không bán được vì người mua họ nói tôi phải qua tôi kiểm tra đồng ruộng của công ty này tôi mới duyệt, nhưng bây giờ lại đưa hóa đơn công ty khác xuất, tôi không biết công ty đó là ai, và gạo trong đó thế nào. Cuối cùng xuất không được.
Giáo sư Xuân chia sẻ thêm rằng giữa thời buổi hiện nay khi xuất khẩu gạo gặp rất nhiều khó khăn, tồn kho khối lượng lớn thì việc sửa đổi Nghị định này là rất hợp lý. Như vậy các doanh nghiệp nhỏ được khuyến khích đi tìm khách hàng để tự bán. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng việc sửa đổi cũng phải chú trọng làm sao để VFA không có quyền duyệt và cấp Quota. Hiện tại nhà nước đang xem xét các kiến nghị này để sớm đưa ra quyết định cuối cùng.
Cũng tại buổi tọa đàm này, Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn có lên tiếng phàn nàn rằng các chi phí mỗi lần xuất khẩu gạo đều rất cao, có khi lên đến 20.000 USD. Sau đó, ông này có điều chỉnh lại với báo giới rằng đó là mức giá lo mọi thủ tục xuất khẩu mà các công ty tư vấn đưa ra, công ty ông không bỏ ra số tiền đó. Đây có thể là lời cảnh báo về “góc tối” trong ngành xuất khẩu gạo, mà theo đó các doanh nghiệp phải chạy chọt để có thể đưa sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Trí Ngọc đưa ra nhận định về vấn đề này:
Về khách quan mà nói, anh chỉ muốn thị trường xuất khẩu lúa gạo nói chung phải được minh bạch, mọi việc rõ ràng. Tức là tất cả các doanh nghiệp đều được bình đẳng trước việc xuất khẩu lúa gạo, không bị ràng buộc nọ, ràng buộc kia để dẫn đến phải chạy chọt. Mà đã phải chạy chọt là sẽ dẫn đến tiêu cực, mà điều đó rất dễ xảy ra trong hoàn cảnh cung cầu không gặp nhau.
Năm 2016 là một năm có khá nhiều gian nan cho ngành gạo, tuy nhiên theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo năm nay 2017 cũng sẽ không có nhiều chuyển biến tích cực do kinh tế thế giới sút giảm, xu hướng tự túc lương thực hạn chế nhập khẩu và nhiều nguồn cung cấp lương thực giá rẻ gây nên. Như vậy lượng gạo tồn kho có khả năng tiếp tục tăng lên, vì theo ông Nguyễn Trí Ngọc, năm 2017 dự kiến sẽ là một năm nhiều triển vọng cho bà con trồng lúa:
Thời tiết khí hậu năm nay sẽ khác với năm ngoái vì vụ đông xuân năm nay thời thiết thuận lợi hơn, trong khi năm ngoái bị hạn mặn.
Cơ cấu giống, mùa vụ cũng có chuyển biến tích cực. Cơ cấu giống là theo hướng nâng cao chất lượng, còn cơ cấu mùa vụ là tập trung sản xuất vụ đông xuân, và hạn chế mùa vụ không mang hiệu quả cao, trong đó có vụ hè thu.
Hiện tại, ngoài gạo Thái Lan, gạo Nhật ra, gần đây gạo Hàn Quốc cũng đang tràn vào thị trường Việt Nam và được khá nhiều người dân ưa chuộng. Như vậy, tương lai ngành gạo không chỉ phải đối mặt với trở ngại thị trường xuất khẩu, mà còn cả thị trường trong nước.
No comments :
Post a Comment