Thanh Phương, rfi
Trong thời gian qua, dư luận Việt Nam đã rất phẫn nộ trước nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là những vụ đã bị tố cáo từ lâu nhưng cho tới nay thủ phạm vẫn chưa bị trừng trị. Thế nhưng, theo Liên Hiệp Quốc, các vụ được tố cáo chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục, mỗi 8 giờ lại có thêm một trẻ bị xâm hại tình dục. 93% thủ phạm là người quen của nạn nhân, 47% thủ phạm là họ hàng, người trong gia đình. Độ tuổi của nạn nhân đang giảm dần, từ 13-18 tuổi nay có cả những vụ mà nạn nhân chỉ từ 5-13 tuổi. Điển hình là vụ Nguyễn Khắc Thủy.
Năm nay đã 77 tuổi, nguyên là Giám đốc chi nhánh Bà Rịa Vũng Tàu của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Thủy vào tháng 06/2016 đã bị mẹ của một bé gái 6 tuổi ở Vũng Tàu tố cáo là đã nhiều lần có hành vi dâm ô đối với con gái chị. Nhưng theo công an Vũng Tàu, ngoài đơn tố cáo của chị Thủy, quá trình điều tra cho thấy 6 cháu bé khác cũng đã là nạn nhân của ông Thủy trong thời gian suốt từ 2012 đến 2016.
Mặc dù công an Vũng Tàu đã khởi tố vụ án từ tháng 08/2016, nhưng hơn 7 tháng sau đó vụ án vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí có dấu hiệu “chìm xuồng”. Dư luận phẫn nộ đến mức mà ngày 12/03 vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phải lên tiếng yêu cầu lãnh đạo Bộ Công An và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp “điều tra, sớm làm rõ và có kết luận về vụ việc”. Cho nên, ngày 15/03, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao mới vội ra thông báo yêu cầu khởi tố bị can Nguyễn Khắc Thủy và rà soát toàn bộ án dâm ô đối với trẻ em trên phạm vi cả nước.
Trước mắt có hai vụ khác cũng đang được dư luận quan tâm. Thứ nhất là vụ một bé gái 7 tuổi ở Thủ Đức bị một người đàn ông xâm hại ở trường tiểu học Lương Thế Vinh, theo tố cáo của người mẹ. Nhưng Phòng Giáo Dục quận Thủ Đức khẳng định không có vụ xâm hại tình dục học sinh diễn ra tại trường này. Có điều, dữ liệu của camera ở vị trí bé gái bị xâm hại thì lại bị mất đúng vào khoảng thời gian mà người đàn ông nói trên bị tố cáo xâm hại tình dục. Hiện vụ việc vẫn đang được công an quận Thủ Đức điều tra.
Một vụ khác đó là vụ một bé gái 8 tuổi ở Hà Nội bị hàng xóm xâm hại tình dục vào đầu tháng 1, theo tố cáo của người mẹ. Công an địa phương đã triệu tập nghi can lên, nhưng sau đó lại cho về. Và nghi can này đã cùng vợ con chuyển khỏi nơi cư trú. Chỉ sau khi có “chỉ đạo” của phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, ngày 16/03 vừa qua, công an Hà Nội mới cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam nghi can nói trên về tội “Dâm ô trẻ em”.
Thế nhưng, theo Liên Hiệp Quốc, các vụ được tố cáo chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và không ai biết được mức độ thật sự của bạo lực tình dục đối với trẻ em trai và gái ở Việt Nam. Tình hình đã trầm trọng đến mức mà ngày 17/03 vừa qua, tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam đã ra thông cáo bày tỏ mối “quan ngại sâu sắc” về các vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng lan rộng ở Việt Nam, mà phần lớn các vụ xâm hại này vẫn chưa được tố cáo hoặc chưa được chính quyền xử lý thỏa đáng.
Nhân đây chúng tôi xin mời quý vị nghe bài phỏng vấn với cô Nguyễn Thị Y Duyên, chuyên gia về bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam, để biết thêm quan điểm của Liên Hiệp Quốc về vấn đề này.
RFI: Thưa chị Nguyễn Thị Y Duyên, Liên Hiệp Quốc nói chung và UNICEF nói riêng có nhận định gì về tầm mức của các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay?
Nguyễn Thị Y Duyên: Trong tuyên bố ngày 17/03/2017, Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về các vụ xâm hại trẻ em ngày càng lan rộng, mà phần lớn các vụ này vẫn chưa bị tố cáo hoặc chưa được chính quyền xử lý thỏa đáng. Vì vậy Liên Hiệp Quốc kêu gọi các cơ quan chính phủ liên quan, với tư cách là các cơ quan có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo quyền của trẻ em được quy định tại Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ Em (mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 1990), bảo vệ tất cả mọi trẻ em khỏi các hình thức bạo lực và xâm hại.
Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, cứ bốn trẻ em lại có một em là nạn nhân của xâm hại và có mỗi năm ít nhất là 1.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị tố cáo. Nhưng thực ra các số liệu đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và chúng ta không biết được mức độ thật sự của bạo lực tình dục đối với trẻ em trai và gái ở Việt Nam, vì phần lớn các nạn nhân vẫn giữ yên lặng suốt đời. Mặc dù chưa có các số liệu chính thức, các con số ước tính đã liên tục cho thấy mức độ đáng báo động về tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.
RFI: Theo LHQ, theo UNICEF, vì sao cho tới nay vẫn có ít thủ phạm xâm hại tình dục bị đưa ra trước pháp luật để xử lý?
Nguyễn Thị Y Duyên: Thực ra thì số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị tố cáo vẫn ít hơn thực tế, do các gia đình không dám tố cáo, vì họ sợ hãi, họ xấu hổ hoặc sợ bị cộng đồng chỉ trích phê phán, cũng như là họ sợ ảnh hưởng đến tương lai của con họ sau này, nhất là nếu đấy là con gái, vì họ sợ ảnh hưởng sau này đến việc có bạn trai, việc lập gia đình. Mặt khác, có những gia đình không tin là họ có thể được hỗ trợ, cho nên họ ít báo cáo. Số vụ được báo cáo ít như thế cũng dẫn đến việc những vụ được xử lý cũng ít.
Nguyên nhân thứ hai là ngay cả những vụ được báo cáo, thì việc báo cáo cũng bị muộn và cũng không những bằng chứng để kết án. Ở Việt Nam hiện nay, ngoài bằng chứng trên cơ thể nạn nhân, còn có những bằng chứng về việc ghi hình. Thực ra ở Việt Nam hiện nay có rất ít trường học hoặc gia đình lắp camera để theo dõi, giám sát. Đa số đều không có, đặc biệt là ở vùng nông thôn, những biện pháp theo dõi bằng ghi hình lại là hoàn toàn không có.
Do nhận thức của người dân còn chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc tố cáo bằng bằng chứng, nên khi sự việc xảy ra, mọi người chưa có ý thức là phải tố cáo ngay, để có thể thu thập những chứng cứ kịp thời. Khi không có chứng cứ thì thật khó khăn cho công tác điều tra và kết án.
Nguyên nhân thứ ba là sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn chưa hiệu quả. Hiện nay chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng giữa các đơn vị liên quan về một vụ xâm hại trẻ em, giữa các cán bộ bảo vệ trẻ em, cán bộ hội phụ nữ, hoặc là công an. Thông thường đây là những người tiếp nhận những thông tin đầu tiên. Bên cạnh đó là kiểm sát và tòa án. Giữa các đơn vị này hiện vẫn chưa có những quy định rõ ràng về phối hợp, vì vậy dẫn đến những lúng túng trong việc xác minh, giám định, đánh giá, cũng như hoàn thiện hồ sơ và kết tội.
Một điểm nữa là hiện nay, các luật sư hầu như chưa được vào cuộc ngay từ đầu, vì vậy không có vai trò của họ trong việc bảo đảm tính khách quan, thu thập chứng cứ đầy đủ để kết tội, vì vậy việc kết án là cực kỳ khó khăn. Đặc biệt hiện nay cũng chưa có những quy định về giám định khẩn cấp đối với những vụ tố giác xâm hại tình dục, để đảm bảo là điều tra có chứng cứ.
Khi gia đình tố cáo vụ xâm hại tình dục của một bé thì đơn vị nhận được tố cáo đó, do không có quy định về giám định khẩn cấp, cho nên nếu nhận vào thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật, là họ lúng túng, không biết đưa đi đâu để có được giám định khẩn cấp đối với những vụ đó.
Một nguyên nhân cũng rất là quan trọng, đó là trình độ đội ngũ cán bộ giám định kỹ thuật hình sự không đồng đều. Hiện nay, Việt Nam đang thiếu các giám định viên giỏi, dày dặn kinh nghiệm để thực hiện giám định các vụ xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều cơ quan điều tra thì không có những điều tra viên chuyên về các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Hiện nay cũng chưa có trình tự, thủ tục riêng cho các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
No comments :
Post a Comment